Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

1258. Biển Đông: không thể quay đầu trở lại
Posted by Administrator on September 17th, 2012
Asia Times

Biển Đông: không thể quay đầu trở lại

Tác giả: Nazery Khalid
Người Dịch: Dương Lệ Chi
14-09-2012
Các cuộc họp gần đây liên quan đến Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam) tại các địa điểm khác nhau cho thấy, nếu không có hành động nghiêm túc được thực hiện để thúc đẩy hợp tác giữa các nước có yêu sách chủ quyền và giải quyết tranh chấp giữa các nước này một cách thân thiện, thì ‘nhiệt độ địa chính trị’ trong vùng biển quan trọng này sẽ tăng lên tới mức thậm chí còn gây thêm nhiều lo lắng hơn.
Sự thiếu vắng một cơ chế thống nhất để kiềm chế và chi phối hành vi của các nước tranh chấp đã góp phần vào tình trạng không mong đợi hiện nay trên biển. Các nước giữ vai trò quan trọng, đáng chú ý nhất là các cường quốc trong khu vực và bên ngoài, lo sợ rằng việc thiếu các hành động có ý nghĩa để làm dịu căng thẳng trên biển, sẽ tiếp tục làm cho căng thẳng trầm trọng hơn. Căng thẳng do đối đầu ở bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines cũng may là đã kiểm soát, nhưng trong tình trạng nguy hiểm và có khả năng gây bùng nổ trên biển.
Tại một hội nghị do Viện Hàng hải Malaysia (MIMA) tổ chức ở Kuala Lumpur, các đại biểu đã không còn cảm giác lạc quan rằng lẽ phải cuối cùng sẽ thắng thế trên biển. Tuy nhiên, họ cảnh báo chống lại các hành động quyết đoán đang gia tăng và giả vờ khiêu khích giữa các nước tranh chấp chủ quyền và các nước bên ngoài, có thể đe dọa hòa bình và ổn định trên biển.
Trong khi đó, tại một cuộc họp do Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan tổ chức ở Đài Bắc, những lời kêu gọi các nước tuyên bố chủ quyền trên biển nên chứng minh các yêu sách của mình trên cơ sở pháp lý và tranh chấp phải được giải quyết thông qua các nguyên tắc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, đã gây được tiếng vang lớn.
Ở cấp độ quan trọng, Tại Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Vladivostok, Nga cũng đã thảo luận về các tranh chấp trên biển. Điều này phản ánh mối quan tâm quốc tế về sự căng thẳng trong vùng biển có tầm quan trọng rất lớn đối với thương mại toàn cầu, lợi ích kinh tế và chiến lược. Dự kiến Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ tán thành sự cần thiết về một bộ quy tắc ứng xử để kiểm soát việc ứng xử của các nước tuyên bố chủ quyền trên biển và đưa ra một cơ chế giải quyết tranh chấp trước Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, sẽ được tổ chức ở Campuchia trong tháng 11 năm 2012.
Nước đục
Một số diễn biến gần đây cho thấy mức độ căng thẳng ở vùng biển gai góc này. Các diễn biến đó tập trung vào các hành động của hai cường quốc có mối quan tâm trên biển, cụ thể là Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Hành động của Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích của họ trên biển đã được nhiều nhà phân tích giải thích là sự quyết đoán, gồm việc tuần tra trong vùng biển tranh chấp, xây dựng một đơn vị đồn trú quân sự Trung Quốc trên đảo Tam Sa, sách nhiễu và bắt giữ các ngư dân nước ngoài trong vùng biển tranh chấp.
Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc tham gia với ASEAN để giải quyết các tranh chấp trên biển, cách tiếp cận mà Bắc Kinh không bao giờ ủng hộ, đã làm Trung Quốc khó chịu, họ xem điều này như là một sự can thiệp vào mối quan hệ trong khu vực. Trung Quốc lo lắng khi Hoa Kỳ ủng hộ Philippines trong sự kiện đối đầu ở bãi cạn Scarborough và đã bày tỏ sự khó chịu của họ về việc một nước không có tranh chấp trên biển xen vô.
Trung Quốc, nước mô tả biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của họ, đã chống lại các nỗ lực nhằm quốc tế hóa các tranh chấp trên biển. Trong khi Hoa Kỳ tuyên bố họ có “lợi ích quốc gia” trong việc duy trì tự do đi lại trên biển và muốn thấy việc giải quyết các tranh chấp trên biển ôn hòa, thì Bắc Kinh đã nói thẳng với Washington rằng đừng chỏ mũi vào chuyện này.
