Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Phạm Lê Vương Các - “Giã biệt sinh viên luật”

Phạm Lê Vương Các - “Giã biệt sinh viên luật” 



Phạm Lê Vương Các
Cách đây khoảng hơn 1 tháng có một cô gái học ở một trường Trung cấp nhờ mình trợ giúp pháp lý để khởi kiện ra Tòa về việc cô ấy bị nhà trường cho thôi học. Mình thấy cái vụ này hay hay, chưa có tiền lệ nên tìm hiểu thử có thể giúp cho cô ấy khởi kiện ra tòa được không. Tuy nhiên sau khi đọc hồ sơ thì mình được biết cô ấy bị buộc thôi học vì lý do nhiều lần vô lễ với giáo viên.
Và khi tiếp xúc với cô ấy thì mình đánh giá được phần nào về cô ấy nên mình cũng không theo đuổi vụ này, mà chỉ tư vấn cho cô ấy biết “’Quyết định buộc thôi học” do Hiệu trưởng ban hành không phải là Quyết định hành chính hay Hành vi hành chính, nên không thể khởi kiện theo Luật Tố Tụng Hành Chính được, mà chỉ có thể khiếu nại trực tiếp đến người ra Quyết định, rồi sau đó khiếu nại tiếp lên Cơ quan chủ quản của trường đó hoặc Bộ Giáo dục.
Ấy vậy mà hôm nay đến lượt mình phải đối mặt với việc bị buộc thôi học. Vào sáng nay, ngày 3/10 trường Đại học Luật TP.HCM ra thông báo mình có tên trong Danh sách “sinh viên dự kiến bị buộc thôi học”.
Theo như thông báo thì được biết lý do mình bị buộc thôi học vì rơi vào trường hợp “có điểm trung bình chung tích lũy đạt dưới 1,60 đối với sinh viên năm thứ ba“. Trong khi kết thúc năm thứ ba thì mình chỉ đạt được điểm trung bình chung tích lũy là 1,54 theo hệ số tín chỉ của thang điểm 4.
Mình cố gắng tìm kiếm Căn cứ vào đâu để nhà trường áp dụng cho việc buộc thôi học này, thì được thấy tại điểm b, khoản 1, Điều 16 của Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT ban hành ngày 15/8/2007 quy định về trường hợp sinh viên bị buộc thôi học khi: “Có điểm trung bình chung tích lũy đạt dưới 1,20 đối với sinh viên năm thứ nhất; dưới 1,40 đối với sinh viên năm thứ hai; dưới 1,60 đối với sinh viên năm thứ ba hoặc dưới 1,80 đối với sinh viên các năm tiếp theo và cuối khoá.“
Nếu áp dụng Quy định này để tiến hành buộc thôi học đối với trường hợp của mình, thì mình không có gì phải thắc mắc. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thì mình được biết quy định này hiện nay đã hết hiệu lực.
Cụ thể là vào ngày 27/12/2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 57/2012/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ kèm theo Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 2 năm 2013.
Trong đó, Điều 16 của Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 16. Cảnh báo kết quả học tập, buộc thôi học
1. Cảnh báo kết quả học tập được thực hiện theo từng học kỳ, nhằm giúp cho sinh viên có kết quả học tập kém biết và lập phương án học tập thích hợp để có thể tốt nghiệp trong thời hạn tối đa được phép theo học chương trình. Việc cảnh báo kết quả học tập của sinh viên được dựa trên các điều kiện sau:
a) Điểm trung bình chung tích luỹ đạt dưới 1,20 đối với sinh viên năm thứ nhất, dưới 1,40 đối với sinh viên năm thứ hai, dưới 1,60 đối với sinh viên năm thứ ba hoặc dưới 1,80 đối với sinh viên các năm tiếp theo và cuối khoá;
Tuỳ theo đặc điểm của từng trường, Hiệu trưởng quy định áp dụng một hoặc hai trong ba điều kiện nêu trên để cảnh báo kết quả học tập của sinh viên và quy định số lần cảnh báo kết quả học tập, nhưng không vượt quá 2 lần liên tiếp.
