Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Đỗ thị Hồi Sinh - ELISA NGỌC MỸ

Đỗ thị Hồi Sinh - ELISA NGỌC MỸ 

   at 12/01/2013 03:12:00 PM

Đỗ thị Hồi Sinh - 

Tám giờ tối chuông điện thoại reo vang, trên mặt kính của caller ID không có số điện thoại hay tên người gọi đến, chỉ vỏn vẹn một chữ “Private”. Tôi vừa nhắc lên “Allo” một tiếng thì đã nghe tiếng của chị rộn ràng và hăng hái cùng với tiếng cười hinh hích muôn thuở của chị, đôi lúc có kèm theo tiếng nhai thức ăn và tiếng mở nước, tiếng bát đũa đụng vào nhau:
 “Allo, bồ đó hả, Ngọc Mỹ đây, tui vừa đi làm về, đang ăn, bồ có làm gì không dzậy, có một tiệm tóc bốn ghế và một phòng cho “phê sô”(facial)  mà con nhỏ cháu vừa nói cho biết; nó nói người ta đang cần sang gấp vì bà chủ tiệm vừa đi Việt Nam về mới bị chết vì sửa sắc đẹp quá nhiều: sau khi hút mỡ bụng, cắt mắt, căng da mặt nhiều lần còn uống thuốc cho gầy nữa đó bồ, bà đó còn trẻ nhưng ông chồng thì già lắm rồi. Người ta nói tiệm này mà sang ít nhất phải hai, ba chục ngàn, nếu ngày mai bồ rảnh, mình đi coi cái tiệm cho biết. Biết đâu nếu rẻ thì mình hùn vốn làm ăn cũng được; mà bồ biết tui nhát lái xe trên xa lộ lắm, nó cũng không xa gì, gần tiệm phở ba số chín đó. Mà bồ biết hông, cái tiệm như dzậy bỏ qua rất uổng, biết đâu mình có cơ hội làm chủ, tui với bồ chia hai nếu bồ OK tôi điện thoại ngay cho ông chủ, để hẹn ngày mai mình đến xem cho biết nha bồ. Tui nói thiệt không dễ tìm ra một tiệm như dzậy đâu, lúc trước tui ở gần khu đó, nên có đến tiệm mấy lần, cái khu đó có ăn và đông khách lắm. Cái bà đó nghe đâu là bà nhỏ, mà bả chửi chồng bả quá xá quà xa giữa tiệm đông khách, mà cái ông đó thì sợ vợ chỉ làm thinh, coi tội nghiệp lắm hà. Người ta nói ổng đánh bài dữ lắm đó bồ ơi !”


Chị vẫn luôn vui vẻ, sôi nổi và nói luyên thuyên không dứt, không cần ngừng một giây để lấy thêm một chút không khí cho buồng phổi có thêm sức để tiếp tục câu nói, hay cũng có thể vì không muốn người ta cắt ngang làm mất cái ý tưởng dạt dào đang liên tục tuôn chẩy trong óc của chị, hoặc là chị sợ nếu nói không đủ chi tiết người ta sẽ từ chối hay không hiểu lời đề nghị của chị. Bình thường người nghe chỉ được đóng góp một câu hoặc kịp thở ra một chút sau khi chị vừa dứt lời.

Thì ra đây là một chuyện mới lạ, có gì thay đổi vì bình thường chị luôn phản đối chuyện mở tiệm, mỗi lần tôi đùa hỏi chị sau khi nghe chị than thở vắn dài về công việc và những đụng chạm lặt vặt xẩy ra thường ngày:

Chị đi làm nail lâu năm rồi sao không mở một tiệm vừa có nail & tóc sẽ có nhiều tiền khỏi phải chia chác hay than phiền khi chủ bóc lột hay mất công đi tìm tiệm khác…”

Mười lần như một chị hay nói và khua tay cùng lúc, ra dấu không ưa chuyện làm chủ hay mua tiệm:

Thôi thôi cho tôi xin đi bồ, làm chủ có chuyện nhức đầu riêng của nó, tui cứ lai rai đi làm kiếm tiền đi shopping rồi dìa nhà ngủ ngon giấc… khoẻ re hà.”

Lần này thấy chị thuyết phục hết lời và “quyết chí” xem tiệm nên tôi đồng ý để chị lấy hẹn gặp ông chủ tiệm vào sáng ngày hôm sau.

