Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Hiệp định Pháp-Việt ngày 8 tháng 3 năm 1949 (còn gọi là HIỆP ĐỊNH ÉLYSÉE)

Hiệp định Pháp-Việt ngày 8 tháng 3 năm 1949 (còn gọi là HIỆP ĐỊNH ÉLYSÉE) 



Nguyễn Quốc Vĩ
Như đã tự giới thiệu là một người hưu trí trong nhiều năm đi tìm sự thực cho mình về chiến tranh Việt Nam và muốn chia sẻ với mọi người những thông tin đó khi gửi đăng bài dịch "Hiệp Định Sơ Bộ Pháp-Việt ngày 6/3/1946 cho phép Pháp trở lại Việt Nam"
Lần này là bài dịch của HIỆP ĐỊNH ÉLYSÉE. Bản tiếng Việt này được tôi dịch từ tài liệu bằng tiếng Anh “Franco-Vietnamese Agreement on March 8, 1949”. Tài liệu này hiện đang giữ tại Thư Viện Đại Học Quốc Gia San Diego, California USA (“San Diego State University”) dưới mã số CU17881072. Dịch xong ngày 26-12-2013.
Một vài "sử gia" cho rằng Việt Nam đã được Pháp trao trả Độc Lập thông qua HIỆP ĐỊNH ÉLYSẾE ký ngày 8 tháng 3 năm 1949.
Đọc Hiệp Định, tuy Pháp có đề cập đến các chữ "Độc Lập" và "Toàn Vẹn Lãnh Thổ" nhưng nội dung Hiệp Định cho thấy Pháp chỉ cho Việt Nam một số tự tri.
Quân Đội Việt Nam do ngân sách Việt Nam đài thọ nhưng Pháp nắm quyền sử dụng.
Ngoại Giao của Việt Nam cũng phải nằm trong vòng cương tỏa của Pháp.
Tóm lai, chả có Độc Lập gì cả.
Nguyễn Quốc Vĩ (ngQuocVi@gmail.com)

HIỆP ĐỊNH PHÁP-VIỆT ngày 8 tháng 3 năm 1949
(còn gọi là HIỆP ĐỊNH ÉLYSÉE)

Thư của Tổng Thống Cộng Hòa [Pháp], Tổng thống Liên Hiệp Pháp đề ngày 8 tháng 3 năm 1949:
Tổng Thống Cộng Hòa Pháp
Paris, ngày 8 tháng 3 năm 1949
Thưa Hoàng Thượng,
Ngài đã đưa ra ý là muốn thấy các nguyên tắc liên quan đến sự Toàn Vẹn và nền Độc Lập của Việt Nam phải được xác nhận và làm rõ, các nguyên tắc đã được đưa ra trong Bản Tuyên Bố Chung ngày 5 tháng 6 năm 1948 ở vịnh Hạ Long bởi ông Emile Bollaert, Cao Ủy Pháp tại Đông Dương và Tướng Nguyễn Văn Xuân, Thủ Tướng Chính Phủ Lâm Thời Trung Ương Việt Nam, trước sự hiện diện của Ngài.
Ý muốn này đã phù hợp với ý muốn của Chính Phủ Pháp, sau khi đã được bàn cãi trong Hội Đồng Bộ Trưởng, đã yêu cầu tôi, với tư cách Tổng thống Liên Hiệp Pháp, tiến hành, bằng cách trao đổi qua văn thư với Ngài, để hoàn tất một hiệp định nhằm làm rõ, áp dụng các nguyên tắc trong Bản Tuyên Bố Chung ngày 5 tháng Sáu.
Chính Phủ của Ngài, một mặt, có trách nhiệm ký kết với Cao Ủy Pháp ở Đông Dương các điều khoản đặc thù hay tạm thời mà chúng sẽ chi phối, phải tính đến các quy tắc đặt ra trong các văn kiện đang trao đổi hiện nay, tình trạng thực tế hiện nay, cho đến khi tình hình trật tự và hòa bình được tái lập, những quan hệ giữa Liên Hiệp Pháp và Việt Nam – mặt khác, chuẩn bị, với Đại Diện của Pháp, và với mối liên kết với các Chính Phủ Hoàng Gia Lào và Cao Mên, các quy tắc cần thiết đúng như các quy định được đưa ra trong các văn kiện này.
Trên các cơ sở và các điều kiện này, tôi xác nhận nhân danh Chính Phủ Cộng Hòa Pháp sự đồng ý của tôi về các điều quy định sau đây.
