Phạm Thanh Nghiên - Phỏng vấn về Hải chiến Hoàng Sa và các chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (Phần 1)
Phạm Thanh Nghiên
Phạm Thanh Nghiên: Không phải ai trong số chúng ta cũng biết và đựợc biết sự thật về tất cả những gì thuộc về quá khứ, nhất lại là một giai đoạn, một câu chuyện lịch sử với những biến cố đầy đau thương và oán hận. Trận hải chiến Hoàng Sa là một câu chuyện lịch sử như thế. Bốn mươi năm trước, khi bẩy mươi tư người lính Hải quân Việt Nam Cộng Hòa “vị quốc vong thân” trên vùng biển Hoàng Sa, tôi và đuơng nhiên những bạn cùng trang lứa còn chưa ra đời. Tại miền Bắc ngày đó, nhiều “cô, cậu” thanh niên đang là bộ đội của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Nhiều người trong số họ hiện giờ đã trở thành những cán bộ đang làm việc, phục vụ cho đảng và nhà nước. Trong số họ, không thể không nói rằng họ không biết hay hoàn toàn không biết về trận hải chiến cũng như sự hy sinh anh dũng của những nguời anh hùng tại Hoàng Sa ruột thịt ngày ấy.- Lê Hưng: Một bạn trẻ ở Hải Phòng sinh sau năm 1975. Sau khi tốt nghiệp Phổ thông trung học, Hưng tham gia nghĩa vụ quân sự và khi dời quân ngũ, anh tiếp tục theo học đại học. Tuy nhiên, trước đây anh không hề biết về trận Hải chiến Hoàng Sa cách đây 40 năm về trước.
Là một người sinh sau biến cố năm 1975, tôi cũng như rất nhiều nguời dân miền Bắc và nhất là những bạn trẻ đã không có cơ hội để biết về trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Hơn thế, tôi cũng đã từng lĩnh án 4 năm tù giam chỉ vì lên tiếng cổ vũ cho Nhân Quyền và công khai khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc. Giống như tất cả những bạn trẻ yêu nước khác, Trường Sa - Hoàng Sa luôn ở trong trái tim tôi. Trong hoàn cảnh của một người tù đang bị quản chế, tôi chỉ có thể huớng về Hoàng Sa bằng cách riêng rất hạn chế của mình: thực hiện một chương trình phỏng vẫn để kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa. Với mong muốn xóa đi, hoặc ít ra cũng thu hẹp lại những ranh giới, khác biệt từ nhiều thành phần trong quá khứ, tuổi tác và chính kiến để có một cái nhìn trung thực, công bằng, biết tri ân với những nguời đã hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc. Để thấy được rằng, bất cứ một sự khác biệt nào cũng có thể vượt qua với một lý do chung, đó là Lòng Yêu Nước.
Bài phỏng vấn đầu tiên này được thực hiện với 3 người để như là một phần nói lên tâm tình của những người dân Việt, có những quá khứ khác nhau, về cuộc Hải chiến Hoàng Sa bảo vệ biển đảo của các Hải quân VNCH.
Vì đây là câu hỏi chung dành cho nhiều người ở những lứa tuổi khác nhau, xin phép được dùng chung từ “bạn” trong cách xưng hô để thuận tiện cho việc đặt câu hỏi.
Ông Ngô Nhật Đăng.
- Bà Ngô Thị Hồng Lâm: sinh 1957 tại Hà Nội. Hiện đang sống tại Sài Gòn. Bà Hồng Lâm nguyên là một cán bộ công tác chuyên ngành nghiên cứu lịch sử đảng. Sau khi dời công tác, bà dành phần lớn thời gian cho các hoạt động từ thiện và công khai bày tỏ quan điểm ủng hộ cho Dân chủ, Nhân Quyền và đặc biệt là vấn đề Toàn Vẹn Lãnh Thổ.
Xin bạn cho biết, bạn biết gì về cuộc hải chiến Hoàng Sa cách đây 40 năm?
Lê Hưng: Rất tiếc là tôi không hề biết gì về trận hải chiến đó. Vì từ truớc tới nay tôi không thấy báo chí đưa tin hay những người quen của mình nhắc tới. Hoàn toàn không có trong lịch sử mà tôi được học. Có thể thông tin về trận hải chiến 40 năm trước đã hoàn toàn bị che giấu, bưng bít cho đến ngày hôm nay.
Ngô Nhật Đăng: Ngày đó tôi mới bước sang tuổi 16, cũng như tuyệt đại đa số người dân miền Bắc lúc đó tôi chưa bao giờ được nghe nhắc tới Hoàng Sa - Trường Sa. Tôi được biết đến sự kiện này do nghe bố tôi và các bạn của ông nhắc tới: “Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gửi thư ra Hà Nội yêu cầu chính phủ VNDCCH lên tiếng về việc Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa”. Chính câu chuyện đó gây ấn tượng mạnh với bản thân tôi.
Bà Ngô Thị Hồng Lâm
Xin cho biết cảm nghĩ của bạn đối với sự hy sinh của 74 người lính hải quân VNCH?
Lê Hưng: Tôi rất kính trọng sự hy sinh cao cả của những người đã chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của dân tộc ta. Tôi là một người theo Đạo Mẫu Việt Nam, tôi tôn thờ những người đã có công giúp dân, đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Ngô Nhật Đăng: Đó là một sự kiện bi tráng, sau này được đọc các tư liệu, các tác phẩm thơ văn tất nhiên là của VNCH tôi càng thấy ngưỡng mộ họ. Có một điều an ủi là sau bao nhiêu năm bị quên lãng các anh đã được “chiêu tuyết” lại, điều đó càng khẳng định: Nhân dân sẽ không bao giờ quên những người con đã đổ máu để giữ gìn đất đai của Tổ Quốc và lịch sử sẽ công bằng.
Ngô Thị Hồng Lâm: Vào thời điểm 19/1/1974, khi ấy mọi thông tin còn bị cộng sản bưng bít rất chặt. Người dân miền Bắc Việt Nam hầu như chỉ có một luồng thông tin giáo điểu từ cái gọi là "Đài Tiếng nói Việt Nam" nên không được biết kịp thời cuộc đánh chiếm đảo Hoàng Sa của người có bộ mặt nạ “anh em” Trung Quốc. Đây là một cuộc chiến không cân sức giữa Hải quân VNCH và bọn Trung Quốc xâm lược. Mặc dù VNCH không giữ được đảo Hoàng Sa nhưng các chiến sĩ đã thể hiện lòng yêu nước vô cùng mãnh liệt trong cuộc chiến đấu bao vệ Tổ Quốc. Đó là những hy sinh đau thương nhưng rất vẻ vang của tất cả các chiến sĩ VNCH và đặc biệt là 74 người lính Hải Quân VNCH. Họ đã ngã xuống trong trận đánh này, để lại trong lòng chúng tôi hình ảnh đẹp và sự ngưỡng mộ những người con của Tồ Quốc Việt Nam. Chúng ta không được phép quên họ.
Suy nghĩ của bạn về những người lính của cả 2 bên chiến tuyến bảo vệ đất nước? Đối với bạn, có sự khác biệt gì không giữa giữa những người lính VNCH như trung tá Ngụy Văn Thà và với những người lính QĐNDVN (đặc biệt là đồng đội của ông Ngô Nhật Đăng) đã hy sinh ở chiến trường biên giới Việt Trung vào năm 1979 và 1984?
Và ngày xưa những người lính VNCH bị gán với từ “ngụy”, ngày hôm nay bạn nghĩ sao về điều ấy?
Lê Hưng: Với tôi, những người lính dù là VNCH hay VC đều không không có tội. Là lính, họ chỉ hành động theo lý tưởng và tuân theo mệnh lệnh. Họ là những con người có trái tim yêu nước, yêu dân tộc của mình. Tôi cũng không được biết về cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1984. Cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979 thì có nghe nói tới. Nhưng tôi nghĩ, sự thật vẫn là sự thật dù có bị bưng bít. Và việc làm ngu ngốc, hèn nhát nhất chính là phủ nhận và bưng bít sự thật.
Về việc những người lính VNCH bị gán với từ “ngụy”, tôi xin phép không trả lời dài dòng vì hiểu biết của tôi có hạn. Nhưng những người lính dù là VNCH hay lính QĐND, họ đều đã đổ máu xương, hy sinh để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tổ quốc. Người thân của họ đã phải chịu quá nhiều mất mát đau thương. Mẹ già mất con, vợ trẻ mất chồng, trẻ thơ mất bố, bạn bè chiến hữu mất đi một người anh em.
Ngô Nhật Đăng: Tôi đã có thời gian là lính (1978-1982) có tham gia chiến trường biên giới tại Cao Bằng trong cuộc chiến Việt Trung. Tôi tin rằng không có sự khác biệt nào giữa những người lính dù dưới thể chế chính trị nào khi chiến đấu để bảo vệ Tổ Quốc, chúng tôi cũng không hề đắn đo và sẵn sàng hy sinh chống bọn cướp nước hồi năm 1979 cũng như các anh hùng giữ đảo Hoàng Sa năm 1974 vậy. Điều đó là chắc chắn.
Không riêng gì người lính và cả những người từng phục vụ trong chính quyền VNCH cũng bị gọi là “ngụy” (xin lỗi, tôi coi đây là một từ “mất dạy”) mà cả những người từng tham gia chính quyền trước năm 1954 cũng bị gọi như vậy. Số này ở lại Hà Nội không di cư vào Nam cũng khá đông, họ cũng bị đi tù (gọi là cải tạo) một thời gian. Tôi cũng có một số bạn bè cùng học là con cái của những người này, quan sát họ tôi cũng có những suy nghĩ khác với những điều thường được “giáo dục” trong nhà trường. Tất cả sách giáo khoa và cả các tác phẩm văn học của Việt nam lẫn Liên Xô mà chúng tôi chỉ được phép đọc đều miêu tả những người phía bên kia cực kỳ xấu xa, độc ác, mất hết nhân tính, sẵn sàng mổ bụng ăn gan kẻ thù... Dù không tin hoàn toàn nhưng dù sao vẫn để lại dấu vết trong đầu óc. Cũng may mắn từ bé tôi đã được đọc các cuốn sách trong tủ sách gia đình những cuốn như “Chuông nguyện hồn ai”, “Phía Tây không có gì lạ” v.v... nó làm cho tôi có những suy nghĩ đúng đắn hơn. Quay về câu hỏi của bạn về những người lính VNCH. Thời chúng tôi cũng thường nghe lén các đài phát thanh Sài Gòn (việc này rất nguy hiểm), các bài hát về chiến tranh về thân phận người lính của phía VNCH cũng gây những xúc động mạnh cho chúng tôi. Tôi còn nhớ, vào cuối năm 1973 (lúc này đã có Hiệp định Paris) một anh bộ đội từ chiến trường ra đến nhà tôi báo tin người cậu ruột của tôi đã chết tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Là con út của bà ngoại, ông chỉ hơn tôi có 6 tuổi nên hai cậu cháu thường quấn quýt với nhau.
Đây là cú gõ cửa đầu tiên của chiến tranh thăm viếng nhà tôi, bố tôi cũng thường đi chiến trường trong những thời gian ác liệt (kể cả thời chống Pháp) nhưng ông chỉ đi ngắn chừng 1 năm và lần nào cũng trở về nguyên vẹn. Anh ở lại nhà tôi 2 ngày trước khi về đơn vị và ngủ chung với tôi, tôi được nghe nhiều chuyện về chiến tranh, khi tôi hỏi anh về những người lính “ngụy” anh văng tục: “Hay ho cái đéo gì, anh em trong nhà tàn hại lẫn nhau”. Và tôi mới biết các anh cũng thường hay nghe lén những ca khúc của Trịnh Công Sơn.