Buổi sáng chưa tròn bẩy giờ, tiếng chị lại vui vẻ trong điện thoại, hào hứng xôn xao:
“Bồ dậy chưa, tui dậy từ sớm cho mấy con mèo ăn uống, rồi tui phải làm việc ngoài vườn nữa. Tui hẹn ông Sâm mười giờ hôm nay. Tối qua ổng nói tui sang có mười ngàn thôi hà. Thiệt rẻ quá mức hổng ngờ.  Ừa, mà bồ nhớ sửa soạn mau mau nghen, bây giờ tui phải sửa soạn đưa thằng con đi học lúc tám giờ, rồi tui lái xe đến nhà bồ, đi đường trong cũng phải mất nửa tiếng, như vậy mình có đủ thì giờ gặp ông chủ tiệm không dzậy bồ, tới trễ nó kỳ lắm đó nha bồ; mà bồ nhớ đường không và có chắc tới kịp không hả bo.

Tôi quen với cách nói chuyện của chị nên nhẩn nha chờ chị dứt lời và cười cười:
“Có tài xế ‘chiến’ lái xa lộ chị Ngọc Mỹ đừng lo trễ giờ.

Không biết chị chạy “đường trong” mất bao lâu mà đúng chín giờ ba mươi có tiếng còi xe bấm “tin tin” ở ngoài cửa. Tôi chạy từ trên lầu xuống dưới nhà, vơ vội đôi giầy mầu đen cho hợp với bộ quần áo xám cổ cao cho ấm. Cửa mở ra, tôi thấy chị cười tươi rói:
Nè! tui mang cho chị của bồ mấy trái cam Texas ngọt ghê lắm bồ ơi, đường ngọt làm sao, cam nó ngọt y như dzậy đó bồ…

Chị thon nhỏ mặc cái áo mầu hồng có hoa tím nhạt mỏng cổ chữ V trễ thật sâu, quần mầu tím đậm, đôi giầy tím than hở gót có cài cái nơ bé tí xíu xinh xinh, chị tô môi son mầu hồng tươi và móng chân và tay cùng mầu hồng rất vui mắt, bên ngoài khoác chiếc jacket mầu đen lót nỉ đỏ. Trông thật xinh xắn trẻ trung ngoại trừ những dấu vết của thời gian không tránh khỏi trên khuôn mặt. Vào nhà chị nói :
Để tui gọi cho bà bạn tui để bồ nói chuyện với bà đó chỉ đường cho mình đi chợ trời sau khi xem tiệm. Trời đất ơi nó bán rẻ không biết đâu mà nói. Tui mua cái áo có hai đồng bạc hà, mà nó đẹp thiệt là đẹp đó bồ, còn đôi giầy thì chỉ có mười đồng hà, đủ loại, đủ kiểu. Tui nói thiệt rẻ lắm, tui hay đi với bà này đó…

Trong điện thoại, tiếng người bạn niềm nở trả lời và trước khi dứt lời bà ta nói với theo:
Dễ tìm lắm chị ơi, chị nhớ mang theo ‘xeo’ phôn vì bà Ngọc Mỹ hay biến mất tiêu  tìm hết ngày hổng ra đâu.

Vào xe chị trao tôi chìa khoá, quơ mấy tờ báo quảng cáo vất bừa bộn dưới chân cho vào một góc ở băng ghế sau và nói chữa:
“Cái xe của tôi không có đứa nào nó thèm ăn trộm đâu nha bồ. Bồ biết tại sao hông? Tại vì tui hổng có thì giờ dọn dẹp nên trong xe nó bừa bộn quá xá quà xa, trộm nó dòm thấy nó cũng ớn luôn; nó không thèm ăn cắp xe của tui đâu, vì nó phải lau chùi dọn dẹp thấy bà nó luôn…

Tôi buồn cười vì thấy chị thật tự nhiên, có duyên ăn nói và nói sao cũng được, cứ như là chuyện thật. Có lẽ cũng chẳng ai giận chị được lâu vì chị giận đó và vài giờ sau thì lại quên rồi lại cười nói và mời ăn bất cứ món gì chị mang theo như để làm hoà. Chị thích ăn quà vặt nên lúc nào trên xe cũng có kẹo bánh. Lần này chị Ngọc Mỹ mang theo mứt sen trần và kẹo mãng cầu:
Ăn đi bồ, bà chủ cho từ hồi Tết đến giờ hẵng còncái thứ này chỉ có ở Việt nam mới có thì giờ làm ngon như dzậy, tui ghiền ăn món chè gì mà người Bắc nấu làm sao mà hột sen nó mềm thiệt là mềm mà còn nguyên hột hà, nó thơm thiệt là thơm đó bồ, ‘ba tàu’ làm sao biết làm cái món đó, mà hột sen này bà chủ mua ở tiệm bánh Tàu.”

