Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Walter Lohman - Biển Đông và Bài Học Lịch Sử

Walter Lohman - Biển Đông và Bài Học Lịch Sử 



Mai Xương Ngọc dịch
Việc hủy bỏ chuyến thăm của Tổng thống Obama đến tham dự ASEAN và Hội nghị Cấp cao APEC tuần tới đã làm xôn xao mạng Internet với các cuộc thảo luận rằng việc này có thể có ý nghĩa gì đối với vai trò của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, phản ứng ban đầu không nhất thiết đã là tốt. Tổng thống Obama đã từng hủy bỏ chuyến đi đến Indonesia và Úc ba lần trong giai đoạn 2009 – 2010. Sự chú ý đến ngoại giao cá nhân của chính quyền Bush ở Đông Nam Á cũng tương tự như vậy.


Phillipines và Việt Nam đều là vật hy sinh cho lợi ích lớn hơn của ASEAN ? (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, trong khu vực, ít nhất thì mọi chuyện được bỏ qua khi xuất hiện chiến lược “Xoay trục sang châu Á” của Mỹ.
Bản chất của sự xoay trục là một vấn đề. Về mặt quân đội thì thiếu nguồn lực, còn yếu tố kinh tế – hiệp định đối tác thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương – lại bị phức tạp hóa bởi một cuộc họp kín của Đảng dân chủ trong Hạ viện, nơi đa phần và hiển nhiên theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Việc này đang bắt đầu lắng chìm dần trong khu vực. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của câu chuyện xoay trục vẫn chứng tỏ mức độ sôi nổi một cách đáng kể.
Nếu kế hoạch xoay trục dự báo một cuộc hủy bỏ quan trọng khác – điều này gần như chắc chắn sẽ xảy ra – người ta sẽ đặt câu hỏi tại sao. Lý do là vì Đông Nam Á cần Mỹ. Có thể gọi đó là một hợp đồng bảo hiểm hoặc chính sách cân bằng hoặc bảo đảm rủi ro thấp, hay bất cứ điều gì bạn muốn, ASEAN không muốn bị bỏ lại một mình với Trung Quốc. Cũng không có sự liên kết nào với các nước bên ngoài khác khiến họ được yên lòng như sự hiện diện của Mỹ.
Khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thay thế vị Tổng thống để chuẩn bị tham dự cuộc họp tuần tới với các nhà lãnh đạo ASEAN, ông ta sẽ phải cảm nhận hoàn toàn ý nghĩa của điều này. Mỹ nắm giữ một lập trường vững mạnh, đặc biệt là về vấn đề đang gây tranh chấp mà lại sát với lợi ích của Mỹ nhất – Biển Đông.
Ông ta cũng nên nhìn lại một góc lịch sử dường như không có liên quan gì của ASEAN để hiểu những gì đang thực sự xảy ra ở đây trên vấn đề này.
Trong những năm 1980, Campuchia là một trong những chiến trường vĩ đại và bi thảm nhất của Chiến tranh lạnh. Với sự hỗ trợ của Liên Xô, cộng sản Việt Nam xâm chiếm vào năm 1978. Hành động này đã loại bỏ một trong những tai họa lớn của nhân loại, chế độ Khmer Đỏ, và thay thế bằng một chế độ bù nhìn của Việt Nam. Gần như ngay lập tức, Trung Quốc can dự vào cuộc xung đột, tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực. Sự kháng cự tại địa phương nổi lên, và đột nhiên, Đông Nam Á quay trở lại thành tuyến đầu của cuộc Chiến tranh lạnh.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã hạn chế không chỉ trích chế độ Khmer Đỏ giết choc – không muốn can thiệp bằng những phán xét đạo đức. Nhưng chế độ mới dưới sự hậu thuẫn Việt – Xô thì lại khác, nó gây ra một mối đe dọa trực tiếp. Ba quốc gia – Singapore, Thái Lan, và Phillipnes – huy động quân đội để phản đối và làm đảo ngược cuộc xâm lược của Việt Nam.