2. Sau mỗi học kỳ, sinh viên bị buộc thôi học nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Có số lần cảnh báo kết quả học tập vượt quá giới hạn theo quy định của Hiệu trưởng;”
Như vậy, căn cứ vào Thông tư 57/2012/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ kèm theo Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT thì mình chỉ bịcảnh báo về kết quả học tập” sau khi học xong năm học thứ ba, để giúp cho mình biết mà điều chỉnh khắc phục kết quả học tập của mình.
Thế nhưng trường Đại học Luật TP.HCM “chưa thông qua việc cảnh báo, cũng như chưa một lần cảnh báo về kết quả học học tập” của mình, mà lại đưa mình vào danh sách dự kiến buộc thôi học (và sẽ có quyết định chính thức buộc thôi học sau ngày 15/10) là trái với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ các căn cứ đó và với những gì đã xảy ra giữa mình và trường Đại học Luật TP.HCM trong thời gian qua, đã làm mình phải liên tưởng và suy nghĩ nhiều…
Mình đem sự việc này trình bày với một người bạn đồng môn, người này cho rằng các nhận định nêu trên của mình là phù hợp và khuyên mình nên khiếu nại trước. Sau đó mình cũng tham khảo ý kiến của một Luật sư để có thể đưa vụ việc này ra tòa sau khi có quyết định chính thức không, Luật sư này nhận định tuy khônng khởi kiện hành chính được, nhưng vẫn có thể đưa vụ việc này ra tòa vì nó là “Quan hệ Dân sự”.
Thế nhưng, đến chiều tối thì Ba mình biết chuyện, khuyên ngăn mình không nên biến việc nghỉ học của mình mang “màu sắc chính trị”, làm ồn ào ra thì mình cũng chẳng được “đẹp mặt” gì trong việc này.
Ba mình bảo: “coi như mình không có duyên để gắn bó với hoạt động liên quan tới pháp luật. Thôi thì bây giờ cứ nghỉ học đi, lo mà tập trung học Anh ngữ”.
Ba mình còn cười nói như thách thức: “còn có hàng trăm tác phẩm kinh điển của triết học Phương Tây của thời kỳ khai sáng chưa có ai dịch sang Việt ngữ kìa, nó đang đợi con đó”.
Thấy lời Ba nói cũng chí lý. Chắc trong thời gian tới, mình sẽ kiếm một góc ngã tư nào đó ở Sài Gòn để ngồi mỗi ngày. Trước là để hành nghề chạy xe ôm khi có yêu cầu để nuôi được cái bao tử qua ngày, sau đó là tranh thủ lúc thời gian rảnh rỗi khi ế khách mà học Anh Văn và quan sát dòng người ngược xuôi để lấy đó là nguồn cảm hứng cho nghiệp viết của mình. Rồi tối thứ 2 và thứ 6 sẽ mò vô trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn theo chân triết gia Bùi Văn Nam Sơn để “học đạo”.
Nhưng trước mắt, ngày mai lên trường nộp đơn kiếu nại xem thử nhà trường sẽ nói gì. Hy vọng là mình sẽ sai, còn hơn là việc trường dạy luật áp dụng sai văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với mình, việc học luật đúng nghĩa không bao giờ là có đích, bởi lẽ mọi tri thức về luật pháp hiện nay vẫn không đủ để mang đến sự công bằng mà chỉ giúp cho mọi người có niềm tin vào Công lý.
Giờ đây đối với mình, nếu có hay không có quyết định buộc thôi học thì vẫn vậy, vì mình đã từng nói về Công lý, và mình sẽ tiếp tục nói về Công lý không phải bằng hiểu biết luật pháp mà dựa vào nhân phẩm và tự do của con người.
Xin giã biệt “tác giả hiện đang là sinh viên luật năm thứ 3 ở trường Đại học Luật TP.HCM”! Chào mừng đến với “tác giả hiện đang hành nghề chạy xe ôm ở Sài Gòn”.
Phạm Lê Vương Các
Admin gửi hôm Thứ Sáu, 04/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131004/pham-le-vuong-cac-gia-biet-sinh-vien-luat
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001