Saigon phải tưởng niệm Hoàng Sa trong lặng lẽ: Chính quyền lúng túng trước Trung Quốc?
Thụy My
Buổi
lễ đơn sơ tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa tại Câu lạc bộ
Phaolô Nguyễn Văn Bình, Saigon ngày 18/01/2014. diendanxahoidansu
Tại
Saigon, không có hoạt động nào hôm nay 19/01/2013 để kỷ niệm 40 năm
trận hải chiến bi tráng, sau buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh
để bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, tổ chức tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn
Văn Bình ở số 43 Nguyễn Thông chiều qua.
Tham dự
buổi lễ có khoảng 100 người trong đó có giáo sư Tương Lai, nhà nghiên
cứu Nguyễn Đình Đầu, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, phó giáo sư tiến sĩ Hoàng
Dũng, tiến sĩ Phạm Chí Dũng… Đặc biệt còn có sự hiện diện của hai bà quả
phụ Huỳnh Thị Sinh và Ngô Thị Kim Thanh, vợ góa của các sĩ quan Việt
Nam Cộng Hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa là Ngụy Văn Thà và Nguyễn
Thành Trí.
Theo những hình ảnh trên mạng, gian
phòng diễn ra buổi lễ không có một băng-rôn nào về Hoàng Sa – Trường Sa,
mà chỉ có những dòng chữ viết mờ nhạt, rất khó đọc trên tường “Tưởng
niệm, tri ân & cầu nguyện cho các đồng bào & chiến sĩ đã bảo vệ
biển đảo”, và chữ “Hoàng Sa – Trường Sa” ở phía dưới gần như không đọc
nổi.
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, phó giáo
sư tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng dạy tại trường đại học Sư Phạm Thành phố Hồ
Chí Minh cho biết nhận định chung:
PGSTS Hoàng Dũng - TP Hồ Chí Minh19/01/2014
by Thụy My
Nghe (07:21)
PGSTS Hoàng Dũng: Ở Việt Nam, thì đúng như là câu thơ của Cao Bá Quát trong bài “Bãi cát dài”:
Bãi cát dài, bãi cát dài
Tiến một bước lại lùi hai bước
Vừa
rồi chung quanh những chuyện về Hoàng Sa – Trường Sa thì đúng là như
thế. Sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến gặp Hội Sử học, cho biết là
có thể tổ chức công khai tưởng niệm các liệt sĩ ở Hoàng Sa, kỷ niệm 40
năm Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, thì người ta tưởng rằng lãnh đạo Việt
Nam đã thay đổi. Nhưng mà những gì xảy ra trên thực tế mấy ngày qua đã
cho thấy rằng sự tin tưởng như thế là vội vàng.
Ở
Đà Nẵng, người ta biết rằng ông Ngữ là Chủ tịch huyện Hoàng Sa, cuối
cùng phải viết một cái thư cáo lỗi. Lý do nêu lên là chuẩn bị không được
chu đáo. Cộng đồng mạng truyền đi hình ảnh sân khấu Hoàng Sa được xây
dựng rất đẹp, có thể nói là hoành tráng. Không hiểu là “không được chu
đáo” nghĩa là gì?
Nhưng mà ở Việt Nam dần dần
người ta phải tập thói quen là nghe như thế, nhưng mà phải nghĩ ra điều
khác. Sáng hôm nay ở Hà Nội người dân đi biểu tình cũng để kỷ niệm 40
năm Hoàng Sa bị xâm chiếm. Tuy không phải là bị đàn áp một cách bạo liệt
như đã từng xảy ra, nhưng không phải là những người biểu tình tự do
muốn làm gì thì làm. Nhân viên an ninh cũng xô đẩy, ngăn trở, và trưa
nay tôi được giáo sư Nguyễn Huệ Chi là người tham gia trực tiếp vào cuộc
biểu tình cho biết rằng đã có lúc đoàn biểu tình phải thét lên: ”Đả đảo bọn bán nước !”.
Như
thế chúng ta thấy rằng thay vì tổ chức cho tử tế, mình lại ngăn trở như
vậy thì không thể nào mà không khiến cho đồng bào nghĩ không được đẹp
về chính quyền. Tôi thấy về mặt ứng xử, điều đó không tốt tí nào.
RFI: Nhưng
dù sao cũng còn hơn là ở Saigon, vì không thấy có hoạt động nào, trừ
buổi lễ tưởng niệm hôm qua mà những dòng chữ viết trên tường cũng rất mờ
nhạt?
Tôi là người có tham dự buổi đấy,
phải nói là rất bất ngờ khi chỉ có một tấm bảng, trên đó viết bằng bút
mấy dòng chữ để tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ ở Hoàng Sa, rất là nhạt.
Chính tôi chụp ảnh mà cũng không thấy rõ được.
