Truyện ngắn: Hoàng Nhật - Văn minh xí xổm
Hoàng Nhật
"Giờ thì giữa cái hố xí này và con... Bố chọn đi!!!".
***
Chiều hè nắng chang chang, Gấu bố đang phiêu bồng trong giấc mơ hồi xuân thì bỗng từ đâu tiếng gọi dịu dàng như nước mắm pha chanh ớt bỏ thêm ít dấm của Gấu mẹ làm ông phải giật mình thức giấc.
"Oắt dờ heo dít gâu ging on?" Ông buột mồm câu tiếng Anh trọ trẹ, dấu hiệu chưa kịp hoàn hồn về nhân gian.
"Heo cái thủ heo của ông ý". Gấu mẹ nổi giận.
"Ông không mau ra mà can ngăn thằng con ông đi, nó đang vác búa chuẩn bị đập nát cái hố xí nhà mình ra kia kìa!".
"Cái gì? Thằng này lâu ngày không ăn đòn nên vật à? Mà cái hố xí có tội tình gì mà nó đòi phá?" Gấu bố hốt hoảng ôm cái bụng phệ vẫn chưa tiêu hết bia và thịt chó từ bữa nhậu lúc trưa chạy vào nhà vệ sinh.
Gấu con đang cầm một chiếc búa tạ đập bê tông đứng nhìn chằm chằm vào cái bệ xí xổm thấp lè tè, ánh mắt anh tóe lên những tia lửa đỏ như Sao Hỏa nung trong bếp than tổ ong.
Gấu bố lo cho cái thái độ bất bình thường của thằng con trai thì ít, mà lo cho số phận cái xí xổm thì nhiều. Không chỉ đơn thuần là nơi trút bầu tâm sự, nó còn là biểu tượng trụ cột của ông trong cái nhà này.
Thử hỏi con người khác con vật ở điểm nào? Và tại sao chúng ta lại
đứng lên thống trị địa cầu mà không phải một loài nào khác như voi ma
mút, con lười hay hổ răng giáo?
Đơn giản vì con người có một thứ mà các loài khác không có, đó là nền văn minh.
Khi những giống vượn người đầu tiên bước ra từ trong hang đá, vươn vai một cái rồi lại... đi vào, họ đã có nền văn minh tối cổ.
Mười nghìn năm trước, con người biết tự canh tác lúa nước, xây dựng đê điều thủy lợi và sống định canh định cư thay cho kiếp phiêu bạt nay đây mai đó, họ đã chuyển sang nền văn minh lúa nước.
Học sinh thời nay thay vì tiên học lễ, hậu học văn đã nâng cấp lên thành "oánh nó trước, phải trái tính sau", với những màn lột quần, lột áo, lột cả cóc-xê của nhau. Chúng thể hiện tinh thần chia sẻ rất cao khi rút điện thoại ra record lại toàn bộ màn "thượng võ" rồi up lên Youtube cho dân tình vào bàn tán, xã hội thì chỉ biết lên án còn bố mẹ đổ lỗi cho nhà trường. Đấy là nền văn minh 3G.
Hơn ba mươi năm trước, một mình Gấu bố đã tự tay xây dựng nên căn nhà khang trang giữa ruộng mương hẻo lánh, mà điểm nhấn đặc biệt và cũng là niềm tự hào nhất của ông, cái xí xổm. Đó là thứ mà những người hàng xóm lạc hậu xung quanh chưa hề biết đến hoặc đã biết nhưng không đủ trình độ để cất một cái. Với ông, cái xí xổm là một phát kiến vĩ đại của nhân loại, có thể sánh tầm với bóng đèn điện của Thomas Edison hay thuyết tương đối của Enstein. Ông chẳng biết ai sáng chế ra nó, nhưng chắc hẳn đó phải là một người đã hết sức chịu đựng với những cái hố xí hai ngăn bốc mùi nghi ngút vào những ngày nắng, âm ỉ những ngày mưa và bung tỏa khắp đêm trăng sáng vằng vặc. Xí xổm giải phóng con người khỏi thiên nhiên hoang dã, là phát súng khơi mào cho một thế giới không có biogas, để đến thời nay mới có một ngành công nghiệp sản xuất bếp gas, các cửa hàng cung cấp gas và các bác tài chở gas phóng nhanh vượt ẩu gây ra biết bao vụ tai nan giao thông mỗi ngày.
Ông tự hào gọi mình là một công dân tiên phong của nền văn minh xí xổm.
***
"Giờ thì giữa cái hố xí này và con... Bố chọn đi!!!". Gấu con tức giận khi bị Gấu bố lao vào can ngăn.
"Thằng này hôm nay nóng quá nên "ấm" rồi hả con? Tự dưng đòi đập bể hố xí, rồi lại bắt bố mày chọn giữa mày và nó. Thế là thế nào?". Gấu bố cố dằng chiếc búa khỏi tay thằng con.
