Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Người tượng

Người tượng 



Tháng 12 5, 2013
Dạ Ngân
Được gặp Kiến Giang không nhiều. Đôi ba lần ở những cuộc họp và một lần ở nhà riêng của ông. Không gặp nhiều nhưng biết nhiều. Ai không biết Kiến Giang, hẳn người đó không quan tâm gì đến chiều sâu Hà Nội.

Chao ơi, một gương mặt kỳ lạ. Ấn tượng một lần cho mãi mãi. Không có nhận xét khác. Chữ kỳ lạ được hiểu với góc độ điêu khắc. Chữ kỳ lạ chỉ muốn dành cho riêng ông. Chữ kỳ lạ là chính xác nhất, với những gì ông đã vượt qua, trở thành và nung nấu nên.
Nhớ mãi một cuộc họp (duy không nhớ là họp gì, ở Hà Nội người ta sống bằng họp). Nhớ vì hôm ấy Kiến Giang được mời, khi ông có mặt thì mới biết ông cũng được mời. Cái cách ông lặng lẽ bước vào, cách ông tìm một chỗ ít được chú ý để ngồi xuống và cái cách ông thẳng lưng trước những ánh mắt dành cho mình, những ánh mắt đủ thứ hạng: ngạc nhiên, tò mò, ngưỡng mộ, khâm phục… Tôi không chú ý gì đến họp vì sự thực, cung cách của Kiến Giang đã thu hút tôi. Thế thôi.
Nhớ lần đến thăm nhà ông để ăn bữa cơm gọn với mấy người bạn nữa. Anh Thân hay đẩy tôi đi như vậy, để “Hà Nội ngấm vào em”. Như đã từng đi dự tang tại nhà cụ Trần Dần, đi cà phê phố cổ thường xuyên với nhà thơ Lê Đạt, đi xem Phùng Quán câu cá đãi Nguyễn Hữu Đang, đi nghe Phùng Cung đọc thơ, đi chợ để mua gà ta với Vũ Huy Cương, đi hỏi thăm sức khỏe chú Trần Độ, đi trò chuyện với học giả Phan Ngọc về đủ thứ chuyện…
Không nhớ bữa cơm ở nhà Kiến Giang ấy có những ai. Chỉ nhớ cái cách ông ngồi trong góc thư phòng, phía sau là những gáy sách, như mọi góc nhà của những người yêu sách như con. Trang trọng, điềm nhiên, mực thước. Được ngắm ông ở khoảng cách không còn khoảng cách nào quá thích. Tôi buột miệng “Anh có gương mặt của tượng” (tôi gọi bằng anh, theo cách gọi của chồng). Kiến Giang hơi nhoẻn cười, vẻ trầm tư của tượng biến mất, nhưng nụ cười có thêm vẻ đẹp của từ bi.
Ngồi một lát phải chạy xuống bếp giúp bà Lan vợ ông làm bữa. Thế giới các bà vợ của những nhân vật tôi liệt kê trên mới thật phi thường (trừ Nguyễn Hữu Đang và Vũ Huy Cương là không có vợ, lúc tôi biết họ). Nếu các ông là tượng thì các bà là đế của tượng, khiến cho tượng vững và cao lên. Lại không nhớ hôm ấy ăn gì, chỉ nhớ là bà Lan nói một câu khiến chỉ muốn giữ riêng cho hồi ký. Bà nói: “Anh của em hay bạn, chị phải đi chợ chiều, luôn phải đi chợ chiều để mua thứ rẻ đấy em”. Đàn bà thời khốn khổ với nhau, nghe là biết, nghe là hiểu và nghe là nhớ mãi.
Những người tượng của Hà Nội gần như đã thành cát bụi hết rồi. Làm sao tạc được tiếng cười Lê Đạt? Làm sao mô tả được khuôn miệng rất sáng và sang của Trần Độ? Làm sao tạc được giọng nói đẫm tình người của Vũ Huy Cương: “Em và Thân có khỏe không, mai anh mua gà mang xuống mình luộc, nhé?”. Làm sao tạc được dấu tù ở Nguyễn Hữu Đang? Làm sao tạc được giọng nói khí khái của Phùng Cung? Làm sao tạc được dáng ngồi khắc khổ của Trần Dần? Làm sao tả được tiếng guốc mộc rất ý thức của Phùng Quán? Và làm sao tạc được dáng chợ chiều của bà Kiến Giang?
Mãi nói mãi liệt kê và không bao giờ thấy đủ và thấy vơi lòng. Xin một nén nhang từ xa cho ông, một con người, một tượng người xứng đáng, tiêu biểu, điển hình.

© 2013 Dạ Ngân & pro&contra
nguồn:http://www.procontra.asia/
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001