Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

RFA - Chuyện người dân bắt trói 5 công an

RFA - Chuyện người dân bắt trói 5 công an 

   at 10/11/2013 08:50:00 AM

RFA

Hình ảnh các công an bị người dân trói lan truyền 
trên trang mạng xã hội facebook hôm 08/10/2013. - Photo courtesy of dantri.com
Ngày 8/10 năm nhân viên công lực tại tỉnh Hòa Bình bị người dân bắt trói. Việc người dân dùng bạo lực đối đầu với chính quyền và với nhau đã trở nên phổ biến tại Việt Nam.

Một xã hội đầy bạo lực...

Báo chí Việt Nam đưa tin là vào ngày 8/10 rằng, năm công an của tỉnh Hòa Bình bị dân làng ở xã Kim Bôi bắt trói và giữ trong nhà văn hóa của xóm Bôi Câu trong gần ba giờ đồng hồ. Nguồn cơn của sự việc là ngày hôm trước, dân làng đã vây bắt những người đào đãi vàng gây ô nhiễm môi trường, mà việc này đã kéo dài rất lâu trước đó, cho nên sau khi lực lượng chức năng xuống khu vực xảy ra sự việc thì dân làng đã bắt giữ những viên công an này nhằm làm áp lực để cơ quan công quyền giải quyết những chuyện lộn xộn về đào đãi vàng ở địa phương của họ.

Bắt giữ người đã là phạm pháp, đằng này lại còn bắt giữ nhân viên công lực. Tại sao người dân lại thực hiện một hành động như thế?

Nhà Văn Đại tá Phạm Đình Trọng, người gần đây có những phát biểu phản đối những sự bất hợp lý trong cơ chế quyền lực hiện tại và về sự lạm quyền thời nhân văn giai phẩm, nói với chúng tôi:
“Chính quyền người ta làm những việc chống lại nhân dân cho nên nhân dân người ta bức xúc dồn nén nhiều rồi. Ví dụ như ở Văn Giang đấy, bây giờ người ta phải ra đồng giữ đất, cái sự dồn nén của người dân đến từ nhiều chuyện khác nữa anh ạ.

Chính quyền dùng bạo lực với dân quá phổ biến và trở thành bình thường. Việc đó trở thành một khuôn mẫu ứng xử của xã hội thì bây giờ người dân người ta cũng ứng xử như thế thôi. - Đại tá Phạm Đình Trọng

Cái này nó báo động một sự việc nghiêm trọng, đó là một xã hội bạo lực. Một xã hội bạo lực đang thắng thế và cái sự thắng thế này nó bắt đầu từ chính quyền. Chính quyền sử dụng bạo lực với dân, chính quyền đạp lên pháp luật. Pháp luật đó không có tác dụng, bây giờ người ta noi gương chính quyền mà sử dụng bạo lực. Chính quyền dùng bạo lực với dân quá phổ biến và trở thành bình thường. Việc đó trở thành một khuôn mẫu ứng xử của xã hội thì bây giờ người dân người ta cũng ứng xử như thế thôi.

Một điều hết sức nguy hiểm là cái xã hội Việt nam Văn hiến không còn cư xử với nhau theo đạo lý nữa.”

Theo lý thuyết đấu tranh giai cấp của đảng cộng sản thì lực lượng an ninh nói riêng và các lực lượng vũ trang nói chung là công cụ trấn áp để chống lại các lực lượng giai cấp khác ngoài giai cấp công nông của đảng cộng sản. Tuy vậy, khi lên cầm quyền, và nhất là khi đảng công nông chấp nhận nền kinh tế tư bản, được cho là có bóc lột, thì dường như thành phần công nông, tức là nông dân và công nhân lại thường xuyên là đối tượng trấn áp của các công cụ vũ trang của đảng cộng sản.

Việc trấn áp này đặc biệt xảy ra thường xuyên nhằm vào những nông dân bị mất đất trong thời gian nhiều năm qua, như trường hợp nông dân ở Văn giang mà Đại tá Trọng đề cập. Bạo lực đã bùng nổ chống lại cơ quan công quyền trong thời gian qua với đỉnh điểm là một người dân ở Thái Bình dùng súng bắn chết cán bộ địa chính.

Một nông dân ở Văn Giang đã nói với đài Á châu tự do như sau về tình thế của họ hiện nay,
“Dân bị đẩy vào ngõ cụt rồi. Phía bên họ dựa vào chính quyền để đàn áp dân, ‘tức nước vỡ bờ’ thì phải quyết chiến, người dân đã đến đường cùng, chả còn cách nào khác.”