Trung Quốc tiếp tục từ chối giải quyết các tranh chấp thông qua một bên thứ ba, như sử dụng trọng tài hoặc người hòa giải, đã trở thành một trở ngại lớn chống lại việc tiến tới nghị trình tìm kiếm giải pháp lâu bền cho các tranh chấp. Trung Quốc khăng khăng muốn thảo luận vấn đề thông qua các cơ chế song phương và khăng khăng tuyên bố đường ‘chín đoạn đứt khúc’ mơ hồ trên toàn bộ khu vực biển giàu tài nguyên, đã gây trở ngại, làm khó khăn cho các bên liên quan trong các tranh chấp có thể tiếp tục tiến về phía trước.
Việc thiết lập Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc đã thất bại trong việc ngăn chặn căng thẳng xảy ra và ngăn căng thẳng leo thang. Mặc dù ASEAN và Trung Quốc cam kết thiết lập hướng dẫn thực hiện DOC, một thập niên sau khi DOC được ký kết, tài liệu chính trị này không có triển vọng gì để trở thành một phương tiện hiệu quả giúp giảm căng thẳng và ngăn các tranh chấp tiếp tục xảy ra trên biển.
Kêu gọi đưa ra bộ Quy tắc ứng xử (COC) ràng buộc được thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc xem ra là một cố gắng lâu dài vào thời điểm này. Trừ khi Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận và đồng ý để thảo luận các tranh chấp trên cơ sở đa phương với các nước ASEAN, nếu không thì sẽ khó mà đặt cược vào COC sẽ được các bên nhất trí trong tương lai gần.
Việc Trung Quốc bị cáo buộc gây ảnh hưởng lên Campuchia, nước hiện đang giữ chức chủ tịch ASEAN, càng làm cho tình hình phức tạp thêm. ASEAN thất bại trong việc ra thông cáo chung lúc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Phnom Penh kết thúc hồi tháng 7 năm 2012, đã bị nhiều nước đổ lỗi do áp lực của Trung Quốc lên Campuchia, nhằm ngăn chặn ASEAN cho ra một tuyên bố về các tranh chấp trên biển.
Điều này đã gây ra nỗi lo sợ xung đột giữa các nước ASEAN, bị chia rẽ bởi một cường quốc hùng mạnh trong khu vực, cũng là nước có tuyên bố chủ quyền trên biển. Những nỗ lực rất lớn sau hội nghị ở Phnom Penh của ông Marty Natalegawa, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, để cho ra một tuyên bố chung của ASEAN, có vẽ như nhằm kiểm soát thiệt hại hơn là cho thấy sự đoàn kết giữa các nước ASEAN trong khu vực.
Các bên có liên quan trực tiếp và gián tiếp trong các tranh chấp có lẽ đã đi tới ngã ba đường, nơi cần phải ra một quyết định lớn. Tình trạng căng thẳng không thể bỏ mặc vô thời hạn cho tới khi tình hình bị đẩy tới mức nguy hiểm, không thể chịu đựng được nữa, nơi các xung đột chín mùi chắc chắn xảy ra. Đây là điều mà các nước trong khu vực, những nước có lợi ích kinh tế và chiến lược trên biển, có thể không đủ sức ngăn chặn.
Cân bằng quyền lực
Về phía Trung Quốc, họ hành động hợp lý trong các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông và bảo vệ các tuyên bố đó. Đối với các nước có tuyên bố chủ quyền khác, các biên giới giả của Trung Quốc đe dọa và có thể làm suy yếu hòa bình và ổn định trên biển và trong khu vực. Họ lo sợ rằng nếu không được kiểm soát, Trung Quốc có thể hành động mà không bị ngăn trở trong việc bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trên biển.
Điều này thu hút sự tham gia của các nước bên ngoài vào giải quyết các tranh chấp, tạo ra một hình thức cân bằng quyền lực trên biển. Mặc dù không phải là một nước có tuyên bố chủ quyền trên biển, Hoa Kỳ đã mô tả vùng biển này là khu vực lợi ích chiến lược.
Về vấn đề này, vai trò và ảnh hưởng của Hoa Kỳ nhằm cân bằng, nên được xem như có ý nghĩa xây dựng. Trong khi có thể dễ dàng để chế giễu sự tham gia của một nước bên ngoài tranh chấp, nhưng không thể bác bỏ ảnh hưởng mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong khu vực và vấn đề tính toán chiến lược trên biển.
Nhấn mạnh ý định tham gia, Hoa Kỳ, dưới thời của chính phủ Tổng thống Barrack Obama, đã công bố ý định của mình là ‘chuyển hướng sang châu Á’ và gia tăng các mối quan hệ kinh tế và chiến lược với khu vực. Họ cũng đã bày tỏ ý định tái cân bằng sức mạnh hải quân trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, để nhấn mạnh cam kết chiến lược với khu vực.
