Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Người Buôn Gió - Cho ta gửi một mảnh trời xanh biếc

Người Buôn Gió - Cho ta gửi một mảnh trời xanh biếc 



Người Buôn Gió
Thế là đã đến tháng 12, tuyết đã rơi trên những vùng cao ở Châu Âu. Người ta đã mở chợ bán những mặt hàng đón Giáng Sinh và năm mới. Ở những siêu thị lớn, các cây thông khổng lồ đang được dựng lên và trang trí... và thế là đã xa quê hương gần 8 tháng rồi.

Sống ở đây trong an bình đến êm ả. Cái yên bình không những ở trong lòng mà nó còn ở bên ngoài cửa sổ, những con chim nhởn nhơ kiếm ăn trên bãi cỏ, lối đi. Chúng đỉnh đương phớt lờ người đi lại. Nhất là bọn quạ, chúng đi lại vênh váo và ngạo mạn. Ở quê hương 40 năm, mình chưa hề nhìn thấy con quạ bao giờ, dù đi ngược xuôi khắp đất nước rất nhiều...
Những con chim bồ câu thì khỏi nói, chúng là loại quá thuần mặc dù ở đây chúng sống tự do không nuôi như ta làm chuồng. Nhưng giống chim hoang dã như chích chòe, quạ, én, vịt trời, le le, thiên nga thì chúng cũng nghênh ngang tự tại ung dung mà chẳng lo gì cả.
Không hiểu vì sao, ở đến tháng thứ ba, khi hạn visa trong cuốn hộ chiếu hết. Người ta cấp cho tôi một cái thẻ. Tôi không hiểu cái thẻ nói gì. Ông Giắc cứ dẫn tôi đến sở ngoại kiều, ở đó họ chỉ tôi ký vào đâu tôi ký và nhận cái thẻ đi về. Đến khi có một người Việt xem và thốt lên ngạc nhiên lúc nhìn cái thẻ. Đó là thẻ cư trú có thời hạn. Nó có nghĩa là tôi có thể cư trú lại đây nếu tôi muốn, chỉ cần tôi kiếm được việc làm, chứng minh mình có thể sống mà không nhờ ai trợ cấp. Với điều kiện ấy tôi xin gia hạn cư trú thoải mái ở đây.
Bây giờ trong đầu tôi ám ảnh bởi lũ chim xứ này. Gần 20 năm trước trong khu kiên giam đặc biệt của một trại tù, tôi bị nhốt cách ly. Người ta xây khu kiên giam biệt lập, xung quanh là bức tường cao vút. Kiên giam là nhà tù trong nhà tù. Để ra được sân trại giam tù nhân thường chỉ một lần mở khóa, còn tù ở kiên giam phải 3 lần. Ở trong khu kiêm giam không nhìn thấy gì và thậm chí không nghe thấy gì cả. Một mình tôi ở căn buồng rộng đến 60 mét vuông trống vắng. Cả đời tôi chưa bao giờ được ở một mình trong căn phòng diện tích như thê, thật xa xỉ trong khi các bạn tù khác phải khéo léo để thu xếp đồ đạc của mình trên diện tích bằng 2/3 cái chiếu đơn. Ở đây là thiên đường của sự tĩnh mịch, nhưng nếu sự tĩnh mịch được nuôi dưỡng bằng song sắt phi 12 và những bức tường dày 30 cm cao 6 mét hết ngày này qua ngày khác thì nó lại là địa ngục.
Sự tĩnh mịch chỉ tồn tại trong nửa tháng đầu tiên, sau đó là sự âm u.
Ngày hai lần, cán bộ trực trại mở khóa để thằng tù bếp lẻn vào nhanh như con sóc, nó ném vào buồng giam một túi nilo vo nắm cơm bằng quả cam xã Đoài, đôi khi nắm cơm bằng quả cam Bố Hạ. Vì tù thiếu chất C, nên tôi hay ví nắm cơm là quả cam.
Tôi phát hiện thấy đôi khi có vài con chim sẻ xà xuống khoảng sân trước mặt buồng giam kiếm ăn, chúng nhặt cái gì trên khoảnh sân trống trơn ấy, có gì ăn được lọt qua khoảng tường cao 6 mét kia vào đây cho chúng, khi mà con người ở đây cũng đói lả triền miên. Chúng sà xuống giây lát và bay đi, để lại cho kẻ sau hàng song sắt phi 12 tiếc nuối khoảnh khắc sinh động của sự sống.
Tôi dành cơm để vất ra sân, mấy ngày đầu hạt cơm khô đi, không có con vật nào đến. Rồi vài ngày sau lũ chim nhảy xuống và nhặt hạt cơm. Đến tối lại có mấy con chuột từ cống chui ra nhặt hạt cơm. Hàng ngày tôi có thể thấy lũ chim ríu rít ngoài sân. Những tháng ngày biệt giam đó tôi có lũ chim làm bạn.