... và vô cảm

Hai "cẩu tặc" bị dân Đồng Hới-Quảng Bình 
đánh gần chết hôm 25/10/2012. Photo courtesy of nld.com

Ngoài những xung đột với cơ quan công quyền một cách trực diện, người dân đã dùng bạo lực để đối với nhau mà không cần đến pháp luật. Trong sự việc mà chúng tôi nêu lên ở xã Kim Bôi kể trên, người dân đã đứng ra vây bắt những người đãi vàng trộm. Những vụ dân làng đánh chết những kẻ ăn trộm chó trong những năm qua thậm chí đã được các hãng thông tấn nước ngoài đưa tin. Mà người dân không cảm thấy mình phạm pháp, họ điềm nhiên đứng ra ký nhận việc đánh chết kẻ trộm, và chính quyền cũng không thể làm gì được.

Lý thuyết bạo lực cách mạng cùng với đấu tranh giai cấp là xương sống của các chế độ cộng sản, và được dạy cho trẻ em trong nhà trường phổ thông. Nhà văn Tạ Duy Anh có lần phát biểu với một hãng tin nước ngoài: "chúng tôi được giáo dục để tiến thẳng thành quỷ sứ.”

Những ý niệm trừu tượng về giai cấp và kinh tế chính trị thì không rõ được người dân hiểu như thế nào và được thể hiện như ra sao trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước Việt Nam ngày nay, nhưng bạo lực thì đã thấy rất rõ, và cách mạng, theo ý nghĩa tốt đẹp của từ này, thì dường như không thấy đâu.

Khi được hỏi về nguyên nhân của mô hình bạo lực trong xã hội và rằng liệu có giải quyết nào để giải quyết được điều đó, nhà văn Đại tá Phạm Đình Trọng nói tiếp,

“Một xã hội mà nó duy trì một điều bất hợp lý là một đảng cầm quyền dùng bạo lực thì không thể thay đổi được. Tức là đảng, chính quyền hiện nay tồn tại bằng bạo lực với dân, thế thì chính quyền tồn tại bằng bạo lực thì xã hội nó tồn tại bằng bạo lực thôi.”

Nhưng việc tồn tại duy nhất một đảng cầm quyền lại được khẳng định bởi các nhà lãnh đạo hiện nay. Như cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đã từng khẳng định rằng việc xóa bỏ điều bốn của Hiến pháp qui định sự độc tôn cầm quyền của đảng cộng sản là tự sát. Ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim tổng bí thư đảng cầm quyền gần đây tuyên bố rằng cương lĩnh đảng đứng trước Hiến pháp, bộ luật gốc của quốc gia.

Khi chúng tôi đang viết những dòng này thì nhiều nông dân làng Trịnh Nguyễn, nơi cơ quan công quyền và nông dân đối đầu nhau lâu nay về đất đai, đã bị bắt cóc trên đường đi một cách xuất kỳ bất ý. Có vẻ như một trận đánh thắng lợi nữa của công an và của bạo lực cách mạng lại đang diễn ra như cách đây vài năm Đại tá Nguyễn Hữu Ca tuyên bố một trận đánh đẹp khi tấn công vào khu vực nuôi tôm của nông dân Đoàn Văn Vươn.

Lại bạo lực và bạo lực. Liệu một nhà nước pháp quyền mà đảng tuyên bố hướng tới lâu nay có thành hiện thực hay lại trở thành một xã hội kiểu Lương Sơn Bạc?
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/10/rfa-chuyen-nguoi-dan-bat-troi-5-cong-an.html
=======================================================================
Dân bắt trói 6 cán bộ đang thi hành công vụ