Dĩ nhiên, những điều này đã làm cho Trung Quốc lo lắng. Mặc dù Hoa Kỳ bảo đảm rằng chính sách ‘chuyển hướng sang châu Á’ của họ không phải để kiềm chế Trung Quốc, và mong muốn giữ trung lập trong các tranh chấp, nhưng Trung Quốc không tin. Bắc Kinh xem những hành động của Washington như đưa lính Thủy quân Lục chiến tới đóng ở Darwin, Úc, tuyên bố triển khai tàu chiến duyên hải ở Singapore, và chuyến thăm vịnh Cam Ranh – một căn cứ hải quân trước đây của Hoa Kỳ – của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta hồi tháng 6 năm 2012, như là một sự dàn dựng để kiểm tra sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Mọi con mắt đổ dồn về hai ‘gã khổng lồ’
Trong lần tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Vladivostok, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã nói, Hoa Kỳ tin rằng các nước trong khu vực sẽ làm việc với nhau để giải quyết các tranh chấp mà “không bị ép buộc, không đe dọa, không dọa dẫm và chắc chắn không sử dụng vũ lực”. Lập trường này cũng được Trung Quốc ủng hộ, đất nước này đã có lần bày tỏ mong muốn tìm cách giải quyết các vụ tranh chấp hài hòa.
Trong một nỗ lực hơn nữa để làm dịu bớt căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên biển, Ngoại trưởng Clinton bày tỏ mong muốn của Washington là thấy Bắc Kinh đóng “vai trò tích cực trong vấn đề đi lại trên biển và an ninh hàng hải” và góp phần “phát triển bền vững cho người dân Thái Bình Dương, bảo vệ môi trường quý giá, bao gồm cả các đại dương”. Điều này phù hợp với quan điểm của Washington, rằng sự tham gia của Mỹ trong khu vực là hoàn toàn phù hợp với sự trỗi dậy của Trung Quốc, điều mà họ đã nói là hài hòa với lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ.
Dựa trên các tuyên bố chính thức của hai bên, rõ ràng là cả Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng chia sẻ một lập trường dứt khoát, không muốn thấy xung đột bùng nổ trên biển. Quan điểm chung này nên được cả hai nước nắm bắt để cùng làm việc trên các lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung trên biển, có thể giúp tạo dựng sự tin cậy, hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau. Đây cũng  là mối quan tâm của các nước ven biển ở Biển Đông, những nước không cần gì hơn là hòa bình và an ninh trên biển, tạo điều kiện cho tăng trưởng thương mại và kinh tế.
Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc và hai nước tận hưởng mối quan hệ kinh tế và chiến lược sâu sắc. Cả hai đều trân trọng những nguyên tắc tương tự trên biển Đông, như duy trì tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp thông qua các kênh ngoại giao, duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực. Như vậy, họ cần làm việc trên các lĩnh vực thuộc lợi ích chung, như duy trì an toàn hàng hải, phòng chống tội phạm, bảo vệ tính mạng và tài sản trước hiểm họa thiên tai và quản lý nguồn lợi thủy sản trên biển. Chỉ có thể tưởng tượng thế giới tốt đẹp có khả năng đến từ hai nước cùng làm việc với nhau về các vấn đề trên biển, và những gì có thể làm để bảo đảm hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Là một cường quốc đang phát triển về quân sự và kinh tế, Trung Quốc phải làm điều mà họ nói họ làm và thực hiện cam kết công khai của họ để giải quyết tranh chấp trên biển một cách thân thiện và trở thành một “bạn bè tốt, đối tác tốt và láng giềng tốt” cho các nước ASEAN. Phải kiềm chế bất cứ hành động khiêu khích, quyết đoán hay hung hăng nào có thể gây nghi ngờ cho các nước láng giềng của họ và mô tả họ như là một ‘kẻ bắt nạt trong khu vực’ và ngăn chặn sự đoàn kết trong khu vực. Họ có thể làm tốt khi điều chỉnh các tuyên bố trên biển của họ qua chứng minh hợp pháp để làm rõ mối quan tâm hàng đầu của các nước tuyên bố chủ quyền khác trong việc khẳng định yêu sách của Trung Quốc. Lập trường cứng của Bắc Kinh về thảo luận các tranh chấp thông qua biện pháp song phương không giúp ích gì trong việc phá vỡ thế bế tắc trên biển, thậm chí còn đi ngược lại xu hướng toàn cầu trong việc giải quyết các vấn đề thông qua các cơ chế và phương tiện đa phương.
