Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Vũ Hợp Lân - "Trò diễn mới của mấy đào kép cũ"!

Vũ Hợp Lân - "Trò diễn mới của mấy đào kép cũ"! 



Vũ Hợp Lân
Sau thất bại thảm hại và bẽ bàng trong khi cố gắng ngăn cản Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC), thời gian gần đây, nhân sự kiện Việt Nam sẽ thực hiện Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát chu kỳ 2 tại UNHRC, các thế lực thù địch cùng một số tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí lại tiếp tục tiến hành một chiến dịch vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam...
Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) là một trong các cách thức được LHQ thông qua nhằm giám sát tình hình nhân quyền trên thế giới, và do Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) thực hiện. Bằng cơ chế này, UNHRC có thể định kỳ đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ, cam kết nhân quyền tại quốc gia thành viên LHQ. Ðể tiến hành, trước đây mỗi năm Ủy ban Nhân quyền LHQ (UNCHR) chọn một số quốc gia được cho là "có vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền" để xem xét, đánh giá và khuyến cáo. Từ năm 2006, sau khi UNHRC ra đời và thay thế UNCHR, đã có sự thay đổi là UNHRC thành lập một nhóm công tác, mỗi năm nhóm này tiến hành ba kỳ họp; mỗi kỳ họp tổ chức trong hai tuần để đánh giá tình hình nhân quyền ở 16 quốc gia. Với tiến trình như thế, mỗi năm UNHRC đánh giá được 48 quốc gia; với tổng số 192 quốc gia thành viên LHQ, phải mất bốn năm UNHRC mới kết thúc một chu kỳ báo cáo. Vì thế, năm 2009 Việt Nam thực hiện báo cáo chu kỳ 1, và sẽ thực hiện báo cáo chu kỳ 2 vào đầu tháng 2-2014.
Ðể chuẩn bị Báo cáo quốc gia theo UPR, cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã đồng ý thành lập Nhóm công tác liên ngành để soạn thảo Báo cáo với sự tham gia của 18 bộ, ngành, cơ quan Chính phủ và Quốc hội có liên quan. Công việc soạn thảo được gắn kết với việc tham vấn kết quả của nhiều hội thảo, công trình nghiên cứu từng lĩnh vực cụ thể tổ chức từ trung ương tới địa phương để thu thập thông tin, xác định nội dung, lĩnh vực ưu tiên cần đề cập, các thách thức và định hướng trong thời gian tới trong việc bảo đảm các quyền con người ở Việt Nam. Theo đại diện của Vụ Các tổ chức quốc tế - Bộ Ngoại giao Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo tham vấn về Dự thảo Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo UPR chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền LHQ: "Việc tổ chức lấy ý kiến tham vấn của tất cả các bên có liên quan không chỉ là nghĩa vụ theo hướng dẫn của Hội đồng Nhân quyền LHQ về quy trình soạn thảo Báo cáo UPR, mà còn là cơ hội để cùng trao đổi, đối thoại về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền con người, các thành tựu đạt được và các thách thức cần giải quyết, qua đó giúp Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR của Việt Nam trở nên cân bằng, toàn diện và phản ánh sát với tình hình thực tế đảm bảo quyền con người ở Việt Nam".
Tháng 8-2013, Dự thảo Báo cáo quốc gia theo UPR đã được phổ biến trên website của Bộ Ngoại giao để tham vấn ý kiến và hoàn chỉnh; ngày 3-12-2013, Vụ Các tổ chức quốc tế - Bộ Ngoại giao Việt Nam, phối hợp Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo UPR chu kỳ 2 của UNHRC. Báo cáo cho thấy các nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong khi vừa hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quyền con người và quyền công dân, vừa xây dựng, triển khai những chính sách cụ thể, thiết thực nhằm tạo điều kiện giúp nhân dân Việt Nam được hưởng các quyền chính đáng của mình. Từ nỗ lực đó, Nhà nước Việt Nam rút ra các bài học kinh nghiệm thành công như Báo cáo đã khái quát, đó là: "Ðặt nhân tố con người vào trung tâm của sự phát triển đất nước; Các quyền con người không thể tách rời độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia; Kết hợp hài hòa giữa các giá trị phổ quát của các quyền con người và hoàn cảnh đặc thù riêng của quốc gia, tăng cường hợp tác quốc tế và mở rộng đối thoại trong lĩnh vực quyền con người; Giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế kết hợp với đảm bảo an sinh xã hội; Nâng cao nhận thức và năng lực của người dân trong việc thụ hưởng các quyền".
