Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Chuyện “chia loan rẽ thúy” thời cộng sản 

Tháng Chín 15, 2012
“… Cộng sản là hình thái xã hội không còn phân ranh giới quốc gia…không còn người bóc lột người, không còn phân chia giai cấp, con người làm việc theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Ðó là một thế giới đại đồng mà con người sống chỉ biết thương yêu giúp đỡ nhau …” Sau nụ hôn của các lãnh tụ cộng sản có phải toàn là mật ngọt? Hãy đọc hai câu chuyện tình giữa lòng các nước cộng sản trong đó hạnh phúc con người bị đập vỡ vụn do đôi lứa bị chia loan rẽ thúy bởi hai chữ “chính trị” do hệ tư tưởng không vì con người huyễn hoặc ra…

Nụ hôn của hai lãnh tụ cộng sản:
.



Chuyện tình Việt Nam – Triều Tiên

Năm 18 tuổi (1967), anh được cử sang học ngành Công nghiệp hóa chất tại CHDCND Triều Tiên. Sau 4 năm đèn sách, vào tháng 7/1971 anh được phân công tới thực tập tại Nhà máy phân đạm Hàm Hưng, nơi anh gặp mối tình duy nhất của đời mình là chị Lý Vĩnh Hỷ. Khi ấy chị Lý là cán bộ phân tích hóa chất thuộc phân xưởng tinh lọc số 2. Vào một ngày đẹp trời, khi nhìn thấy cô gái xinh đẹp qua cửa kính phòng thí nghiệm, trái tim chàng trai trẻ bỗng rung lên những nhịp khác thường với ý nghĩ chợt lóe lên “Giá mà cô ấy là vợ mình thì hạnh phúc biết bao”. Hai ánh mắt nhìn nhau, cả hai đều thẹn thùng không nói nên lời nhưng họ đều hiểu tình yêu sét đánh này chính là tình yêu đích thực của cuộc đời mình. Đến với nhau rất nhẹ nhàng nhưng mối tình của họ đã trải qua biết bao sóng gió. Tình yêu trai gái là lẽ thường nhưng khi ấy đất nước Việt Nam đang có chiến tranh, nhiệm vụ của lưu học sinh là học tập để về bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đối với Bắc Triều Tiên, mọi việc còn khắt khe hơn. Yêu công dân nước ngoài là điều cấm kỵ. Vì vậy, anh chị phải yêu nhau theo kiểu “du kích”. Mỗi lần đến chỗ hẹn gặp chị, anh phải hóa trang rồi đi lòng vòng đủ kiểu để… cắt đuôi những kẻ tò mò. Đầu năm 1973, sau khi tốt nghiệp anh lên đường về nước. Buổi gặp nhau cuối cùng, chị nói trong nước mắt: “Phải xa anh em chết mất. Nhưng dù sao em cũng đợi anh, yêu anh mãi mãi!”. Cảnh rưng rưng hẹn sẽ quay lại đón người yêu sau khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc. Khi ấy họ nghĩ sẽ phải xa nhau khoảng 3 năm nhưng ngờ đâu ông trời khéo thử thách lòng người, bắt họ xa nhau quãng thời gian dài gấp hơn 10 lần như thế.
.


.
Cầu nối duy nhất giữa anh chị là những lá thư nhưng vì sợ bị kiểm duyệt khắt khe nên cả hai phải lấy địa chỉ của hai bà mẹ còn anh lấy một cái tên Triều Tiên là Pom Hok Kieng. Những lá thư qua lại cũng không dám viết bằng lời lẽ tình cảm mà chỉ là hỏi thăm về sức khỏe hay thời tiết. Thế nhưng mỗi lần nhận được thư anh chị lại khóc ròng, đọc thuộc lòng tới từng dấu chấm phẩy rồi mang đi đốt vì sợ. Có lần vì quá tuyệt vọng với mối tình của mình, chị thậm chí đã tìm đến cái chết nhưng không thành. Về nước, anh làm việc tại Viện Thiết kế Công nghiệp Hóa chất. Thật bất ngờ, năm 1978, anh được cử sang Triều Tiên 3 tháng để nghiên cứu về ứng dụng của thuốc trừ cỏ. Nhân dịp này, anh định viết thư gửi lên vợ Chủ tịch Kim Nhật Thành, người giữ chức Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Triều Tiên thời bấy giờ để nhờ giúp đỡ. Xem xong bức thư, chị khuyên anh không nên làm vậy vì chị hiểu nếu là thư đến tay người nhận, cuộc tình của họ lập tức chấm dứt. Lần chia tay thứ hai, chị khẳng định với anh không bao giờ lấy ai nếu người đó không phải là anh và sẽ nhận con của cô em gái làm con nuôi.

