Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Trước một Trung Quốc hùng mạnh, hung hăng và nguy hiểm không ai có thể đứng đơn lẻ hay ngoài cuộc

Trước một Trung Quốc hùng mạnh, hung hăng và nguy hiểm không ai có thể đứng đơn lẻ hay ngoài cuộc 



|
Một tàu hải giám Trung Quốc - Ảnh: AFP
Một tàu hải giám Trung Quốc – Ảnh: AFP
Trong thập kỷ qua, Trung quốc lần lượt cho ra đời nhiều loại vũ khí hiện đại với kỹ thuật siêu việt mà ngay cả Nga, Mỹ đều phải giật mình. Từ việc không tiếc tiền bỏ ra mua các vũ khí hiện đại của Nga và nhiều nước rồi tháo ra để lấy cắp kỹ thuật khoa học quân sự của nước mình đã mua cho đến cho gián điệp với hình thức các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp, khách du lịch v.v…rồi bỏ tiền lớn mua chuộc các nhà khoa học quân sự các nước trong đó chủ yếu là Nga để bán cho mình những bản thiết kế mới nhất rồi sao chép y nguyên cho quân đội của mình. Đến nay ngoài máy bay tàng hình, tầu chiến tàng hình, tầu ngầm tàng hình rồi đến tên lửa diệt hạm Trung quốc đã trở thành kẻ nguy hiểm của hải quân Mỹ và cả Nga và Ấn độ. Đặc biệt là sự ra đời của tên lửa đạn đạo chống hạm siêu thanh Đông phong 21D (Dongfeng 21D).
Theo tiết lộ từ báo của Nga mà các tình báo Đài loan có được thì tên lửa đạn đạo chống hạm siêu thanh Dong-Feng 21D  có thể đe dọa đội tàu sân bay Mỹ nếu xung đột xảy ra giữa Washington và Bắc Kinh tại Tây Thái Bình Dương, theo nhận định trang tin phân tích quốc phòng Nga. Tên lửa DF-21D có thể đạt vận tốc tối đa Mach 10 (hơn 12.250 km/giờ) với tầm bắn tới 3.000 km, trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 13.12 dẫn bài viết của trang tin quốc phòng Nga Russian Military Analysis (RMA). Chính vì thế mà đã nhiều lần Trung quốc coi thường sức mạnh hải quân của Hoa kỳ ra mặt đe dọa Philipines ở vùng biển San hô và Nhật bản ở Điếu Ngư và nay cả với vùng biển của Nam hàn.  Trắng trợn hơn các tướng lĩnh của Trung Quốc còn to tiếng khi tuyên bố: “Phải giành được biển Đông” trong đó có cả biển Hoàng sa và Trường sa của Việt nam.
Theo tờ Kinh Hoa Thời báo Đài loan thì hôm 4.8, Ban Tuyên truyền Thành ủy Bắc Kinh mới đây đã tổ chức hoạt động tuyên truyền “Giấc mơ Trung Quốc - các nhà lý luận xuống cơ sở” để gieo rắc tư tưởng về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông. Trong diễn đàn này có đầy đủ các gương mặt tham gia đợt tuyên truyền như thiếu tướng Khương Hán Bân, giáo sư đại học Quốc phòng Trung Quốc, và đại tá Âu Kiến Bình, giám đốc Sở nghiên cứu xây dựng quân đội, đã giải thích cho các binh sĩ về giấc mơ Trung Quốc và giấc mơ xây dựng một quân đội hùng mạnh và họ cho rằng không có lý do gì phải sợ sức mạnh hải quân Mỹ sau khi đưa ra những thành tựu về khoa học quân sự của Trung quốc hiện nay.