Tương tự năm 2009, khi Việt Nam thực hiện báo cáo chu kỳ 1, từ cuối năm 2013 đến nay, các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với sự trợ giúp của VOA, BBC, RFI, RFA,... đã tổ chức một chiến dịch xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, vu khống đối với Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, khác với năm 2009, lần này họ tổ chức rùm beng hơn, có phối hợp "trong - ngoài" trắng trợn hơn, song cũng thể hiện sự cay cú hơn, vì chính bằng các thủ đoạn như vậy họ đã không thể ngăn cản Việt Nam trở thành thành viên mới của UNHRC. Phối hợp với việc VOA, BBC, RFI, RFA,... hằng ngày đưa tin trực tiếp hoặc gián tiếp xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam, qua đó tiếp tay cho một số tổ chức, cá nhân đưa ra luận điệu bịa đặt, vu cáo, kích động,... một số "đào kép cũ" cũng tiếp tục trình diễn trò vè để đầu độc dư luận. Một số người vừa ê chề sau thất bại thảm hại trong việc phản đối Việt Nam vào UNHRC, nay lại xăng xái đi đầu trong một số hành động chống phá khác. Ở nước ngoài, trong khi Nguyễn Ðình Thắng cùng cái tổ chức có tên gọi là "Ủy ban cứu người vượt biển - BPSOS" bày trò hề với chiến dịch này, chiến dịch khác, thì tổ chức khủng bố "Việt Tân" cũng theo đóm ăn tàn bằng cách gửi thư đi tứ xứ "mời tham dự hội thảo Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền" (!). Ở trong nước, mấy gương mặt vốn đã cũ rích trong các hoạt động núp bóng nhân quyền lại có dịp phô bày tâm địa của họ trước dư luận. Tự nhận là "đại diện một số nhóm hoạt động cho nhân quyền tại Việt Nam", họ tiếp xúc với đại diện một số đại sứ quán nước ngoài ở Hà Nội rồi chụp ảnh công bố rùm beng trên internet! Thậm chí một vài người còn sang tận Hoa Kỳ, và lên kế hoạch tới Geneva (Thụy Sĩ) để "tổ chức một Ngày Việt Nam bên lề buổi điều trần UPR"! Trong cơn tuyệt vọng, họ cố thực hiện các thủ đoạn xấu xa nhằm làm mất uy tín của Việt Nam - đất nước mà một số người trong số họ đang sinh sống, đang được thụ hưởng chính các quyền mà họ luôn rêu rao là không có!
Và, không rõ từ mục đích và lợi ích riêng hay do thiếu am hiểu, mà một số tổ chức và cá nhân lại không nhận rõ bản chất, âm mưu đen tối của một số người tự nhận là "nhà dân chủ, người yêu nước", nhân danh dân chủ và nhân quyền để thực hiện hành vi thiếu lương thiện? Vì thế, thật đáng tiếc là các vị dân biểu Frank Wolf, James McGovern, Christopher Smith lại có mặt trong phiên "điều trần" ở Ủy ban nhân quyền Tom Lantos thuộc Quốc hội Hoa Kỳ để nghe Trần Thị Ngọc Minh (mẹ Ðỗ Thị Minh Hạnh, người đang phải chịu án tù bảy năm về tội danh "phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân" theo Ðiều 89, Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam) vu cáo Nhà nước Việt Nam. Ðáng tiếc hơn là đại diện Ðại sứ quán Ðức, Thụy Ðiển, Ô-xtrây-li-a, Hà Lan, Na Uy, Bỉ, EU tại Hà Nội cũng tiếp xúc với một số người để họ "đưa thêm thông tin và các báo cáo khác về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam"!? Làm việc và sinh sống ngay trên đất Việt Nam, chẳng lẽ các cơ quan này lại thiếu thông tin, hay vì mục đích khác mà họ vô tình tiếp tay cho mấy người thiếu thiện chí vu cáo Nhà nước Việt Nam?