Sau này có một thời gian tôi sống và làm việc ở Sài Gòn, quen biết nhiều hơn, thậm chí có một người từng là Đại úy cũng nhận tôi là em kết nghĩa (anh đã vượt biên năm 84). Theo tôi, dù đã muộn màng, chúng ta phải đánh giá lại giai đoạn lịch sử đau thương này của đất nước, trả lại danh dự cho những người đã nằm xuống vì đạn bom, những người còn sống bị đày ải vì lao tù, chiến tranh đã lùi xa mà vết thương này vẫn chưa lên da non đó là điều không thể chấp nhận.
Ngô Thị Hồng Lâm: Thực tế thì một điều bất hạnh nhất cho một đất nước là có chiến tranh. Bất hạnh hơn nếu đó lại là một cuộc nội chiến muốn thống trị nhau bằng bạo lực. Với nhận thức của tôi thì cuộc chiến của quân đội 2 miền Nam và Bắc Việt Nam là một cuộc nội chiến, “người chiến thắng” chẳng có gì để tự cho mình là cuộc chiến chính nghĩa và vẻ vang. Đây là điều ngộ nhận rất thiếu nhân văn của những người cầm quyền Hà Nội. Cuộc chiến đã tàn 40 năm rồi, đủ độ lùi của thời gian rồi, để “từ nay người biết thương người”. Tuy nhiên, mỗi kỉ niệm 30/4 Ban Tuyên huấn họ vẫn cứ cho phát lại những cuốn băng thời sự cũ “quân ta hừng hực khí thế chiến đấu” nghe sao mà thấy vết thương lòng của dân tộc Việt Nam mãi mãi không thể hàn gắn và câu nói của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt “ngày 30/4 có một triệu người vui thì có một triệu người buồn” vẫn còn nguyên tính thời sự và cuối cùng thì người lính cả 2 bên chiến tuyến họ chỉ là những nạn nhân của cuộc chiến.
Vì thế cho nên không thể có sự khác biệt trong đối xử với người lính của 2 bên chiến tuyến, không thể giữ mãi sự khác biệt bên trọng bên khinh. Càng không thể dùng từ “ngụy” đối với người lính VNCH Trung tá Ngụy Văn Thà và đồng đội của ông đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc Việt Nam. Cần vinh danh họ. Cũng như những người lính đã hy sinh ở biên giới Việt-Trung vào năm 1979 họ đều là những anh hùng xứng đáng được Tổ Quốc Việt Nam ghi công và đời đời nhớ ơn họ.
Những người lính VNCH bị chính quyền cộng sản gán cho họ từ “ngụy” là một điểu ngô nhận của họ. Cân phải có một sự đổi mới về nhận thức với những người ở bên kia chiến tuyến, để xóa bỏ sự hằn thù dân tộc cho vết thương mau liền da liền thịt, tiến đến hòa hợp dân tộc để tăng cường sức mạnh của Việt Nam trong tình hình hiện nay. Bản thân tôi cực lực phản đối sự phân biệt đối xử hoặc xúc phạm với những người ở bên kia chiến tuyến trong đời sống cũng như nghĩa trang nơi họ yên nghỉ.
Bạn có nghĩ là nên vinh danh những người lính VNCH ở trận chiến HS năm 1974 không? Nếu có, bạn có sẵn sàng tham gia không?
Lê Hưng: Họ xứng đáng được vinh danh, họ xứng đáng được ca ngợi. Nếu không thì máu xương, tuổi trẻ, gia đình mà họ đã phải đánh đổi để dành lấy chủ quyền cho đất nước lẽ nào lại là vô nghĩa hay sao. Chúng ta, thế hệ sau này vô ơn quá.
Ngô Nhật Đăng: Ồ, đó là việc rất nên làm và tất nhiên tôi sẵn sàng tham gia.
Ngô Thị Hồng Lâm: Việc vinh danh những người lính VNCH đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 là việc phải làm để tỏ lòng biết ơn những người con của Tổ Quốc Việt Nam đã hy sinh bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của ông cha ta để lại và qua đó giáo dục nhắc nhở các thế hệ trẻ của Việt Nam lớn lên sau này phải biết ơn những người đã vì bảo vệ biển đảo của Tồ Quốc mà hy sinh. Không được phép vong ân với những chiến sĩ VNCH đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ đảo Hoàng Sa năm 1974 và những chiến sĩ QĐNDVN trong chiên trận bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.
Việc bạn hỏi chúng tôi có sẵn sàng tham gia không? Xin thưa rằng, tôi vốn xuất thân trong chuyên ngành Nghiên Cứu Lịch Sử, chúng tôi đã cùng các đồng nghiệp của mình cùng các thế hệ học trò tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ của VNCH đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa ngày 19/1/1974 hàng năm mà không cần phải xin phép bất cứ một “ông Kẹ” nào.
Theo bạn, những tương đồng hay khác biệt gì giữa những người lính ngày xưa hy sinh bảo vệ biển đảo và những công dân Việt Nam ngày nay xuống đường thể hiện lòng yêu nước và phản đối Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông?
Lê Hưng: Theo tôi, những người cách đây 40 năm bảo vệ TS và những người hôm nay xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn nước ta, họ rất tương đồng. Họ là những người yêu nước, dám đứng lên bảo vệ đất nước mình dù biết trước hậu quả là có thể sẽ phải hy sinh mất mát nhiều, thậm chí tù đày hy sinh.
Về cá nhân tôi bất kỳ lúc nào đất nước cần tôi sẽ chiến đấu vì tôi cũng đã từng là lính. Và quan trọng hơn tôi là một con dân đất Việt. Tôi chiến đấu cho Dân tộc, cho Tổ Quốc của chúng ta chứ không phải chiến đấu cho bất cứ một chế độ, một chủ thuyết hay một đảng phái nào.
Ngô Nhật Đăng: Tất nhiên với sự xa cách về thế hệ nên sẽ có những khác biệt, nhưng lòng yêu nước và sự cảnh giác trước “hiểm họa phương Bắc” thì sẽ mãi trường tồn, điều đó ăn vào máu mỗi con dân Việt chân chính.
Ngô Thị Hồng Lâm: Theo tôi sự khác nhau của những người lính VNCH ngày xưa hy sinh bảo vệ biển đảo với những công dân Việt Nam ngày nay xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông đó là về thời gian. Còn sự tương đồng ở đây chính là lòng tự trọng dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước, mảnh đất thiêng ngàn đời của ông cha ta để lại mà mỗi chúng ta phải có trách nhiệm và ý chí bằng mọi giá phải bảo vệ và gìn giữ. Rất tiếc là khi nhân dân xuống đường phản đối Trung Quốc xâm lược thì lại bị nhà cầm quyển đàn áp bằng bạo lực để làm vừa lòng “ông bạn vàng” Trung Quốc với cái “mặt nạ 4 tốt và 16 chữ vàng”.
40 năm kể từ ngày 74 chiến sĩ VNCH hy sinh để bảo vệ biển đảo, ngày hôm nay HS vẫn bị chiếm đóng bởi Trung Quốc. Theo bạn chúng ta phải cần có những hành động, công việc cụ thể gì mà cá nhân bạn có thể thực hiện hay tham gia góp phần để giành lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Tổ quốc Việt Nam?
Lê Hưng: Tôi xin được nói rằng, con người của tôi không giống như bọn ngu bị nhồi sọ, tôi không bị mù hay bị điếc mà không biết chế độ này như thế nào. Người dân Việt Nam khổ sở ra sao và đang mong chờ điều gì, nhưng họ chưa làm được có thể họ chưa tìm thấy những người bạn đồng hành. Hoặc là chưa vượt qua được nỗi sợ hãi.
Ngô Nhật Đăng: Xin quay trở lại, ngoài câu chuyện về bức thư của ông Nguyễn Văn Thiệu, tôi được nghe kể về sự trả lời từ phía Hà Nội: “Ông Phạm Văn Đồng nói ở hành lang: “Có còn là của mình nữa đâu mà đòi”. Lúc đó Hà Nội đã cảm thấy sock trong việc Trung Quốc bắt tay với Mỹ (từ năm 72 qua “ngoại giao bóng bàn” và Nixon thăm Bắc Kinh).
Thầy dạy tôi cũng là một nhà sử học nói với chúng tôi: “Từ năm 1928, Pháp đã cắm các cột mốc chủ quyền “Indochina” (Đông Dương) lên tất cả các hòn đảo ở Hoàng Sa và một số ở Trường Sa”. Có lần tôi hỏi ông về Hoàng Sa và Trường Sa, Ông trả lời: - Hồi năm 1957, Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai có ký một hiệp ước giữa 2 đảng nội dung: Vì hải quân Việt Nam (DCCH) còn yếu nên Hải quân Trung Quốc sẽ giúp Bắc Việt bảo vệ Biển Đông (lúc đó trong sự kiểm soát của VNCH) và Vịnh Bắc Bộ. Hai bên sẽ cùng nhau khai thác các nguồn lợi ở đây, nếu có nước thứ ba thì cũng phải có sự đồng ý của cả hai bên. Đổi lại, Trung Quốc trả lại Việt Nam 2 hòn đảo Cái Chiên và Bạch Long Vỹ mà họ chiếm lại từ Tưởng Giới Thạch (trước đó là người Nhật).
Riêng điều này thì chính xác vì mẹ tôi kể từng ra Cái Chiên và Bạch Long Vỹ làm “Lễ tiếp quản” (hồi đó bà đang là diễn viên của văn công Quân đội). Tất nhiên thông tin này cần phải kiểm chứng, nhất là từ những người chép Sử.
Tôi có hỏi ông: - Như thế thì làm sao có thể đòi lại được?
Ông trả lời: - Hiệp định ký giữa 2 đảng sẽ trái với luật pháp quốc tế vì nếu hai nước có ký kết một hiệp định tương tự thì phải do chính phủ ký và phải thông qua Quốc hội. Nhưng nếu lôi ra thì lại động chạm đến ông Hồ Chí Minh, đó cũng lại là một điều “kiêng kỵ”. Dù sao đi nữa, việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974 cũng không thể coi là việc đã rồi, việc này đòi hỏi phải có sức mạnh của cả dân tộc nhất là những người đang ở cương vị lãnh đạo đất nước. Trước hết chúng ta cần phải có quyền được biết tất cả những sự thật liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa. Được công khai lên án những việc làm ngang ngược, càn rỡ của nhà cầm quyền Trung Quốc và tranh thủ sự đồng tình của Quốc tế cũng như tôn trọng các luật biển mà cả hai bên từng cam kết đồng ý.
Ngô Thị Hồng Lâm: Sự chiếm đóng trái phép đảo Hoàng Sa thể hiện sự ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế về chủ quyền lãnh thổ của từng nước trên trường quốc tế. Vì thế mà tất cả mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam rất bất bình và đã từng diễn ra nhiều cuộc biểu tình ở các thành phố lớn của Việt Nam mà mở đầu là cuộc biểu tình cuối năm 2007, rồi rất nhiều các cuộc khác trong năm 2011 và 2012. Đây là việc làm chính đáng của nhân dân cả nước. Lẽ ra phải được những người cầm quyền ủng hộ và tán thành NHƯ một bước quan trọng trong mở đầu cho kênh ngoại giao và đàm phán. NHỮNG CUỘC BIỂU TÌNH CỦA NHÂN DÂN CẦN PHẢI được tôn trọng. Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ những cuộc biểu tình đầy ý nghĩa lịch sử trong việc giữ nước của nhân dân Việt Nam.
Được biết anh Ngô Nhật Đăng cũng là một trong số những người đã nhiều lần xuống đường biểu tình và thậm chí bị công an bắt giữ chỉ vì thể hiện lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo của Việt Nam. Anh nghĩ sao về hành động này của chính quyền? Và nếu sau này lại có một hoặc nhiều cuộc xuống đường để bày tỏ lòng yêu nước, anh có tiếp tục tham gia không?