Ông Khương Hán Bân đã tuyên bố thế giới chỉ “phục kẻ mạnh chứ không phục kẻ yếu”, theo Kinh Hoa Thời báo. Hàm ý của ông ta muốn nói tới là nay Hoa kỳ đang khó khăn về kinh tế nên không thể tung hoành ở Đông Nam Á cũng như ở biển Đông được mãi. Ông cho rằng với tiềm năm quân sự của Trung quốc hải quân của Mỹ không phải là an toàn. Theo ông này, việc Trung Quốc tranh giành quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và biển Đông là tất nhiên và không thể nhượng bộ cho dù Nhật, Mỹ có cấu kết cũng không ngăn được Trung quốc dành chủ quyền về Điếu Ngư và vùng biển mà Trung quốc nói là vùng biển đảo của mình. Nhấn mạnh vị trí chiến lược quan trọng của biển Đông, ông Khương kêu ca rằng Trung Quốc chỉ kiểm soát có 9 đảo ở quần đảo Trường Sa trong khi Việt Nam chiếm đến 29 đảo. Đây rõ ràng là luận điệu hết sức phi lý và nực cười của viên tướng Trung Quốc về quần đảo Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, nhằm kích động các binh sĩ Trung Quốc.
Trong khi đó, đại tá Âu Kiến Bình khoe khoang về công cuộc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, nói rằng một số đơn vị của quân đội hiện xếp hàng đầu thế giới nhờ vào nỗ lực mua sắm vũ khí, khí tài trong những năm gần đây.
Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 28.10 dẫn lời nhận định các chuyên gia Trung Quốc cho rằng DF-21D là loại tên lửa đầu tiên và duy nhất của thế giới có khả năng tấn công tàu sân bay đang di chuyển.  RMA cho rằng hệ thống tên lửa RIM-161 Standard Missile 3 (SM-3) trang bị trên các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ và tàu tuần dương USS Lake Erie lớp Ticonderoga được trang bị tên lửa hành trình cũng không dễ gì đánh chặn DF-21D.
tq hung han2
Thậm chí máy bay tiêm kích F-35 Lightning II có thể phát hiện được tín hiệu của DF-21D, thì nhóm tàu sân bay chỉ có thêm khoảng 8 phút để ứng phó, theo RMA. DF-21D có thể đánh trúng mục tiêu nhờ vào hệ thống định hướng vệ tinh GPS và Beidou. Chính vì vậy, cách duy nhất để đánh chặn tên lửa này là làm thay đổi quỹ đạo tên lửa. Ngoài ra, không còn cách nào khác để đánh chặn tên lửa này, theo RMD.
Theo nhận định của RMD, một DF-21D có thể tiêu diệt ngay lập tức một tàu chiến hiện đại, và nếu Trung Quốc bắn nhiều DF-21D có thể nhận chìm tàu sân bay của Mỹ.
Tạp chí quốc phòng Defense System của Mỹ từng nhận định rằng, tính đến đầu năm 2013, tên lửa DF-21D (được cho là triển khai vào năm 2009) vẫn chưa bước vào giai đoạn triển khai thực chiến, nhưng dự kiến nó sẽ hình thành đầy đủ khả năng chiến đấu vào cuối năm nay.
Lầu Năm Góc trong nhiều năm qua đã hết sức lo ngại về việc Trung Quốc phát triển DF-21D, theo hãng tin AP.
Giáo sư Toshi Yoshihara, thuộc Đại học U.S Naval War College, hồi tháng 10.2013 nhận định rằng, với DF-21D, Mỹ sẽ không còn vị thế độc tôn về sức mạnh hải quân như đã từng có kể từ kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2.
Các chuyên gia quốc phòng Mỹ cũng đang tranh luận liệu các hệ thống phòng thủ tên lửa, chẳng hạn Aegis, của Mỹ có thể bảo vệ các tàu sân bay của Mỹ trước những cuộc tấn công bằng DF-21D của Trung Quốc hay không.
Một bài báo của Tân Hoa xã hồi năm 2008 từng vẽ ra viễn cảnh Trung Quốc dùng DF-21D đánh tàu sân bay USS George Washington, nếu Mỹ hỗ trợ Đài Loan chống Trung Quốc.