"Con đã nhẫn nhịn bao nhiêu năm nay. Mỗi khi con đề nghị, thậm chí là năn nỉ bố hãy từ bỏ cái văn minh xí xổm lỗi thời của bố để mà "quá độ" bằng một cái xí bệt sạch sẽ, hiện đại hơn... Con luôn ngậm ngùi im lặng mỗi khi bố ca bài ca "các anh các chị giờ tân tiến hiện đại nên quên hết truyền thống". Nhưng lần này tức nước vỡ bờ rồi, đến cả chị Dậu còn có lúc vùng lên. Bố quyết định đi, một là phá bỏ, hai là cứ giữ lấy nó mà chờ đến lúc cái nhà này tuyệt tự." Gấu con nức nở.
"Các anh các chị giờ hiện đại tân tiến rồi nên coi thường truyền thống lạc hậu của chúng tôi... Ơ mà sao tự nhiên lại có vấn đề tuyệt tự ở đây?" Thằng con trai bữa nay khiến Gấu bố đi hết từ thắc mắc này đến ngạc nhiên nọ.
Chỉ chờ có vậy, Gấu con mở hết những ấm ức trong lòng bấy lâu ra như thác nước tuôn trào, như mưa rào tháng bảy, như dân chảy lộc đêm giao thừa. Vậy là một cuộc tâm sự giữa hai người đàn ông thuộc hai thế hệ đã bắt đầu trong cái nhà vệ sinh cũ rích gạch men và hoen ố do thấm nước.
Gấu con đang có ý định tiến tới hôn nhân với một cô gái. Người yêu
anh xinh xắn, đôi chân dài miên man như đại lộ Thăng Long, mái tóc bồng
bềnh óng mượt như vừa đi hấp dầu về, thực ra đúng là nàng hấp dầu thật.
Nếu đã tính chuyện nghiêm túc thì bắt buộc anh phải đưa nàng về thăm nhà và ra mắt bố mẹ. Không muốn nàng thất vọng khi bước chân vào ngôi nhà cũ rích xây bằng xi măng cát nên Gấu con đã phải rào đón trước rằng "nhà anh không được đẹp đẽ như tình anh".
Vậy mà cuối cùng mọi việc vẫn diễn ra vô cùng tồi tệ, vượt quá cả dự trù của anh. Khởi đầu bằng nụ cười khó hiểu của nàng khi nhìn bao quát cả ngôi nhà từ ngoài cổng. Xếp nó vào dạng cười khinh miệt thì hơi oan cho nàng, nhưng nếu là một cái cười trừ ái ngại thì cũng không hẳn. Phụ nữ vốn là một giống rất khó hiểu, nụ cười của họ còn khó hiểu gấp vạn. Như bên châu Âu có bức tranh nàng Mona Lisa, đáng giá mấy chục triệu đô la cũng chỉ bởi vì cái nhếch mép quá bí hiểm của cô người mẫu mà giới học giả đã mất hàng bao thế kỷ vẫn không cắt nghĩa nổi. Để rồi cuối cùng họ đặt ra cái giả thiết rằng Mona Lisa thực ra là đàn ông, một gã đẹp mã nào đó làm trợ lý cho Leonardo de Vinci. Từ đó họ suy đoán Leo là dân đồng tính. Các nhà khoa học là thế đấy, họ nghiên cứu cả đời để chứng minh cho một luận điểm để rồi sẵn sàng tự vả vào mồm mình nhân một ngày đẹp trời nào đó.
Nụ cười thứ hai khi nàng ngắm qua một lượt trần nhà đầy vết nấm mốc do thấm nước mỗi khi trời mưa. Nụ cười thứ ba kèm theo một cái nhíu mày khe khẽ là lúc nàng mục sở thị gian bếp tối tăm, ẩm ướt dù đã được lau dọn sạch sẽ. Mỗi lần nàng cười, anh lại toát mồ hôi trong tim còn chân tay thì run lẩy bẩy như tẩu hỏa nhập ma, trong đầu anh cứ ám ảnh cái suy nghĩ chẳng biết nàng có thất vọng với cái tổ ấm tương lai của mình hay không.
Nụ cười thứ tư, khi một con chuột vô tình chạy qua chân nàng làm gián đoạn bữa trưa lãng mạn của họ, cũng chưa làm mọi thứ trở nên nghiêm trọng. Sự việc chỉ bắt đầu tồi tệ khi nàng kêu đau bụng, mà Gấu con đoán nguyên nhân là do món rau muống luộc chưa được rửa sạch. Mẹ anh vẫn thường hay nhặt rau xong rồi quên không rửa, cứ thế mà cho vào tủ lạnh, tệ hơn cả là sự đãng trí lại mang tính di truyền.
Nàng e thẹn xin phép vào nhà vệ sinh, anh đứng dậy tận tình đưa nàng đến tận nơi, mở cửa nhà vệ sinh cho nàng. Một phần vì đó là bổn phận của đàn ông, một phần vì anh không muốn nhận thêm một nụ cười nữa khi nàng phát hiện ra bản lề ở cái cửa đã lung lay lắm rồi.
"Cái nhà vệ sinh này... dùng thế nào vậy anh?".