Bởi thế tôi nhìn lũ chim ở đây, lũ chim trên đường phố Paris, Berlin, Gienevo, Budapet, Oslo... chúng béo mượt và dạn dĩ khiến tôi chạnh nhớ lũ chim sẽ nhỏ bé năm nào trong khu kiên giam.
Tôi cầm tấm thẻ được quyền cư trú có hình tôi ngắm, bỗng tôi chợt thấy đè trên ảnh mình là ảnh của những người anh, người bạn, người em bạn mình lần lượt hiện lên. Lê Quốc Quân, Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ,... những người anh em quen biết hiện đang ở trong tù.
Tôi ngồi đây giữa Châu Âu, ngắm lũ chim béo mọng nhơn nhở. Những người anh em kia của tôi đang nằm sau song sắt phi 12 của nhà tù giữa mùa đông lạnh giá tê tái đang đến. Đôi khi tôi tự dằn vặt mình như có lỗi với họ, mặc dù chúng tôi là bạn và con đường đi của mỗi người có khác nhau. Tôi ưa thành một nhà văn hơn là một người hoạt động xã hội. Chẳng phải tôi hèn, mà thiên hướng bẩm sinh trong người nghiêng về phía viết tào lao phù phiếm nhiều hơn những câu chữ cần sự nghiêm túc, chính xác như luật.
Nhưng quả thật cảm giác ngồi hưởng tự do ở đây trong khi những người bạn đang trong chốn lao tù là cảm giác rât day dứt, nhất là mình đã từng trải qua nhà tù, biết rõ về nơi đó.
Ngày mai 2 tháng 12 năm 2013 là ngày sinh nhật tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Thế là đã hơn 3 năm tù và 4 lần tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đón sinh nhật của mình trong nhà tù, chẳng phải ở căn biệt thự cổ giữa trung tâm Hà Nội đầy đủ tiện nghi. Con người ấy đã dấn thân chấp nhận cuộc sống đầy đủ để tiến vào con đường đòi hỏi công bằng, đòi quyền con người cho nhân dân và chủ quyền cho đất nước.
Bản án 7 năm tù dành cho những phát biểu, bài viết của anh là một sự bất công. Không nói đến bất công so với quốc tế với tiêu chí tự do ngôn luận. Mà nó bất công ngay với cả cách hành luật vốn dĩ đã bất công ở Việt Nam. Với những gì mà tiến sĩ nói thì bất công lắm như thường lệ cũng chỉ khép anh vào điều 258 là cùng. Thế nhưng sự bất công vốn có sẵn trong hệ thống lại được cộng thêm sự thù hằn cá nhân, lợi ích nhóm đã đẩy tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ sang một tội danh nặng nề hơn để kết án anh 7 năm tù đằng đẵng.
7 năm hay 12 năm sẽ trôi đi, nhưng những vết nhơ trong lịch sử ngành tư pháp Việt Nam vì những bản án bất công thế này sẽ còn mãi mãi đến nhiều đời sau.
Khi hưởng sự tự do, mới thấm thía sự mất mát của những con người dù xác định phía trước là nhà tù, vẫn hiên ngang bước tới, chấp nhận rời xa hạnh phúc cá nhân để lên tiếng vì một tương lai tốt đẹp và tươi sáng cho dân tộc, đất nước.
Và anh, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, con của bộ trưởng Cù Huy Cận là người như thế đó.
Nếu khi này còn ở Việt Nam, tôi sẽ mang một lẵng hoa có dòng chữ "chúc mừng sinh nhật tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ" đến nhà anh, gõ cổng chính vào giữa buổi sáng để trao chị Dương Hà, nhờ gửi giúp đến anh lời chúc mừng anh sớm trở về với gia đình, bình an và mạnh khỏe. Nhưng năm trước thì được, năm nay ở xa, xin gửi về sinh nhật anh bài hát để bày tỏ ít tình anh em.

Ai trở về xứ Việt. Ca sĩ: Lâm Thúy Vân.
Admin gửi hôm Thứ Hai, 02/12/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131201/nguoi-buon-gio-cho-ta-gui-mot-manh-troi-xanh-biec
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001