Ngô Nhật Đăng: Rất tiếc cho họ, đáng lẽ đây là một dịp để chính quyền có thể “mượn” được sức dân không những chỉ trong việc bảo vệ chủ quyền mà còn nhiều vấn đề khác nữa. Họ lo sợ những cái không có thật, chứng tỏ họ là những người lãnh đạo thiếu cái tâm và tầm nhìn xa. Rất tiếc, nếu cứ có những hành xử với người dân như vậy thì điều họ lo sợ có thể trở thành sự thật. Đó là điều mà không ai muốn nhưng sức chịu đựng cũng chỉ có giới hạn. Nếu lại có những cuộc biểu tình nữa để bày tỏ lòng yêu nước thì tôi coi việc phải tham gia như là một nghĩa vụ công dân.
Không giống như gần 40 năm qua, báo chí của đảng luôn né tránh, thậm chí bưng bít về trận hải chiến Hoàng Sa năm 74, hoặc chỉ đưa tin một cách rất hạn chế. Năm nay, báo chí “lề đảng” đã không ngần ngại đưa tin về trận hải chiến này và không ngần ngại gọi 74 người lính hải quân VNCH là “anh hùng”, bạn nghĩ sao về việc này?
Ngô Nhật Đăng: Đó là điều họ phải làm từ lâu rồi mới phải, nhưng dù sao muộn còn hơn không. Hơn ai hết họ quá hiểu sự o ép khó chịu của tay “láng giềng to xác”. Đây là lúc lựa chọn giữa đất nước và quyền lợi cá nhân, không có kiểu lập lờ nước đôi được.
Ngô Thị Hồng Lâm: Đúng là năm nay là một năm khá đặc biệt. Trước áp lực của quần chúng bắt buộc Tuyên Huấn chỉ thị báo chí phải đưa tin, bài về cuộc chiến giữ đảo Hoàng Sa của Hải quân VNCH mà những thập kỉ trước họ rất kiệm lời và cho là việc “nhạy cảm” hay “chạm húy”. Hay nói cách khác thì đây là một sự hèn nhát của những người cầm quyền. Nhưng họ không thể làm ngơ mãi được vì lương tâm của họ chắc đã hối thúc họ không thể ngậm miệng thêm nữa trước xu hướng tiến lên của một dân tộc ngàn đời không chịu sống quỳ.
Từ ngàn năm nay, qua bất kỳ thời đại nào, chế độ nào người dân VN ta đều thể hiện lòng yêu nước nồng nàn. Anh nghĩ sao về những bạn trẻ vẫn đang ra sức truyền bá sự thật hiện tại và lịch sử về Hoàng Sa - Trường Sa bất chấp tù đầy và bắt bớ, sách nhiễu hay đánh đập?
Ngô Nhật Đăng: Tuyệt vời!!! Tôi không còn biết dùng từ gì hơn để nói về các bạn trẻ đó. Tôi được gặp, được nghe, được nói chuyện với các bạn và đó là niềm hạnh phúc. Không riêng tôi, nhiều người thuộc thế hệ cha chú của tôi cũng vui mừng. Họ bảo: Vẫn có những cô bé, cậu bé như vậy, đất nước này không thể mất.
Theo bạn, 40 năm sau những thế hệ tương lai sẽ đánh giá và nghĩ gì về thế hệ chúng ta ngày hôm nay khi họ cùng chung nhau tổ chức Kỷ niệm 80 năm hải chiến HS năm 1974?
Lê Hưng: Theo tôi nghĩ 40 năm sau, có thể mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều. Cũng có thể chúng ta đã lấy lại được Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng nếu vậy thì ngày hôm nay và ngay bây giờ, chúng ta phải dũng cảm và quyết tâm đứng lên tranh đấu đòi lại đất mẹ. Nếu không, thế hệ kế tiếp sẽ lên án chúng ta là những kẻ vô ơn, những kẻ hèn nhát, những kẻ không dám nhìn vào sự thật, những kẻ ngu xuẩn bị tẩy não, bị nhồi sọ.
Nhân đây, tôi cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn thành kính sâu sắc tới những người lính VNCH, nhất là 74 vị anh hùng đã “vị quốc vong thân”. Xin hãy tha thứ cho tôi, một cho một thế hệ trẻ sinh sau năm 1975 vì đã suốt một thời gian dài, chúng tôi đã không biết về một phần của sự thật lịch sử. Cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội nói lên phần nào tâm tư, trăn trở của tôi.
Ngô Nhật Đăng: Tôi tin rằng lúc đó Hoàng Sa, Trường Sa đã trở về trong lòng Tổ Quốc, nếu tên những người trong chúng ta được nhắc đến thì đó sẽ là niềm vui sướng vô bờ.
Xin cảm ơn cô Ngô Thị Hồng Lâm, anh Ngô Nhật Đăng và bạn Lê Hưng.
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Ba, 14/01/2014
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20140114/pham-thanh-nghien
=======================================================================
Phạm Thanh Nghiên - Phỏng vấn về Hải chiến Hoàng Sa và các chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (Phần 2)
Phạm Thanh Nghiên
Ảnh sưu tầm trên Internet
Phạm Thanh Nghiên: Xin gửi tới quý độc giả phần hai chương trình “Phỏng vấn về Hải chiến Hoàng Sa và các chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa” với hai vị khách mời tiếp theo là Linh mục Đinh Hữu Thoại tại Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn và Blogger Phạm Văn Hải tại Nha Trang. Vì đây là loạt bài phỏng vấn với cùng một chủ đề nên nội dung câu hỏi vẫn sẽ được giữ nguyên, chỉ thay đổi rất ít (nếu có) để phù hợp với từng người trong từng hoàn cảnh cụ thể. Và như đã giới thiệu trong phần đầu, những cuộc phỏng vấn này nhằm “bày tỏ mong muốn xóa đi, hoặc ít ra cũng thu hẹp lại những ranh giới, khác biệt từ nhiều thành phần trong xã hội, về quá khứ, tuổi tác và chính kiến để có một cái nhìn trung thực, công bằng, biết tri ân với những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Để thấy được rằng, bất cứ một sự khác biệt nào cũng có thể vượt qua với một lý do chung, đó là Lòng Yêu Nước”. Nhân đây, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến quý độc giả đã quan tâm đến những cuộc phỏng vấn này dù nó không phải được thực hiện bởi một “phóng viên” chuyên nghiệp. Rất mong quý độc giả tiếp tục đón đọc phần ba với những vị khách mời tiếp theo.Trước tiên, xin cảm ơn Linh Mục Đinh Hữu Thoại cũng như Blogger Phạm Văn Hải đã nhận lời cho cuộc phỏng vấn này. Xin Cha cũng như anh Hải cho biết hiểu biết của bản thân mình về trận Hải chiến Hoàng Sa cách đây vừa tròn 40 năm?
Linh Mục Đinh Hữu Thoại: Đó là một cuộc chiến của hải quân Việt Nam Cộng Hòa chống lại sự xâm lược của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Một cuộc chiến anh dũng của hải quân VNCH. Tuy nhiên, vì tương quan lực lượng không cân xứng nên chúng ta bị mất hai nơi này.
Blogger Phạm Văn Hải: Đó là cuộc chiến xảy ra ở nhóm đảo Nguyệt Thiềm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974. Hải quân VNCH đã thực thi sứ mệnh của người lính trấn giữ biên cương, nổ súng đánh đuổi quân Trung Cộng đang xâm phạm lãnh hải và chiếm giữ các hòn đảo thuộc Hoàng Sa. Cuộc đọ súng giữa 8 chiến hạm (mỗi bên 4 chiếc) diễn ra ngắn ngủi nhưng vô cùng khốc liệt và đẫm máu. Cả 8 chiến hạm đều bị trọng thương, mỗi bên bị chìm 1 chiếc. Phía VNCH hy sinh 74 chiến sĩ, phía TC có khoảng 20 người đền mạng cho tội xâm lăng. Về kết quả giao tranh của 8 chiếc hạm, có thể nói là không phân thắng bại. Tuy nhiên, phía Trung Cộng nhờ có lực lượng tiếp viện đông hơn đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa, trong khi 3 chiến hạm còn lại của VNCH phải rút lui.
Điều khó hiểu là nhà nước CHXHCN VN hầu như "lãng quên" cuộc chiến này trong suốt 39 năm qua, kể cả trong sách giáo khoa môn lịch sử Việt Nam.
Lm Đinh Hữu Thoại
Blogger Phạm Văn Hải: Đó là sự hy sinh cao quý. Không cái chết nào cao quý hơn là bỏ mình vì Tổ Quốc.
Ngày nào Hoàng Sa chưa trở về với đất mẹ thì mỗi người dân Việt Nam phải tự coi mình vẫn còn mắc nợ sự hy sinh của 74 vị anh hùng bảo vệ Hoàng Sa.
Suy nghĩ của Linh Mục và của anh Hải như thế nào về những người lính của cả hai bên chiến tuyến bảo vệ đất nuớc? Có sự khác biệt gì không giữa những người lính VNCH như trung tá Ngụy Văn Thà và đồng đội của ông với những người lính QĐVN đã hy sinh ở chiến trường biên giới Việt - Trung vào năm 1979 và 1984?
Linh Mục Đinh Hữu Thoại: Người Lính nói chung, dù ở chiến tuyến nào cũng đều chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và đảm bảo sự yên bình cho người dân.
Blogger Phạm Văn Hải: Theo tôi, không có gì khác biệt. Không riêng gì những người lính VNCH hay người lính QĐNDVN, mà tất cả những người lính dưới các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn... đều có chung một sự hy sinh cao quý: chết vì Tổ Quốc Việt Nam.
Chính vì lẽ đó mà sự quên lãng các anh hùng tử sĩ Hoàng Sa suốt 39 năm qua là một sự bất công, nếu không muốn nói là có tội với người đã bỏ mình vì nước.
Ngày xưa những nguời lính VNCH bị gán với từ “ngụy”, ngày hôm nay hai người nghĩ sao về điều đó ạ?
Linh Mục Đinh Hữu Thoại: Đó là sự miệt thị của những người cộng sản, tự cho mình là “bên thắng cuộc” nên đối xử bất công với cả một chế độ. Cần phải có động thái “đính chính” và công khai xin lỗi những người đã bị xúc phạm, cho dù họ còn sống hay đã qua đời.
: Thời đó (sau 1975), nhiều người dân miền Nam đã không chấp nhận danh xưng này. Cụ thể trong gia đình tôi có người cô (chị của ba tôi) vẫn thường hỏi: - Ngụy là gì? Sao lại gọi là "ngụy"? Thật ra chuyện đánh tráo khái niệm và "hiếp dâm" ngôn từ của người CS không có gì lạ. Đâu riêng gì từ "ngụy", mà còn rất nhiều từ dùng sai, dùng theo kiểu áp đặt vô lối, chẳng hạn như "giải phóng miền Nam", "học tập cải tạo", "phản động"...
Có nên vinh danh những nguời lính VNCH ở trận chiến HS năm 1974 ko thưa Linh Mục và Blogger Phạm Văn Hải? Nếu có, hai người có sẵn sàng tham gia không?
Linh Mục Đinh Hữu Thoại: Rất nên và cần phải làm. Luôn sẵn sàng tham gia.
Blogger Phạm Văn Hải
Có những tương đồng hay khác biệt gì giữa những người lính ngày xưa hy sinh bảo vệ biển đảo và những công dân Việt Nam ngày nay xuống đường thể hiện lòng yêu nuớc và phản đối Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông không thưa cha cũng như Blogger Phạm Văn Hải?
Linh Mục Đinh Hữu Thoại:
Tương đồng: bày tỏ lòng yêu nước, chống xâm lược
Khác biệt: người lính thì trực tiếp chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Người dân bày tỏ bằng việc biểu tình ôn hòa.
Blogger Phạm Văn Hải: Điểm tương đồng là cả hai cùng đặt danh dự Tổ Quốc, chủ quyền Quốc Gia lên trên hết. Còn điểm khác biệt là mức độ nguy hiểm của những người lính ngoài mặt trận cao hơn nhiều (có thể hy sinh mạng sống). Còn những người biểu tình thì chỉ ở mức bị bắt bớ, tù đày, sách nhiễu, gây khó công ăn việc làm, việc học...