Theo đó, Tân Hoa xã mô tả rằng Trung Quốc sẽ tiến hành ba đợt tấn công sử dụng DF-21D: đợt 1, bắn DF-21D chọc thủng thân tàu USS George Washington; đợt 2, bắn DF-21D kết hợp với không kích bằng máy bay để hủy hoại động cơ tàu sân bay và đợt tấn công 3 bằng DF-21D sẽ “nhận chìm USS George Washington xuống đáy đại dương”.
Những lời tuyên bố của tướng tá Trung quốc không phải là huyênh hoang mà là có căn cứ vì theo nhiều nhà phân tích quân sự quốc tế cho rằng Hoa kỳ đã đánh giá quá thấp khả năng của Trung quốc từ những năm 1990 và đặc biệt là những năm 2000 đây là cơ hội vàng khi kinh tế Trung quốc tăng trưởng mức chóng mặt, họ có điều kiện kinh tế khổng lồ để tăng cường ngân sách quốc phòng gấp 4 đến 5 lần ngân sách mà họ đã công bố.
Vì sao họ có điều kiện này vì dưới chế độ Cộng sản thì kinh tế tập trung trong tay nhà nước và họ muốn làm gì đều có thể huy động nó, chỉ cần trong túi có tiền. Đây là điều mà Hoa Kỳ và phương Tây không có được khả năng này. Trung Quốc vừa công bố kế hoạch chi tiêu quốc phòng năm nay tăng 10.7% ở mức 740.6 tỉ nhân dân tệ (119 tỉ đôla) nhưng con số chính thức phải là 500 đến 600 tỉ đô-la. Đấy là chưa kể các ngân sách quốc phòng ở các tỉnh và quân khu riêng. Về bề mặt thì gia tăng chi tiêu quốc phòng cao hơn mức tăng trưởng quốc nội của Trung Quốc, mà hiện chính phủ đang đặt mục tiêu 7,5% trong năm nay. Nhưng mục tiêu GDP (tổng sản lượng quốc hội ) là tăng trưởng thực sự, được điều chỉnh theo lạm phát, trong khi tăng chi tiêu quốc phòng lại là có tính chỉ định. Điều có lẽ sẽ không trấn an các nước láng giềng của Trung Quốc, những nước đang chỉ ra rằng chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.
Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ hai?
(TNO) Những hình ảnh vệ tinh chụp một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải cho thấy Trung Quốc dường như đang đóng một tàu sân bay thứ hai, tức tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này. Dự án này là bước tiến quan trọng của hải quân Trung Quốc giữa lúc Bắc Kinh củng cố sự hiện diện tại các vùng biển ở châu Á và vươn ra khỏi khu vực.
Theo tờ The Times hôm 2.8, các bộ phận của một chiếc tàu tại cơ sở đóng tàu ở đảo Trường Hưng thuộc tập đoàn đóng tàu Giang Nam có thể là những phần của tàu sân bay nội địa đầu tiên.
Những hình ảnh chụp cơ sở ở đảo Trường Hưng từ tháng 3 của hãng cung cấp ảnh vệ tinh DigitalGlobe cho thấy các bộ phận của một tàu sân bay nội địa tương lai.
Hình ảnh của các bộ phận này dường như cũng xuất hiện trên các diễn đàn và website quân sự của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Chiếc tàu mới sẽ là cột mốc đáng kể trong tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc. Vào năm ngoái, nước này đã biên chế chiếc tàu sân bay đầu tiên tên Liêu Ninh, được cải tạo từ một chiếc tàu mua lại của Ukraine. Mục tiêu mua tầu này chỉ là để họ mổ xẻ học tập kinh nghiệm đóng tầu sân bay lớn hơn và hiện đại hơn mà thôi, cho nên tàu Liêu Ninh chủ yếu được sử dụng cho mục đích huấn luyện thủy thủ và phi công. Nhiều nhà quan sát tin rằng cần phải mất nhiều thời gian trước khi Trung Quốc hấp thu toàn bộ kinh nghiệm từ chiếc tàu Liêu Ninh và bắt đầu đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên.
