Nguyên nhân “bịnh thành tích”
Thiện Tùng
Trong
đời mình chưa bao giờ tôi thấy xã hội ăn gian nói dối như ngày nay.
Người ta đặt cho sự gian dối ấy với cái tên ngộ nghĩnh “bịnh thành
tích”. Nói chứng bịnh đã có nhiều người, nhưng chưa thấy ai nói rõ xem
nó xuất phát từ đâu. Theo tôi nguyên nhân chính từ “thi đua khen
thưởng”.
Sau 1975, tiến hành cải tạo xã hội chủ
nghĩa ở miền Nam, cả nước quản lý xã hội theo kiểu tập trung bao cấp.
Tâm lý “Mài sừng cho lắm cũng là trâu”, bịnh lười biếng… xuất hiện ngày
càng sâu rộng. Có lẽ từ đó, Trung ương chủ trương các cấp thành lập Ban Thi đua Khen thưởng nhằm kích thích lao động, ổn định kinh tế, xã hội.
Về tâm lý, là con người ai không ham danh lợi – khen là được vinh danh, thưởng là được hưởng lợi. Thế là chủ trương thi đua khen thưởng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với mọi người, ai cũng lao vào, khiến cho thi đua trở thành ganh đua.
Người
có tài năng hoàn thành xuất sắc công việc trên giao được khen thưởng
chẳng nói mà chi, đàng này bất tài, không hoàn thành trách nhiệm, muốn
không bị quở trách, được khen thưởng, không cách nào khác, phải “thêm
mắm dặm muối” – báo cáo láo.
Báo cáo láo bị
trên phát hiện thì sao? – Ít khi lắm, vì cùng có lợi. Cùng có lợi là
sao? – Xin đơn cử, ngành Giáo dục chẳng hạn, trong phong trào “dạy tốt,
học tốt”: Lớp tốt Trường mới tốt; Trường tốt Phòng mới tốt; Phòng tốt Sở
mới tốt; Sở tốt Bộ mới tốt. Thế rồi, bất chấp nên hư, bằng mọi cách
khích lệ nhau, làm cho dưới tốt để mình được tốt, cùng được khen thưởng
bất chấp hậu quả.
Chính từ những vụ lợi ấy, nảy sinh “ngành ngành thi đua, người người thi đua, ta nhất định thắng, xã hội nhất định thua”.
Nói thế có chứng cớ gì không? – Sao không! Nhiều lắm, nghe chán chết, xin kể một số việc tôi nghe thấy ở xứ tôi:
1/-
Khi phát động phong trào xây dựng ấp + khu phố, xã + phường văn hóa,
phường tôi ở trung tâm thành phố, chợ búa, lắm khách vãng lai, người
đông san sát, bao hỗn tạp diễn ra hàng ngày. Về mặt văn hóa không có gì
nổi trội so với người ta. Có lẽ nhờ “khéo” báo cáo, nó được tỉnh công
nhận là phường đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn “Phường văn hóa”. Ngoài
được vinh danh, còn cấp bộ bàn ghế hội cho trường, thưởng tiền mở tiệc
ăn mừng nhậu mệt nghỉ. Thế rồi từ đó nhân ra diện, cho đến nay, trên
phạm vi toàn tỉnh, đi đến đâu đều thấy không phường, xã, cũng khu phố,
ấp treo bản văn hóa. Đâu chỉ thế, người ta còn thi nhau cấp giấy chứng
nhận gia đình văn hóa cho từng hộ, và còn “sáng kiến” vẽ bản gia đình
văn hóa bán cho mỗi hộ treo trước cửa cho oai. Tất nhiên “đạt chuẩn” mới
được treo bảng, mới được khen, mới được thưởng tiền mở tiệc ăn mừng,
Một bữa nọ, hẻm chật, nham nhở, tôi dựng xe đầu hẻm vào nhà người thân. Chủ hộ góc hẻm nhắc: “Khóa kỹ coi chừng mất”. Tôi chỉ bảng “khu phố văn hóa” căng trên đầu hẻm, nói đùa: “Mất tôi kiện khu phố trưởng. Đây là khu phố văn hóa mà”. Người ấy nói lại: “Ở đó mà văn hóa! Hở là nó chộp”.