Chị nói tôi chị gốc Trung Hoa vì họ của chị nghe rất lạ vậy mà chị lúc nào cũng coi như gốc “ba tàu” là của ai đó chứ không phải là của chị, nên chị phát ngôn, phê bình  rất tự do về “ba tàu”. Chị chỉ giống người Trung Hoa khi đọc trên giấy khai sinh, vì chị đã đổi họ khi lấy chồng Mỹ. Thấy chị húng hắng ho khan, tôi hỏi:
Chị ốm hả chị Ngọc Mỹ, sao chị không mặc áo dài tay và cao cổ cho ấm sẽ bớt ho.

Chị khua tay và nói:
Hổng phải dzậy đâu tui bị dị ứng đó. Thiệt là kỳ, tui hổng bao giờ bị bịnh mà không biết làm sao kỳ rồi đau chết bà, chết dịch. Mấy tuần liền tui phải ở nhà đó bồ. Bác sĩ  cho thuốc trụ sinh nhiều quá trời mà tui ngán thuốc, uống hoài không hết nên tui dục mẹ nó luôn.

Nói vậy nhưng tôi biết chị luôn luôn cho là tại “dị ứng” gây ho, chứ không phải tại chị mặc áo rất “nhẹ” không ủ ấp và che đậy kỹ lưỡng như tôi vì trời nóng hay lạnh chị cũng quen mặc áo mỏng và khá ít vải. Chị từng nói:
Tui hổng quen mặc áo quần như bồ, kiểu gì mà che hết cả người, tui phải bận sexy một chút mới được, che phủ kỹ quá là hổng có tui rồi đó nghen.” 

Chị với tôi là hai thái cực, nhưng điều này không làm phiền hà gì cho lắm vì tôi vẫn quan niệm, họ là họ và ta là ta, không nhất thiết ta phải giống họ hay họ phải giống ta. Trong cái khác biệt giữa hai con người cũng có những điều hay mà ta sẽ học hỏi được. Ba má tôi vẫn dậy các con phải biết tôn trọng người khác không phải vì địa vị tiền bạc hay chức tước mà là sự tôn trọng hỗ tương rất cần thiết trong liên hệ giữa con người vì xã hội nào, giai cấp nào, học thức hay không cũng đều có người tốt kẻ xấu.

Trên đường đến xem tiệm tóc chị nhắc nhở tôi nhớ hỏi những điều gì. Đến nơi tiệm đóng cửa sắt sơn đen như ở Việt Nam. Chị ghé mắt nhìn vào và gọi:
“Có ai hông dzậy? Ông Sâm ơi…”

Một người đàn ông khoảng trên sáu mươi ra mở cửa, ông là chủ tiệm, ông ta giới thiệu hai người em trai, và sau khi đưa chúng tôi xem tiệm và những chi tiết về thu nhập và số khách của tiệm, ông ngồi đối diện với chị Ngọc Mỹ và nói chuyện thật vui vẻ. Ông nói:
Hôm qua cô Ngọc Mỹ  nói có một câu một ‘anh Sâm ơi...’, nghe cái giọng nói là tui biết người ra sao liền hà, tui có cái giác quan thứ sáu đó nghe, hổng sai lần nào hết. Hôm nay thấy mặt hai em biết là có duyên sang tiệm rồi.”

Chẳng hiểu tại tiếng cười buông lơ lửng của chị hay tại hai con mắt trang điểm sắc sảo lúc sáng rỡ lúc lại lơ đãng lâu lâu ngó sang ông Sâm hoặc vì cái áo cổ chữ V hở quá sâu của chị Mỹ , mà ông Sâm hứng thú xuất khẩu thành hai câu thơ tặng chị liền. Ông còn đề nghị làm việc vài tháng trông tiệm giúp “hai em” nữa. Hai cậu em của ông Sâm thỉnh thoảng nhìn chúng tôi và nói thêm vài câu xã giao.