I. SỰ TOÀN VẸN CỦA VIỆT NAM
Bất kể các Hiệp Ước trước đây dù còn hiệu lực, nước Pháp long trọng xác nhận lại quyết định của mình là sẽ, dù bằng Luật Lệ hay trên thực tế, không đưa ra bất cứ cản trở nào về việc Nam Kỳ sát nhập vào nước Việt Nam, được định nghĩa là sự hợp thành bởi các Vùng Lãnh Thổ của Bắc Kỳ (Bắc Việt), Trung Kỳ (Trung Việt) và Nam Kỳ (Nam Việt).
Nhưng việc hoàn nhập Nam Kỳ vào phần còn lại của Việt Nam chỉ có thể được xem như đã đạt được một cách hợp pháp sau một cuộc trưng cầu dân ý qua những người dân có liên quan hay những người đại biểu cho họ.
Nhưng toàn bộ các điều khoản trong hiệp định này chỉ có giá trị trong trường hợp việc Nam Kỳ hoàn nhập với phần còn lại của Việt Nam là có hiệu lực và hợp pháp.
Về việc này, Chính Phủ Cộng Hòa Pháp cam kết sẽ thực hiện mọi trình tự pháp lý đã được tiên liệu trong Hiến Pháp [của Pháp].
Ngay sau khi các trình tự pháp lý được tiên liệu như trên đây, Chính Phủ Pháp sẽ công nhận một cách vĩnh viễn sự Toàn Vẹn Lãnh Thổ của Việt Nam như đã được định nghĩa trên đây.
Chính Phủ Pháp chối bỏ không đòi hưởng qui chế đặc biệt bởi các Dụ của Hoàng Đế về ba tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, và Đà Nẳng.
Việc quản lý hành chính các cư dân không phải là người Việt mà nơi cư trú xưa nay là nằm trên lãnh thổ Việt Nam như đã vừa được định nghĩa trên đây và theo truyền thống đã luôn luôn thuộc thẩm quyền của Triều Đình An Nam, sẽ là đối tượng cho một chế độ đặc biệt, được Hoàng Thương chuẩn nhận cho các đại diện của các cư dân này. Những quy chế này sẽ được xác định với sự đồng ý của Chính Phủ Cộng Hòa Pháp mà, trên điểm này, họ có những nghĩa vụ đặc biệt đối với các cư dân đó. Các quy chế đó sẽ phải đảm bảo, cùng lúc, những quyền lợi tối thượng của Việt Nam và sự phát triễn tự do của các cư dân này trong sự tôn trọng những truyền thống và phong tục của họ.
II. VẤN ĐỀ NGOẠI GIAO
Chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Pháp mà trong đó Việt Nam thực thi các quyền của mình qua các đại biểu của họ trong Hội Đồng Tối Cao và quyền ngoại giao của Việt Nam như định nghĩa sau đây, sẽ được xem xét và phối hợp dưới sự chỉ đạo và trách nhiệm của Chính Phủ Pháp, trong Hội Đồng Tối Cao của Liên Hiệp mà Chính Phủ Việt Nam sẽ được đại diện bởi các đại biểu mà họ đã tự do chọn lựa.
Để thực hiện các chỉ dẫn khái quát trên đây, trong vấn đề chính sách đối ngoại, Hoàng Đế Việt Nam sẽ liên kết hoạt động ngoại giao của mình với hoạt động ngoại giao của Liên Hiệp Pháp.
Người đứng đầu các cơ quan ngoại giao nước ngoài sẽ được ủy nhiệm cạnh Tổng thống Liên Hiệp Pháp và Hoàng Đế Việt Nam.
Các Trưởng đoàn Ngoại Giao Việt Nam mà Chính Phủ Việt Nam đã chỉ định với sự đồng ý của Chính Phủ Cộng Hòa Pháp để đại diện Việt Nam ở các Nước Ngoài, sẽ nhận được các ủy nhiệm thư do Tổng thống Liên Hiệp Pháp trao cho, và được ký tắt bởi Hoàng Đế Việt Nam.
Các quốc gia mà Việt Nam được đại diện bởi một cơ quan ngoại giao sẽ được quyết định với sự đồng ý của Chính Phủ Pháp.
Sự thống nhất về chính sách đối ngoại bên cạnh Liên Hiệp Pháp của các quốc gia sẽ được đảm bảo cùng lúc, bằng các chỉ thị tổng quát đã được quyết định, dĩ nhiên là bởi Hội Đồng Tối Cao Liên Hiệp Pháp, và được Chính Phủ Cộng Hòa Pháp truyền đạt đến Chính Phủ Việt Nam, cũng như bởi các liên lạc trực tiếp thực hiện giữa các nhà ngoại giao Pháp và Việt Nam. Ở các quốc gia khác, Việt Nam sẽ được đại diện bởi các cơ quan ngoại giao của Chính Phủ Cộng Hòa Pháp và các cơ quan này có thể thu nhận các đại diện của Việt Nam.