Nàng đảo mắt một lượt, tay chỉ vào cái xí xổm thấp lè tè lát đá ong màu ngọc bích cũ xỉn. Người ngoài chắc sẽ tưởng nàng hỏi đùa, nhưng anh biết nàng sinh ra đã được hưởng "nền văn minh xí bệt", những cái xí xổm như thế này chắc nàng mới chỉ nhìn thấy trong sách giáo khoa môn sức khỏe lớp một hoặc trên kênh Discovery (Phóng sự Loài người và sự tiến hóa của nhà vệ sinh)
"Giống như xí bệt thôi, nhưng mà em phải...ừm... ngồi xổm". Anh tỏ ra ái ngại.
"Thế còn... giấy vệ sinh đâu?". Sắc tố trên da mặt nàng đã bắt đầu chuyển từ màu xanh sang màu xám.
Vậy là đoạn cao trào của vở bi hài kịch cũng đã đến. Như một cô giáo trẻ đỏ mặt với bài giảng giáo dục giới tính cho lũ trai mới lớn, anh bắt đắc dĩ phải giới thiệu cho nàng một "nền văn minh cổ đại" mang tên xí xổm. Phải cố gắng lắm anh mới lọc ra được những từ ngữ tế nhị nhất để giải thích rằng đường ống của xí xổm nhỏ hơn xí bệt rất nhiều, lại không có hệ thống giật nước nên không thể dùng giấy vệ sinh vì nếu vứt xuống sẽ tắc cống. Tất cả "quy trình" phải được thực hiện bằng... vòi xịt nước và ngón tay trỏ.
Sau một hồi lắng nghe bài giảng về cách sử dụng xí xổm, có trích dẫn kiến thức vệ sinh dịch tễ và lịch sử thế giới hiện đại, mặt nàng đã chuyển sang trắng bệch, dài thườn thượt như bánh dầy ngấm nước.
"Em thấy hết đau bụng rồi, bọn mình quay lại bàn ăn đi". Nàng đề nghị.
Từ đó trở đi, nàng rơi vào trạng thái im lặng đáng sợ, dù anh đã sử dụng mọi chiêu gợi chuyện, thậm chí cả chương trình M!Scandal(Hẹn hò cùng sao Hàn) yêu thích của nàng cũng không thể khiến đôi môi tươi tắn kia động đậy. Phụ nữ vốn là một cái đài phát thanh chạy bằng năng lượng vĩnh cửu, luôn làm việc hết công suất bất kể ngày đẹp trời hay khi thời tiết xấu, từ Thị Nở cho đến Paris Hilton, từ chị bán rau bán cá đến bà hoàng bà chúa. Thế nên khi phụ nữ im lặng tức là tình hình đang cực kỳ tình hình. Thường những lúc như thế này, họ đang vấp phải một luồng suy tư ghê lắm, một vấn đề khiến họ phải dồn hết năng lượng từ thanh quản lên não để tập trung tìm cách giải quyết. Hoặc cũng có thể chỉ vì họ đang phật ý, đang thất vọng về một điều gì đó, một điều không được như họ tưởng, nói theo ngôn ngữ văn chương thì là vỡ mộng. Giống như một cô gái đổ gục trước một chàng trai vì tính cách nhã nhặn và đứng đắn của anh ta, để rồi ngay sau khi nhận lời yêu nhau thì việc đầu tiên anh ta làm lại là sờ vào ngực cô.
So với sự im lặng bất tận này thì nụ cười khó hiểu ban nãy mới tuyệt vời làm sao, Gấu con cay đắng thầm nghĩ. Đêm đó, anh gặp ác mộng bị cuốn trôi dưới một cái xí xổm, chỉ có sự yên lặng đáng sợ bao trùm.
***
"Bố có ý kiến thế này, đơn giản hơn nhiều mà không phải thay hố xí, đó là... mày bỏ quách con bé đấy đi. Đời này thiếu gì đàn bà đâu mà sợ ế. Con Bạo nhà bà Hành bán bún đậu đầu ngõ cũng được đấy, tuy nó chưa tốt nghiệp cấp hai, lại hay cãi láo người lớn nhưng mà gặp mẹ mày thì hạt trấu cũng nấu thành gạo tám thơm con ạ". Gấu bố đưa ra "giải pháp" sau khi nghe ông con kể lể hươu nai.
"Đến cái mức như thế này rồi mà bố vẫn không chịu tiếp thu. Chính vì cái tính bảo thủ khư khư cái cũ đấy nên bao nhiêu năm nay bố vẫn chỉ là ông nhân viên quèn, mãi chẳng leo lên nổi cái chức trưởng phòng."
'A! Giờ mày lại còn khinh cả bố mày nữa cơ à? Giỏi thật, công lao bao nhiêu năm nuôi nấng để giờ nó khinh bố nó. Mày lại quên lời dạy của thần tượng "Bin-Gết" của mày rồi à?".