Theo tờ Jane’s Defence Weekly, cấu trúc của các bộ phận tại xưởng đóng tàu ở đảo Trường Hưng “không giống với bất kỳ con tàu thương mại nào hiện được đóng tại các vũng tàu xung quanh”. Các chuyên gia của Jane’s Defence Weekly nói rằng hiện “có bằng chứng đáng kể” về việc Trung Quốc đang đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên.
Các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc có thể đóng từng phần của chiếc tàu và các bộ phận khác sẽ được tập hợp từ các xưởng đóng tàu khác trên cả nước rồi ghép lại nên rất nhanh chóng ra đời không như người ta tưởng. Trong thực tế người ta cho rằng Trung quốc đang đóng chiếc tầu sân bay thứ 3 để phục vụ riêng tại vùng tranh chấp với Nhật và Nam Hàn.
“Trung Quốc muốn xây dựng một đội tàu sân bay hoạt động”, chuyên gia James Hardy của tờ Jane’s Defence Weekly viết.
Trong phát biểu mới nhất liên quan đến chương trình tàu sân bay vào tháng 4, Phó tham mưu trưởng hải quân Trung Quốc Tống Học cho biết tàu sân bay kế tiếp của nước này sẽ “lớn hơn và trang bị nhiều máy bay hơn”. Tuy nhiên, ông Tống Học phủ nhận việc tàu sân bay nội địa đang được đóng tại đảo Trường Hưng.
Bên cạnh đó các nước lần lượt đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác đó là tại sao các máy bay hiện đại nhất của Hoa kỳ và của Nga đều đã được Trung quốc thực hiện thành công đóng tại nước mình? Những máy bay phản lực có phải được chế tạo từ việc đánh cắp thông tin? Chúng có thể được sử dụng trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc không? Các câu hỏi này được gắn liền với hình ảnh xuất hiện gần đây trên Internet của chiếc máy bay tàng hình mới của Trung Quốc.
Một ví dụ xác đáng nhất là máy bay J-20 mà Trung quốc vừa cho ra đời năm 2012 nhưng trước đó, hồi tháng 1/2011, khi Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đến thăm Trung Quốc, Trung Quốc cũng đã tiến hành bay thử chiến đấu cơ tàng hình J-20 do Tập đoàn công nghiệp máy bay Thành Đô chế tạo. Và lần này, khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta có chuyến công du châu Á, bao gồm cả Bắc Kinh, thì Trung Quốc lại cho đăng tải những hình ảnh về chiến đấu cơ mới nhất của mình. Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc có vẻ như đã cho ra mắt mẫu máy bay tàng hình mới nhất của mình ngay trước khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thăm Bắc Kinh.
Trên thực tế thì chiếc máy bay mới xuất hiện này của Trung Quốc ít bí ẩn hơn chiếc J-20. Hồi cuối tháng 8, các trang mạng lan truyền hình ảnh được cho là chiếc máy bay này đang trên đường vận chuyển đến căn cứ không quân của Trung Quốc khi được bọc kín như chiếc “bánh chưng” và là đưa con hoang nó mang sự phối hợp cả khoa học quân sự Mỹ, Nga và cả Trung quốc .

Xưởng đóng tàu ở Thượng Hải nơi chiếc tàu sân bay nội địa của Trung Quốc có thể đang được đóng - Ảnh: Google Maps.
Xưởng đóng tàu ở Thượng Hải nơi chiếc tàu sân bay nội địa của Trung Quốc có thể đang được đóng – Ảnh: Google Maps.
Càng xốc hơn là ngay mới đây báo Nga ‘mổ xẻ’ về chiếc máy bay tàng hình J-31 Trung Quốc . Chiếc máy bay chiến đấu mới J-31 thế hệ thứ năm của Trung Quốc đã hoàn tất thành công chuyến bay thử nghiệm thứ nhất. Chiến đấu cơ sẽ đi vào lịch sử như nguyên mẫu thiết bị quân sự tinh vi đầu tiên có được nhờ sự thành công của hoạt động gián điệp mạng Trung Quốc.