Đã 40 năm kể từ ngày 74 chiến sĩ VNCH hy sinh để bảo vệ biển đảo, ngày hôm nay HS vẫn bị chiếm đóng bởi Trung Quốc. Cần phải có những hành động, công việc cụ thể gì mà cá nhân mỗi chúng ta có thể thực hiện hay tham gia góp phần?
Linh Mục Đinh Hữu Thoại: Kêu gọi lòng yêu nước và tìm hiểu sự thật nơi người trẻ. Khích lệ và ủng hộ mọi việc bày tỏ yêu sách với TQ về sự xâm chiếm của họ.
Blogger Phạm Văn Hải: Việc trước nhất là khôi phục tinh thần yêu nước, biết ơn người ngã xuống vì Tổ Quốc. Sau đó là làm sao góp phần xây dựng một quốc gia cường thịnh, để lấy lại Hoàng Sa. Vấn đề này có vẻ hơi sâu xa rồi. (Làm sao để xây dựng một quốc gia cường thịnh trong xã hội độc tài tham nhũng, nhân sĩ trí thức bị ra rìa, bọn bất tài kém đức lại chiếm số đông trong bộ máy điều hành đất nước?)
Từ ngàn năm nay, qua bất kỳ thời đại nào, chế độ nào nguời dân VN ta đều thể hiện lòng yêu nuớc nồng nàn.Thế nhưng hiện thời, trong khi một số thanh niên còn rất trẻ đã bất chấp hiểm nguy, thậm chí tù đầy để nỗ lực truyền bá sự thật lịch sử, nhất là sự thật về Hoàng Sa, Trường Sa về vấn đề toàn vẹn lãnh thổ thì có nhiều những bạn trẻ khác lại muốn chối bỏ sự thật lịch sử trong khi cũng “nhận” mình là những thanh niên yêu nước? Linh mục và anh Hải nghĩ sao về thực tế này?
Linh Mục Đinh Hữu Thoại: Tôi không có lòng tin vào những bạn suy nghĩ theo kiểu “cộng sản”, vì họ không tôn trọng sự thật, không làm theo sự thật mà chỉ theo “định hướng”, yêu nước theo định hướng. Nếu thật sự yêu nước, yêu tổ quốc mình thì điều đầu tiên phải làm đựợc đó là tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật. Và phải chứng minh được một điều rằng họ đang làm theo lương tâm, trách nhiệm chứ không phải theo phong trào, theo định hướng hay phụng sự cho một thể chế, một đảng phái hay chủ thuyết nào.
Blogger Phạm Văn Hải: Lòng yêu nước nằm trong đạo đức công dân. Đây là thời buổi đạo đức con người suy đồi nhất trong suốt chiều dài 4000 năm lịch sử. Vì thế lòng yêu nước có thể nói là mong manh nhất.
Dạ thưa, bốn mươi năm sau những thế hệ tuơng lai sẽ đánh giá và nghĩ gì về thế hệ (chúng ta) ngày hôm nay khi họ cùng chung nhau tổ chức Kỷ niệm 80 năm Hải chiến Hoàng Sa năm 1974?
Linh Mục Đinh Hữu Thoại: Theo tôi, còn quá sớm để nói về điều này. Nhưng tôi tin lúc ấy mọi người dân Việt Nam được tự do bày tỏ lòng yêu nước hơn ngày nay. Còn bây giờ, tôi có linh cảm sẽ có những “con mắt hình viên đạn” theo dõi, rình rập những người tổ chức kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa năm 1974….
Blogger Phạm Văn Hải: Tôi không mong có ngày kỷ niệm thứ 80 cho sự kiện này. Tuy nhiên nếu định mệnh lịch sử có trớ trêu đi nữa, thì dẫu có 800 năm người dân Việt Nam cũng không được quên nghĩa vụ phải lấy lại đất Tổ, thế hệ này không được phải nhắc lại cho thế hệ sau.
Xin cảm ơn Linh mục Đinh Hữu Thoại và Blogger Phạm Văn Hải
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Năm, 16/01/2014
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20140116/pham-thanh-nghien-phong-van-ve-hai-chien-hoang-sa-va-cac-chien-sy-hai-quan-viet-nam
=======================================================================
Phạm Thanh Nghiên - Phỏng vấn về Hải chiến Hoàng Sa và các chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (Phần 3)
Phạm Thanh Nghiên
Phạm Thanh Nghiên đã có dịp gửi đến quý độc giả hai buổi phóng vấn trước với năm vị khách mời là anh Lê Hưng (Hải Phòng), ông Ngô Nhật Đăng (Hà Nội), bà Ngô Thị Hồng Lâm, một nguời gốc miền Bắc hiện sinh sống tại Sài Gòn, Linh mục Đinh Hữu Thoại (Dòng chúa cứu thế Sài Gòn) và anh Phạm Văn Hải, một blogger tại Nha Trang. Vị khách mời thứ sáu và cũng là buổi phỏng vấn thứ ba liên tiếp xin được gửi đến quý vị những chia sẻ của Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi. Buổi phỏng vẩn thứ 4 với một bạn sinh viên tại miền Trung sẽ đựơc chuyển đến quý độc giả vào ngày mai, ngày 18 tháng 1 năm 2014.Phạm Thanh Nghiên: Trước hết cháu xin cảm ơn Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi đã dành cho cháu, một phóng viên “bất đắc dĩ” buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Câu hỏi đầu tiên, xin cô cho biết cô biết gì về cuộc hải chiến Hoàng Sa cách đây 40 năm?
Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Kim Chi, sinh ngày 15 tháng 6 năm 1943, tại Rạch Giá.Nghệ sĩ Ưu tú Kim Chi.
Thân phụ nghệ sĩ Kim Chi là liệt sĩ chống Pháp nên năm 11 tuổi (1954), bà đã phải tập kết ra Bắc.
Bà học khóa diễn viên điện ảnh đầu tiên năm 1959-1962.
Năm 1964, bà Kim Chi cùng chồng là nhà quay phim Hồng Sến vượt Trường Sơn vào chiến trường. Bà vừa là diễn viên, vừa là MC của đoàn Văn công “Giải phóng”.
Năm 1974, NS Kim Chi trở ra Bắc. Năm 1976 bà đi tu nghiệp đạo diễn Sân khấu ở Bungaria. Năm 1978, về giảng dạy ở trường Sân Khấu 125 Cống Quỳnh TP.HCM (Sau sát nhập gọi là Trương Sân Khấu và Điện Ảnh) Mãi 2011, NS Kim Chi mới được phong NSUT. Bà đã nghỉ hưu từ năm 2000 nhưng vẫn tham gia sáng tác sân khấu và điện ảnh, thỉnh thoảng đóng phim.
Nghệ sĩ Kim Chi từng tham gia nhiều bộ phim lớn của nền điện ảnh (cách mạng) Việt Nam. Năm 2013, bà đã gây chấn động không chỉ giới văn nghệ sĩ mà còn còn gây chấn động dư luận trong nước cũng như đối với những nguời Việt tại Hải ngoại bằng việc từ chối làm hồ sơ khen thưởng nghệ sĩ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dùng với lời tuyên bố đanh thép: “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm”.
Sau đây, xin mời quý vị theo dõi cuộc trò chuyện của Phạm Thanh Nghiên với Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi.
NSUT Kim Chi: Mãi đến những ngày gần đây, qua email của bạn bè gửi tới tôi mới biết chuyện có bảy mươi tư chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh năm 1974 để bảo vệ hải đảo Hoàng Sa. Điều này thật là một tệ hại đối với kiến thức của tôi. Trong khi đó cách đây ba năm giáo sư Tương Lai đã chính thức công khai trong buổi mít-tinh tự tổ chức lấy với nhau tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình ở đường Nguyễn Thông, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phạm Thanh Nghiên: Xin cô cho biết cảm nghĩ của cô đối với sự hi sinh của 74 người lính hải quân VNCH?
NSUT Kim Chi: Tôi vô cùng xúc động, ngưỡng mộ và biết ơn những người lính VNCH đã anh dũng hy sinh để bảo vệ hải đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ VN của chúng ta.
Phạm Thanh Nghiên: Suy nghĩ của cô như thế nào về những ngườii lính của cả 2 bên chiến tuyến bảo vệ đất nuớc? Đối với cô, có sự khác biệt gì không giữa những người lính VNCH như trung tá Ngụy Văn Thà và đồng đội của ông với những ngừoi lính QĐVN đã hy sinh ở chiến trường biên giới Việt-Trung vào năm 1979 và 1984?
NSUT Kim Chi: Với tôi những ai sẵn sàng đem tính mạng của mình ra để bảo vệ đất nước thì tôi đều coi tất cả là anh hùng. Người lính VNCH năm xưa hy sinh để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa và người lính QĐVN hy sinh để bảo vệ biên giới phía Bắc đều cao cả. Các anh đều xứng đáng được tôn vinh.
Phạm Thanh Nghiên: Ngày xưa những nguời lính VNCH bị gán với từ “ngụy”, ngày hôm nay cô nghĩ sao về điều ấy?
NSUT Kim Chi: "Ngụy quân, ngụy quyền, lính ngụy". Chính bản thân tôi cũng từng dùng những từ này khi kể chuyện hoặc khi viết lách mà không hiểu rõ ý nghĩa của từ ấy. Dùng như một thói quen theo sách báo và các phương tiện truyền thông của CHXHCNVN. Về sau một người bạn thuộc đàn anh đã giảng cho tôi hiểu từ "ngụy". Tôi thấy xấu hổ về sự kém hiểu biết của mình và từ đó không bao giờ dám dùng nữa.
Phạm Thanh Nghiên: Cô có nghĩ là nên vinh danh những nguời lính VNCH ở trận chiến Hoàng Sa năm 1974 không? Nếu có, cô có sẵn sàng tham gia không?
NSUT Kim Chi: Vinh danh những người lính VNCH ở trận chiến Hoàng Sa năm 1974 là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Nó biểu hiện lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân và đất nước đối với những người con ưu tú của Tổ Quốc Việt Nam.
Về việc này nhà nước đi sau dân, dẫu muộn mằn nhưng như vậy là đáp ứng một nguyện vọng đã chín muồi trong lòng nhân dân.
Phạm Thanh Nghiên: Theo cô, có những tuơng đồng hay khác biệt gì giữa những nguời lính ngày xưa hy sinh bảo vệ biển đảo và những công dân Việt Nam ngày nay xuống đường thể hiện lòng yêu nuớc và phản đối Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông?
NSUT Kim Chi: Tôi vô cùng ngưỡng mộ những công dân Việt Nam đã xuống đường biểu tình chống lại hành động lấn chiếm biến đông của Trung Quốc. Những người ấy đã từng bị bắt bớ tù đầy mà vẫn không hề nao núng. Tôi ngưỡng mộ và kính trọng họ.
Phạm Thanh Nghiên: Bốn mươi năm kể từ ngày 74 chiến sĩ VNCH hy sinh để bảo vệ biển đảo, ngày hôm nay Hoàng Sa vẫn bị chiếm đóng bỏi Trung Quốc. Theo cô cần phải có những hành động, công việc cụ thể gì mà cá nhân cô-một nghệ sĩ có thể thực hiện hay tham gia góp phần?
NSUT Kim Chi: Tôi nghĩ để góp phần thiết thực vào việc chống Trung Quốc bành trướng chính là lên tiếng ủng hộ và bảo vệ những người dám xuống đường. Tôi muốn viết một kịch bản để ca ngợi những gương hi sinh cao cả của những người quên cả mạng sống của mình để đòi công lý. Tôi ước mong có nhiều văn nghệ sĩ mạnh mẽ hơn trong sự bày tỏ chính kiến... Nhưng điều này hình như không nhiều người đồng tình với suy nghĩ của tôi.
Phạm Thanh Nghiên: Thưa cô, hiện đội bóng đá No-U Hà Nội đang có Lời kêu gọi đồng bào tham gia Lễ tưởng niệm 40 hải chiến Hoàng Sa năm 1974 vào 8 giờ 30 phút ngày 19 tháng 1 tại Hà Nội. Cô nghĩ sao về việc này và cô có dự tính tham gia không?