Việt Nam có đủ tư cách để thương lượng và ký kết các hiệp định liên quan đế các quyền lợi riêng biệt của mình, với điều kiện là phải được rõ ràng trước mọi đàm phán, Việt Nam gửi các dự án của mình cho Chính Phủ Cộng Hòa Pháp để được xem xét bởi Hội Đồng Tối Cao, và các đàm phán phải được thực hiện chung với các cơ quan ngoại giao của Cộng Hòa Pháp. Ý kiến thuận của Hội Đồng Tối Cao là điều cần thiết để các hiệp định được thỏa thuận trở nên quyết định.
Chính Phủ Cộng Hòa Pháp sẳn sàng, theo lời yêu cầu của Chính Phủ Việt Nam, làm trung gian để mở các lãnh sự quán Việt Nam, trong các quốc gia mà Việt Nam dự tính là sẽ có các lợi ích đặc biệt. Các Lãnh sự Việt Nam thực hiện các hoạt động của mình: ở các Quốc Gia mà Việt Nam có một cơ quan ngoại giao, dưới sự chỉ đạo và trách nhiệm của người trưởng cơ quan này, liên kết với người trưởng cơ quan ngoại giao của Chính Phủ Cộng Hòa Pháp; ở các Quốc Gia khác, dưới sự chỉ đạo và trách nhiệm của người trưởng cơ quan ngoại giao của Chính Phủ Cộng Hòa Pháp.
Chính Phủ Cộng Hòa Pháp cam kết sẽ giới thiệu và hổ trợ các ứng viên Việt Nam mỗi khi họ thỏa mãn đầy đủ các điều kiện tổng quát được dự định bởi Hiến Chương Liên Hiệ Quốc để được thu nhận vào tổ chức này.
III. VẤN ĐỀ QUÂN SỰ
Nước Việt Nam có quân đội quốc gia đảm trách việc duy trì trật tự, an ninh trong nước và phòng thủ Đế Quốc [Pháp]. Trong trường hợp chót, việc phòng thủ nếu xảy ra sẽ được hổ trợ bởi các Quân Đội trong Liên Hiệp Pháp. Quân dội Việt Nam cũng tham gia trong việc bảo vệ biên giới của Liên Hiệp Pháp chống lại mọi kẻ thù ở ngoài.
Quân số của quân đội quốc gia Việt Nam và quân số của quân đội Liên Hiệp Pháp đồn trú tại Việt Nam sẽ được quyết định bằng một hiệp định riêng biệt, sao cho toàn bộ các phương tiện sẵn có đủ để đảm bảo một cách có hiệu quả, trong thời chiến, việc bảo vệ lãnh thổ Việt Nam và của Liên Hiệp Pháp.
Quân đội Việt Nam sẽ gồm người Việt dưới quyền chỉ huy bởi các Sĩ Quan người Việt; các huấn luyện viên và các cố vấn về kỷ thuật người Pháp sẽ được đặt dưới quyền xử dụng của Việt Nam.

Các cán bộ người Việt sẽ được đào tạo bởi các trường quân sự Việt Nam và, có thể, bởi các trường của Pháp là nơi mà họ sẽ được thâu nhận với không bất cứ phân biệt nào. Để làm dễ dàng, trong thời chiến, cấu trúc nội bộ của quân đội Việt Nam sẽ gần giống càng nhiều càng tốt với cấu trúc của quân đội Liên Hiệp Pháp.
Chi phí cho quân đội Việt Nam sẽ do ngân sách của Chính Phủ Việt Nam đài thọ. Các yêu cầu về vật tư [quân sự] sẽ được Chính Phủ Việt Nam gửi đến Chính Phủ Pháp.
Để có thể tham gia một cách có hiệu quả vào việc bảo vệ Liên Hiệp Pháp, quân đội của Liên Hiệp Pháp đóng quân trong lãnh thổ của Việt Nam, trong các căn cứ và trại quân, mà danh xưng, các giới hạn, và các qui chế sẽ là đối tượng của một thỏa thuận riêng biệt. Dù thế nào, qui chế này sẽ như thế nào để nó có thể cho phép các Quân Đội trong Liên Hiệp Pháp hoàn thành sứ mạng của mình mà vẫn tôn trọng nguyên tắc về chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Họ có thể di chuyển tự do giữa các căn cứ và trại quân được giao cho họ theo các thể thức sẽ được làm rõ trong thỏa thuận vừa nêu trên. Thể theo nguyên tắc hợp tác toàn diện trong Liên Hiệp Pháp, quân đội Liên Hiệp Pháp sẽ bao gồm các đơn vị Việt Nam mà việc tuyển quân cũng sẽ được xác định bởi thỏa thuận được nói đến trên đây.
