Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Lê Mạnh Hùng - Câu chuyện 'nô lệ' tại Anh

Lê Mạnh Hùng - Câu chuyện 'nô lệ' tại Anh 

   at 2:09 PM

Lê Mạnh Hùng - 

Họ được báo chí gọi là “nhóm nô lệ Brixton,” ba người đàn bà được cảnh sát giải cứu từ một căn nhà tại khu xóm nghèo Brixton ở phía Nam Luân Ðôn sau khi bị giữ làm nô lệ trong suốt ba mươi năm vừa qua.

Khi vụ này bị vỡ lở và một cặp vợ chồng bị cảnh sát Anh bắt giữ, người ta đã nghi ngờ không biết có phải đây là một chuyện bắt làm nô lệ vị tình dục giống như vụ xảy ra tại Cleveland Hoa Kỳ trong đó cũng ba người đàn bà bị bắt giữ làm nô lệ tình dục trong suốt mười năm hay không.

Nhưng khi báo chí và cơ quan cảnh sát bắt đầu điều tra và phanh phôi nội vụ ra thì sự thật còn quái đản hơn là người ta nghĩ nhiều.

Nó bao gồm một nhân vật cộng sản Maoist mà những hứa hẹn với những người theo mình bao gồm cả việc giải phóng nước Anh bởi Giải Phóng Quân Trung Quốc; một người đàn bà thuộc tầng lớp thượng lưu của xứ Wales mà cái chết xảy ra sau khi nhảy từ buồng tắm trên lầu ba xuống đất; và một bà mẹ tìm cách cứu con gái bằng cách thuê thám tử tìm cách bắt cóc con mình.

Câu chuyện bắt đầu khi vào ngày 18 tháng 10, một trong ba người đàn bà liên lạc qua điện thoại với một tổ chức thiện nguyện nhờ họ giúp đỡ ra khỏi căn nhà mà họ nói họ bị giam giữ ngoài ý muốn suốt ba mươi năm qua. Một tuần sau đó, họ được tổ chức này giúp đỡ ra khỏi sự giam giữ này và được đưa đến một nơi an toàn. Nhưng phải mãi đến cuối tháng 11 nội vụ mới được phanh phui và cặp vợ chồng giữ ba người này làm nô lệ mới bị bắt. Sau đó, họ được báo chí Anh nhận dạng là Aisha Wahab, 69 tuổi người Malaysia và Josephine Herivel 57 tuổi người Bắc Ireland, cả hai xuất thân từ tầng lớp trung lưu và đều tốt nghiệp đại học. Hai người này đã gặp cặp vợ chồng được coi là giữ họ làm nô lệ vào khoảng thập niên 1970 tại một nhóm ly khai cực tả và sau đó dọn vào ở trong một “tập thể sinh hoạt” với họ cũng trong thập niên này. Người đàn bà thứ ba mới 30 tuổi người Anh có vẻ như từ lúc sinh ra đã ở trong tập thể này và chưa từng ra ngoài tiếp xúc kể cả đi học.

Câu chuyện về cuộc đời của ba người đàn bà này mà dần dà được tiết lộ ra qua lời kể của họ hàng, của những cựu thành viên của “tập thể,” và điều tra cảnh sát là một bức tranh vẽ ra một cảnh sống cách ly trong một tà phái chính trị bị kiểm soát chặt chẽ bởi một người được coi như là lãnh tụ tên là Aravindan Balakrisnan, 73 tuổi.

Balakrisnan - hay đồng chí Bala - từ Singapore đến Anh trong thập niên 1960 và cùng với bà vợ người Tanzania tên là Chanda, điều hành một trung tâm cộng sản Maoist tại một căn nhà thuộc quận Brixton ở phía Nam Luân Ðôn. Nhưng sau đó ông bị trục xuất ra khỏi hàng lãnh đạo của một nhóm cộng sản ly khai cực tả Ðảng Cộng Sản Anh (Marxist-Leninist) vì “những hành động ly khai.” Bị trục xuất, y ra thành lập một nhóm còn nhỏ hơn nữa gọi là Học Viện Công Nhân Marxist Leninism và tư tưởng Mao Trạch Ðông (Workers' Institute of Marxism-Leninism-Mao Zedong Thought) với khoảng 20 đệ tử.

