Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Kẻ sĩ can ngăn

Kẻ sĩ can ngăn 



Phạm Kỳ Đăng
Bài viết của nhà báo Lê Phú Khải rất thú vị như nhiều bài báo về Nguyễn Kiến Giang - một người chí sĩ ở thời hiện đại đeo xiềng gông chịu đày ải giữa cuộc đời này. Con người ông ấy, theo như tôi biết, chỉ có thao thức với những nghĩ suy tường tận, chuyên chú vào hoạt động tư duy của mình vậy mà va chạm, rồi hứng chịu bao chịu bầm dập. Một nhân vật phát sáng cả khi đang giãy giụa hẳn cung cấp cho người đọc nhiều chi tiết đáng để đời ngẫm nghĩ, nhìn ở góc độ nào cũng ấn tượng cả.
Là người trí thức cộng sản từ thời trai trẻ nghiên cứu chủ nghĩa Marx, ông đã nhìn bao quát được chủ thuyết phê phán và vượt bỏ nó, gỡ được khỏi đầu mình cái vòng kim cô. Rồi cũng với tinh thần trọng thị và điềm tĩnh, ông “ đặt bàn thờ chủ nghĩa Mác-Lênin sang một bên, chứ không đặt lên đầu (…) nữa, tức là ngang với những nhà tư tưởng lớn của loài người như Rousseau, Robespierre, Montesquieu.”