Tôi mời chị ăn ở tiệm phở mới mở gần đó vì đã quá trưa. Chị gọi món bún chả, chạo tôm, thịt nướng, và chị gọi thêm ly chè đậu đỏ, vừa ăn nhìn về phía tiệm, chị nói:
Tui thấy tiệm này sang được vì rẻ quá là rẻ. Người ta nói địa điểm như dzậy phải sang ít nhất hai chục ngàn…”

Tôi cười cười trả lời ghẹo chị:
“Ông Sâm bán tiệm cho chị chứ đâu có bán cho em…”

Trên đường đi đến chợ trời, chị khen cái tiệm không ngớt, chị nói tiếp:
“… Tui làm ba ngày đầu tuần, mấy ngày kia tui phải làm tiệm nails cho bà chủ của tui, mình đâu có bỏ công việc của mình được, cũng phải kiếm sống chớ bồ. Chưa chắc ăn mà bỏ ra làm tiệm thì chết đói làm sao…”

Chị thật giản dị trong ý nghĩ, chị quên mất không để ý là khi đã bỏ vốn vào hùn hạp, mở tiệm là phải bỏ thì giờ làm việc chung. Cái sự thản nhiên không nghĩ xa xôi đến trong lời nói của chị thật tự nhiên, vô tư dầu chị đã vượt hơn số giữa của tuổi 50. Khi nghĩ về quá khứ vàng son chị kể cho tôi nghe cũng rất “vô tâm, vô tánh” :
Bồ biết hông hồi trước ở Việt Nam tui là “dzũ nữ,” tui bán ở câu lạc bộ Mỹ, tiền bạc tui tiêu tha hồ,  tui có mấy ông bồ Việt Nam mê tui chết bỏ, mà tui ‘yêu thiệt’ chỉ có một ông thôi. Mấy người kia Việt, Mỹ, Đại Hàn theo tui ghê lắm, có thằng cha làm lớn nó đòi bỏ vợ bên Mỹ lấy tui, nhưng tui không muốn làm ác mà tại tui cũng đang có nhiều người đang theo mình, tội gì há bồ; mà bồ biết hông toàn là những thằng cha có chức tước và tiền bạc tui mới chịu đó nghen, chứ hổng phải lính quèn mà dzới tới được tui đó nha… Nước nào tui cũng du lịch qua hết: Đại Hàn, Thái lan, Hồng Kông, Singapore, Tây Ban Nha nữa đó… Bây giờ tui tu rồi, ông chồng của tui hiền như cục đất hà, tui nấu thì ổng ăn, còn tui hổng nấu mắc đi làm hay shopping về trễ thì cha con ổng ăn pizza hay hot dog, french fries, spaghetti cũng xong bữa, ổng dễ ăn lắm… Tui có một thằng con ở Việt Nam, một thằng ở với cha nó ở Đại Hàn, cha nó giàu lắm nghe bồ, tui bỏ đi ổng khóc rưng rức, năn nỉ tui mà tui ở đó làm chi cho lạnh thấy mẹ hà. Tui muốn đi Mỹ nên lấy ông chồng này địa vị, chức tước tiền bạc; ổng thương tui thấy mẹ luôn. Kỳ rồi ổng bị đứng tim tưởng chết,  ổng thấy tui đến bệnh viện thăm. Ổng khóc hỏi tui là: Nếu tao chết mày lấy chồng mới không. Thiệt là mắc cười gần chết hà, hổng hỏi con cái ra sao, chỉ sợ tui lấy ông khác hà…”

Ngày hôm sau chúng tôi lại hẹn gặp ông chủ đất để thuê tiệm. Ông Sâm cũng có hai cậu em đi kèm, ông chỉ  hai người em kết nghĩa và nói:
Thằng này đang ly dị, thằng kia thì chưa bao giờ lấy vợ nhưng phải nuôi con, còn tui thì goá vợ… Hai em cứ mua tiệm rồi anh sẽ giúp cho mấy tháng đầu tiên kêu khách lại. Ngày mai cứ đến đây, rồi đưa anh mười ngàn để anh trả nợ ba tháng tiền nhà từ khi chị ốm bịnh và qua đời anh còn nợ ông chủ đất… Anh ‘bảo đảm’ không có chuyện gì hết…”