Tại
sao như vậy? Thì tôi có đi hỏi một người có trách nhiệm. Họ cho tôi
biết, tất nhiên là với tất cả sự dè dặt, rằng rất có thể là do an ninh –
do những người phụ trách về chính trị, an ninh gây áp lực cho Dòng Đa
Minh, là đơn vị tổ chức, chủ sở hữu địa điểm 43 Nguyễn Thông. Đến mức
những người tổ chức không biết là có thể được tổ chức hay không.
Cuối
cùng khi đã được tổ chức, họ có ra một điều kiện là không được có
băng-rôn, biểu ngữ gì cả, đẩy phía tổ chức vào thế bị động. Vì trước đây
theo tôi biết là họ đã có chuẩn bị băng-rôn rồi, chứ không phải đến nỗi
là không có gì cả. Nhưng đến khi bị ra lệnh như thế, mà bên này thì
muốn tổ chức, nên không kịp chuẩn bị một cái gì đó đẹp hơn, để ít ra
người ta cũng thấy là chu đáo, thì không làm kịp.
Cũng
theo tôi biết, người ta đòi phải bảo đảm không được biểu tình. Tôi nhớ
là anh bạn kể cho tôi chuyện này đã nói rằng ở trong khuôn viên của 43
Nguyễn Thông thì chúng tôi bảo đảm, nhưng mà ra ngoài thì đó là chuyện
của các anh, tôi không biết được.
Có thể nói với
chị sơ qua cái không khí như thế. Tôi xin nói lại, nếu cho đó là thông
tin chính thức thì không phải, vì chả ai nhân danh người tổ chức để trả
lời chính thức như vậy. Nhưng đó là những tin do bạn bè cho biết, và ở
Việt Nam thì những cái tin như thế này không xa sự thật bao nhiêu đâu.
RFI: Cám
ơn ông đã cho biết những chi tiết trên. Nhưng ông nghĩ gì, khi sau đúng
bốn mươi năm, những người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam
tại Hoàng Sa lại một lần nữa bị lãng quên?
Tôi
thấy khó nói rằng một lần nữa bị lãng quên, mà trong lòng của từng
người dân – những người nào biết nghĩ về đất nước thì họ không thể quên
được. Và ngay cả báo chí “lề phải”, tuy dưới sự kiểm soát chặt chẽ của
Ban tuyên giáo, của cấp trên, nhưng vừa rồi họ cũng có làm được nhiều
chuyện về Hoàng Sa.
Họ công khai nói về cái chết
của những người đã ngã xuống ở Hoàng Sa năm 1974. Họ đi vào chi tiết
nữa cơ, chứ không phải chỉ nhắc qua đâu. Tờ Tuổi Trẻ chạy một loạt đến
năm bài liền, tờ Thanh Niên cũng như vậy. Sự lặng đi của báo chí “lề
phải” chỉ mới xảy ra một, hai ngày nay thôi. Tức là sự thay đổi chính
sách nó nhanh lắm, và cũng mới đây thôi.
Có thể
nói rằng quên thì không phải quên, nhưng tất cả những chuyện khi cho
phép, khi thì không cho phép – tôi xin mở ngoặc, ngay cả khi không cho
phép cũng không có nghĩa là quên – phản ánh một chính sách ở trên họ
lúng túng không biết đối xử với Trung Quốc ra làm sao. Hoặc thậm chí đối
xử với nhau như thế nào. Họ chưa kịp nghĩ, hay là nghĩ rồi mà không có
cách giải quyết !
Tôi nghĩ việc chỉ đạo báo chí khi thế này, khi thế kia phản ánh tình hình đó. Chứ không phải lúc họ chợt nhớ, lúc lại quên bẵng.
RFI: Ông có nghĩ là do bị áp lực từ phía "bên kia"?
Bên kia là bên nào hả chị?
RFI: Dạ, từ Trung Quốc chẳng hạn…
À,
cái đó tôi không rõ. Mà người ta đoán là như thế. Nhưng thực ra chuyện
chính trị ở Việt Nam là một thứ chính trị hũ nút, không ai cho ai biết
đâu. Chúng ta có thể biết được rất nhiều tin ở nước ngoài, thậm chí tôi
có thể biết kỹ lưỡng cái tin Tổng thống Pháp đi vào thăm cô vợ đang bị
sốc nằm ở bệnh viện. Thế nhưng khó thể đọc cái tin như thế ở Việt Nam,
về những ông lãnh đạo Việt Nam.
Người dân Việt
Nam hoàn toàn có quyền tự do tìm hiểu tin tức của toàn thế giới, chứ còn
ở Việt Nam thì không. Thành thử tôi không có đủ thông tin để nói như
vậy.
Nhưng mà vấn đề ở chỗ này: Nếu người ta cứ
làm như thế, thì tránh sao được người dân nghĩ rằng lãnh đạo Việt Nam đã
bị phương Bắc làm áp lực rồi, và phải chịu thua cái áp lực đó.
RFI: Xin rất cảm ơn Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh.
T. M.
Nguồn: Viet.rfi.fr
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 05:17
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2014/01/saigon-phai-tuong-niem-hoang-sa-trong.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001