Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Freya Wang - Trai cô đơn Trung Quốc đi tìm vợ Việt Nam

Freya Wang - Trai cô đơn Trung Quốc đi tìm vợ Việt Nam 



Diên Vỹ chuyển ngữ

Trang web 55 Tuan quảng cáo gói du lịch sang Việt Nam nhân dịp Lễ Độc thân ở Trung Quốc 11/11.
Kém may mắn trong tình trường tại lục địa? Sao không đến Việt Nam, nơi những chàng trai Trung Quốc độc thân có thể tìm thấy “tình yêu chân thật”, hoặc đặc biệt hơn nữa, nơi họ có thể “tìm được những nàng dâu không đòi hỏi căn hộ hoặc xe hơi làm của hồi môn.” Đấy là quảng cáo của trang mạng mua hàng tập thể 55 Tuan ở Trung Quốc, giới thiệu một chuyến đi Việt Nam miễn phí cho những trái tim cô đơn nhân dịp lễ Độc thân của Trung Quốc 11 tháng Mười một.
Đối diện với giá cả ngày càng tăng khi lấy vợ Trung Quốc, khi gia đình đàng gái thường đòi hỏi những quà tặng đắt tiền để gả con gái mình, và tình trạng tỉ lệ nam nữ trong nước bị mất quân bình, ngày càng có nhiều trai độc thân Trung Quốc ra nước ngoài để kiếm vợ. Tổng cộng có đến 28.629 ứng cử viên tham gia chương trình tặng quà của 55 Tuan.
Thị trường hôn nhân đầy cạnh tranh và đắt đỏ ở Trung Quốc
Trong vài năm qua, ngày càng có nhiều người bày tỏ sự bực bội của mình trên các trang mạng Trung Quốc về giá cả đắt đỏ trong hôn nhân ở Trung Quốc. Theo phong tục thì gia đình đàng gái sẽ đưa ra một danh sách đòi hỏi cụ thể cho chàng rể tương lai như là điều kiện trước khi tiến đến hôn nhân. Sở hữu một căn hộ, một chiếc xe cũng như có được công ăn việc làm vững chắc, lương cao là những ưu tiên hàng đầu trong danh sách đòi hỏi của gia đình cô dâu. Nhưng một chàng trai độc thân thì hầu như không thể tự mình mua một căn hộ.
Ngược lại, chỉ tốn vài chục nghìn quan (khoảng vài nghìn Mỹ kim) để cưới một cô gái Việt, điều mà đa số trai độc thân Trung Quốc có thể xoay trở được. Thêm vào đó, quan điểm chung cho rằng gái Việt thường chăm chỉ, đơn giản và tận tụy với gia đình.
Hiện tượng mất cân bằng trong tỉ lệ giới tính ở Trung Quốc cũng góp phần vào việc thiếu hụt cô dâu trong thị trường hôn nhân Trung Quốc. Theo một bài viết trên báo Ifeng, tỉ lệ nam nữ hiện tại ở Trung Quốc là 119:100. Tại một số khu vực, tỉ lệ này lên đến 130:100. Sự mất cân bằng này bắt nguồn từ văn hoá phong kiến của Trung Quốc trong đó xem trọng trai hơn gái. Cộng thêm chính sách một con và công nghệ hiện đại giúp cha mẹ sớm biết được giới tính của bào thai, thói quen thích con trai đã dẫn đến tỉ lệ mất cân bằng giới tính rất lớn trong trẻ sơ sinh, đặc biệt là tại những vùng thôn quê xa xôi. Ví dụ như tỉ lệ nam nữ trong trẻ sơ sinh tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc lên đến 198.3:100, theo thống kê dân số lần thứ năm của Trung Quốc.
Riêng trường hợp Việt Nam thì trước đây lại có tình trạng ngược lại - nữ nhiều hơn nam. Nhưng trong những năm gần đây, dân số nam giới lại nhỉnh hơn nữ giới, và tình trạng này sẽ còn tăng hơn nữa khi ngày càng nhiều gái Việt lấy chồng ngoại quốc để tìm kiếm môt cuộc sống tốt đẹp hơn. Kể từ cuối thế kỷ trước, đã có hơn 294 nghìn gái Việt ở những vùng nghèo khổ lấy chồng nước ngoài, trong đó rể Trung Quốc và Hàn Quốc được ưa chuộng hơn cả.