Đó là một trong những câu nói bất hủ của Bill Gates - thần tượng của Gấu con, nguyên văn là "Bố mẹ bạn đã phải nhận lấy sự "chán ngắt, vô vị" để đổi lấy sự trưởng thành, tân tiến của bạn ngày hôm nay".
Tình cờ Gấu bố đọc được câu này trên một tạp chí Công nghệ, ông đã viết lại theo dạng chữ thư pháp và đóng khung kính to đùng treo giữa phòng khách như biển báo Phủ Khai Phong. Mỗi khi thằng con trai gân cổ cãi bố, ông chỉ vào đó mà nhắc nhở: "Đừng cãi lời Bin-Gết".
"Thôi được rồi, đã đến mức nghĩa tử tương tàn thế này thì con cũng chẳng còn cách nào khác. Con sẽ ra ngoài thuê nhà và lấy vợ, sinh con. Những đứa cháu của bố sẽ được ngồi xí bệt và bố đừng hòng được bế chúng".
"Có giỏi thì đi luôn đi, đừng về nữa cũng được".
Gấu bố mặt đỏ gay như tôm luộc, ra chiều bực tức lắm.
"Hình như bố con ông quên mất tôi rồi thì phải".
Gấu mẹ đã xuất hiện từ lúc nào, đứng chen giữa hai bố con như một vị trọng tài quyền anh ngăn cách hai võ sỹ đang hăng máu. "Tôi có cần nhắc ông nhớ rằng trong cái nhà này thì quyền lực được phân chia theo luật cờ vua không? Theo đó thì tôi - Nữ Hậu mới là người có quyền quyết định, còn ông chỉ là Vua Béo trốn sau lưng chiến sĩ thôi". Bà trợn mắt nhìn ông.
"Lại đến lượt bà nữa, đừng quên là hồi mới về làm vợ tôi, bà đã trầm trồ khen cái hố xí này như thế nào nhá".
"Đúng là hồi đó tôi đã hết lời khen ngợi sự tân tiến của ông, nhưng con mình nó nói cũng đúng. Mỗi thời đại mỗi khác, ông phải chấp nhận sự thật là chúng ta đã già nua, lạc hậu rồi. Hãy tiếp thu những cái mới đi. Ngày xưa ông cũng từng cãi nhau với ông nội nó vì cái hố xí hai ngăn đấy thôi".
"Ồ! Thì ra là thế, thế ra nó là vậy". Gấu con vẻ mặt tự mãn như vừa bắt quả tang tội phạm.
"Còn cả mày nữa đấy, con ạ". Gấu mẹ đột ngột quay sang anh. "Con phải đánh giá lại chất lượng ISO Hai mươi bảy k của con bé kia xem thế nào đi. Nếu nó thực sự yêu con, muốn sống với con cả đời thì nó sẽ không từ bỏ chỉ vì một cái xí xổm đâu".
Lời Gấu mẹ nói khiến anh thấy chột dạ.
***
"Em sẽ không bỏ anh chỉ vì một cái xí xổm đâu".
Nàng khẳng định, đến hôm nay thì sắc mặt nàng đã hồng hào trở lại và nụ cười thì tươi như hoa.
"Thật hả?". Gấu con mừng rỡ. "Thế mà anh cứ sợ..."
'Anh sợ cái gì? Sợ em làm tắc toilet nhà anh chắc". Nàng cười lớn. "Anh không phải lo gì hết. Lúc đấy em hơi choáng thôi, lần đầu tiên nhìn thấy xí xổm mà. Nhưng không sao cả, vì em đã nghĩ ra cách giải quyết vấn đề rồi. Chỉ cần trang bị thêm một cái thùng rác thật kín là có thể dùng giấy vệ sinh vô tư mà".
Vậy mà xưa nay anh chưa hề nghĩ ra, đôi khi một rắc rối to đùng có thể giải quyết bằng một phương án thật đơn giản. Gấu con tự đập một phát rõ đau vào trán mình.
***
Mùa thu năm đó, gia đình nhà Gấu đón thêm một thành viên mới. Đám cưới của Gấu con và Gấu con dâu được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, không có ông cha sứ nào hỏi họ rằng "Hai con có hứa sẽ luôn bên nhau dù giàu hay nghèo, dù khỏe mạnh hay đau ốm, dù ngồi xí bệt hay xí xổm..."
Ngôi nhà được sơn lại sạch sẽ, một vài chiếc cửa sổ được xây thêm, những gì hỏng hóc đã được sửa hoặc thay mới. Cuối cùng Gấu bố cũng chịu nhượng bộ, đập bỏ cái xí xổm - niềm tự hào cả đời của ông, để thay thế bằng một chiếc xí bệt sáng loáng. Ban đầu ông tỏ ra khó chịu, nhưng "nỗi niềm giải quyết" đã nhanh chóng chiến thắng tự ái đàn ông, giờ thì ông đã hoàn toàn giác ngộ "văn minh xí bệt".