Ngay khi xuất hiện những hình ảnh của máy bay chiến đấu Trung Quốc thế hệ thứ năm, có thể nhận thấy quá rõ nguồn cảm hứng của các nhà thiết kế Tập đoàn công nghiệp hàng không Thẩm Dương. Ảnh chụp chuyến bay đầu tiên ghi lại chiến đấu cơ ở các góc độ khác nhau đã không để lại bất cứ nghi ngờ về những đường nét trùng lặp với F-35 của Mỹ.
Chẳng thể nói rằng, sự xuất hiện chiến đấu cơ Trung Quốc “phong cách” F-35 đã là một bất ngờ lớn. Từng có thông tin được biết đến rộng rãi về vụ bẻ khóa năm 2009 với nguồn gốc lãnh thổ Trung Quốc, thông qua mạng vi tính một công ty phát triển F-35 các hacker đã thâm nhập vào hệ thống Lầu Năm Góc và trộm khối lượng lớn các dữ liệu về F-35.
Tất nhiên, đã có nhận xét là ngay cả khối lượng lớn thông tin bị đánh cắp vẫn sẽ không đủ để người sao chép chế tạo F-35. Dù cung cấp số liệu chính xác về hình khối và tính năng chiến đấu cơ, cũng như cho phép phát triển các phương pháp đối phó với vũ khí mới. Mặt khác, rất có thể đã xảy ra những trường hợp trộm dữ liệu F-35 khác mà cơ quan tình báo Mỹ không hay biết hoặc né tránh công bố.
Chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga, Vasily Kashin cho rằng, khó nói là người Trung Quốc đã sao chép được hoàn toàn nguyên bản F-35. Để làm điều này, phải nắm vững qui trình công nghệ chế tạo động cơ, thiết bị radio định vị các hệ thống điều khiển.  Trình độ kỹ thuật hiện đại của các cấu phần này vốn vượt xa khả năng của ngành công nghiệp Trung Quốc. Trên nguyên mẫu J-31 dự đoán đã bố trí động cơ RD-93 mà Nga bán cho Trung Quốc để trang bị phương án FC-1 xuất khẩu. Hoạt động chế tạo động cơ của Trung Quốc tương đương với RD-93, được biết đến dưới ký hiệu Taishan WS-13, đã diễn ra liên tiếp trong nhiều năm nhưng còn rất xa đích. Tại thời điểm này, có lẽ Trung Quốc cũng không có các cấu phần quan trọng khác dành cho chiến đấu cơ thế hệ thứ năm, đặc biệt là trạm vô tuyến định vị hiện đại với radar quét mảng pha chủ động.
Chiến đấu cơ tàng hình mới nhất của Trung Quốc được cho là giống mẫu máy bay F-60 (J-31)
Chiến đấu cơ tàng hình mới nhất của Trung Quốc được cho là giống mẫu máy bay F-60 (J-31)
Vì thế nhận định của các nhà quân sự rất xác đáng khi cho rằng Trung Quốc sẽ đưa máy bay chiến đấu thế hệ 6 vào phục vụ từ năm 2020 để có thể đánh bại F-22 của Mỹ.
Sau những thành tựu mà đã nói ở trên của Trung quốc thì nay họ đã phát động cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển với Nhật ở đảo Điếu ngư và vùng trời ở khu vực này rồi sau đó là cả biển Đông tới đây. Như báo chí Nhật tiết lộ việc Trung Quốc đã chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm Biển Đông.
Báo Nhật Bản Asahi Shinbum trong số ra ngày hôm nay 31/12/2010 đã viết: “ Ngay từ năm 2009, quân đội Trung Quốc đã hoàn tất chiến thuật đánh chiếm các hòn đảo do nước khác nắm giữ tại vùng Biển Đông và đã huấn luyện lực lượng theo phương án đó. Cho dù trước mắt ít có khả năng chiến lược thôn tính Biển Đông được thực hiện, nhưng chủ trương này cho phép Bắc Kinh giành ưu thế trong các cuộc đàm phán.