NSUT Kim Chi: Chắc chắn vợ chồng tôi sẽ rủ nhiều bạn bè cùng tham dự ngày lễ tưởng niệm các chiến sĩ VNCH. Một việc làm ý nghĩa như thế làm sao có thể vắng mặt được.
Phạm Thanh Nghiên: Từ ngàn năm nay, qua bất kỳ thời đại nào, chế độ nào nguời dân VN ta đều thể hiện lòng yêu nuớc nồng nàn, cô có suy nghĩ gì về các bạn trẻ khác biệt về chính kiến? Ý cháu đang nhắc đến những bạn vẫn đang ra sức truyền bá sự thật hiện tại và lịch sử về Hoàng Sa – Trường Sa bất chấp khó khăn, thậm chí tù đầy trong khi nhiều bạn khác luôn muốn chối bỏ sự thật lịch sử? Tại sao lại có hiện thực này thưa cô?
NSUT Kim Chi: Non sông đất nước chúng ta đời nào cũng dựa vào sức mạnh của tuổi trẻ. Ngàn đời nay đội ngũ ra chiến trận đều là những chàng trai cô gái. Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và sức lực. Khi người ta yêu nước thì người ta hành động để bảo vệ đất nước. Nhưng cũng có rất nhiều người e ngại không muốn dấn thân. Điều đó cũng rất dễ hiểu thôi bởi họ còn nhiều lo toan cho tương lai cá nhân: tiền tài, danh vọng, địa vị...Thậm chí những người đó cười chê rằng kẻ dấn thân là ngu dại. Người ta quan niệm rằng tiền đồ cá nhân là trên hết...Loại người này thường là con nhà giàu có hoặc con các quan chức. Cái đích mà họ nhắm tới là những chiếc ghế, những tập đoàn kinh tế giàu sụ.
Cuộc sống cái tốt và cái xấu lẫn lộn, đó là điều tất yếu.
Phạm Thanh Nghiên: Theo cô, 40 năm sau những thế hệ tuơng lai sẽ đánh gía và nghĩ gì về thế hệ ngày hôm nay khi họ cùng chung nhau tổ chức Kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa năm 1974?
NSUT Kim Chi: Vừa qua đã có kỷ niệm chiến tranh biên giới tây nam, như thế là một bước khẳng định trở lại đường lối, và vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc. Rồi kỷ niệm ngày mà Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Đài truyền hình Đồng Nai đã truyền đi bộ phim "Hải chiến Hoàng Sa" do Việt Nam Cộng Hòa quay trước 1975.
Đấy là những động thái có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Nếu làm sáng tỏ những điều này ra phải gắn kết vấn đề Dân chủ với động lực lòng yêu nước chống kẻ thù xâm lược. Khi hai yếu tố này gắn kết lại với nhau, sẽ tạo nên nguồn động lực rất lớn, không gì có thể ngăn cản được.
Từ trước đến nay vì sợ mất lòng Trung Quốc nên ta đã né tránh sự thật. Đó là một đường lối sai lầm, không thể chấp nhận được. Bây giờ nêu gắn Yêu Nước với Dân Chủ thì không gì hay hơn.
Đã đến lúc phải có một chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc, mới có thể tạo nên động lực mới để xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Tôi hy vọng rằng việc tổ chức lễ tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa 1974 sẽ là khởi đầu cho sự xóa bỏ những ngăn cách để đi đến sự hòa giải dân tộc vốn đã quá nhiều khổ đau mất mát. Tôi khát khao một ngày mọi người nắm chặt tay nhau để kiến tạo đất nước.
Phạm Thanh Nghiên: Cháu xin cảm ơn Nghệ sĩ Ưu tú Kim Chi đã dành cho cháu buổi trò chuyện ngày hôm nay. Kính chúc cô sức khỏe, bình an và mong rằng, Dân chủ sẽ hiện diện trên quê hương ta trong một tuơng lai không xa. Và Hoàng Sa, Trường Sa sẽ trở về với đất mẹ Việt Nam như mong muốn của cô, của cháu và của hàng triệu con dân nước Việt.
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Sáu, 17/01/2014
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20140117/pham-thanh-nghien-phong-van-ve-hai-chien-hoang-sa-va-cac-chien-sy-hai-quan-viet-nam
=======================================================================
Phạm Thanh Nghiên - Phỏng vấn về Hải chiến Hoàng Sa và các chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (Phần 4)
06:36:pm 19/01/14 | Tác giả: Phạm Thanh Nghiên
Phần 4 Phạm Thanh Nghiên: Không phải ngẫu nhiên tôi dành phần bốn này để kể về tâm tư của hai nhân vật cách nhau nửa vòng trái đất với sự khác biệt rất điển hình. Từ tuổi tác, khoảng cách địa lý, hoàn cảnh, không gian sinh sống đến xuất thân (chế độ) chính trị đã trở thành một sự tương phản đương nhiên. Nhưng, chính sự khác biệt đến tương phản ấy đã đại diện cho một câu chuyện của những câu chuyện về một giai đoạn lịch sử kéo dài hàng chục năm với sự đau đớn, quằn quại của Dân tộc. Song, đấy cũng là câu chuyện của sự gặp gỡ mang niềm hy vọng. Họ không đại diện cho chế độ chính trị nào (dù tốt hay xấu). Họ là những nguời Việt Nam chân chính với chung một khát vọng bình dị nhưng vĩ đại: Tự do, Dân chủ và Toàn vẹn lãnh thổ cho Đất nước mình.
Nguyễn Văn Hùng sinh năm 1992 tại một vùng quê nghèo khó thuộc miền Trung Việt Nam. Hiện cậu đang theo học ở một trường đại học tại Hà Nội. Cuộc sống thành thị, Internet, truyền thông xã hội, giảng đường đại học và ý thức hoài nghi đã thúc đẩy Hùng, từ một sinh viên với suy nghĩ đơn giản biết quan tâm đến hiện tình đất nước. Lòng tự trọng dân tộc, ý thức trách nhiệm của một thanh niên yêu nước đã thôi thúc Hùng, giúp cậu bước qua nỗi sợ hãi để rồi một ngày, cậu hòa vào giòng người trên đừờng phố Hà Nội, tay giơ cao, miệng hô vang: “Trường Sa- Hoàng Sa là của Việt Nam”. Không ít lần cậu đã bị bắt khi tham gia biểu tình ôn hòa, phản đối Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải và bắn giết ngư dân Việt Nam. Khi được hỏi Hùng có tham gia cuộc biểu tình sắp tới do No – U Hà Nội kêu gọi để tuởng niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa không, Hùng đã trả lời không chút do dự “đương nhiên tôi sẽ tham gia”.
Nghệ sĩ Phan Đình Minh, sinh ra tại miền Bắc, năm 1954 ông di cư vào Nam. Ông đã từng phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ộng đi tị nạn cộng sản và hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Ông cũng chính là người thực hiện Chương Trình “Từ Cánh Đồng Mây” được trực tiếp truyền thanh, truyền hình đi toàn cầu qua đài Saigon Dallas Radio 1600AM, đài truyền hình SBTN hệ thống youtube Hoang Vinh Cali và diễn Đàn Tiếng Nói Tự Do của người Dân Việt Nam.
Cũng như bao nhiêu người Việt xa Tổ Quốc, Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam luôn là nỗi đau, là nỗi nhớ da diết và là lý tưởng, mục đích sống của ông. Quyết liệt nhưng không hằn thù, rộng lượng, bền chí và cao thượng là những gì tôi cảm nhân đuợc từ ông qua những cuộc trao đổi và nhất là qua cuộc phỏng vấn ngắn ngủi này.
Xin đựợc gọi cuộc phỏng vấn này với cái tên: Phan Đình Minh – Nguyễn Văn Hùng, hai thế hệ một tấm lòng.
Câu hỏi đầu tiên xin đuợc hỏi hai chú cháu, hai nguời biết gì về trận hải chiến Hoàng sa 40 năm về trước?
NVH: Tôi sinh ra vào năm 1992 nghĩa là sau khi trận hải chiến Hoàng Sa đã diễn ra gần 20 năm. Là một sinh viên tôi quan tâm tới tình hình đất nước. Qua việc tự tìm hiểu, tự tìm kiếm các thông tin đa chiều nên nay tôi mới biết đến cuộc chiến đó. Và năm nay, một điều rất khác lạ là chính hệ thống truyền thông “lề đảng” cũng đưa tin về trận hải chiến Hoàng Sa 40 năm về trước.
PĐM: Là một người sống tại miền Nam và phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 tôi biết rất nhiều về lịch sử cũng như cuộc chiến Hoàng Sa.
Chúng ta có đầy đủ tài liệu để chứng minh, khẳng định chủ quyền HS- TS là của Việt Nam, hay nói chính xác là vào thời điểm đó, Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền của chính quyền VNCH.
Câu hỏi dành cho Hùng, bạn nghĩ sao về sự hy sinh của 74 chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa năm đó?
NVH: Đối với tôi, sự hy sinh của 74 người lính là thể hiện tình yêu đất nước, yêu tổ quốc đã hy sinh xương máu của mình để bảo vệ Hoàng Sa , không chỉ là bảo vệ cho Hoàng Sa – Truờng Sa mà chính là bảo vệ Tổ quốc Việt Nam của chúng ta.
Thưa chú Minh, chú nghĩ sao về những đồng đội của mình ạ?
PĐM: Hãnh diện, ngưỡng mộ, biết ơn, tự hào là những gì tôi muốn bày tỏ và muốn dành cho họ, những đồng đội yêu quý của tôi. Những con người can trường này đã sống và hy sinh như trong bài Quốc ca đã thôi thúc: “Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi, đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống…” Tất cả những người chiến sĩ của QL/VNCH luôn đặt Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm lên Trên Hết, trong cuộc sống của mình dù ở bất cứ nơi nào hay bất cứ hoàn cảnh nào.
Thế còn những người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh ở biên giới năm 1979 và 1984 thì sao thưa chú? Sự hy sinh của họ so với sự hy sinh của Trung tá Ngụy Văn Thà và đồng đội của ông thì sao?
PĐM: Tôi kính trọng và biết ơn những người đã hy sinh cho Tổ Quốc và nhân dân Viêt Nam. Đúng là những người lính miền Bắc không viết công hàm dâng biển đảo cho Tầu. Nhưng, những người lính miền Bắc trước ngày 30-4-1975, họ đâu có đánh nhau để bảo vệ Tổ Quốc và Nhân dân. Những lãnh đạo cộng sản đã ra lệnh cho những người lính miền Bắc công khai thừa nhận rằng: “Ta (cộng sản) đánh là đánh cho Nga cho Tầu”. Trung Tá Ngụy Văn Thà và đồng đội của ông, cũng như tất cả chúng tôi – những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa không đánh cho Mỹ hay cho đế quốc nào. Chúng tôi chiến đấu để bảo vệ nền Tự Do, Dân Chủ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Còn bạn thì sao, bạn nghĩ gì về sự hy sinh của những nguời lính thuộc hai chiến tuyến bảo vệ đất nước?
NVH: Đã là lính khi ra trận, họ đều nêu cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ Tổ quốc. Đừng để sự hy sinh nào của họ là vô nghĩa. Dù là hai bên chiến tuyến thì họ cùng chung mục đích là bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày xưa những nguời lính VNCH bị gán với từ “ngụy”, bạn Hùng và chú Minh nghĩ sao về điều ấy?
