Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Tự do báo chí đối đầu với tình trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội – Vụ Nguyễn Tùng Dương phần 1 

Tháng Chín 16, 2012
Việt Nam đứng trước thực trạng tự do báo chí ngày một kém đi, kiểm duyệt và kiểm soát báo chí ngày càng gay gắt. Thiếu thông tin và tiếng nói trung thực, công chúng chỉ còn nhận được những mẩu chuyện đã được xào nấu, trong hiều trường hợp, khác xa so với bản chất sự việc. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số kết luận được đóng vào trong Thông báo  7169/VPCP-NC dọn đường cho việc trấn áp các blog và website đưa ra thông tin đa chiều, dập tắt nốt những ngọn lửa nhỏ nhoi trong màn đêm u tối. Thiếu vắng báo chí đưa tin độc lập, những tiêu cực, tội ác càng có điều kiện sinh sôi nảy nở, trong đó có tội ác do công an lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện mà đỉnh cao là giết người. Có một thời khắc nhất định, báo chí đóng vai trò quan trọng trong một vụ án lịch sử mà ở đó có sự đối đầu giữa quyền lực của chính quyền và quyền lực của thông tin do báo chí mang lại. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết dưới đây của giáo sư M. Sidel đề cập vụ án Nguyễn Tùng Dương hay còn gọi là vụ án Cầu Chương Dương theo góc nhìn đó.
Giáo sư Mark Sidel. ĐH Tổng hợp Iowa và ĐH Havard
CÁI CHẾT DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN
Nguyễn Việt Phương, một thanh niên Việt Nam đã thiệt mạng vào một buổi tối trong vụ việc có liên quan đến bạo lực do công an gây ra. Vụ việc xảy ra giữa Hà Nội một thành phố vốn khá thanh bình trong dịp Tết Nguyên Đán 1993, khi anh Phương mới 21 tuổi. Nạn nhân sinh trưởng trong gia đình cơ bản ở Hà Nội. Ông của anh Phương được nhà nước Việt Nam công nhận là liệt sỹ trong kháng chiến chống Pháp. Anh Phương lớn lên tại quận Ba Đình, học phổ thông tại trường PTTH Phan Đình Phùng và tốt nghiệp năm 1991. Học xong phổ thông, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Phương đã đi làm cho một doanh nghiệp điện tử liên doanh Việt Nhật có văn phòng đại diện tại Hà Nội. Việc chính của anh Phương là thu tiền, giao tiền cho một đầu mối để thuê phi công chuyển tiền mặt vào văn phòng chính tại TP HCM (lúc đó Việt Nam chưa có hệ thống ngân hàng phát triển mạnh).
Nguyễn Tùng Dương là Trung úy cảnh sát giao thông, biên chế tại Đội CSGT số 1 thuộc phòng CSGT TP Hà Nội nhà ở phố Ấu Triệu, có vợ và hai con. Khi vụ việc xảy ra (1993), Dương mới 35 tuổi. Dương sinh ra trong gia đình truyền thống làm cảnh sát. Người anh là Điệp cũng làm cảnh sát. Cả hai anh em Dương Điệp vốn là tuyển thủ có hạng của đội bóng đá Công an Hà Nội, đội bóng nổi tiếng của Bắc Việt trước 1975 và Việt Nam sau 1975.
Công việc của Phương thường buộc anh phải đi từ trung tâm Hà Nội sang Gia Lâm qua cây cầu Chương Dương thuộc địa bàn công tác của Đội CSGT số 1 Hà Nội. Ngày 29/01/1993 (dịp Tết âm lịch), người quản lý của Phương giao cho anh này 50 triệu đồng tiền mặt (khoảng 5000 USD tỉ giá năm 1993) là tiền hàng thu trong ngày. Cán bộ quản lý này và Phương cho tiền vào một chiếc túi màu đen để Phương dùng xe máy chở sang đầu mối bên sân bay Gia Lâm mang vào TP HCM.
Khoảng 7h tối ngày 29/1/1993, Phương bắt đầu lộ trình thường lệ qua cầu Chương Dương trên chiếc xe máy. Để an toàn, chiếc túi tiền màu đen được Phương ẩn thận để ở võng xe máy, hai đùi kẹp chặt túi. Khi Phương lên xe, cán bộ quản lý còn dặn “đi về nhanh để còn ăn Tết” (báo Phụ Nữ Thủ Đô – 1993).
Trời rét đậm và Tết nên giao thông trên cầu thưa thớt. Khoảng gần 7h30 tối, Phương điều khiển xe lên cầu. Ít phút sau, hai thanh niên khác đi xe máy tham gia giao thông trên cầu nghe tiếng súng nổ và tiếng kêu “cướp, cướp, cướp”. Họ dừng xe nhìn sang làn đường bên và nhìn thấy hai người đàn ông bên chiếc xe máy, một người ngồi bệt dưới đường, một người cao to đứng cạnh. Hai thanh niên tham gia giao thông chèo sang làn đường đó, đến bên thanh niên ngồi bệt dưới đường, người bê bết máu để giúp đỡ. Một người hỏi người đàn ông cao to đang đứng trong trang phục cảnh sát là có phải viên cảnh sát này đã nổ súng. Viên cảnh sát ấp úng nói không rồi lại nói có - ”tôi bắn nó”. Nạn nhân được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Việt – Đức. Do những vết thương quá nặng, nạn nhân Phương đã chết trước khi vào viện. Bố đẻ và người cán bộ quản lý của nạn nhân hơn ba giờ sau mới tìm được xác con trong bệnh viện này.
Cái chết này đã gây ra bức xúc lớn trong công luận với sự vào cuộc và đưa tin rất sớm của các báo. Trong cuộc họp báo hơn 1 tuần sau khi xảy ra vụ án được tổ chức tại 40 Hàng Bài, ông Vũ Đình Hoành – Phó Giám đốc Công an Hà Nội phụ trách cảnh sát đã không thể trả lời nhiều cầu hỏi của các nhà báo.
Cái chết của Phương được Công an Hà Nội thụ lý, điều tra. Sau nhiều tháng điều tra, ngày 3 tháng 3 năm 1993, Cơ quan điều tra hoàn tất Bản kết luận điều tra cho rằng Trung úy Dương khi thực hiện nhiệm vụ đã vẫy dừng xe của nạn nhân nhưng nạn nhân không dừng lại và đi vào làn xe ô tô. Cũng theo kết luận điều tra của Công an Hà Nội, Trung úy Dương đã yêu cầu Phương dừng lại. Khi Phương dừng lại, hai người xảy ra đôi co. Lúc đó, súng của Dương cướp cò khiến nạn nhân trúng hai phát đạn và đã chết trên đường đến bệnh viện.
Cơ quan Điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Hà Nội đề nghị truy tố Dương tội danh “đe dọa tính mạng và sức khỏe người khác trong khi thi hành nhiệm vụ” theo Điều 103 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt rất nhẹ từ 1 đến 5 năm tù.
Báo cáo và kết luận điều tra của Công an ngay lập tức đã tạo ra cơn chấn động dư luận tại Thủ đô Hà Nội.
(Còn tiếp kỳ sau)
nguôn:https://caunhattan.wordpress.com/2012/09/16/tu-do-bao-chi-doi-dau-voi-tinh-trang-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-de-pham-toi-vu-nguyen-tung-duong-phan-1/
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001