Để đảm bảo một hành động chung có hiệu quả ngay tức khắc trong thời chiến, một ủy ban quân sự thường trực, bao gồm các Sĩ Quan Tổng Tham Mưu của hai quân đội, sẽ được thành lập trong thời bình để chuẩn bị một kế hoạch quốc phòng chung và hợp tác quân sự giữa quân đội quốc gia và quân đội Liên Hiệp Pháp; ủy ban có thể được dùng, trong thời bình như một cơ quan để liên lạc thường trực giữa hai quân đội này. Các thể thức về cấu trúc và vận hành trong thời bình của ủy ban quân sự này sẽ được mô tả trong thỏa thuận đặc biệt được đính kèm vào Hiệp Ước Pháp-Việt.
Trong thời chiến, toàn bộ các phương tiện quốc phòng bao gồm chủ yếu bởi Quân Đội Việt Nam và quân đội Liên Hiệp Pháp sẽ được nhập chung, và Ủy Ban quân sự là thành phần hạt nhân của một bộ Tổng Tham Mưu hỗn hợp mà việc chỉ đạo và chỉ huy sẽ do một Sĩ Quan cấp Tướng của Pháp chịu trách nhiệm về các chiến trường chủ yếu ở Việt Nam và một trong các Tổng Tham Mưu là người Việt Nam.
IV. VẤN ĐỀ CHỦ QUYỀN TRONG NƯỚC
Chính Phủ Việt Nam sẽ toàn quyền hành xử các quyền hạn và đặc quyền xuất phát từ chủ quyền trong nước của mình. Chính Phủ Việt Nam sẽ thông qua với Cao Ủy Pháp tại Đông Dương các thỏa thuận đặc biệt hay tạm thời, tùy theo hoàn cảnh, để xác định các thủ tục chuyển tiếp cho Việt Nam các chức năng trước đây được xử lý bởi chính quyền Pháp.
Ưu tiên dành cho các kiều dân của Liên Hiệp Pháp chỉ sẽ chấm dứt trong trường hợp Chính Phủ Pháp không thể cung cấp được nhân sự yêu cầu. Thủ tục áp dụng điều khoản này sẽ được làm rõ sau này bằng một văn bản.
Không một công dân Pháp, không một kiều dân nào thuộc Liên Hiệp Pháp được phép là thành viên của chính quyền Việt Nam mà không có trước sự cho phép hay sự đồng ý của Đại Diện của Liên Hiệp Pháp và ngược lại không một công dân Việt nào có thể làm việc trong chính quyền Pháp hay trong chính quyền của Liên Hiệp Pháp mà không sự cho phép hay đồng ý trước của chính quyền Việt Nam.
V. VẤN ĐỀ TƯ PHÁP
Việt Nam nhận lãnh đầy đủ và toàn diện thẩm quyền xét xử ở các cấp tòa án dân sự, thương mại, và hình sự trên toàn lãnh thổ của vương quốc.
Tuy nhiên, ở cấp tòa dân sự và thương mại có kiện tụng giữa các công dân Việt Nam hoặc với các kiều dân của Liên Hiệp Pháp không phải là người Việt, hoặc với các kiều dân các nước khác mà nước Pháp đã ký kết các thỏa ước bao hàm một đặc quyền pháp lý và các truy tố hình sự được áp dụng vì các lý do phạm pháp mà trong đó các bị cáo hay bên bị thiệt hại cùng loại kiều dân hay những người đã phạm tội gây thiệt hại cho Nước Pháp – những người đó sẽ được xử bởi các cấp tòa án hỗn hợp mà thành phần và cách vận hành sẽ là đối tượng của một thỏa hiệp tư pháp được đính kèm vào Hiệp Ước Pháp-Việt.
Tuy nhiên thỏa hiệp sẽ tôn trọng các nguyên tắc sau đây:
1. Các bản án được tuyên sẽ có công thức chấp hành như sau: “Nhân danh Liên Hiệp Pháp và Nước Việt Nam, Hoàng Đế của Việt Nam triệu tập và ra lệnh”.