Chiếc thùng rác nắp kín chưa kịp đưa vào sử dụng đã trở nên thừa thãi, nhưng Gấu mẹ vẫn đặt nó trong phòng khách, phía dưới tấm phướn Lời dạy của Bill-Gates, như một chiến tích đánh dấu sự chuyển giao giữa các nền văn minh.
Hoàng Nhật
Hà Nội - 24.03.2011
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Bảy, 05/10/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131005/truyen-ngan-hoang-nhat-van-minh-xi-xom
=======================================================================
Chiều hè nắng chang chang, Gấu bố đang phiêu bồng trong giấc mơ hồi xuân thì bỗng từ đâu tiếng gọi dịu dàng như nước mắm pha chanh ớt bỏ thêm ít dấm của Gấu mẹ làm ông phải giật mình thức giấc.
"Oắt dờ heo dít gâu ging on?" Ông buột mồm câu tiếng Anh trọ trẹ, dấu hiệu chưa kịp hoàn hồn về nhân gian.
"Heo cái thủ heo của ông ý". Gấu mẹ nổi giận.
"Ông không mau ra mà can ngăn thằng con ông đi, nó đang vác búa chuẩn bị đập nát cái hố xí nhà mình ra kia kìa!".
"Cái gì? Thằng này lâu ngày không ăn đòn nên vật à? Mà cái hố xí có tội tình gì mà nó đòi phá?" Gấu bố hốt hoảng ôm cái bụng phệ vẫn chưa tiêu hết bia và thịt chó từ bữa nhậu lúc trưa chạy vào nhà vệ sinh.
Gấu con đang cầm một chiếc búa tạ đập bê tông đứng nhìn chằm chằm vào cái bệ xí xổm thấp lè tè, ánh mắt anh tóe lên những tia lửa đỏ như Sao Hỏa nung trong bếp than tổ ong.
Gấu bố lo cho cái thái độ bất bình thường của thằng con trai thì ít, mà lo cho số phận cái xí xổm thì nhiều. Không chỉ đơn thuần là nơi trút bầu tâm sự, nó còn là biểu tượng trụ cột của ông trong cái nhà này.
Đơn giản vì con người có một thứ mà các loài khác không có, đó là nền văn minh.
Khi những giống vượn người đầu tiên bước ra từ trong hang đá, vươn vai một cái rồi lại... đi vào, họ đã có nền văn minh tối cổ.
Mười nghìn năm trước, con người biết tự canh tác lúa nước, xây dựng đê điều thủy lợi và sống định canh định cư thay cho kiếp phiêu bạt nay đây mai đó, họ đã chuyển sang nền văn minh lúa nước.
Học sinh thời nay thay vì tiên học lễ, hậu học văn đã nâng cấp lên thành "oánh nó trước, phải trái tính sau", với những màn lột quần, lột áo, lột cả cóc-xê của nhau. Chúng thể hiện tinh thần chia sẻ rất cao khi rút điện thoại ra record lại toàn bộ màn "thượng võ" rồi up lên Youtube cho dân tình vào bàn tán, xã hội thì chỉ biết lên án còn bố mẹ đổ lỗi cho nhà trường. Đấy là nền văn minh 3G.
Hơn ba mươi năm trước, một mình Gấu bố đã tự tay xây dựng nên căn nhà khang trang giữa ruộng mương hẻo lánh, mà điểm nhấn đặc biệt và cũng là niềm tự hào nhất của ông, cái xí xổm. Đó là thứ mà những người hàng xóm lạc hậu xung quanh chưa hề biết đến hoặc đã biết nhưng không đủ trình độ để cất một cái. Với ông, cái xí xổm là một phát kiến vĩ đại của nhân loại, có thể sánh tầm với bóng đèn điện của Thomas Edison hay thuyết tương đối của Enstein. Ông chẳng biết ai sáng chế ra nó, nhưng chắc hẳn đó phải là một người đã hết sức chịu đựng với những cái hố xí hai ngăn bốc mùi nghi ngút vào những ngày nắng, âm ỉ những ngày mưa và bung tỏa khắp đêm trăng sáng vằng vặc. Xí xổm giải phóng con người khỏi thiên nhiên hoang dã, là phát súng khơi mào cho một thế giới không có biogas, để đến thời nay mới có một ngành công nghiệp sản xuất bếp gas, các cửa hàng cung cấp gas và các bác tài chở gas phóng nhanh vượt ẩu gây ra biết bao vụ tai nan giao thông mỗi ngày.
Ông tự hào gọi mình là một công dân tiên phong của nền văn minh xí xổm.
"Giờ thì giữa cái hố xí này và con... Bố chọn đi!!!". Gấu con tức giận khi bị Gấu bố lao vào can ngăn.
"Thằng này hôm nay nóng quá nên "ấm" rồi hả con? Tự dưng đòi đập bể hố xí, rồi lại bắt bố mày chọn giữa mày và nó. Thế là thế nào?". Gấu bố cố dằng chiếc búa khỏi tay thằng con.