|
Ảnh Dân Trí
Ảnh Dân Trí
6 người bị bắt trói gồm 3 cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Công an tỉnh Hòa Bình, 2 cán bộ Công an H.Kim Bôi và một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; trước đó một ngày, một trưởng thôn cũng bị bắt trói nhưng đã tự cởi trói ra về.
Vụ việc nói trên xảy ra tại thôn Bôi Câu, xã Kim Bôi, H.Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình vào tối 8.10. Có mặt tại đây hôm qua 10.10, PV Thanh Niên ghi nhận không khí khá căng thẳng.
Theo thông tin PV thu thập được, sáng 7.10, khoảng 100 người dân thôn Bôi Câu đã hô hào nhau ngăn chặn những người đang đào đãi vàng trái phép trên sông Bôi. Do số người đãi vàng bỏ trốn, người dân đã thu giữ tại bãi đào đãi vàng 2 sàng, 3 máy xúc, 1 ô tô tải.
Bí thư chi bộ và trưởng thôn Bôi Câu cùng chính quyền xã Kim Bôi đã có mặt tại hiện trường giải thích, vận động nhưng người dân không nghe. Tiếp đó, người dân đã hô hào bắt trói trưởng thôn Bôi Câu là ông Bùi Văn Dùng; nhưng sau đó ông Dùng đã tự cởi dây trốn thoát. Đoàn công tác của xã Kim Bôi đã chủ động rút, đồng thời vận động trưởng, phó thôn và chi bộ thôn này lánh khỏi địa bàn để đảm bảo an toàn.
Trong thời gian từ 17 – 19 giờ ngày 7.10, hàng trăm người dân tiếp tục bắt giữ, mang máy móc thiết bị của nhóm đào vàng nói trên đưa về để tại sân vận động thôn Bôi Câu. Trong đêm 7.10, người dân tiếp tục tập trung tại nhà văn hóa thôn, đánh kẻng báo động 10 phút/lần cho đến sáng 8.10.
Đầu giờ chiều 8.10, tổ công tác gồm 8 người của công an tỉnh, huyện về làm việc nhưng người dân vẫn không đối thoại. Đến khoảng 19 giờ 30 phút, nhiều người dân bị kích động đã xông vào bắt trói 6 cán bộ, trong đó có 3 cảnh sát môi trường, 3 cán bộ huyện gồm 2 công an và 1 cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường.
Trao đổi với Thanh Niên vào chiều qua, ông Bùi Việt Hưng, Phó chủ tịch UBND xã và là cán bộ trong đoàn công tác cho biết, 6 cán bộ nói trên bị dân bắt trói trong khoảng 15 phút rồi được người dân thả ra, không ai bị hành hung đánh đập.
Khai thác vàng dưới danh nghĩa tận thu cát sỏi?
Theo ông Bùi Việt Hưng, sự bức xúc của người dân thôn Bôi Câu không phải bột phát mà tích tụ từ lâu do nghi ngờ việc làm thiếu minh bạch của một số cán bộ thôn. Ông Hưng cho biết từ tháng 8.2013, Chi bộ thôn Bôi Câu đã ra nghị quyết về khai thác tận thu cát sỏi ở sông Bôi nhằm tạo nguồn kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi và tài sản chung của thôn. Nghị quyết này đưa ra nội dung “định giá” việc tận thu là 90 triệu đồng và thuê một doanh nghiệp tư nhân ở thị trấn Bo, H.Kim Bôi thực hiện.
Tuy nhiên, “trong khi chưa có thông báo chính thức của UBND huyện hay xã thì ngày 2.10, doanh nghiệp đã cho tập kết máy móc tại khu vực sông Bôi, lập lán trại cho công nhân ở và tổ chức khai thác, gây ra bức xúc trong dân và đến ngày 7.10 thì xảy ra sự cố”, ông Hưng cho biết.
Theo ông Bùi Việt Thắng, một người dân trong thôn, thì doanh nghiệp mang danh nghĩa là tận thu cát sỏi nhưng thực chất là mang máy móc để đãi vàng, bằng chứng là dân phát hiện nhiều phương tiện để lấy vàng. Tuy nhiên, chính quyền thôn xã không có một động thái nào để ngăn chặn dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp.
Theo quan sát của PV Thanh Niên, tại khu vực nói trên, chỉ trong vòng 5 ngày, từ 2.10 đến ngày xảy ra sự việc, cả bãi sông rộng hàng trăm mét vuông đã bị cày xới ngổn ngang sỏi đá, nhiều nơi thành những hố sâu hoắm. Theo ông Thắng, các hố này là do người đào vàng dùng máy xúc móc lên để tìm vàng.
Ông Thắng cho biết thêm, từ trước đến nay sông Bôi đã nhiều lần bị các nhóm khai thác vàng trái phép dùng máy cuốc đào bới, dân đuổi chỗ này thì chạy sang chỗ khác. Trước đây, sông Bôi vào mùa này cạn, người dân có thể dễ dàng lội sang bãi bên kia để thu hoạch ngô, nhưng do tình trạng đãi vàng trái phép nên đã tạo ra nhiều hố sâu, trong năm 2011 đã có 3 người dân bị sa vào hố chết đuối.
Chính quyền thôn có sai sót
Trong báo cáo nhanh của UBND H.Kim Bôi ngày 9.10 cho biết, sự việc xảy ra tại thôn Bôi Câu là do người dân bức xúc trong một số vấn đề chưa được chính quyền thôn, xã giải quyết thỏa đáng từ trước đây.
Cụ thể, trong cuộc đối thoại ngày 9.10, người dân thôn Bôi Câu đã yêu cầu chủ tịch UBND xã, bí thư chi bộ và trưởng, phó thôn xin lỗi, tập trung vào các nội dung: làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc cho khai thác khoáng sản trái phép; không công khai thu chi chương trình xây dựng nông thôn mới hằng năm và đề ra mức đóng góp cao; năm 2010, chính quyền thu của mỗi người dân 20 kg thóc để xây tượng đài liệt sĩ, đến nay tượng đài chưa có nhưng cũng không giải thích cho dân biết; một số cán bộ đảng viên và người nhà có thái độ cử chỉ, lời nói không đúng mực với nhân dân.
Theo ông Bùi Việt Hưng, trong cuộc đối thoại với dân, chính quyền thôn, xã đã xin lỗi dân và tiếp tục cho kiểm điểm trách nhiệm theo quy định.
Thái Sơn (Thanh Niên)
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/80450/dan-bat-troi-6-can-bo-dang-thi-hanh-cong-vu/2013/10
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001