Tuy thế, mật độ lừa đảo trong các cuộc hôn nhân xuyên biên giới Việt - Trung đang tăng lên. Ngày càng có nhiều cô dâu Việt bỏ trốn các ông chồng Trung Quốc khi vừa đặt chân đến Trung Quốc. Trong vài trường hợp, những người môi giới hôn nhân có dính líu đến việc lừa đảo. Để đối phó với tình hình này, bộ công an Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ đóng cửa các dịch vụ thương mại môi giới cô dâu Việt Nam.
”Sao không cưới vợ nước ngoài với giá rẻ hơn?”
Với bối cảnh trên, quảng cáo của 55 Tuan đã khuấy động vô số những tranh luận trên mạng. Trang web này biện hộ rằng sự kiện xổ số này là nhằm cung cấp một nhóm du lịch miễn phí cho những người độc thân may mắn đến Việt Nam. Còn chuyện hôn nhân nếu có, thì hoàn toàn dựa trên tình yêu.
Trong khi kỹ nghệ môi giới hôn nhân xuyên quốc gia và dịch vụ mua cô dâu qua thư từ bị xã hội dân sự xem như là một hình thức mua bán nô lệ và vì thế không có đạo đức, một số đông cư dân mạng Trung Quốc trên mạng microblog nổi tiếng Sina Weibo lại không đồng ý với việc công an đòi đóng cửa những “dịch vụ hôn nhân” này. Cây viết Shang Jiangue cho rằng nhu cầu “mua tập thể” các cô dâu Việt của giới tiêu thụ Trung Quốc chỉ phản ánh vấn nạn ngày càng tăng của tình trạng mất cân đối trong tỉ lệ giới tính và ảnh hưởng của nói đến thị trường cưới hỏi:
Hiện tượng khác thường của việc “mua tập thể các cô dâu Việt Nam” cho thấy vấn nạn xã hội của giới đàn ông bị bỏ rơi. Theo thống kê dân số lần thứ sáu, tỉ lệ giới tính giữa những người độc thân sau thế hệ sinh sau những năm 80 là 136:100, sau những năm 70 là 206:100. Có 11.959.000 đàn ông tuổi từ 30 - 39 vẫn còn độc thân, trong khi chỉ có 5.820.000 phụ nữ còn độc thân.
Blogger @Zhazi77 đã đến tuổi lấy vợ và đang bắt đầu lo lắng về tương lai của mình:
Tôi đang là một nghiên cứu sinh. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, tôi không biết là có thể kiếm được hơn 2.500 Nhân Dân Tệ (khoảng 400 Mỹ kim) mỗi tháng sau khi ra trường hay không. Tôi sẽ cám ơn cả thế giới này nếu tôi lấy vợ được trước tuổi 35!
Jiu Henxing, một blogger chuyên về doanh nghiệp công nghệ thông tin, viết rằng hôn nhân là một dạng thức của kinh tế vì thế tìm vợ nước ngoài là hợp lý:
Rất khó để tìm được vợ qua những cuộc hẹn hò không được xắp đặt nếu bạn không có nhà hoặc xe trong một thành phố lớn. Thậm chí nếu cô ấy chịu lấy anh, anh vẫn phải đối phó với mẹ cô ta. Vì chi phí cưới hỏi ngày càng tăng, tại sao không lấy vợ nước ngoài với giá rẻ hơn?
Khi thị trường hôn nhân gắn chặt với tình hình phát triển nhà đất ở Trung Quốc, thành viên “Anh Mắt To” đã chế giễu mục đích của công an trong việc đóng cửa các dịch vụ “mua mão” cô dâu Việt là để phục vụ quyền lợi của giới kinh doanh nhà đất:
Đương nhiên là công an cần phải có hành động đối phó với các dịch vụ môi giới cô dâu Việt, vì nếu mọi người đều lấy vợ Việt, thì chúng ta sẽ làm gì với thị trường nhà đất ở lục địa?
Nhưng blogger Yuan Yi, một phóng viên, lại không cho rằng những cuộc hôn nhân này sẽ kéo dài:
Tôi biết được toàn bộ qui trình cưới hỏi một cô gái Việt sau khi xem một bộ phim tài liệu về các cô dâu Việt ở Đài Loan. Nhiều cô gái đẹp ở Việt Nam lấy chồng lục địa hoặc Đài Loan vì khoảng cách giàu nghèo. Nhưng hôn nhân xuyên quốc gia chỉ bền vững nếu cả hai có thể vượt qua những dị biệt về văn hoá.
Diên Vỹ gửi hôm Thứ Bảy, 07/12/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131206/freya-wang-trai-co-don-trung-quoc-sang-tim-vo-viet-nam
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001