Với sự có mặt của BPSOS (tổ chức chuyên "thực hiện các vụ lừa đảo bằng thủ đoạn quyên góp tiền của người Việt ở hải ngoại"), "Việt Tân" (tổ chức khủng bố, theo Trần Khải Thanh Thủy đánh giá trên Facebook gần đây: Ðó là tổ chức "hèn hạ, bất lịch sự"), "con đường Việt Nam" (đứng đầu là Nguyễn Xuân Ngãi - một kẻ chống cộng), "dân làm báo" (cũng theo Trần Khải Thanh Thủy thì trang điện tử này "thoát thai từ trang web của Lê Công Ðịnh, chủ yếu do Ðặng Thị Thanh Chi và Huỳnh Hữu Phước (cựu "ủy viên trung ương" Việt Tân) sáng lập", rồi sự đón tiếp, cổ vũ của mấy kẻ chống cộng ở Quận Cam (California - Hoa Kỳ) với mấy người đến từ Việt Nam,... trong cái chiến dịch xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo trước ngày Việt Nam thực hiện Báo cáo quốc gia theo UPR chu kỳ 2 của UNHRC, có thể thấy rất rõ sự phối hợp trong - ngoài và bàn tay bẩn thỉu của những kẻ mà từ năm 2006, trong bài viết đăng trên internet, tác giả Trần Hoàng từng nhận xét: "Nói tóm lại, những kẻ tự xưng hay được các nhóm chống Việt Nam phong cho cái nhãn hiệu "nhà dân chủ" ở trong nước và hải ngoại chỉ toàn là một phường chạy theo đuôi những thế lực ngoại bang để phản dân hại nước. Họ mang ảo tưởng làm đối lập, nhưng chẳng ai ủng hộ. Họ nuôi mộng lôi kéo tàn dư của chế độ cũ về Việt Nam dựng lại lá cờ ba que để tiếp tục làm nô lệ ngoại bang. Họ liên kết với các đại lý chống Việt Nam ở hải ngoại để xuyên tạc tình hình Việt Nam. Họ không phải là những kẻ đấu tranh cho công bằng xã hội hay dân chủ Việt Nam, mà chỉ đơn thuần là những tên xung kích của các thế lực chống Việt Nam ở hải ngoại".
Như người Việt Nam thường nói: "bàn tay không che nổi mặt trời", dù họ có sử dụng thủ đoạn như thế nào thì những người có lương tri vẫn nhìn rõ dã tâm của họ. Và ở đây không có gì xác đáng hơn là phát biểu của bà Pratibha Mehta - Ðiều phối viên thường trú LHQ, tại Lễ công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo UPR chu kỳ 2 của UNHRC, bà nói: "Nhân lễ công bố này, tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016. Việc bầu cử này chứng nhận rằng Chính phủ Việt Nam đã tăng cường tham gia vào các cơ chế nhân quyền trong vài năm qua. Sự ứng cử của Việt Nam đã được ủng hộ bởi chính các cam kết tự nguyện của các bạn. Ví dụ, các cam kết tự nguyện đó bao gồm việc cam kết tiếp tục cải thiện các hệ thống tư pháp và luật pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và tăng cường các thể chế quốc gia về bảo vệ nhân quyền, trong đó có khả năng thiết lập một thể chế Nhân quyền Quốc gia. Là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã cam kết duy trì những tiêu chuẩn cao nhất về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền" (nguồn: vn.undp.org - website của UNDP tại Việt Nam).
VŨ HỢP LÂN
Admin gửi hôm Thứ Ba, 21/01/2014          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20140121/vu-hop-lan-tro-dien-moi-cua-may-dao-kep-cu
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001