Indonesia và Malaysia lại có cách nhìn khác về vấn đề. Indonesia và các nhà lãnh đạo Malaysia họp mặt tại một thị trấn Mã lai có tên là Kuantan. Theo lời một học giả Đông Nam Á, ông Amitav Archarya kể lại, họ đã đưa ra một điều kiện: ASEAN nên công nhận quyền lợi của Việt Nam ở Campuchia bằng một giải pháp chính trị đối với cuộc xung đột; đổi lại, Việt Nam sẽ phải giữ khoảng cách với Liên Xô. Như vậy, ASEAN sẽ khôi phục lại hòa bình và ngăn cản sự can thiệp của các cường quốc lớn hơn.
“Học thuyết Kuantan” được biết đến bị thất bại hai tháng sau đó vào tháng Sáu năm 1980, khi quân đội Việt Nam truy đuổi lực lượng kháng chiến Campuchia chạy vượt qua lãnh thổ Thái Lan. Hệ quả là ASEAN kiên quyết yêu cầu Việt Nam rút quân toàn bộ. Singapore, Thái Lan, và Phillipines – với sự trợ giúp của chính phủ Campuchia do Việt Nam tạo dựng – chiếm được ưu thế. ASEAN, Mỹ và Trung Quốc can thiệp để hỗ trợ cho cuộc kháng chiến của Campuchia, năm 1989, Việt Nam rút quân. Việt Nam được thừa nhận là thành viên ASEAN vào năm 1995, còn Campuchia vào năm 1999.
Mọi chuyện tốt đẹp đã kết thúc tốt đẹp. (Phần lớn là tốt – vì Hun Sen, Thủ tướng chính phủ bù nhìn của Việt Nam tại Campuchia ngày nay vẫn đang nắm giữ quyền lực.) Nhưng lịch sử tóm tắt này đưa ra một bài học quan trọng trước mắt về cách thức hoạt động của ASEAN.
Năm 1980, Indonesia và Malaysia đã sẵn sàng bán đứng lợi ích của Thái Lan với tư cách là một quốc gia tiền tuyến lẫn những mối quan tâm của Singapore và Phillipines. Lợi ích của Indonesia và Malaysia có tính trừu tượng hơn. Ưu tiên của họ là đảm bảo duy trì và mở rộng ASEAN về lâu dài, cũng như ngăn cản các cường quốc bên ngoài can thiệp vào. Giải quyết các mối quan tâm của các thành viên ASEAN đối với Việt Nam không nằm trong chương trình nghị sự của họ.

Một điều gì đó tương tự cũng đang xảy ra hiện nay xung quanh cuộc xung đột ở Biển Đông. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được hậu thuẫn bởi sự tăng trưởng có tính kỷ lục về chi tiêu quốc phòng, triển khai hải quân, và các cơ giới hàng hải khác, đang khẳng định một tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông – cho đến sát đường ven biển của Phillipines. Lần này, chủ yếu là Phillipines, và cả Việt Nam, tự thấy họ trở thành vật hy sinh vì lợi ích lớn hơn của ASEAN.
Lần này, lời biện giải cho sự hòa giải với kẻ xâm lược bên ngoài đang diễn ra hàng ngày. Việc này được thực hiện thông qua hình thức của sự kiên nhẫn vô hạn trước chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Trong 20 năm qua, ASEAN đã luôn kêu gọi sử dụng luật pháp quốc tế làm cơ sở cho việc quản lý và giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tuy nhiên, khi Phillipines đưa ra trọng tài để phân xử theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), các đối tác ASEAN lại im lặng. Bất chấp thực tế rằng tất cả bọn họ đều đã ký kết.
ASEAN bị rơi vào những cuộc đàm phán vô tận về một Bộ quy tắc ứng xử để ràng buộc các bên đối với xung đột. Còn Mỹ – ngoài việc khuyến khích ngoại giao nhanh hơn – cũng ủng hộ. Kể cả khi Trung Quốc phỉ báng và cố gắng cô lập Phillipines khi nước này đứng lên bảo vệ chủ quyền.
Đừng hiểu sai. Nếu một lúc nào đó có thể ký kết một Bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc, đó sẽ là một thành công lớn. Nhưng nó sẽ không tự xảy ra. Và nó sẽ không xảy ra nếu không có một chính sách chủ động và mạnh mẽ hơn của Mỹ. Nếu để ASEAN tự lo liệu, tổ chức này không có khả năng đối phó với các vấn đề ở Biển Đông.
Đã đến lúc sử dụng đòn bẩy nằm trong mối quan tâm của ASEAN đối với sự hiện diện của Mỹ để chống lưng cho ASEAN trong việc đối phó với Trung Quốc.