2. Luật được áp dụng là Luật của Pháp mỗi khi có một công dân Pháp bị buộc tội.
3. Luật được áp dụng là Luật của Việt Nam mỗi khi công dân Pháp không bị buộc tội, phải chỉ rõ là Luật này đã được áp dụng trong phần kết luận của vụ tranh chấp.
Nếu thiếu, Luật của Pháp sẽ áp dụng.
Sau cùng, được xác định rằng theo đúng các quy tắc tư pháp quốc tế, các vụ án dính đến tư cách [pháp lý] cá nhân sẽ được xử lý bởi Luật pháp quốc gia của các bên.
Các vụ tranh chấp hành chánh sẽ được giải quyết theo cùng những nguyên tắc và trên cơ sở hoàn toàn hổ tương.
Thỏa ước pháp lý đặc biệt sẽ giải quyết cùng lúc tất cả mọi vấn đề khác với trong chương này.
VI. VẤN ĐỀ VĂN HÓA
Ở bậc tiểu và trung học, Pháp có thể được tự do mở các cơ sở giáo dục công và tư dưới điều kiện duy nhất là phải tuân thủ các luật và qui định lãnh thổ về vấn đề này.
Các luật và qui định sẽ không được tạo ra bất cứ sự phân biệt đối xử, trực tiếp hay gián tiếp, giữa người Pháp và người Việt.
Những đòi hỏi về trình độ nghề nghiệp và đạo đức để được dạy học trong các cơ sở giáo dục phải giống như những đòi hỏi như thế đang hiện hành ở Pháp.
Tất cả những điều khoản này cũng được áp dụng trong Giáo Dục Kỷ Thuật và chuyên nghiệp.
Các trường Pháp áp dụng các chương trình đang hiện hành ở Pháp; một lớp về lịch sử và văn minh Việt Nam trong khi đó buộc phải được dạy ở đây.
Học sinh Việt Nam được tư do xin học ở các trường Pháp ở Việt Nam. Các trường này bắt buộc phải mở một lớp dạy tiếng Việt cho các em học sinh người Việt.
Một chỗ ưu đãi, nằm trung gian giữa ngôn ngữ quốc gia và các ngôn ngữ quốc tế, sẽ được dành cho tiếng Pháp, ngôn ngữ ngoại giao của Việt Nam, trong các trường Việt.
Việt Nam chuẩn nhận rằng tiếng Pháp trong các trường Trung Học Việt sẽ có một chỗ đứng đủ để có thể cho phép các học sinh, sau khi hoàn tất bậc Trung Học, theo học các lớp bậc đại học được dạy bằng tiếng này. Việt Nam sẽ cố gắng đảm bảo việc dạy tiếng Pháp ở bậc Tiểu Học với số trường càng nhiều càng tốt.
Một hệ thống đánh giá tương đương giữa các bằng tốt nghiệp từ các trường Việt và các bằng chính thức của Pháp sẽ được thiết lập bằng một thỏa thuận được ký kết về việc này, ngay sau khi các chương trình của trường Việt và trường Pháp đã được đối chiếu so sánh.
Việt Nam có quyền tự do xây dựng hệ thống các trường Đại Học của mình; cũng vậy, Việt Nam công nhận cho Pháp được quyền tiếp tục, tại Việt Nam, các trường Đại Học của mình dưới danh nghĩa của Liên Hiệp Pháp.
Tuy nhiên, vì lý do các khó khăn trong thực tiễn hiện nay, và nhất là trong việc đào tạo một đội ngũ giáo chức người Việt xứng đáng, một Đại Học chung sẽ được thành lập trong sự tuân thủ các luật và qui định lãnh thổ. Qui chế Đại Học này sẽ là đối tượng của một thỏa hiệp đặc biệt giữa Pháp và Việt Nam. Các quốc gia trong Liên Bang Đông Dương có thể, nếu họ muốn, tham gia vào tổ chức này và tham gia đàm phán về việc này với Pháp và Việt Nam.
Qui chế của Đại Học này phải là một tổ chức thỏa mãn được càng nhiều càng tốt các nguyên tắc tự chủ ở bậc Đại Học áp dụng trong phần lớn các Quốc Gia hiện đại.
Đại Học này sẽ được điều khiển bởi một Viện Trưởng, được bổ nhiệm bởi một quyết định chung giữa các nước có quan tâm và Pháp, sau khi có ba ứng viên được giới thiệu bởi Hội Đồng Tham Vấn của Đại Học. Viện Trưởng sẽ được phụ giúp bởi các Khoa Trưởng, cho việc điều hành ở mỗi một ngành đại học, và, để cho việc điều hành của Đại Học, một Hội Đồng Cố Vấn Đại Học gồm có , dưới sự chỉ đạo của Viện Trưởng, các Khoa Trưởng, các đại diện của giáo sư, các đại diện của sinh viên và các nhân vật có quan tâm đến vấn đề giáo dục, cũng như các giám đốc các cơ sở khoa học lớn và một đai diện cho mỗi Chính Phủ có liên quan.