"Con đã nhẫn nhịn bao nhiêu năm nay. Mỗi khi con đề nghị, thậm chí là năn nỉ bố hãy từ bỏ cái văn minh xí xổm lỗi thời của bố để mà "quá độ" bằng một cái xí bệt sạch sẽ, hiện đại hơn... Con luôn ngậm ngùi im lặng mỗi khi bố ca bài ca "các anh các chị giờ tân tiến hiện đại nên quên hết truyền thống". Nhưng lần này tức nước vỡ bờ rồi, đến cả chị Dậu còn có lúc vùng lên. Bố quyết định đi, một là phá bỏ, hai là cứ giữ lấy nó mà chờ đến lúc cái nhà này tuyệt tự." Gấu con nức nở.
"Các anh các chị giờ hiện đại tân tiến rồi nên coi thường truyền thống lạc hậu của chúng tôi... Ơ mà sao tự nhiên lại có vấn đề tuyệt tự ở đây?" Thằng con trai bữa nay khiến Gấu bố đi hết từ thắc mắc này đến ngạc nhiên nọ.
Chỉ chờ có vậy, Gấu con mở hết những ấm ức trong lòng bấy lâu ra như thác nước tuôn trào, như mưa rào tháng bảy, như dân chảy lộc đêm giao thừa. Vậy là một cuộc tâm sự giữa hai người đàn ông thuộc hai thế hệ đã bắt đầu trong cái nhà vệ sinh cũ rích gạch men và hoen ố do thấm nước.
Nếu đã tính chuyện nghiêm túc thì bắt buộc anh phải đưa nàng về thăm nhà và ra mắt bố mẹ. Không muốn nàng thất vọng khi bước chân vào ngôi nhà cũ rích xây bằng xi măng cát nên Gấu con đã phải rào đón trước rằng "nhà anh không được đẹp đẽ như tình anh".
Vậy mà cuối cùng mọi việc vẫn diễn ra vô cùng tồi tệ, vượt quá cả dự trù của anh. Khởi đầu bằng nụ cười khó hiểu của nàng khi nhìn bao quát cả ngôi nhà từ ngoài cổng. Xếp nó vào dạng cười khinh miệt thì hơi oan cho nàng, nhưng nếu là một cái cười trừ ái ngại thì cũng không hẳn. Phụ nữ vốn là một giống rất khó hiểu, nụ cười của họ còn khó hiểu gấp vạn. Như bên châu Âu có bức tranh nàng Mona Lisa, đáng giá mấy chục triệu đô la cũng chỉ bởi vì cái nhếch mép quá bí hiểm của cô người mẫu mà giới học giả đã mất hàng bao thế kỷ vẫn không cắt nghĩa nổi. Để rồi cuối cùng họ đặt ra cái giả thiết rằng Mona Lisa thực ra là đàn ông, một gã đẹp mã nào đó làm trợ lý cho Leonardo de Vinci. Từ đó họ suy đoán Leo là dân đồng tính. Các nhà khoa học là thế đấy, họ nghiên cứu cả đời để chứng minh cho một luận điểm để rồi sẵn sàng tự vả vào mồm mình nhân một ngày đẹp trời nào đó.
Nụ cười thứ hai khi nàng ngắm qua một lượt trần nhà đầy vết nấm mốc do thấm nước mỗi khi trời mưa. Nụ cười thứ ba kèm theo một cái nhíu mày khe khẽ là lúc nàng mục sở thị gian bếp tối tăm, ẩm ướt dù đã được lau dọn sạch sẽ. Mỗi lần nàng cười, anh lại toát mồ hôi trong tim còn chân tay thì run lẩy bẩy như tẩu hỏa nhập ma, trong đầu anh cứ ám ảnh cái suy nghĩ chẳng biết nàng có thất vọng với cái tổ ấm tương lai của mình hay không.
Nụ cười thứ tư, khi một con chuột vô tình chạy qua chân nàng làm gián đoạn bữa trưa lãng mạn của họ, cũng chưa làm mọi thứ trở nên nghiêm trọng. Sự việc chỉ bắt đầu tồi tệ khi nàng kêu đau bụng, mà Gấu con đoán nguyên nhân là do món rau muống luộc chưa được rửa sạch. Mẹ anh vẫn thường hay nhặt rau xong rồi quên không rửa, cứ thế mà cho vào tủ lạnh, tệ hơn cả là sự đãng trí lại mang tính di truyền.
Nàng e thẹn xin phép vào nhà vệ sinh, anh đứng dậy tận tình đưa nàng đến tận nơi, mở cửa nhà vệ sinh cho nàng. Một phần vì đó là bổn phận của đàn ông, một phần vì anh không muốn nhận thêm một nụ cười nữa khi nàng phát hiện ra bản lề ở cái cửa đã lung lay lắm rồi.
"Cái nhà vệ sinh này... dùng thế nào vậy anh?".