Chị Ngọc Mỹ phải đi làm vì có khách hẹn, nên chúng tôi ra về sớm hơn ngày hôm qua. Buổi tối chị về nhà, sau khi hỏi nhiều người quen biết, chị đột ngột điện thoại giọng rất trầm trọng, khẩn trương và sôi nổi:
Nè bồ, tui hỏi nhiều người rồi, ai cũng nói là sang tiệm không dễ dàng như vậy đâu. Ngày mai đó, mình đừng có mang tiền đến nghe bồ, làm gì mà sang mau quá dzậy, chắc là phải có chuyện gì trong đó đó, ai cũng nói phải có nhà cửa cầm thế, bảo đảm làm sao mà người ta cho sang mà không đòi gì hết. Cũng khả nghi lắm đa, mình phải cẩn thận đề phòng đó nghe bồ, người ta nói phải ra thành phố sang tên, làm giấy gì đó mất công lắm, hổng có dễ dàng mà mới đi xem rồi trả tiền  có tiệm ngay đâu…”

Lại thêm một diễn tiến mới lạ xẩy ra. Chừng một giờ sau chị đột ngột điện thoại lại, giọng nói bớt sôi nổi có chút gì ngần ngại:
Nè bồ, ngày mai đó, bồ đi tới đó một mình nghen, bởi vì tui phải đi làm sớm, bồ nói với ông Sâm là mình phải đi làm, tuần tới mới bàn tiếp được…”

Tôi đề nghị chị Ngọc Mỹ gọi điện thoại nói về lý do chị không đi được và tôi sẽ trả lời phần của tôi sau với ông ta. Ông Sâm không có nhà chỉ có máy trả lời, tôi cũng nói lý do của tôi không gặp ông vì chị Mỹ không đi được và tiệm định hùn hạp mua bán là ý của chị.

Sáng hôm sau tôi quyết định rủ ba tôi không qua trung gian của ông Sâm và mấy cậu em kết nghĩa và đến thẳng văn phòng của người quản lý cho chủ đất, họ có  mấy căn phố thương mại cho người Việt Nam thuê để buôn bán, để biết thêm chi tiết sang nhượng cùng những lý do tại sao lại cho mướn quá dễ dàng như vậy. Đó là một người Lebanais khá lịch thiệp. Ông trả lời câu hỏi của tôi và nói rằng ông cho vợ chồng ông Sâm mướn gần 20 năm nay, nên tin tưởng và tín nhiệm ông Sâm, còn những vấn đề thủ tục giấy tờ với thành phố thì  chúng tôi phải lo lấy.

Sau khi nói chuyện với người quản lý cơ sở thương mại, ba tôi và tôi đi dạo một vòng nhìn tổng quát những cửa hiệu đang buôn bán và thấy có vài hiệu ở trong góc chưa có người thuê. Chúng tôi lại vào hiệu phở để ăn phở gà và đi mua vài thứ ở tiệm tạp hoá có dịp hỏi thăm thêm chi tiết về tiệm tóc. Thì ra không có gì mờ ám hay khó hiểu trong đó, khác hẳn với sự đa nghi và khẩn trương trong lần điện thoại của chị Ngọc Mỹ tối qua. Người quản lý cho người Việt Nam thuê mướn đã lâu nên cũng quen với kiểu “giới thiệu” và “bảo đảm” như vậy. Ông nói cũng thấy mù mờ nhưng không thắc mắc tại sao ông Sâm giới thiệu tôi là “chị em” với bà vợ ông ta mà thấy khuôn mặt và tên tuổi, âm hưởng giọng nói không giống nhau chút nào. Giống như ông Sâm kể chuyện rất vui vẻ, có nghĩa khí và hào phóng ở Việt Nam, luôn luôn có hai người em trai “kết nghĩa” đi theo trong mỗi lần gặp gỡ. Như sự “tránh né” rất tự nhiên không gặp ông Sâm của chị Ngọc Mỹ khi bất chợt thấy vấn đề sang tiệm không còn giản dị như chị nghĩ, hay “bán cái” cho tôi những vấn đề còn lại.