Việc giảng dạy sẽ thực hiện với ngôn ngữ được chọn bởi các sáng lập viên của Đại Học và các Viện Chuyên Môn.
Trong giảng dạy truyền thống:
a) Tất cả các ngành đều được giảng dạy bằng tiếng Pháp
b) Việc giảng dạy bằng tiếng Việt sẽ được thực hiện theo các qui định do Hội Đồng Đại Học quyết định.
Các văn bằng được cấp bởi Đại Học chung sẽ được xem như chính thức bởi hai Quốc Gia; tuy nhiên, các văn bằng từ một chương trình thuần Việt có thể đươc cấp sau này sẽ không đương nhiên được thu nhận vào các chức vụ giảng dạy bằng tiếng Pháp và vào các việc làm, tuyển dụng theo bằng cấp, trong Liên Hiệp Pháp.
Để làm dễ dàng tối đa cho việc phát triển Giáo Dục cấp Đại Học, thuế đánh trên Đại Học sẽ được giữ ở mức càng thấp càng tốt và phải được sự đồng ý của các Chính Phủ có liên quan.
Đại Học chung sẽ dành ra một số chỗ cho các sinh viên được học bổng của các Chính Phủ có liên quan.
Số phận của các cơ sở khoa học đang hiện hữu ở Việt Nam sẽ được giải quyết bởi các thỏa ước riêng biệt được ký kết hoặc giữa hai quốc gia Pháp và Việt Nam, hoặc giữa Việt Nam và ban giám đốc các cơ sở có liên quan. Mặc dù thế, vài nguyên tắc kể sau đây bắt buộc phải được tôn trọng:
Toàn bộ tài sản của các trường Pháp ở Viễn Đông sẽ là của chung của ba nước Đông Dương và nước Pháp; tài sản này không thể được chuyển nhượng. Hội đồng điều hành sẽ gồm đại diện của ba nước Đông Dương và nước Pháp. Vị trí Giám Đốc sẽ được bổ nhiện bằng một quyết định chung của bốn Chính Phủ sau khi có ba ứng viên được giới thiệu bởi các bộ phận có thẩm quyền của Viện Pháp [Institut de France].
Tình trạng các Viện Pasteur được xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam sẽ được giải quyết bằng các hợp đồng ký kết giữa các tổ chức này và Chính Phủ Việt Nam.
Các hợp đồng ký kết tuy nhiên sẽ phải tôn trọng các điều sau đây:
- Các viện hiện có là tài sản chung của ba nước Đông Dương và nước Pháp về bất động sản và đất ở Sài Gòn, Dalat và Nha Trang.

- Việt Nam là sở hửu chủ về bất động sản và đất của Viện Pasteur Hà Nội; tuy nhiên Việt Nam cam kết sẽ ký kết một khế ước giống y như các khế ước được ký bởi các Viện Pasteur kia.
- Viện Pasteur giữ quyền sở hửu các cơ sở kinh doanh và đất mà Viện đã nhận được qua việc tặng giữ hay thừa kế.
- Viện Pasteur là sở hửu chủ các vật tư khoa học.
- Việc áp dụng khế ước hiện hành sẽ tiếp tục cho đến khi hết khế ước vào cuối tháng Mười Hai 1949.
Tài Liệu Lưu trữ:
Mỗi Chính Phủ giữ quyền sở hửu trên các tài liệu lưu trữ. Việc bảo quản và quản lý các tài liệu lưu trữ này sẽ theo những qui định sẽ được xác định sau.
Vấn đề các Thư Viện, Viện Lúa Gạo, Sở Khí Tượng, Viện Hải Dương Học và các Bảo Tàng Viện sẽ là đối tượng cho các thỏa hiệp riêng biệt.
VII. VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ TÀI CHÁNH
Các kiều dân Việt ở Pháp và ở các nơi khác của Liên Hiệp Pháp, các kiều dân Pháp và các nước khác trong Liên Hiệp Pháp sinh sống ở Việt Nam được hưởng như nhau về tự do cư trú như người bản xứ trong khung Luật và qui định lãnh thổ. Họ được hưởng tự do về đi lại, về thương mại và nói chung là thêm tất cả các tự do dân chủ trong lãnh vực này.