Trên đây là tiết lộ của tờ một nguồn tin từ quân khu Quảng Châu của Trung Quốc, đặc trách vùng Biển Đông đã cho tờ báo Nhật Bản biết là kế hoạch đánh chiếm đã được soạn thảo từ đầu năm 2009. Chiến thuật này dựa trên hai trụ cột chính : Sử dụng oanh tạc cơ dội bom ồ ạt để làm suy yếu hệ thống phòng thủ của hòn đảo được chọn làm mục tiêu tấn công, và tiếp theo đó dùng tàu đổ bộ tung quân lên đánh chiếm. Một cách cụ thể, theo chiến thuật tạm gọi là tiền pháo hậu xung này, không quân Trung Quốc, phối hợp với các đơn vị không chiến của hải quân, sẽ bất ngờ mở những đợt không kích vào các cảng quân sự và tàu thuyền đặt căn cứ tại đảo được chọn làm mục tiêu.
Theo chiến thuật này, khả năng chiến đấu của đối phương phải bị loại trừ sau vỏn vẹn một tiếng đồng hồ, để mở đường cho quân đổ bộ lên đảo, sử dụng các loại tầu đổ bộ như chiếc Côn Luân Sơn, thuộc loại lớn nhất của hải quân Trung Quốc hiện nay. Tàu này có trọng tải 18.000 tấn và có sân đáp cho bốn máy bay trực thăng cùng một lúc. Để ngăn không cho đối phương tiếp ứng, đồng thời với chiến dịch tấn công đánh chiếm mục tiêu, các đơn vị chính thuộc hai hạm đội Bắc Hải và Đông Hải của Trung Quốc sẽ có mặt tại những vị trí ngoài khơi để chặn không cho tàu sân bay Mỹ đến gần chiến trường.
Vấn đề, theo ghi nhận của Asahi Shinbum, là sau khi kế hoạch được soạn thảo xong, Trung Quốc đã cho quân đội rèn luyện ngay hai chiến thuật này trong các cuộc tập trận của họ trên quy mô rộng lớn tại vùng Biển Đông.
Vào tháng 5 năm 2009, Không quân và các đơn vị không chiến của Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu rèn luyện kỹ thuật ném bom một cách nghiêm túc. Qua tháng 7 năm 2010, ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải của Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận chung. Đây là cuộc thao diễn hải quân lớn nhất của Trung Quốc từ trước đến nay, huy động tới một nửa số chiến hạm chủ chốt của hải quân nước này. Máy bay ném bom và tên lửa chống tàu cũng được sử dụng trong cuộc tập trận. Một nguồn tin quân sự từ quân khu Quảng Châu từng tham gia cuộc tập trận đó khẳng định : «Chúng tôi đã chứng minh được năng lực phá hủy một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ». Đến đầu tháng 10, một cuộc tập trận bắn đạn thật huy động 1.800 lính thủy quân lục chiến Trung Quốc lại được tiến hành trên một khu vực trải dài từ Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông cho đến tận đảo Hải Nam gần đấy. Các bài tập huấn bao gồm việc đánh chiếm một hòn đảo ở Biển Đông đang nằm dưới quyền kiểm soát của một nước khác. Tàu đổ bộ và xe tăng đã được dùng để tung quân lên bờ, trong khi lực lượng tấn công nỗ lực phá nhiễu điện từ và tên lửa do các đơn vị đóng vai quân địch bắn ra.
Đối với tờ báo Nhật Bản, trái với thông lệ là giữ kín bí mật các cuộc tập trận, quân đội Trung Quốc lần này đã mời 273 tùy viên quân sự từ 75 nước đến quan sát cuộc diễn tập. Mục tiêu của Bắc Kinh rõ ràng là muốn gởi thông điệp đến các nước đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng Biển Đông, trong số này có Việt Nam, hiện đang kiểm soát 28 hòn đảo ở vùng Trường Sa.
Một nguồn tin từ chính quyền Trung Quốc đã xác định với phóng viên báo Asahi tại Bắc Kinh rằng: «Mục đích của chúng tôi là giành ưu thế trong đàm phán lãnh thổ bằng cách gây sức ép thông qua việc chứng tỏ cho các nước khác nhau thấy rằng chúng tôi có khả năng lấy lại các hòn đảo bất kỳ lúc nào».