Đối với Hoa Kỳ, cần tiếp tục giúp các đấu thủ trong khu vực tham gia một cách xây dựng và thúc giục họ giải quyết các tranh chấp thông qua các kênh ngoại giao. Phải thể hiện lập trường trung lập và thực hiện sự khẳng định không đứng về phe nào trong các tranh chấp trên biển. Cần làm hết sức mình để thuyết phục Trung Quốc và các nước trong khu vực rằng chính sách ‘chuyển hướng sang châu Á’ không phải để chống Trung Quốc, nhằm hình thành hai nhóm xung đột trong khu vực hoặc phá vỡ sự cân bằng quyền lực trong vùng. Hoa Kỳ như là một cường quốc đã được thiết lập và Trung Quốc như là một cường quốc mới trỗi dậy, phải hiểu rõ rằng thực tế là ASEAN không muốn phải chọn liên minh với một trong hai nước với cái giá phải trả của nước kia.
Hai cường quốc cần hiểu rằng ASEAN là một tổ chức chưa hoàn chỉnh, nó có quá nhiều lĩnh vực ưu tiên khác và phải đối mặt với những thách thức ghê gớm để theo đuổi mục tiêu trong việc tạo ra một Cộng đồng Kinh tế ASEAN hợp nhất. Là một khu vực phát triển chủ yếu phụ thuộc vào thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, và xem cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc là đối tác chiến lược và kinh tế quan trọng, ASEAN không thể bị giẫm đạp bằng cuộc chiến giữa hai “chàng khổng lồ”, mà cả hai đều là đồng minh kinh tế và chính trị quan trọng của ASEAN.
Đồng thời, ASEAN gia tăng rủi ro trong việc đương đầu với cả hai cường quốc. ASEAN nên cùng nhau cất lên tiếng nói chung và thể hiện vai trò lãnh đạo về vấn đề tranh chấp trên biển. Một tổ chức ASEAN yếu đuối không thể hy vọng có được một vị trí quan trọng trong các vấn đề khu vực. Nếu ASEAN không thể đi đến một lập trường chung về các tranh chấp trên biển, thì đó sẽ là một phần của các vấn đề, không phải là một phần của giải pháp. Sự yếu kém của ASEAN sẽ dẫn tới việc các cường quốc trong khu vực và bên ngoài dùng sức mạnh để thống trị trong việc áp chế định hướng chiến lược trên biển. Một tổ chức ASEAN bị chia rẽ sẽ bị đẩy tới giới hạn thay vì ở trung tâm kiến ​​tạo chiến lược trong khu vực, nơi mà lẽ ra ASEAN nên được như thế.
Bất kỳ bên nào tham gia cách tiếp cận trò chơi được mất ngang nhau (zero sum game) trên biển chắc chắn làm gia tăng thêm sự căng thẳng. Thái độ hung hăng và khiêu khích trên biển sẽ không giúp làm giảm nhiệt độ chính trị ở đó. Tuy nhiên, không nước nào được cho phép hưởng quyền bá chủ vì nó có thể dẫn đến sự chia rẽ trong khu vực. Tìm kiếm trạng thái cân bằng là tên của trò chơi, quan điểm không ràng buộc, không can thiệp bởi một cường quốc có thể dẫn đến cường quốc khác trở nên quyết đoán và hung hăng hơn. Một nước khiêu khích có thể tạo ra sự đối kháng và gây ra phản ứng dữ dội từ nước khác.
Tranh chấp liên quan đến nhiều nước trong một khu vực phức tạp và rộng lớn như Biển Đông đòi hỏi tất cả các nước cùng làm việc với nhau để giải quyết. Các nước phải hết sức kiềm chế, kiên nhẫn và kiên định để gỡ rối bất đồng giữa các nước theo cách tán thành. Tuy nhiên, tập trung nhất vào hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc, nước có xung đột lợi ích đan xen trên biển. Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào hai nước để xem cách cư xử của họ có xứng đáng là cường quốc thế giới trong việc giải quyết các tranh chấp và kiểm soát tình hình trên biển hay không. Hành động và phản ứng của họ sẽ rất quan trọng trong việc hình thành quá trình giải quyết các tranh chấp ở vùng biển quan trọng này.
Các nước giữ vai trò chính đang nhích gần tới ngã ba đường trong các tranh chấp trên biển. Chẳng bao lâu sau sẽ phải ra một số quyết định quan trọng và các lựa chọn trong trò chơi thay đổi này đã được chọn để ngăn chặn không cho căng thẳng tồi tệ hơn và ngăn các cuộc xung đột xảy ra. Đến khi bước vào thời điểm quyết định để thay đổi hiện trạng tốt hơn, nhiều điều sẽ được mong đợi ​​từ Mỹ và Trung Quốc để mong đạt được hòa bình bền vững, ổn định và thịnh vượng trên biển.
Nazery Khalid là phân tích gia về chính sách hàng hải ơởMalaysia. Có thể liên lạc với ông tại địa chỉ: nazerykhalid@gmail.com
Nguồn: Asia Times
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
nguồn:http://basamnews.com/blog/2012/09/17/bien-dong-khong-the-quay-dau-tro-lai/#more-75481
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001