Tài sản và xí nghiệp thuộc các kiều dân của Liên Hiệp Pháp nằm trên lãnh thổ của Việt Nam được hưởng một chế độ giống như chế độ về tài sản và xí nghiệp thuộc các kiều dân Việt, chủ yếu là thuế và luật lao động. Sự bình đẳng theo qui chế này sẽ được công nhận trên cơ sở hổ tương về tài sản và xí nghiệp thuộc các kiều dân Việt sinh sống ở Pháp.

Chế độ luật pháp trên xí nghiệp và tài sản thuộc các kiều dân của Liên Hiệp Pháp sinh sống ở Việt Nam chỉ có thể được sữa đổi với một thỏa ước chung giữa Chính Phủ Cộng Hòa Pháp và Chính Phủ Việt Nam.
Các kiều dân Liên Hiệp Pháp sẽ được trả lại, trong tình trạng như hiện nay, các quyền lợi và tài sản mà ho đã bị tước đoạt tiếp theo những sự kiện dính dáng tới Việt Nam từ tháng Ba năm 1945. Một ủy ban hỗn hợp sẽ được chỉ định để thiết lập các thủ tục cho việc trao trả này.

Tư bản Pháp có thể được tự do đầu tư vào Việt Nam, với những điều kiều kiện sau đây:
a) Chính Phủ Việt Nam sẽ tham gia, nếu thấy ích, vào tiền vốn các xí nghiệp được xếp loại trong khu vực lợi ích quốc gia;
b) Việc mở các xí nghiệp được xếp loại là quốc phòng sẽ phải được Chính Phủ Việt Nam cho phép;
c) Chính Phủ Việt Nam có thể thiết lập một quyền ưu tiên trên tích sản của các xí nghiệp vừa chấm dứt hoạt động.
Một ủy ban hỗn hợp Pháp-Việt sẽ định nghĩa trước phạm vi chính xác của các khu vực này cũng như tầm mức chính xác của các giới hạn trên nguyên tắc tự do cư trú áp dụng ở những nơi ấy.
Các điều khoản dự liệu trên đây không áp dụng cho các tài sản hay xí nghiệp hiện nay ở Việt Nam, cũng không áp dụng cho việc phát triễn của các tài sản hay xí nghiệp là kết quả từ những hoạt động bình thường của chúng.
Chính Phủ Việt Nam sẽ quản lý một cách tự chủ nền tài chánh của họ. Chính Phủ Việt Nam thiết lập và quản lý ngân sách của mình. Chính Phủ Việt Nam được hưởng tất cả các phần thu ngân sách trên lãnh thổ Việt Nam, ngoại trừ các phần thu dính đến thỏa thuận giữa Chính Phủ Pháp và các Chính Phủ của các quốc gia hội viên, để tài trợ cho các định chế chung hay cho tất cả những xử dụng khác sẽ được định sau. Chính Phủ Việt Nam có thể tăng thuế và lệ phí, và có thể đưa ra các loại thuế và lệ phí mới. Khi những thuế và lệ phí này có tác động đặc biệt tới các kiều dân của Liên Hiệp Pháp, việc này trước nhất sẽ được tham khảo bởi các đại diện của các nước nhằm tạo ra một sự hài hòa về thuế giữa các nước Đông Dương cũng như việc vận hành bình thường các hoạt động kinh tế.
Việt Nam sẽ có chung liên minh tiền tệ với các nước Đông Dương. Đồng tiền duy nhất được lưu hành trên lãnh thổ của liên minh tiền tệ này sẽ là đồng bạc được phát hành bởi Viện Phát Hành Đông Dương.
Viện Phát Hành có thể cho in ra các mẫu tiền khác nhau giữa Việt Nam, Cao Mên và Lào.

Đồng bạc Đông Dương sẽ nằm trong khu vực đồng quan Pháp. Tuy nhiên tỉ giá giữa đồng bạc và đồng quan Pháp là sẽ không cố định và nó có thể thay đổi tùy theo các điều kiện kinh tế. Tuy nhiên tỉ giá này chỉ có thể thay đổi sau khi đã có tham khảo giữa các nước Đông Dương hội viên.
Cơ chế vận hành về hối đoái sẽ được định bởi Viện Hối Đoái Đông Dương.
Việt Nam sẽ thiết lập một liên minh quan thuế với các quốc gia Đông Dương khác. Không có một hàng rào quan thuế nào giữa các quốc gia này. Không một thứ thuế nào được thu ở biên giới chung của các nước này, các thuế biểu chung sẽ được áp dụng cho các hoạt động xuất nhập khẩu trên lãnh thổ của Liên Minh.
