Ý nghĩa của Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông
Trong
đời sống chính trị quốc gia cũng như quốc tế, thỉnh thoảng nổi lên một
số điểm nóng, nơi tập trung các mâu thuẫn chính, có thể dẫn đến xung đột
và có ảnh hưởng sâu sắc và nghiêm trọng đến vận mệnh của một đất nước
cũng như tương quan lực lượng trong một khu vực hoặc trên cả thế giới.
Với Việt Nam, trong hơn một thập niên vừa qua, điểm nóng ấy chính là
Hoàng Sa và Trường Sa, hay nói gọn hơn, là Biển Đông theo cách gọi của
người Việt Nam. Nó trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với nhiều
người và nhiều giới khác nhau.
Thứ nhất, vấn đề
Biển Đông là một thách thức lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất, đối với
chính quyền Việt Nam hiện nay. Nó gắn liền với yêu cầu độc lập, chủ
quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Hơn nữa, nó cũng gắn liền
với quyền lợi kinh tế của quốc gia: Trước mắt, đó là nguồn thủy sản
chính của Việt Nam; về lâu dài, theo sự tiên đoán của các nhà khoa học,
đó cũng là nguồn khoáng sản dồi dào với trữ lượng dầu khí to lớn.
Trong bộ phim tài liệu về Hoàng Sa
được phát trên đài truyền hình Sài Gòn trước năm 1975, mới đây được
chiếu lại trên đài truyền hình Đồng Nai, có một câu tôi rất thích:
“Nghĩa vụ cao cả nhất của chính quyền là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ”. Điều đó, thật ra, ngay từ xưa, cha ông chúng ta đã nhận thấy.
Trong Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục (tập 1, nxb Giáo dục, 1998, tr. 1121) có ghi lời chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông năm 1471 như sau:
“Nhà
vua dụ bảo Lê Cảnh Huy rằng: ‘Nay nhận được tờ tấu của viên quan An
Bang tâu: ‘Người nhà Minh sai nhiều binh lính từ Quảng Tây sang, nói
phao là sang hội đồng khám địa giới.’ Việc này cần phải sai người dò
thám ngay, nếu thấy có ý gì khác, phải lập tức đưa công văn đi các đạo
tập hợp binh lính phòng giữ. Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được? Phải kiên quyết tranh luận, không để cho họ lấn dần.
Nếu họ không theo, còn có thể sai sứ sang tận triều đình của họ, biện
bạch rõ lẽ phải trái. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất đai
của Thái Tổ để lại để làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị trừng trị nặng.”
Thứ
hai, đó cũng là một thách thức lớn đối với lòng yêu nước và tự hào dân
tộc của mọi người Việt Nam. Bình thường, đối với mọi người, ở mọi nơi,
bất cứ mảnh đất nào thuộc lãnh thổ của cha ông để lại cũng đều thiêng
liêng. Bởi chúng không phải chỉ là đất. Chúng còn là xương và máu, là sự
hy sinh của bao nhiêu thế hệ đi trước. Việc bảo vệ lãnh thổ, cho dù là
một số đảo nhỏ bé và xa xôi, do đó, vượt ra ngoài mọi sự tính toán về
lợi và hại thông thường. Nó là danh dự và là một mệnh lệnh của đạo đức.
Thách
thức thứ hai trở thành một thách thức khác đối với chính quyền: Việc
bảo vệ độc lập và chủ quyền trên Biển Đông gắn liền với uy tín, thậm
chí, tính chính đáng của việc lãnh đạo đất nước. Sự thất bại trước thách
thức ấy tất yếu dẫn đến sự thất vọng, thậm chí, bất mãn của dân chúng.
Cuộc đương đầu của chính quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, do đó, dễ
trở thành cuộc đương đầu giữa chính quyền và dân chúng, hoặc ít nhất,
một bộ phận càng ngày càng đông đảo trong dân chúng, những người còn
quan tâm đến đất nước và còn nặng lòng tự hào dân tộc. Trước sự thấp
thỏm lo âu hoặc sôi sục căm giận của một số người dân trước âm mưu xâm
chiếm Biển Đông của Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam hiện hình như
những kẻ bất lực, thậm chí, ngu xuẩn (tin tưởng một cách ngây thơ vào
những lời hứa hão của Trung Quốc) và hèn hạ (quy lụy một cách quá đáng
trước những thái độ ngang ngược và hỗn láo của Trung Quốc).
Thứ
ba, vấn đề Biển Đông không phải chỉ là một thách thức đối với quan hệ
giữa Việt Nam và Trung Quốc hay giữa chính phủ Việt Nam và người dân
Việt Nam mà còn trở thành một thách thức lớn đối với vấn đề địa chính
trị (geopolitics) trong khu vực và thế giới.
Trước
hết, trong khu vực: Hoàng Sa là nơi tranh chấp giữa Việt Nam, Trung
Quốc và Đài Loan; ở Trường Sa, có nhiều quốc gia giành giật chủ quyền
hơn: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei.