Tất cả những sự “tự nhiên” bình thản đó làm cho tôi bật cười vì nghĩ đến một con người như chị Ngọc Mỹ, thường bị người khác cho là vũ vữ rất từng trải, khôn ngoan không phải là giới để tôi giao thiệp hay đáng lẽ phải tránh xa, thì chị lại là người giản dị gắn liền với quê hương với kỷ niệm trong đời sống hàng ngày, mỗi sáng thức dậy sớm nuôi hai ba con gà cho nó gáy giống quê chị ở Việt Nam, nuôi dăm ba con mèo như lúc nhỏ chị đã có, tưới nước chăm bón cho vườn rau thơm rất quê hương của chị, và những cây mía, cây bưởi, cây mận, cây mơ, cây chanh… trước khi đi làm phải đưa con đi học, mặc dầu với đồng lương của chồng chị cũng đủ ăn đủ tiêu. Đôi lúc buồn buồn chị kể lể điều chị nghĩ, đến chuyện gửi tiền để nuôi thằng con “mất dạy” khó thương ở Việt Nam, hay chị nói là hôm nay chợ búa có món gì rẻ để nấu cho chồng con ăn. Điều lạ tuy đã từng là vũ nữ mà chị phản đối kịch liệt chuyện “bơm ngực, sửa dzú”, chị không xâm lông mày hay cắt mắt. Tất cả đều nguyên xi và đơn giản như chị kể lại về mình “lúc còn nhỏ tui ngựa lắm, thích ăn diện, theo trai hơn là đi học; má tui gửi đến bà sơ ở Đà Lạt học tiếng Pháp mà tui trốn học đi chơi nhiều hơn nên bây giờ không nhớ mẹ nó một chữ tiếng Pháp nào hết.” Tôi nghĩ chị có sự chất phác thành thật và hài lòng với số phận của mình như người nông dân yêu thương mảnh đất của mình dầu phải vật vã, cực khổ. Sự thích hợp với môi trường mới của chị không có gì đáng để nói, vì những chiếc quần áo lót mầu sắc vẫn phất phới ở cửa vào garage, không thắc mắc hàng xóm Mỹ có để ý hay không hoặc chồng con chị phải chiêm ngưỡng hay phải chui qua nó để vào garage.

Hình như hơn hai mươi lăm năm sống ở xứ người mà chị Ngọc Mỹ hay ông Sâm cũng không thay đổi là bao trong cách giao thiệp với người chung quanh. Người chủ phố Lebanais kia hay những người chủ phố ngoại quốc khác rồi cũng phải quen dần với cách giao thiệp buôn bán của người mình và sẽ bị ảnh hưởng của “phép vua thua lệ làng.” Có lẽ hơn hai mươi lăm năm sống ở xứ người, chúng ta vẫn “hoài niệm” về quê hương qua cách sống, cách làm việc, ngay cả trong những lúc giao tiếp với người Việt ta cũng tự nhiên trở lại thói quen “đám cưới Việt Nam mời 6 giờ nhưng đến 8 giờ mới bắt đầu.” Ngay cả đi họp hành giữa người Việt chúng ta cũng có thói quen “du di” giờ giấc. Tại sao những chuyện nhỏ nhặt như vậy mà tuy ở ngoại quốc lâu năm ta vẫn không thay đổi gì nhiều. Có phải chính vì những chi tiết bé nhỏ đó làm ta tìm được một chút thoải mái nhẹ nhàng, chút tình tự quê hương. Đó có phải là một thói xấu tuy dễ thương nhưng cần phải bỏ, nếu chúng ta quan niệm như người ngoại quốc “thì giờ là tiền bạc” hay được xem như giây phút thần tiên được “trở về nguồn” trong cái thế giới Việt Nam. Ấy thế, nhưng nếu người ngoại quốc mời họp hành hay đi tiệc tùng ta lại có khuynh hướng để ý và tôn trọng giờ giấc đã ghi trên thiệp mời.

Cái thói quen, tập quán đó chúng ta đã sống với nó từ lâu. Có cần thiết phải tiến đến hội nhập, tiếp nhận và thu thập những giá trị mới để sống hài hoà với môi trường và đời sống mới hay không? Trong lúc người ngoại quốc đang bắt đầu quen ăn phở phải có đôi đũa và tiếng sì sụp, vì ăn bằng nĩa (fourchette) là hỏng kiểu, thì những đám cưới của các thế hệ trẻ nối tiếp vẫn in trên thiệp mời là sáu giờ và tám giờ mới bắt đầu có đông đủ quan khách để nhập tiệc.

Tháng 3 - 2002
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/12/o-thi-hoi-sinh-elisa-ngoc-my.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001