Theo Asahi, hồi đầu tháng này, Bắc Kinh đã chứng minh rằng họ không quan tâm đến các cuộc đàm phán ngoại giao với các quốc gia thành viên ASEAN.
Một cuộc họp cấp tổng vụ trưởng bộ Ngoại giao đã mở ra ngày 23/12 tại Côn Minh, giữa Trung Quốc và ASEAN. Trong khi các đại diện ASEAN muốn thảo luận về các hướng dẫn áp dụng cụ thể, thì Trung Quốc chỉ nhắc lại nội dung bản Tuyên bố về cách ứng xử tại Biển Đông ký kết năm 2002, kêu gọi giải quyết hòa bình cuộc xung đột nhưng không trực tiếp giải quyết các tranh chấp lãnh thổ đang tồn tại.
Khi nêu bật mưu đồ của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, nhật báo Asahi đã nhắc lại mối quan ngại mà Bắc Kinh gây ra nơi các thành viên ASEAN cũng như Hoa Kỳ, với tuyên bố của họ hồi đầu năm nay cho rằng Biển Đông thuộc diện “lợi ích cốt lõi”, kèm theo là những động thái khác nhau để đảm bảo rằng tất cả các nước trong vùng hiểu rõ những gì Trung Quốc đòi hỏi.”
Như vậy Trung Quốc cuộc tranh chấp trên quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông của Nhật mà tên Trung quốc gọi là Điếu Ngư chỉ là cuộc tập rượt lần thứ nhất mà thôi còn biển Đông với Hoàng Sa, Trường sa của Việt nam và cả đảo đang tranh chấp với Philipines sẽ là cuộc tiến hành chính thức thứ hai. Nếu Việt nam và Nhật cùng Philipines va khối Asean không đoàn kết chặt chẽ thì chắc chắn Trung quốc sẽ nắm trọn cả khu vực biển này và cái Lưỡi Bò mà Trung quốc đã vẽ ra sẽ trở thành hiện thực.
Vấn đề biển Đông không chỉ đơn thuần đụng chạm đến quyền lợi của Việt nam và khối Asean mà cả của Nhật, Nam Hàn, Mỹ, Nga, Ấn độ và cả thế giới này. Bởi thế trước một Trung quốc hung hăng và đầy tham vọng, nguy hiểm đe dọa đến mọi quốc gia thì không ai có thể đứng ngoài cuộc mà phải đoàn kết lại thành một khối vững chắc.
Hiện nay điều mà Trung quốc đang lo lắng nhất chính là nếu Việt nam trang bị các loại tầu ngầm đặc biệt là hỏa tiễn đất đối biển, thủy lôi và cả pháo tầm xa, máy bay săn tầu chiến, tầu ngầm thì sẽ là khó khăn cho kế hoạch to lớn đầy táo bạo này.
Chuyến đi thăm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Nhật và chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ đến Việt nam cũng như trước đó chuyến thăm của tổng thống Nga Putin đến Hà nội không phải là ngẫu nhiên chỉ là vấn đề kinh tế nhằm thúc đẩy quan hệ phát triển buôn bán giữa các bên mà chắc chắn các nhà lãnh đạo của Hoa kỳ, Nhật, Nga đều phải nói về đề tài nóng bỏng này.  Vì thế, tại diễn đàn Nhật với các nước Asean vừa qua, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không ngần ngại nêu rõ sự lo ngại về an ninh Biển và hàng không tại vùng tranh chấp Nhật Trung và biển Đông.
Biển Đông lại nổi sóng và vùng trời ở đây cũng đang bị đe dọa từ ai? Chắc chắn Trung quốc bị cô lập thảm hại và phải trả lời câu hỏi này.
Ngày 16 tháng 12 năm 2012.
© Nguyễn Hoàng Hà
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/82349/truoc-mot-trung-quoc-hung-manh-hung-hang-va-nguy-hiem-khong-ai-co-the-dung-don-le-hay-ngoai-cuoc/2013/12
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001