NVH: Tôi nghĩ đó là đường lối tuyên truyền của nhà nước Cộng sản VN. Họ luôn kiếm mọi cách để hạ nhục đối phương (mà họ coi là kẻ thù), để lừa bịp dân chúng. Sự đánh tráo khái niệm cũng chính là một thủ đoạn chính trị mà họ rất ưa dùng. Cho tới tận ngày hôm nay. “Ngụy” là một từ cực kỳ miệt thị, mang nghĩa xấu xa. Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu, xét trên thực tế cũng như sự thật lịch sử thì chính quyền VNCH có bầu cử tự do. Không thể và không bao giờ đựoc phép gọi một chính quyền có bầu cử tự do là “ngụy quân, nguỵ quyền” đuợc. Nhân đây cũng xin nói thêm, cũng là dẫn chứng lịch sử thôi. Theo sách giáo khoa phổ thông môn lịch sử mà học sinh Việt Nam đựoc học thì năm 1945, ông Hồ cũng như như đảng cộng sản VN đã nổi dậy “cướp chính quyền”. Từ “cướp chính quyền” chính là nguyên văn chúng tôi được học. Một bên là đi cướp, một bên dân chúng đuợc tự do bầu cử. Vậy, ai là “ngụy” thì điều này đã rõ, chúng ta không cần phải bàn thêm. Gán cho những nguời anh hùng như thế từ “ngụy” không những vô ơn mà còn thể hiện sự hèn hạ, giả dối, gian manh của những kẻ tự xưng chính nghĩa. Chúng ta cần phải lấy lại danh dự cho họ, dành lại dân tộc này, đất nước này để sự hy sinh đó trở nên vẻ vang như chính sự vẻ vang vốn có của nó. Đã đến lúc, vén bức màn lịch sử lên rồi.
PĐM: Xin hỏi lại bạn Nghiên, bạn có thấy tôi hoặc bất cứ một cựu quân nhân cán chính VNCH nào lại giống hay thực sự là “ngụy” không? Những hình ảnh dựng nước, giữ nước, phục vụ nhân dân vẫn sống mãi trong lòng người dân VN từ trước và sau 1975. Cũng cần nên nhắc lại là những người lính VNCH đã không để, đã không dâng một tấc đất nào cho ngoại bang. Bây giờ bạn nhìn lại tâp đoàn lãnh đạo của đảng cộng sản VN đi. Họ đã làm gì đối với quê hương VN của chúng ta sau 1975? Họ có phải là bọn Hán ngụy hay không?
Vậy có nên vinh danh những nguời lính VNCH ở trận chiến HS năm 1974 không? Nếu có, chú Minh và bạn Hùng có sẵn sàng tham gia không?
PĐM: Tôi không nghĩ là nên mà chúng ta phải vinh danh, biết ơn những người đã nằm xuống cho Tổ Quốc trường tồn. Bây giờ mới nghĩ thì hơi trễ, nhưng có nghĩ là tốt. Nhưng đó là các bạn trẻ thôi chứ chúng tôi, nhất là những nguời lính, nguời dân từng sống dưới chế độ VNCH và hiện đang ở tại Hải ngoại thì vẫn luôn tưởng nhớ đến những vị anh hùng Dân tộc đó.
NVH: Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết về sự hy sinh đó (Lịch sử Việt Nam hôm nay không hề nhắc đến). Tôi nghĩ điều đó là rất cần. Không thể để sự hy sinh xương máu của họ bị chôn vùi mãi và cần lên án bất cứ một sự ngăn cản nào về việc vinh danh họ. Vinh danh những nguời có công với dân, với nuớc chính là việc làm tối thiểu của nguời sống. Đó còn là một sự an ủi cho chính chúng ta và là một điều cần thiết, tốt đẹp để thế hệ sau noi theo.
PTN: Chú Minh và bạn Hùng có thấy những tuơng đồng hay khác biệt gì giữa những nguời lính ngày xưa hy sinh bảo vệ biển đảo và những công dân VN ngày nay xuống đường thể hiện lòng yêu nuớc và phản đối TQ xâm lấn HS, TS và Biển Đông?
PĐM: Những người lính ngày xưa hy sinh bảo vệ biển đảo và những công dân VN ngày nay xuống đường đều có chung một lý tưởng, một lòng yêu nước như nhau. Nhũng người lãnh đạo CS VN ngày xưa và hôm nay đều có cùng một mục đích như nhau: dâng đất biển cho Tầu để đựơc đảm bảo quyền thống trị độc tài tại Việt Nam.
NVH: Đối với tôi, điều đó rất khó nói về sự tương đồng hay khác biệt, nhưng tôi nghĩ bất cứ sự hy sinh nào đó, để bảo vệ Tổ Quốc khỏi sự xâm lấn tàn bạo của ngoại bang điều đáng ca ngợi, đều đáng ca ngợi để những thế hệ trẻ ngày nay và mai sau sẵn sàng bước đứng lên bảo vệ Đất nước của mình.
40 năm kể từ ngày 74 chiến sĩ VNCH hy sinh để bảo vệ biển đảo, ngày hôm nay HS vẫn bị chiếm đóng bỏi TQ. Chúng ta nên có những hành động, công việc cụ thể gì mà cá nhân mỗi người có thể thực hiện hay tham gia góp phần?
PĐM: Lúc nào chúng ta cũng phải tuyên bố với thế giới “HS-TS là của Việt Nam” tại bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào nếu chúng ta có cơ hội. Tiếc là những người cầm quyền hôm nay tại VN đã và đang ra sức ngăn cản chúng ta làm như vậy. Họ sẵn sàng đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa bày tỏ lòng yêu nước của người dân. Và chính nguời đang phỏng vấn tôi đây, cô Phạm Thanh Nghiên cũng là một dẫn chứng. Cô đã bị bắt giam, bị kết án 4 năm tù giam chỉ vì Tọa kháng với khẩu hiệu “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”. Đúng là một nghịch lý rất đau đớn cho người dân Việt Nam.
NVH: Tôi mong muốn một giải pháp ôn hòa, phía Trung Quốc không dùng quyền lực, sức mạnh vũ lực thể hiện sự tham lam của mình mà ngang nhiên xâm lấn biển đảo Việt Nam. Phía Việt Nam, mỗi người dân cần lên tiếng nói để bảo vệ biển đảo quê hương.
Hiện No- U đang có lời Kêu gọi đồng bào tham gia Lễ tưởng niệm 40 hải chiến Hoàng Sa năm 1974 vào 8 giờ 30 phút ngày 19 tháng 1 tại Hà Nội. Hùng nghĩ sao về việc này và bạn có dự tính tham gia không?
NVH: Vâng, đương nhiên tôi sẽ tham gia. Tôi nghĩ điều đó là tốt, khi chúng ta tưởng niệm những người đã khuất để bảo vệ Tổ Quốc là để đời đời này, thế hệ ngày nay mãi mãi không quên công ơn xương máu của những người đã ngã xuống.
Nhưng bạn đã từng bị bắt giữ, bị câu lưu và bị gây khó khăn trong cuộc sống cũng như trong việc học hành chỉ vì tham gia biểu tình ôn hòa bày tỏ lòng yêu nước? Bạn vẫn muốn tham gia ư?
NVH: Đúng là như thế. Nhưng lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm. Lòng tự tôn Dân tộc thôi thúc tôi. Điều đó giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi. So với những anh hùng năm 1974, thì hành động của chúng tôi hôm nay chỉ là bày tỏ ý chí của mình thôi. Nó rất nhỏ bé.
Từ ngàn năm nay, qua bất kỳ thời đại nào, chế độ nào nguời dân VN ta đều thể hiện lòng yêu nước nồng nàn. Tuy nhiên,trong khoảng vài chục năm trở lại đây, lòng yêu nước của nguời dân VN dường như bị suy giàm. Cụ thể là có rất ít những bạn trẻ rất cố gắng để truyền bá sự thật hiện tại và lịch sử HS – TS bất chấp khó khăn, thậm chí tù đầy trong khi rất nhiều bạn khác luôn muốn chối bỏ sự thật lịch sử? Tại sao lại có hiện thực này? Xin mời bạn Hùng trả lời trước.
NVH: Sở dĩ có sự chối bỏ lịch sử cũng do sự sợ hãi, hay có thể họ nghĩ chuyện đã qua nhắc lại làm gì. Cũng có thể do sự kìm hãm thông tin làm cho nhiều bạn trẻ ngày nay không hề biết gì đến nhiều sự kiện lịch sử, trong đó có trận hải chiến Hoàng Sa. chúng ta là những người đã biết và hiểu rõ điều đó, nay chúng ta phải lên tiếng nói để nhiều người bạn trẻ khác cũng bỏ qua được nổi sợ hãi để cùng lên tiếng để sự hý sinh của 74 người lính không bị lãng quên.
PDM: Nhập gia tùy tục, sông tùy khúc…các bạn đang sống trong một chế độ bị kiềm chế mọi sự, mọi điều. Nếu các bạn được tự do suy nghĩ , tôi nghĩ các bạn sẽ hành động theo tiếng gọi của lương tri. Tôi nghĩ, ẩn sâu trong tâm hồn mỗi nguời dân VN đều có lòng yêu nước. Khi sự thật lịch sử đựoc giải mã, khi các bạn đã tiến một bước trong nhận thức thì lòng yêu nước sẽ đựợc biểu hiện.Trong phạm vi hiểu biết, sức lực và mong muốn của mình, tôi sẽ giúp họ để truyền bá về sự thật lịch sử VN, nhất là về HS-TS.
Chú Minh và bạn Hùng nghĩ sao khi 40 năm sau những thế hệ tuơng lai sẽ đánh gía và nghĩ gì về thế hệ ngày hôm nay khi họ cùng chung nhau tổ chức Kỷ niệm 80 năm hải chién HS năm 1974?
PĐM: Chúng ta hãnh diện về tiền nhân yêu nước như thế nào thì thế hệ mai sau cũng sẽ tìm hiểu và hãnh diện về những gì chúng ta làm hôm nay. Tất nhiên, tôi nói chữ chúng ta là chỉ những người dân Việt Nam. Còn chính quyền cộng sản VN, đương nhiên sẽ không bao giờ có cái vinh dự đó. Ngược lại, họ sẽ bị con cháu chúng ta và lịch sử phán tội. Dù sao, cũng như các bạn, tôi mong không bao lâu nữa, chúng ta sẽ có niềm vui trọn vẹn. Chúng ta sẽ không phải hô “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” vì khi đó, Giang sơn Tổ quốc đã đựơc nối liền.
NVH: Tôi thiết nghĩ khi kỉ niệm 80 năm hải chiến HS năm 1974 thì đất nước đã thay đổi, mọi người dân đều đã biết và họ sẽ hiểu ra sự hy sinh đó cao quý vô cùng. Và tin chắc rằng khi đó chúng ta đã dành được Hoàng Sa, Trường Sa về cho Tổ Quốc. Hạnh phúc lắm!
Rất cảm ơn chú Phan Đình Minh và bạn Nguyễn Văn Hùng đã dành cho Phạm Thanh Nghiên một cuộc trò chuyện rất đặc biệt này.
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/83227/phong-van-ve-hai-chien-hoang-sa-va-cac-chien-sy-hai-quan-viet-nam-cong-hoa/2014/01/4
=======================================================================
Phạm Thanh Nghiên - Phỏng vấn về Hải chiến Hoàng Sa và các chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (Phần 5)
Phần 5
Phạm Thanh Nghiên: Xin gửi tới quý độc giả phần 5 và cũng là để kết thúc loạt bài “phỏng vấn về hải chiến Hoàng Sa và các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa”. Mặc dù người được mời cho cuộc phỏng vấn này, nhà văn Vũ Thư Hiên vẫn bày tỏ quan điểm dựa trên các câu hỏi (như ở các phần trước) nhưng tôi sẽ không trình bày theo cách thông thường là xen phần câu hỏi trước mỗi câu trả lời. Ngoài lý do muốn tạo ra sự khác biệt của một bài phỏng vấn đơn thuần, Phạm Thanh Nghiên cũng …tự cho mình cơ hội được bày tỏ suy nghĩ, được trải nghiệm với vai trò một người …được phỏng vấn. Nhưng quan trọng hơn cả là bản thân những câu trả lời của nhà văn Vũ Thư Hiên đã giống như một bài viết hoàn chỉnh (dù rất ngắn) có sức lôi cuốn và có tính văn học.