Trong lãnh vực kinh tế và tài chánh, Hoàng đế của Việt Nam cho rằng một mặt Ngài có những lợi ích chung với hai Vương Triều Cao Mên và Lào, mặc khác với Liên Hiệp Pháp, và sẽ là điều có lợi cho Đất Nước Việt Nam khi các lợi ích này được hài hòa với mục đích phát triển chung, Ngài ý thức được cơ hội xây dựng các tổ chức hỗn hợp để đảm bảo việc nghiên cứu, sự hài hòa và việc đưa vào áp dụng các lợi ích vừa kể.
Để cho việc này, một Hội Nghị được triệu tập ở Đông Dương theo yêu cầu của Cao Ủy, trong đó có đại diện của Cộng Hòa Pháp và của Hoàng Thượng, của các Quốc Vương Cao Mên và Lào. Hội Nghị này sẽ quyết định về thành phần và mức độ về quyền lực của các tổ chức hỗn hợp. Có lẽ tốt nhất là nên dành lại, cho mục đích này, cho thẩm quyền của Hội Nghị về các điểm sau đây:
1. Dịch vu về phát thanh
2. Kiểm soát di trú
3. Thương mại quốc tế và quan thuế
4. Kho bạc
5. Kế hoạch trang thiết bị

Phải xác định rõ, cho mục đích này, rằng Hội Nghị Đông Dương, được định nghĩa như trên đây, sẽ được triệu tập để cho ý kiến về Kế hoạch trang thiết bị đang được soạn thảo.
Hội Nghị này sẽ tự mình thiết lập, vào lúc mở đầu một công việc, các qui tắc và qui trình làm việc.
Hội Đồng Tư Vấn Tối Cao của Liên Hiệp Pháp có thể sẽ được yêu cầu can thiệp để cho ý kiến và hòa giải, nếu cần.

*
**

Các văn bản sẽ được trao đổi tại Sài Gòn giữa Hoàng Thượng và Cao Ủy Pháp ở Đông Dương. Hiệp Ước sẽ đi vào áp dụng vào ngày trao đổi này.
Bản Tuyên Bố chung ngày 5 tháng 6 năm 1948 và các văn kiện ở đây, cũng như các công ước bổ sung mà chúng bao gồm, sẽ được trình Quốc Hội Pháp và các Cấp Việt Nam có thẩm quyền để chuẩn nhận thành một chứng từ ngoại giao như đã được tiên liệu trong điều 61 của Hiến Pháp của Cộng Hòa Pháp.
Chính Phủ Cộng Hòa Pháp và chính tôi tin tưởng rằng việc nhanh chóng đưa ra thi hành bởi Hoàng Thượng va Đại Diện của Pháp, trên tinh thần tin tưởng lẫn nhau và thiện chí hổ tương, các điều trên đây sẽ giúp một cách có hiệu quả việc tái lập Hòa Bình ở Việt Nam, được liên kết một cách tự do trong sự công bằng và thân hữu với nước Pháp.
Xin Ngài vui lòng chấp thuận lời chào kính trọng cao nhất của tôi
Vincent Auriol

Chú thích:

Vicent Auriol là Tổng Thống thứ 166 của Pháp (1947-54) http://fr.wikipedia.org/wiki/Vincent_Auriol
Liên Hiệp Pháp: http://vi.wikipedia.org/wiki/Li%C3%AAn_hi%E1%BB%87p_Ph%C3%A1p
http://www.vietnamgear.com/Indochina1947.aspx
April 23rd 1949 Cochin-China assembly votes for unification with Annam and Tonkin as part of the State of Vietnam within the French Union June 4th 1949 French Assembly passes the Cochin-China bill unifying Vietnam
December 7th 1947 Bao Dai signs the Ha Long Bay Agreement, which weakly commits the French to national independence for Vietnam. Prominent nationalists, including Ngo Dinh Diem, condemn the agreement as falling far short of real independence
June 5th 1948 Bao Dai and Bollaert sign a second Long Bay Agreement in which France solemnly recognizes the independence of Vietnam. However, the French government retains control over foreign relations and the Army and defers transference of other government function to future negotiations
July 3rd 1953 French government issues a declaration of its intention to complete the independence and sovereignty of the three Associated States (Cambodia, Laos and Vietnam)
Khách gửi hôm Thứ Bảy, 28/12/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131227/hiep-dinh-phap-viet-ngay-8-thang-3-nam-1949-con-goi-la-hiep-dinh-elysee
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001