Theo Steve Rayner, một giáo sư tại trường Ðại Học Oxford, người mà luận án tiến sĩ vào năm 1979 có đề tài là những nhóm cực tả tại Anh, thì Balakrisnan có sức lôi cuốn (charisma) của một lãnh tụ và “rõ ràng là y đã có một kiểm soát chặt chẽ đối với các đảng viên.” Tờ Daily Telegraph dẫn lời bà Kamar Mautum, em ruột bà Wahab thì bà Wahab sau khi đến Anh cùng với vị hôn phu đã bị Kalakrisnan hấp dẫn đến nỗi bỏ vị hôn phu, ném nhẫn đính hôn xuống sông Thames và dọn vào ở với y.

Năm 1978, sau một vụ tấn công vào một cảnh sát viên, cơ sở của đảng bị cảnh sát Anh rà soát và 14 thành viên bị bắt giữ kể cả vợ chồng Balakrisnan. Ðảng sau đó tan rã và tập thể bị giải tán nhưng một nhóm nhỏ tiếp tục ở lại với vợ chồng Balakrisnan kể cả hai bà Wahab và Herivel.

Cho đến nay hầu như không ai biết về cuộc sống bên trong khoảng một tá các cơ sở mà nhóm này sinh sống trong ba mươi năm qua, hầu hết đều ở phía Ðông Nam Luân Ðôn. Cảnh sát chỉ mới tuần này bắt đầu thẩm vấn ba người đàn bà này vốn được chăm sóc bởi các nhà tâm lý học chuyên môn tại một nơi an toàn suốt từ tháng 10 tới nay. Nhưng một số mẩu chuyện về cuộc đời của một người đàn bà thứ tư, một thành viên khác của tổ hợp mà được coi như là mẹ của người đàn bà trẻ nhất cho ta một số hình ảnh.

Sian Davies, con một gia đình phú hào nông thôn xứ Wales, dọn vào “tập thể” trong lúc đang học trường London School of Economics trong thập niên 1970. Bà Davies chết vào năm 1997 bảy tháng sau khi nhảy từ một phòng tắm trên lầu ba xuống đất vào ngày 24 tháng 12.

Theo bà Eleri Morgan, em họ của bà Davies, một cô giáo về hưu, thì ngay sau khi gia nhập nhóm của Balakrisnan, bà Davies cắt đứt mọi liên hệ với gia đình. Lần độc nhất mà bà Davies đi gặp bà mẹ vào cuối thập niên 1980 thì có hai thành viên của nhóm đi kèm. Và theo bà Morgan, họ không bao giờ để bà có cơ hội một mình gặp mẹ cả. Mẹ bà Davies, cố gắng tuyệt vọng muốn cứu con gái đã thuê một thám tử tư, nhưng nhóm này, luôn luôn thay đổi chỗ ở có vẻ như đã luôn luôn đi trước một bước và thám tử của bà mẹ bà Davies đã không làm được gì. Ngay cả sau khi bà Davies phải nằm nhà thương trong bảy tháng vì bị thương cột sống sau khi té từ trên lầu ba xuống, nhóm này cũng không thông báo cho gia đình. Bà Morgan cho biết, “Cô tôi chỉ biết sau khi Sian mất và cảnh sát đến báo.”

Những nhà nghiên cứu về tâm lý xã hội học cho biết trường hợp nhóm Brixton này có thể là điển hình cho động thái của các nhóm cực đoan. Amanda Van Eck, một nhà nghiên cứu tại trường London School of Economics vốn chuyên về những hệ phái tôn giáo cực đoan nhỏ cho biết, “Chuyện này nhắc lại cho tôi một số những trường hợp mà chúng tôi đang nghiên cứu. Ðặc biệt là tại những nhóm rất nhỏ, ta có một môi trường rất là cưỡng bức. Nếu không có một quan hệ nào với thế giới bên ngoài trong một thời gian dài, người ta có khuynh hướng có những quan hệ rất đặc thù với nhau.”

Cảnh sát cho biết ba người đàn bà này có “một sự tự do có kiểm soát.” Họ được thấy đi mua hàng tại một siêu thị gần đó, và người nhỏ nhất viết thư tình gởi cho một người đàn ông hàng xóm. Nhưng như báo Guardian chỉ ra, trong thư bà ta viết bà ta cảm thấy “như một con ruồi bị mắc trong lưới nhện.”
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/12/le-manh-hung-cau-chuyen-no-le-tai-anh.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001