Trước khi gửi tới quý độc giả những chia sẻ của nhà văn Vũ Thư Hiên, xin giới thiệu đôi nét về ông mặc dù tên tuổi của nhà văn đã được rất nhiều người biết đến và ngưỡng mộ.
Nhà văn Vũ Thư Hiên, sinh năm 1933 tại Hà Nội. Cha ông là cụ Vũ Đình Huỳnh, cận vệ và là thư ký riêng của ông Hồ Chí Minh. Ông từng đi bộ đội, công tác trong lĩnh vực điện ảnh và có thời gian đi học viết kịch bản tại Liên Xô thời gian từ 1954 đến 1959.
“Từ năm 1967 đến 1976, ông bị chính quyền Bắc Việt Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bí mật bắt sau cha (là cụ Vũ Ðình Huỳnh) 2 tháng, trong Vụ án Xét lại Chống Đảng. Công an chìm bắt giữ ông lên ôtô và đưa về nhà tù Hỏa Lò ngay trong lúc ông đang đạp xe trên phố Hà Nội, gia đình ông mãi về sau mới được biết. Ông bị giam 9 năm, trong đó bị giam trong xà lim cá nhân bốn năm rưỡi, qua các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt (Sơn Tây), Tân Lập (Phú Thọ). Chính quyền thả ông không án cũng như không xét xử. Ra tù năm 1976, nhưng còn bị quản thúc bằng lệnh miệng của nhà cầm quyền mãi cho tới mùa thu năm 1980 mới được phép vào Nam”. (Theo Wikipedia).
Nhiều tác phẩm văn học do ông sáng tác đã từng được xuất bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, tên tuổi của ông gắn liền với cuốn hồi ký “Đêm giữa ban ngày”, được hoàn thành và xuất bản khi ông đã định cư tại Pháp. Tất nhiên, cuốn hồi ký không được xuất bản trong nước song đuợc rất nhiều nguời thuộc giới trí thức, nhất là những người cổ vũ cho tự do, nhân quyền và dân chủ bí mật tìm kiếm và truyền tay nhau đọc. “Đêm giữa ban ngày”, không chỉ là hồi ký của một người tù, nó tiết lộ những bí mật kinh thiên động địa quanh vụ án “xét lại chống đảng”, những sự thật ghê người của tập đoàn cai trị cộng sản. Hơn thế, còn là một trong những cuốn sách đáng đọc nhất đối với những người đấu tranh cho Tự do, Dân chủ tại Việt Nam.
Dù đã bước sang tuổi 81 với sức khỏe giảm sút, nhưng nhà văn Vũ Thư Hiên vẫn nỗ lực không ngừng, đóng góp công sức trong cuộc vận động Dân chủ cho Việt Nam.
Và đây là chia sẻ của nhà văn Vũ Thư Hiên, xin được gửi tới quý độc giả:
Nhà văn Vũ Thư Hiên: “Năm 1974 tôi còn ở trong tù. Những tin tức ở ngoài bức tường vây quanh với những vọng gác và dây kẽm gai chỉ đến được với người tù qua sự phổ biến có chọn lọc của người coi tù, thế tất chúng tôi không thể biết gì về sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Cuối năm 1976, tôi được thả, cũng chẳng nghe dư luận về sự kiện này – ĐCS coi đất nước là của họ, họ muốn làm gì với nó thì làm, dân là kẻ bị cai trị, họ nắm chặt truyền thông, cho nó biết cái gì nó được biết cái nấy, không được hó hé, không được bàn.
Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, mà Hoàng Sa không phải là cái kim. Sự kiện này rồi tôi cũng được nghe qua những lời bực bội (mà đảng cầm quyền gọi là “bất mãn”) của những người cộng sản lớp đầu hoặc bị thẳng thừng gạt ra ngoài hàng ngũ đảng, hoặc bị đảng cho ngồi chơi xơi nước, khi nhắc tới cái công hàm ô nhục do Phạm Văn Đồng gửi quan thầy Chu Ân Lai. Nhưng đó cũng chỉ là trong những người từng làm việc ở lớp trên trong bộ máy cầm quyền được biết, chứ nhân dân thì tịnh không, không biết gì hết.
Khi ra khỏi nước, có dịp tiếp xúc trực tiếp với những người từng chiến đấu để bảo vệ Hoàng Sa, tôi hiểu sự kiện này rõ hơn. Tôi nghiêng mình trước sự hy sinh anh dũng của những tử sĩ đã hy sinh thân mình để bảo vệ đất đai của Tổ quốc. Sự kiện Hoàng Sa làm cho nhân dân ta càng thấy rõ hơn tội ác của bọn cầm quyền đối với đất nước. Những việc tiếp theo như sự ký kết những hiệp ước bất bình đẳng về biên giới trên đất liền và biển, giao đất chiến lược Tây Nguyên, bán đất đai đầu nguồn… cho Trung Quốc là những hành động cùng một loại, nằm trong sự liên kết và tuân phục của nhà cầm quyền với quốc gia mà nó coi là anh em cùng chung lý tưởng.
Vấn đề làm tôi băn khoăn nhiều hơn hết là làm sao đất nước thoát khỏi sự cai trị của bọn tay sai Trung Quốc. Chỉ có thoát khỏi sự cai trị của chúng, đất nước thuộc về nhân dân, thì mới có thể nó tới chuyện lấy lại Hoàng Sa. Mà đây là chuyện cực kỳ khó khăn, cho dù ngay tại chính quốc có diễn ra sự thay đổi thể chế. Một nước Trung Quốc dân chủ cũng khó mà thoát khỏi căn bệnh bành trướng trầm kha về phương Nam của những triều đại trước nó.
Nhưng lịch sử bao giờ cũng có những khúc ngoặt bất ngờ. Ý chí bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc được truyền nối từ đời này sang đời khác của nhân dân ta đã được lịch sử ghi nhận, nó sẽ là cái bảo đảm cho tương lai Việt Nam có Hoàng Sa không thể tách rời”.
Phạm Thanh Nghiên:
Quý độc giả thân mến!
Cũng giống như nhiều bạn đồng trang lứa sinh sau biến cố năm 1975 và hầu hết người dân Việt Nam sống dưới chế độ cộng sản trên mọi miền đất nước, tôi đã không hề hay biết về trận hải chiến Hoàng Sa, không có ấn tượng gì về ngày định mệnh 19 tháng 1 năm 1974. Duyên cớ để biết sự thật dứt khoát không phải do người cộng sản nói ra. Người cộng sản không bao giờ dám hay muốn nói sự thật cũng như bằng mọi cách để ngăn cản người dân nói lên sự thật. Bởi sự thật đối với người cộng sản đồng nghĩa với sự hủy diệt. Sự thật, là thứ mà một người dân sống dưới chế độ độc tài phải tự đi kiếm tìm.
Năm nay, tròn 40 năm bẩy mươi tư người lính hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã “vị quốc vong thân” trên vùng biển Hoàng Sa thân yêu của Tổ Quốc. Những anh hùng còn sống sót trở về sau trận hải chiến đó bây giờ người còn, người mất, người sống lặng lẽ ở một nơi nào đó ở Việt Nam hoặc tại xứ người (may mắn còn đựợc nhớ tới). Vợ con của những người đã hy sinh, bốn mươi năm không có chỗ để thờ cha, thờ chồng. Và người sống thì chật vật lắm.
Bỗng nhiên…(mọi sự bỗng nhiên bao giờ cũng khiến ta giật mình) năm nay một số báo đài của nhà nước đồng loạt đưa tin về hải chiến Hoàng Sa. Sám hối ư? Ghi công ư? Biết ơn ư?…Xạo hết! Tất cả những ngôn từ đẹp đẽ, nhân văn ấy đem ra để lý giải cho cái sự “bỗng nhiên” ấy đều không thỏa đáng, thậm chí là ngây thơ, ngớ ngẩn. Một bài viết riêng để lý giải cái sự bỗng nhiên ấy hợp lý hơn là ôm đồm trong cuộc “phỏng vấn” đặc biệt này. Nhưng (lại nhưng), còn minh chứng nào thuyết phục và chân thực cho bằng khi mà tư gia nhà tôi cũng như của nhiều người đã từng công khai phản đối Trung Quốc xâm lược đã bị bao vây bởi rất đông những công an, mật vụ chỉ trước một ngày dự kiến sẽ có một cuộc biểu tình vào ngày mai 19 tháng 1 để tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa 1974 đã được nhóm No- U Hà Nội công khai kêu gọi từ trước. Tất nhiên, mục đích chính của họ là ngăn cản không cho chúng ta xuống đuờng, bày tỏ lòng tri ân với các anh hùng đã hy sinh vì Dân tôc. Và nhất là để bịt miệng các công dân Việt Nam không đựợc hô vang: Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.
Ngày mai, ai trong số chúng ta sẽ ra được khỏi nhà, ai sẽ đến được điểm hẹn? Ngày mai, ai trong số những người đi biểu tình ôn hòa sẽ bị bắt bớ, bị đánh đập, bị quẳng lwn xe bus, bị ném mắm tôm vào mặt…? Thậm chí sẽ có án tù nào đó đã được dựng sẵn để trả thù người yêu nước. Còn đây, là một sự bỗng nhiên (không bất ngờ), trò vuốt đuôi vô liêm sỉ của những kẻ nhân danh chính quyền đã được hạ màn bằng một quyết định: Buổi lễ thắp nến tri ân hướng tới Hoàng Sa ở Đà Nẵng dự tính tổ chức ngày 18/1 vừa bị hủy vào phút chót.
Lời cuối để kết thúc loạt bài phóng sự của một “phóng viên bất đắc dĩ”, xin để nói với người cộng sản rằng: Những người đã hy sinh vì Tổ quốc luôn bất tử mà không cần bất cứ một nhà cầm quyền, một thể chế chính trị nào vinh danh. Bởi họ đã sống trong lòng Dân tộc. Nhân dân Việt Nam luôn tưởng nhớ, vinh danh và biết ơn họ.
Cho dù, sang năm chúng ta chưa thể đến Hoàng Sa, nhưng sẽ không phải đợi đến 40 năm nữa để mẹ Việt Nam được liền da liền thịt. Bằng khả năng có thể, chúng ta sẽ nỗ lực để Hoàng Sa về với Việt Nam. Để không còn ai phải chịu án tù chỉ vì hô vang : Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam.
Xin cảm ơn quý độc giả đã dành thời gian đồng hành với Phạm Thanh Nghiên qua năm cuộc chuyện trò với 9 vị khách mời: nhà văn Vũ Thư Hiên (Pháp), Linh mục Đinh Hữu Thoại (Sài Gòn), nghệ sĩ Phan Đình Minh (Hoa Kỳ), bà Ngô Thị Hồng Lâm (Sài Gòn), nghệ sĩ Kim Chi (Hà Nội), Cựu chiến binh Ngô Nhật Đăng (Hà Nội), blogger Phạm Văn Hải (Nha Trang), anh Lê Hưng (Hải Phòng), sinh viên Nguyễn Văn Hùng (miền Trung). Cảm ơn các vị khách mời đã tham gia cuộc phỏng vấn này. Đây cũng là những nén tâm hương gửi tới 74 vị anh hùng đã hy sinh 40 năm trước. Và tri ân những nguời đã chiến đấu anh dũng vì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.
Bài do tác gỉả gửi Đàn Chim Việt
© Phạm Thanh Nghiên
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/83227/phong-van-ve-hai-chien-hoang-sa-va-cac-chien-sy-hai-quan-viet-nam-cong-hoa/2014/01/5
======================================================================
Phạm Thanh Nghiên: Xin gửi tới quý độc giả phần 5 và cũng là để kết thúc loạt bài “phỏng vấn về hải chiến Hoàng Sa và các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa”. Mặc dù người được mời cho cuộc phỏng vấn này, nhà văn Vũ Thư Hiên vẫn bày tỏ quan điểm dựa trên các câu hỏi (như ở các phần trước) nhưng tôi sẽ không trình bày theo cách thông thường là xen phần câu hỏi trước mỗi câu trả lời. Ngoài lý do muốn tạo ra sự khác biệt của một bài phỏng vấn đơn thuần, Phạm Thanh Nghiên cũng …tự cho mình cơ hội được bày tỏ suy nghĩ, được trải nghiệm với vai trò một người …được phỏng vấn. Nhưng quan trọng hơn cả là bản thân những câu trả lời của nhà văn Vũ Thư Hiên đã giống như một bài viết hoàn chỉnh (dù rất ngắn) có sức lôi cuốn và có tính văn học.