Trong các cuộc họp sắp tới tại Brunei, Bộ trưởng Kerry nên thúc đẩy tinh thần quyết đoán hơn của Chính phủ trong năm 2010, khi Ngoại trưởng Clinton đưa ra quy tắc về Biển Đông tại Hà Nội. Thật vậy, chính quyền nên tiến thêm một bước xa hơn. Thay vì thu nhận sự tư vấn thận trọng của ASEAN về cách xử lý mối quan hệ tương tác với Trung Quốc, Chính phủ cần phải ép ASEAN đưa ra những lập trường công khai cứng rắn hơn, và đặc biệt là phải hỗ trợ trên vấn đề của Phillipines. Thay vì chấp nhận các buổi diễn tập quân sự chung có quy mô hạn chế giữa các nước ASEAN, Mỹ và Trung Quốc như là một phần của cơ chế Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + và các cơ chế toàn khu vực khác do ASEAN lãnh đạo, Mỹ nên thúc ép ASEAN loại trừ Trung Quốc ra khỏi các buổi diễn tập cho đến khi nước này nghiêm túc hơn trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp. Mỹ có thể sử dụng chính sự tham gia của nước này làm đòn bẩy.
Trong nhiều năm nay, các thành viên ASEAN đã cảnh báo Mỹ không yêu cầu tổ chức này phải lựa chọn bởi vì chúng ta có thể sẽ không thích cách nó lựa chọn. Được cảnh báo một cách thích đáng, chính quyền Obama kiềm chế – nhượng lại thế chủ động cho một tổ chức có hồ sơ quản lý rất ảm đạm đối với các tranh chấp ở bên ngoài biên giới của nó. Nhưng ASEAN không có nhiều lựa chọn thay thế như tổ chức này giả tưởng. Đôi khi quyền lãnh đạo có nghĩa là yêu cầu các nước đối tác và đồng minh phải thực hiện những công việc khó khăn. Nếu đó là một sự lựa chọn, vậy thì hãy chấp nhận: ASEAN cần phải lựa chọn. Một quy tắc ứng xử sẽ chỉ thành công bằng cách ngăn chặn việc Trung Quốc vừa có thể lựa chọn tham gia Bộ quy tắc ứng xử với ASEAN, lại vừa có thể củng cố lập trường tối đa của nước này. Mỹ có thể giúp ASEAN thực hiện điều này bằng cách tạo ra những thái độ cương quyết hơn trong nội bộ ASEAN.
Thế giới blog sẽ lắng xuống sau những đợt hủy bỏ của Tổng thống Obama. Những nghi ngờ về sự tồn tại của sức mạnh Mỹ tại khu vực Đông Nam Á chắc chắn sẽ vẫn còn. Họ đã ở đó ít nhất 40 năm. Tuy nhiên, có một số thực tế cơ bản hơn vẫn còn tiếp diễn: lợi ích của Mỹ trong khu vực, sự trỗi dậy của Trung Quốc, và nhu cầu của các nước ASEAN đối với sự hiện diện của Mỹ – cũng như những sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN. Tất cả những điều này cần phải được xem xét thích đáng trong những nỗ lực nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia của Mỹ.

---------------------

[*] Walter Lohman là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á của Quỹ Heritage.
[**] Lưu ý của Ban biên tập: Ban đầu, khi bài viết này được đăng tải, Tổng thống mới chỉ phần nào hủy bỏ chuyến đi của ông ta. Bài viết đã được cập nhật để phản ánh các diễn biến tiếp theo.

Nguồn: Walter Lohman, “The South China Sea and the Lessons of History“, The National Interest, ngày 04 Tháng 10, 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Sáu, 11/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131011/walter-lohman-bien-dong-va-bai-hoc-lich-su
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001