2/-
Bữa nọ tôi vào khoa nội cán (khoa nội dành cho cán bộ) thăm bịnh, đến
giờ bác sĩ khám và cấp thưốc cho bịnh nhân, tôi và người cùng đi ra băng
đá bên ngoài ngồi hút thuốc, bà trưởng khoa nhìn chúng tôi nói: “Các ông hút thuốc ở đây sẽ làm cho chúng tôi mất điểm thi đua!” – Phải chi bà trưởng khoa nói “Hút thuốc ảnh hưởng sức khỏe không chỉ cho riêng mình” thì tốt biết mấy.
3/-
Sau bỏ phiếu bầu cử Quốc hội, anh P, đại tá Công an nghỉ hưu, trong Ban
Tổ chức bầu cử phường, giám sát tổ bầu cử khu phố 2 đến tôi chơi. Tôi
hỏi:
- Kết quả bầu cử tổ ở khu phố mình ra sao?
- Kết thúc trước giờ qui định, tỷ lệ đi bầu đạt 99% – Anh P trả lời.
- Dân ở chợ bận mua bán mà sao giỏi vậy, có bí quyết gì? – Tôi hỏi.
- Xem chú như người trong nhà, tôi nói “bí quyết”: Được
phép bỏ thay cho người trong hộ / Cho khui thùng phiếu nhiều đợt – đến
trước kiểm trước, đến sau kiểm sau / Họp tổ xử lý liền tại chỗ phiếu
trắng, phiếu không hợp lệ chuyển thành hợp lệ, ưu tiên cho những chức
danh chủ chốt theo cơ cấu.
- Sao lại làm vậy? – Tôi hỏi.
- Nếu không làm vậy, ngoài bị chê trách, xấu mặt xấu mày, còn mong gì được khen thưởng.
- Trên biết được tới số? - Tôi lo ngại.
- Chẳng cần phải lo, “tốt lá tốt nem”, cùng có lợi mà. Cái chính là phải kín mồm kín miệng, đừng dại “thưa ông con ở lùm này”, v.v.
4/- Bí
thư chi bộ ấp 4 xã T rỉ tai tôi: Chi bộ này họp kiểm tra tư cách đảng
viên định kỳ (theo tiêu chuẩn 4 tốt), đem từng người ra mổ xẻ, cuối cùng
chỉ có 54% đảng viên đạt chuẩn. Khi xem kết quả báo cáo của chúng tôi,
Đảng ủy xã không ưng ý, cho người xuống kiểm tra. Qua bước “xào nấu” gia
giảm, 88% đảng viên ấp này đạt chuẩn. Thế rồi xã tiếp tục “chiên xào”
bằng cách nào đó, đảng bộ xã T có đến 94% đảng viên đạt chuẩn. Thế là
đảng bộ xã T được biểu dương “làm tốt công tác xây dựng đảng”. Là bí
thư, tôi cảm thấy áy náy về sự thiếu trung thực này, nhưng đành vậy!
Sẽ
không công bằng, nếu tôi nói rõ địa danh, tên người…, vì những tệ hại
này không chỉ xảy ra ở những nơi đây. Hãy kiểm lại xem, nó lan tràn trên
cả nước?!.
Bịnh thành tích là bịnh nói dối.
Lừa trên dối dưới trở thành dịch bịnh lan truyền cả nước. Nói dối một
cách tự nhiên không chớp mắt, không biết ngượng là gì, nó trở thành nếp
sống văn hóa, chưa có thuốc kháng.
Tôi nghĩ: Nên
lấy lương làm động lực – chỉ cần trả lương xứng đáng với kết quả lao
động. Ai không làm tốt chức phận, công việc… của mình thì cách chức, sa
thải. Muốn trị được “bịnh thành tích” tốt nhứt là xóa bỏ chủ trương “thi
đua khen thưởng”.
27/01/2013
T. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 12:26
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2014/01/nguyen-nhan-binh-thanh-tich.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001