Hơn
nữa, giành chủ quyền trên đảo cũng có nghĩa là giành cả chủ quyền trên
vùng biển xung quanh đảo (theo quy ước là 12 hải lý tính từ đảo người ta
giành chủ quyền). Nối các vùng biển bao quanh Hoàng Sa và Trường Sa lại
với nhau, Trung Quốc hình thành con đường lưỡi bò (hoặc đường chữ U
hoặc đường 9 đoạn), lấn hẳn vào hải phận của Việt Nam, Malaysia, Brunei
và Philippines.
Nếu con đường lưỡi bò này được
công nhận, Trung Quốc sẽ khống chế một trong những con đường hàng hải
quan trọng và tấp nập nhất trên thế giới, nơi mỗi năm có mấy chục ngàn
chiếc tàu, cả quân sự lẫn dân sự, qua lại. Số lượng dầu khí được chở
ngang qua Biển Đông nhiều gấp bảy lần qua kênh đào Suez và 17 lần qua
kênh Panama.
Giới bình luận chính trị tiên đoán,
một ngày nào đó, Trung Quốc cũng sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng
không trên con đường lưỡi bò ấy như cái điều họ mới làm ở biển Hoa Đông,
chung quanh khu vực tranh chấp với Nhật Bản.
Đến
lúc đó, Trung Quốc không những chỉ làm chủ các hòn đảo và các tài
nguyên thiên nhiên ẩn giấu dưới những hòn đảo ấy mà còn làm chủ cả vùng
biển và vùng trời xung quanh Hoàng Sa và Trường Sa.
Chính
viễn tượng ấy khiến việc tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông
nói chung mang tầm vóc quốc tế. Không có cường quốc kinh tế hay quân sự
nào có thể dửng dưng được: Một số lượng rất lớn tàu bè cũng như máy bay
của họ thường xuyên bay ngang qua đó. Không có gì đáng ngạc nhiên khi
hầu hết các quốc gia tự chủ và tự trọng đều lên tiếng phản đối Trung
Quốc kịch liệt. Mỹ lại cần lên tiếng. Mà không phải chỉ cần lên tiếng
suông: Mỹ cần phải hành động.
Hành động dễ thấy
nhất là Mỹ càng ngày càng dấn sâu vào vùng châu Á - Thái Bình Dương. Đây
là một khu vực khá rộng, bao gồm toàn bộ châu Á, toàn bộ vùng
Australasia (Úc, Tân Tây Lan, đảo New Guinea) cũng như các đảo quốc
thuộc Thái Bình Dương. Bất cứ địa điểm nào trong khu vực này cũng đều
quan trọng trong việc cân bằng cán cân lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong các địa điểm ấy, có những địa điểm có tầm quan trọng về
chiến lược hơn. Trong số các địa điểm có tầm quan trọng chiến lược ấy,
địa điểm quan trọng nhất chính là Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là
Trường Sa, nơi, do địa thế, đóng vai trò như một cái yết hầu, một trạm
kiểm soát của toàn bộ Biển Đông.
Bởi vậy, mâu
thuẫn giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như một số nước trong vùng Đông
Nam Á, dù muốn hay không, cũng trở thành mâu thuẫn giữa Trung Quốc và
Mỹ. Khi mâu thuẫn ấy càng gay gắt, thế đứng của Việt Nam càng chênh
vênh: Đến một lúc nào đó, Việt Nam không thế cứ lấp lửng, ỡm ờ, kiểu bắt
cá hai tay được. Việt Nam phải lựa chọn: hoặc ngả theo Trung Quốc hoặc
ngả theo Mỹ. Ngả theo Trung Quốc thì dễ, chỉ cần một điều kiện duy nhất:
hy sinh sự độc lập và chủ quyền. Ngả theo Mỹ thì khó hơn, vì trong quan
hệ ngoại giao, dưới áp lực của dư luận, Mỹ cần sự tin cậy. Sự tin cậy
được vun đắp từ hai yếu tố: một, thành thực, và hai, thời gian thử
thách. Việt Nam không thể đợi đến lúc Trung Quốc động binh mới cầu thân
với Mỹ: lúc ấy đã quá muộn. Việt Nam cũng không thể cầu thân với Trung
Quốc theo kiểu nói trên diễn đàn quốc tế một đường, thực hành trong nước
một nẻo: Đó là sự giả dối.
Trước, trong các giờ
địa lý hoặc chính trị, học sinh Việt Nam thường được dạy: Việt Nam may
mắn nằm ngay trên trục giao thông giữa Đông và Tây. Thật ra, thời hiện
đại, dưới tác động của địa chính trị, địa thế ấy là một điều bất hạnh:
Nó rất dễ thành chiến trường của các lực lượng quốc tế. Như cái điều đã
xảy ra trong suốt thời Chiến tranh lạnh. Thời chống khủng bố, chiến
trường ấy chuyển sang Trung Đông. Nay, từ sự tranh chấp giữa Trung Quốc
và Mỹ, chiến trường ấy rất có khả năng chuyển hướng sang Việt Nam.
Viễn tượng ấy không đáng vui chút nào cả.
N.H.Q.
Nguồn: voatiengviet.com
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 04:09
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/12/y-nghia-cua-hoang-sa-truong-sa-va-bien.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001