Nàng đảo mắt một lượt, tay chỉ vào cái xí xổm thấp lè tè lát đá ong màu ngọc bích cũ xỉn. Người ngoài chắc sẽ tưởng nàng hỏi đùa, nhưng anh biết nàng sinh ra đã được hưởng "nền văn minh xí bệt", những cái xí xổm như thế này chắc nàng mới chỉ nhìn thấy trong sách giáo khoa môn sức khỏe lớp một hoặc trên kênh Discovery (Phóng sự Loài người và sự tiến hóa của nhà vệ sinh)
"Giống như xí bệt thôi, nhưng mà em phải...ừm... ngồi xổm". Anh tỏ ra ái ngại.
"Thế còn... giấy vệ sinh đâu?". Sắc tố trên da mặt nàng đã bắt đầu chuyển từ màu xanh sang màu xám.
Vậy là đoạn cao trào của vở bi hài kịch cũng đã đến. Như một cô giáo trẻ đỏ mặt với bài giảng giáo dục giới tính cho lũ trai mới lớn, anh bắt đắc dĩ phải giới thiệu cho nàng một "nền văn minh cổ đại" mang tên xí xổm. Phải cố gắng lắm anh mới lọc ra được những từ ngữ tế nhị nhất để giải thích rằng đường ống của xí xổm nhỏ hơn xí bệt rất nhiều, lại không có hệ thống giật nước nên không thể dùng giấy vệ sinh vì nếu vứt xuống sẽ tắc cống. Tất cả "quy trình" phải được thực hiện bằng... vòi xịt nước và ngón tay trỏ.
Sau một hồi lắng nghe bài giảng về cách sử dụng xí xổm, có trích dẫn kiến thức vệ sinh dịch tễ và lịch sử thế giới hiện đại, mặt nàng đã chuyển sang trắng bệch, dài thườn thượt như bánh dầy ngấm nước.
"Em thấy hết đau bụng rồi, bọn mình quay lại bàn ăn đi". Nàng đề nghị.
Từ đó trở đi, nàng rơi vào trạng thái im lặng đáng sợ, dù anh đã sử dụng mọi chiêu gợi chuyện, thậm chí cả chương trình M!Scandal(Hẹn hò cùng sao Hàn) yêu thích của nàng cũng không thể khiến đôi môi tươi tắn kia động đậy. Phụ nữ vốn là một cái đài phát thanh chạy bằng năng lượng vĩnh cửu, luôn làm việc hết công suất bất kể ngày đẹp trời hay khi thời tiết xấu, từ Thị Nở cho đến Paris Hilton, từ chị bán rau bán cá đến bà hoàng bà chúa. Thế nên khi phụ nữ im lặng tức là tình hình đang cực kỳ tình hình. Thường những lúc như thế này, họ đang vấp phải một luồng suy tư ghê lắm, một vấn đề khiến họ phải dồn hết năng lượng từ thanh quản lên não để tập trung tìm cách giải quyết. Hoặc cũng có thể chỉ vì họ đang phật ý, đang thất vọng về một điều gì đó, một điều không được như họ tưởng, nói theo ngôn ngữ văn chương thì là vỡ mộng. Giống như một cô gái đổ gục trước một chàng trai vì tính cách nhã nhặn và đứng đắn của anh ta, để rồi ngay sau khi nhận lời yêu nhau thì việc đầu tiên anh ta làm lại là sờ vào ngực cô.
So với sự im lặng bất tận này thì nụ cười khó hiểu ban nãy mới tuyệt vời làm sao, Gấu con cay đắng thầm nghĩ. Đêm đó, anh gặp ác mộng bị cuốn trôi dưới một cái xí xổm, chỉ có sự yên lặng đáng sợ bao trùm.
"Bố có ý kiến thế này, đơn giản hơn nhiều mà không phải thay hố xí, đó là... mày bỏ quách con bé đấy đi. Đời này thiếu gì đàn bà đâu mà sợ ế. Con Bạo nhà bà Hành bán bún đậu đầu ngõ cũng được đấy, tuy nó chưa tốt nghiệp cấp hai, lại hay cãi láo người lớn nhưng mà gặp mẹ mày thì hạt trấu cũng nấu thành gạo tám thơm con ạ". Gấu bố đưa ra "giải pháp" sau khi nghe ông con kể lể hươu nai.
"Đến cái mức như thế này rồi mà bố vẫn không chịu tiếp thu. Chính vì cái tính bảo thủ khư khư cái cũ đấy nên bao nhiêu năm nay bố vẫn chỉ là ông nhân viên quèn, mãi chẳng leo lên nổi cái chức trưởng phòng."
'A! Giờ mày lại còn khinh cả bố mày nữa cơ à? Giỏi thật, công lao bao nhiêu năm nuôi nấng để giờ nó khinh bố nó. Mày lại quên lời dạy của thần tượng "Bin-Gết" của mày rồi à?".
Đó là một trong những câu nói bất hủ của Bill Gates - thần tượng của Gấu con, nguyên văn là "Bố mẹ bạn đã phải nhận lấy sự "chán ngắt, vô vị" để đổi lấy sự trưởng thành, tân tiến của bạn ngày hôm nay".