Trước khi gửi tới quý độc giả những chia sẻ của nhà văn Vũ Thư Hiên, xin giới thiệu đôi nét về ông mặc dù tên tuổi của nhà văn đã được rất nhiều người biết đến và ngưỡng mộ.
Nhà văn Vũ Thư Hiên, sinh năm 1933 tại Hà Nội. Cha ông là cụ Vũ Đình Huỳnh, cận vệ và là thư ký riêng của ông Hồ Chí Minh. Ông từng đi bộ đội, công tác trong lĩnh vực điện ảnh và có thời gian đi học viết kịch bản tại Liên Xô thời gian từ 1954 đến 1959.
“Từ năm 1967 đến 1976, ông bị chính quyền Bắc Việt Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bí mật bắt sau cha (là cụ Vũ Ðình Huỳnh) 2 tháng, trong Vụ án Xét lại Chống Đảng. Công an chìm bắt giữ ông lên ôtô và đưa về nhà tù Hỏa Lò ngay trong lúc ông đang đạp xe trên phố Hà Nội, gia đình ông mãi về sau mới được biết. Ông bị giam 9 năm, trong đó bị giam trong xà lim cá nhân bốn năm rưỡi, qua các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt (Sơn Tây), Tân Lập (Phú Thọ). Chính quyền thả ông không án cũng như không xét xử. Ra tù năm 1976, nhưng còn bị quản thúc bằng lệnh miệng của nhà cầm quyền mãi cho tới mùa thu năm 1980 mới được phép vào Nam”. (Theo Wikipedia).
Nhiều tác phẩm văn học do ông sáng tác đã từng được xuất bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, tên tuổi của ông gắn liền với cuốn hồi ký “Đêm giữa ban ngày”, được hoàn thành và xuất bản khi ông đã định cư tại Pháp. Tất nhiên, cuốn hồi ký không được xuất bản trong nước song đuợc rất nhiều nguời thuộc giới trí thức, nhất là những người cổ vũ cho tự do, nhân quyền và dân chủ bí mật tìm kiếm và truyền tay nhau đọc. “Đêm giữa ban ngày”, không chỉ là hồi ký của một người tù, nó tiết lộ những bí mật kinh thiên động địa quanh vụ án “xét lại chống đảng”, những sự thật ghê người của tập đoàn cai trị cộng sản. Hơn thế, còn là một trong những cuốn sách đáng đọc nhất đối với những người đấu tranh cho Tự do, Dân chủ tại Việt Nam.
Dù đã bước sang tuổi 81 với sức khỏe giảm sút, nhưng nhà văn Vũ Thư Hiên vẫn nỗ lực không ngừng, đóng góp công sức trong cuộc vận động Dân chủ cho Việt Nam.
Và đây là chia sẻ của nhà văn Vũ Thư Hiên, xin được gửi tới quý độc giả:
Nhà văn Vũ Thư Hiên: “Năm 1974 tôi còn ở trong tù. Những tin tức ở ngoài bức tường vây quanh với những vọng gác và dây kẽm gai chỉ đến được với người tù qua sự phổ biến có chọn lọc của người coi tù, thế tất chúng tôi không thể biết gì về sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Cuối năm 1976, tôi được thả, cũng chẳng nghe dư luận về sự kiện này – ĐCS coi đất nước là của họ, họ muốn làm gì với nó thì làm, dân là kẻ bị cai trị, họ nắm chặt truyền thông, cho nó biết cái gì nó được biết cái nấy, không được hó hé, không được bàn.
Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, mà Hoàng Sa không phải là cái kim. Sự kiện này rồi tôi cũng được nghe qua những lời bực bội (mà đảng cầm quyền gọi là “bất mãn”) của những người cộng sản lớp đầu hoặc bị thẳng thừng gạt ra ngoài hàng ngũ đảng, hoặc bị đảng cho ngồi chơi xơi nước, khi nhắc tới cái công hàm ô nhục do Phạm Văn Đồng gửi quan thầy Chu Ân Lai. Nhưng đó cũng chỉ là trong những người từng làm việc ở lớp trên trong bộ máy cầm quyền được biết, chứ nhân dân thì tịnh không, không biết gì hết.
Khi ra khỏi nước, có dịp tiếp xúc trực tiếp với những người từng chiến đấu để bảo vệ Hoàng Sa, tôi hiểu sự kiện này rõ hơn. Tôi nghiêng mình trước sự hy sinh anh dũng của những tử sĩ đã hy sinh thân mình để bảo vệ đất đai của Tổ quốc. Sự kiện Hoàng Sa làm cho nhân dân ta càng thấy rõ hơn tội ác của bọn cầm quyền đối với đất nước. Những việc tiếp theo như sự ký kết những hiệp ước bất bình đẳng về biên giới trên đất liền và biển, giao đất chiến lược Tây Nguyên, bán đất đai đầu nguồn… cho Trung Quốc là những hành động cùng một loại, nằm trong sự liên kết và tuân phục của nhà cầm quyền với quốc gia mà nó coi là anh em cùng chung lý tưởng.
Vấn đề làm tôi băn khoăn nhiều hơn hết là làm sao đất nước thoát khỏi sự cai trị của bọn tay sai Trung Quốc. Chỉ có thoát khỏi sự cai trị của chúng, đất nước thuộc về nhân dân, thì mới có thể nó tới chuyện lấy lại Hoàng Sa. Mà đây là chuyện cực kỳ khó khăn, cho dù ngay tại chính quốc có diễn ra sự thay đổi thể chế. Một nước Trung Quốc dân chủ cũng khó mà thoát khỏi căn bệnh bành trướng trầm kha về phương Nam của những triều đại trước nó.
Nhưng lịch sử bao giờ cũng có những khúc ngoặt bất ngờ. Ý chí bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc được truyền nối từ đời này sang đời khác của nhân dân ta đã được lịch sử ghi nhận, nó sẽ là cái bảo đảm cho tương lai Việt Nam có Hoàng Sa không thể tách rời”.
Phạm Thanh Nghiên:
Quý độc giả thân mến!
Cũng giống như nhiều bạn đồng trang lứa sinh sau biến cố năm 1975 và hầu hết người dân Việt Nam sống dưới chế độ cộng sản trên mọi miền đất nước, tôi đã không hề hay biết về trận hải chiến Hoàng Sa, không có ấn tượng gì về ngày định mệnh 19 tháng 1 năm 1974. Duyên cớ để biết sự thật dứt khoát không phải do người cộng sản nói ra. Người cộng sản không bao giờ dám hay muốn nói sự thật cũng như bằng mọi cách để ngăn cản người dân nói lên sự thật. Bởi sự thật đối với người cộng sản đồng nghĩa với sự hủy diệt. Sự thật, là thứ mà một người dân sống dưới chế độ độc tài phải tự đi kiếm tìm.
Năm nay, tròn 40 năm bẩy mươi tư người lính hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã “vị quốc vong thân” trên vùng biển Hoàng Sa thân yêu của Tổ Quốc. Những anh hùng còn sống sót trở về sau trận hải chiến đó bây giờ người còn, người mất, người sống lặng lẽ ở một nơi nào đó ở Việt Nam hoặc tại xứ người (may mắn còn đựợc nhớ tới). Vợ con của những người đã hy sinh, bốn mươi năm không có chỗ để thờ cha, thờ chồng. Và người sống thì chật vật lắm.
Bỗng nhiên…(mọi sự bỗng nhiên bao giờ cũng khiến ta giật mình) năm nay một số báo đài của nhà nước đồng loạt đưa tin về hải chiến Hoàng Sa. Sám hối ư? Ghi công ư? Biết ơn ư?…Xạo hết! Tất cả những ngôn từ đẹp đẽ, nhân văn ấy đem ra để lý giải cho cái sự “bỗng nhiên” ấy đều không thỏa đáng, thậm chí là ngây thơ, ngớ ngẩn. Một bài viết riêng để lý giải cái sự bỗng nhiên ấy hợp lý hơn là ôm đồm trong cuộc “phỏng vấn” đặc biệt này. Nhưng (lại nhưng), còn minh chứng nào thuyết phục và chân thực cho bằng khi mà tư gia nhà tôi cũng như của nhiều người đã từng công khai phản đối Trung Quốc xâm lược đã bị bao vây bởi rất đông những công an, mật vụ chỉ trước một ngày dự kiến sẽ có một cuộc biểu tình vào ngày mai 19 tháng 1 để tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa 1974 đã được nhóm No- U Hà Nội công khai kêu gọi từ trước. Tất nhiên, mục đích chính của họ là ngăn cản không cho chúng ta xuống đuờng, bày tỏ lòng tri ân với các anh hùng đã hy sinh vì Dân tôc. Và nhất là để bịt miệng các công dân Việt Nam không đựợc hô vang: Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.
Ngày mai, ai trong số chúng ta sẽ ra được khỏi nhà, ai sẽ đến được điểm hẹn? Ngày mai, ai trong số những người đi biểu tình ôn hòa sẽ bị bắt bớ, bị đánh đập, bị quẳng lwn xe bus, bị ném mắm tôm vào mặt…? Thậm chí sẽ có án tù nào đó đã được dựng sẵn để trả thù người yêu nước. Còn đây, là một sự bỗng nhiên (không bất ngờ), trò vuốt đuôi vô liêm sỉ của những kẻ nhân danh chính quyền đã được hạ màn bằng một quyết định: Buổi lễ thắp nến tri ân hướng tới Hoàng Sa ở Đà Nẵng dự tính tổ chức ngày 18/1 vừa bị hủy vào phút chót.
Lời cuối để kết thúc loạt bài phóng sự của một “phóng viên bất đắc dĩ”, xin để nói với người cộng sản rằng: Những người đã hy sinh vì Tổ quốc luôn bất tử mà không cần bất cứ một nhà cầm quyền, một thể chế chính trị nào vinh danh. Bởi họ đã sống trong lòng Dân tộc. Nhân dân Việt Nam luôn tưởng nhớ, vinh danh và biết ơn họ.
Cho dù, sang năm chúng ta chưa thể đến Hoàng Sa, nhưng sẽ không phải đợi đến 40 năm nữa để mẹ Việt Nam được liền da liền thịt. Bằng khả năng có thể, chúng ta sẽ nỗ lực để Hoàng Sa về với Việt Nam. Để không còn ai phải chịu án tù chỉ vì hô vang : Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam.
Xin cảm ơn quý độc giả đã dành thời gian đồng hành với Phạm Thanh Nghiên qua năm cuộc chuyện trò với 9 vị khách mời: nhà văn Vũ Thư Hiên (Pháp), Linh mục Đinh Hữu Thoại (Sài Gòn), nghệ sĩ Phan Đình Minh (Hoa Kỳ), bà Ngô Thị Hồng Lâm (Sài Gòn), nghệ sĩ Kim Chi (Hà Nội), Cựu chiến binh Ngô Nhật Đăng (Hà Nội), blogger Phạm Văn Hải (Nha Trang), anh Lê Hưng (Hải Phòng), sinh viên Nguyễn Văn Hùng (miền Trung). Cảm ơn các vị khách mời đã tham gia cuộc phỏng vấn này. Đây cũng là những nén tâm hương gửi tới 74 vị anh hùng đã hy sinh 40 năm trước. Và tri ân những nguời đã chiến đấu anh dũng vì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.
Bài do tác gỉả gửi Đàn Chim Việt
© Phạm Thanh Nghiên
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/83227/phong-van-ve-hai-chien-hoang-sa-va-cac-chien-sy-hai-quan-viet-nam-cong-hoa/2014/01/5
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001