Karl Marx, sinh thời tâm niệm mọi thứ thuộc về con người đối với chính ông không xa lạ, thật phi lý làm sao, đã tạo nên một học thuyết phiêu lưu về xã hội, xa lạ thuộc tính con người vào bậc nhất. Sinh thời Karl Marx bị khai trừ khỏi Quốc tế II; các lý thuyết gia của phong trào công nhân và dân chủ xã hội phê phán ông ở sự cực đoan và không tưởng. Friedrich Engels khi về già thừa nhận lỗi lầm tuổi trẻ ở những phát ngôn ngông cuồng non dại. Suốt trong thế kỷ 20, cả khi hình thành hệ thống xã hội, ở thời thịnh trị với những thành tựu đạt được, thêm phần phóng đại qua tuyên truyền, chủ nghĩa Marx-Lênin vẫn phải đương đầu nhiều đợt phê phán toàn diện hơn nữa, kể cả sau khi hệ thống ấy sụp đổ. Căn cứ vào cái bản tính người trong thực tế, ta thử nhìn lại, làm gì có chuyện làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Ai cũng thích hưởng thụ cả và ngay cái sự hưởng thụ này đã phung phí tài nguyên, thải ra bao là rác rưởi ảnh hưởng và tàn phá môi sinh, vậy ai tự giác đứng ra làm cái việc dọn cho người hàng xóm hưởng thụ hơn cả mình đây, thử nêu một ví dụ như vậy. Chưa kể là nền sản xụất tập trung, kế họach hóa theo nhu cầu sẽ giữ trình độ sản xuất đứng nguyên tại chỗ, trừ công nghệ quốc phòng, và mọi nỗ lực cải tiến chỉ có thể đưa về nền sản xuất của thế kỷ 19.
Đương thời Marx đã chứng kiến sự thất bại của cuộc Cách mạng vô sản đầu tiên của giai cấp công nhân là Công xã Paris xảy ra năm 1871. Ngay sau đó Marx phát minh ra chuyên chính vô sản, cướp đọat và duy trì quyền lực một cách bạo liệt. Trám vào lỗ hổng trong lý thuyết vị nhân sinh bằng một luận thuyết bạo lực, vô hình chung, ông đã giáng một đòn chí tử vào đồng loại. Sau này người ta truy nguyên các lãnh tụ cộng sản độc tài, từ Mao Trạch Đông, Stalin, Lenin v.v., đều tìm thấy ông tổ tinh thần của họ chính là Karl Marx. Các đường phố cũng như nhiều tượng đài Karl Marx vẫn được giữ nguyên, nhưng Hội đồng châu Âu vào ngày 25.01.2006, tại Straßburg ban hành Nghị quyết 1481 về sự Cần thiết lên án tội ác của các thể chế cộng sản toàn trị.
Nguyễn Kiến Giang nghiên cứu chủ nghĩa Marx và đi đến bác bỏ nó.
Nếu đọc lại một bài viết của ông thôi, ta thấy những ý kiến phê phán, đánh giá, và đề xuất của ông từ gần một phần tư thế kỷ trước, hiện vẫn còn như mới. Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ chối kiến nghị của ông yêu cầu bỏ điều 4 trong Hiến pháp. Vẫn bằng thái độ bất chấp và ngạo ngược, cho đến hôm nay Đảng vẫn đòi cho mình vị trí độc tôn cai trị này, và như vậy Hiến pháp hiện hành phô diễn Cương lĩnh Đảng, sẽ lại tổ chức hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, đợt sau mỗi lúc một tiềm ẩn nhiều hệ lụy và bi kịch.
Sẽ nhiều người trong chúng ta nuối tiếc, giá như các vua chúa, lãnh tụ biết nghe lời hiền giả, sĩ phu xưa như Nguyễn Trường Tộ và ngày nay là Nguyễn Kiến Giang, giá như họ đừng bỏ ngoài tai Tế Cấp Bát Điều hay tham luận “Khủng hỏang và lối ra”. Sự thật, tôi nghĩ, sẽ không có chỗ cho những giả tưởng đó. Một nền chuyên chính vô sản thiết lập, những kẻ tà ác và vô học cuối cùng sẽ thắng thế. Họ liên kết được với nhau, vì quyền và tiền ở giai đọan sau, đó là chất gắn kết nhất những kẻ đam mê nó thành một liên mình ma quỉ, trong khi những người có tri thức tập trung trí lực vào chuyên môn của họ sớm lạc lõng, thành con mồi cho liên minh này. Trong đội ngũ lãnh đạo cao nhất của nhà nước xã hội chủ nghĩa, có hai nhà lãnh đạo kiệt xuất ở lĩnh vực của họ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh (ở giai đoạn giành độc lập) cũng là hai người trí thức duy nhất - chính vì vậy một sớm một chiều bị cô lập và chịu câu thúc trong nhà lầu và nhà sàn. Nguyễn Kiến Giang, một trí thức độc lập, ở khả năng tư duy tổng hợp, dự báo và năng lực phản tư, hơn hai nhà trí thức kia, bị giam cầm trong nhà đá.
Nhưng cùng số phận với họ ông lọt vào tâm điểm của những người ngu muội, giáo điều nắm trong tay chuyên chính. Cái nền chuyên chính tàn bạo này, ăn thịt những đứa con của nó, và đau đớn thay điều này, xưa kia cho tới mai sau, mang tính quy luật. Ông từng nói: “Chúng ta không sợ lạc hậu, sợ nhất là lạc lõng giữa loài người.” Ngày hôm nay dân tộc này vẫn bơ vơ như thế, trong bi kịch dân tộc, tôi nghĩ còn có thân phận giới trí thức phản biện, tranh đấu, mọi bề thiệt thòi trong vây khốn, lẻ loi.
Nguyễn Kiến Giang thổ lộ : "Cho đến bây giờ tôi cũng không biết là tôi có tội gì nữa.„ Tôi nghĩ rằng, ông phải trở thành nạn nhân tất yếu của sự thanh trừng kẻ sĩ. Một trí thức độc lập tỏa sáng như ông, luôn làm kẻ vô học quáng mắt khó chịu, đặc biệt khi bầy đàn của họ chiếm thế lấn lướt, áp đảo. Ở bài có một chi tiết được nhà báo Lê Phú Khải ghi lại, khiến tôi đặc biệt chú ý: „…Kiến Giang còn kể: Lần cuối cùng Lê Đức Thọ vào thăm tôi, ông ta nói: Các cậu hay đề cao trí thức, phó tiến sĩ đi học về thì tớ cho thêm 5 đồng vào lương, thế thôi! Tôi nhìn thẳng Thọ nói: Xưa Đảng vô học vì phải đi đánh giặc, nay Đảng có chính quyền mà Đảng lại sùng bái sự vô học thì không được! Lê Đức Thọ đứng lên ra về. „
Khái quát nhược điểm người trí thức Việt Nam, cũng Nguyễn Kiến Giang đưa ra khái niệm “phò chính thống” lột tả thái độ tuân phục bợ đỡ của trí thức đối với thế quyền. Trong nhiều cuộc thảo luận, người ta đã chê bai không thương tiếc lỗi lầm của người trí thức cùng chung xây một nhà nước tòan trị, độc tài chuyên chế và đóng góp phần tổ chức cuộc khủng hoảng toàn diện của nó. Nhưng ta cũng nên ngó lại bộ mặt của kẻ đảng quyền với người trí giả vì nước dám liều mình can gián.
Chi tiết trên nêu ra biểu thị không gì sống động hơn thái độ của hôn quân vô học, bỉ ổi với chí sĩ và đến ranh giới tột cùng, mối quan hệ giữa độc tài và trí thức.
P.K.Đ
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:45
nguồn;http://boxitvn.blogspot.com/2013/12/ke-si-can-ngan.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001