Tình cờ Gấu bố đọc được câu này trên một tạp chí Công nghệ, ông đã viết lại theo dạng chữ thư pháp và đóng khung kính to đùng treo giữa phòng khách như biển báo Phủ Khai Phong. Mỗi khi thằng con trai gân cổ cãi bố, ông chỉ vào đó mà nhắc nhở: "Đừng cãi lời Bin-Gết".
"Thôi được rồi, đã đến mức nghĩa tử tương tàn thế này thì con cũng chẳng còn cách nào khác. Con sẽ ra ngoài thuê nhà và lấy vợ, sinh con. Những đứa cháu của bố sẽ được ngồi xí bệt và bố đừng hòng được bế chúng".
"Có giỏi thì đi luôn đi, đừng về nữa cũng được".
Gấu bố mặt đỏ gay như tôm luộc, ra chiều bực tức lắm.
"Hình như bố con ông quên mất tôi rồi thì phải".
Gấu mẹ đã xuất hiện từ lúc nào, đứng chen giữa hai bố con như một vị trọng tài quyền anh ngăn cách hai võ sỹ đang hăng máu. "Tôi có cần nhắc ông nhớ rằng trong cái nhà này thì quyền lực được phân chia theo luật cờ vua không? Theo đó thì tôi - Nữ Hậu mới là người có quyền quyết định, còn ông chỉ là Vua Béo trốn sau lưng chiến sĩ thôi". Bà trợn mắt nhìn ông.
"Lại đến lượt bà nữa, đừng quên là hồi mới về làm vợ tôi, bà đã trầm trồ khen cái hố xí này như thế nào nhá".
"Đúng là hồi đó tôi đã hết lời khen ngợi sự tân tiến của ông, nhưng con mình nó nói cũng đúng. Mỗi thời đại mỗi khác, ông phải chấp nhận sự thật là chúng ta đã già nua, lạc hậu rồi. Hãy tiếp thu những cái mới đi. Ngày xưa ông cũng từng cãi nhau với ông nội nó vì cái hố xí hai ngăn đấy thôi".
"Ồ! Thì ra là thế, thế ra nó là vậy". Gấu con vẻ mặt tự mãn như vừa bắt quả tang tội phạm.
"Còn cả mày nữa đấy, con ạ". Gấu mẹ đột ngột quay sang anh. "Con phải đánh giá lại chất lượng ISO Hai mươi bảy k của con bé kia xem thế nào đi. Nếu nó thực sự yêu con, muốn sống với con cả đời thì nó sẽ không từ bỏ chỉ vì một cái xí xổm đâu".
Lời Gấu mẹ nói khiến anh thấy chột dạ.
"Em sẽ không bỏ anh chỉ vì một cái xí xổm đâu".
Nàng khẳng định, đến hôm nay thì sắc mặt nàng đã hồng hào trở lại và nụ cười thì tươi như hoa.
"Thật hả?". Gấu con mừng rỡ. "Thế mà anh cứ sợ..."
'Anh sợ cái gì? Sợ em làm tắc toilet nhà anh chắc". Nàng cười lớn. "Anh không phải lo gì hết. Lúc đấy em hơi choáng thôi, lần đầu tiên nhìn thấy xí xổm mà. Nhưng không sao cả, vì em đã nghĩ ra cách giải quyết vấn đề rồi. Chỉ cần trang bị thêm một cái thùng rác thật kín là có thể dùng giấy vệ sinh vô tư mà".
Vậy mà xưa nay anh chưa hề nghĩ ra, đôi khi một rắc rối to đùng có thể giải quyết bằng một phương án thật đơn giản. Gấu con tự đập một phát rõ đau vào trán mình.
Mùa thu năm đó, gia đình nhà Gấu đón thêm một thành viên mới. Đám cưới của Gấu con và Gấu con dâu được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, không có ông cha sứ nào hỏi họ rằng "Hai con có hứa sẽ luôn bên nhau dù giàu hay nghèo, dù khỏe mạnh hay đau ốm, dù ngồi xí bệt hay xí xổm..."
Ngôi nhà được sơn lại sạch sẽ, một vài chiếc cửa sổ được xây thêm, những gì hỏng hóc đã được sửa hoặc thay mới. Cuối cùng Gấu bố cũng chịu nhượng bộ, đập bỏ cái xí xổm - niềm tự hào cả đời của ông, để thay thế bằng một chiếc xí bệt sáng loáng. Ban đầu ông tỏ ra khó chịu, nhưng "nỗi niềm giải quyết" đã nhanh chóng chiến thắng tự ái đàn ông, giờ thì ông đã hoàn toàn giác ngộ "văn minh xí bệt".
Chiếc thùng rác nắp kín chưa kịp đưa vào sử dụng đã trở nên thừa thãi, nhưng Gấu mẹ vẫn đặt nó trong phòng khách, phía dưới tấm phướn Lời dạy của Bill-Gates, như một chiến tích đánh dấu sự chuyển giao giữa các nền văn minh.
Hoàng Nhật
Hà Nội - 24.03.2011
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Bảy, 05/10/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131005/truyen-ngan-hoang-nhat-van-minh-xi-xom
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001