Tình yêu tha thiết với cô gái Triều Tiên khiến anh hăng hái tham gia vào bất cứ hoạt động nào để ủng hộ Triều Tiên. Trở thành Ủy viên thường trực Hội Hữu nghị Việt – Triều, anh ra sức đóng góp cho tình hữu nghị giữa hai nước. Chưa dừng lại ở đó, năm 1992, biết tin Sở TDTT Hà Nội mời 2 chuyên gia Triều Tiên sang tập huấn cho VĐV Taekwondo, anh đã chủ động tìm gặp lãnh đạo Sở bày tỏ nguyện vọng được chuyển công tác về đây với mục đích duy nhất là tiếp cận với những người bạn Triều Tiên với hy vọng họ có thể giúp mình tìm lại manh mối của người yêu. Chính trong những ngày ấy, sau sau một thời gian dài bặt vô âm tín, anh nhận được tin từ một người bạn Triều Tiên, ông Park Sang Kil là… chị đã chết. Rồi có người khuyên anh đi lấy vợ. Anh đáp lại bằng câu trả lời nghe mà nổi da gà: “Em chờ đến nay đã 31 năm. Nếu đi tu trên chùa thì đã thành sư cụ rồi. Bây giờ anh bảo em bỏ chùa, bỏ Phật thì bỏ thế nào được?”
Song song với công việc của anh tại CLB Xe đạp Hà Nội, niềm tin sắt son vào tình yêu đã giúp anh Cảnh nỗ lực hết mình để tìm ra manh mối. Cuối năm 2001, chính ông Park Sang Kil báo tin chị Lý vẫn còn sống và vẫn chờ anh, sau khi đích thân tìm tới quê chị “điều tra”. Số phận đã mỉm cười với anh. Tháng 5/2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương dẫn đầu đoàn đại biểu nước ta sang thăm hữu nghị chính thức Triều Tiên. Biết tin, anh Cảnh đã viết thư nhờ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên bày tỏ nguyện vọng của mình được kết hôn với Ri Yong Hui. Thông cảm với hoàn cảnh của anh, trong khi làm việc với phía Triều Tiên, Chủ tịch Trần Đức Lương đã chính thức đề nghị bạn quan tâm giúp đỡ. Không lâu sau đó, Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội thông báo cho Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng “Ủy ban thường vụ Hội nghị Nhân dân tối cao nước CHDCND Triều Tiên đã phê chuẩn việc kết hôn của Phạm Ngọc Cảnh với Ri Yong Hui, công dân Triều Tiên, ngày 14/8/2002”. Tuy nhiên, do thời gian chờ đợi quá lâu, khi họ đến được với nhau, thời gian đã tước đi của anh chị Cảnh – Hui hạnh phúc được làm cha mẹ.
.


.
Chuyện tình Việt Nam – Hungary

Mối tình đẹp nhưng cũng trắc trở và thậm chí, hàm chứa những nét bi thảm “còn hơn tiểu thuyết” của chị Sáli Judit và anh Lê Mỹ Thành – mà kết quả là sự ra đời của chàng trai mang hai dòng máu Việt – Hung Lê Mỹ Benkő Attila, gương mặt quen biết từng tham gia nhiều hoạt động của cộng đồng Việt Nam tại Hungary – khiến không ít người muốn tìm hiểu thêm về câu chuyện tình không
 biên giới ấy.
Trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi tại Budapest, chị Sáli Judit – một trong hai nhận vật chính của “love story” Hung – Việt – đã chia sẻ những ký ức và thổ lộ: chị hiểu rằng hoàn cảnh chính trị thời ấy đã không cho phép anh chị đoàn tụ.
Anh chị gặp nhau lần đầu trong hoàn cảnh nào? Chị còn nhớ cảm xúc, ấn tượng của những lần đầu tiên ấy?

Năm tôi 15 tuổi, bạn gái tôi rủ tôi tới viện thăm một người bạn gái Việt Nam đang điều trị tại đó. Tôi rất thương Ánh (tên cô ấy), Ánh là người Hà Nội, sang Budapest học và bị chứng động kinh. Trong thời gian Ánh nằm viện, chúng tôi thường xuyên tới thăm cô ấy và tôi đã kết bạn với cô.

Sau khi ra viện, tôi cùng cô bạn gái cũng hay đến ký túc xá của trường Bánki Donát, nơi Ánh ở. Trong những dịp đó, tôi làm quen được với nhiều bạn (cả nam và nữ) người Việt. Họ kể nhiều cho tôi nghe về Việt Nam, tổ quốc của họ, khi ấy đang có chiến tranh.
Tôi học được một điệu múa Việt Nam và cũng mò mẫm học tiếng Việt. Rồi tôi học đan vì như tôi còn nhớ, các cô gái Việt Nam luôn đan áo len. Họ còn để tóc dài và búi lên, và vì tóc tôi cũng dài, tôi cũng bắt chước họ búi tóc…
Một bận, trong ký túc xá có chiếu phim và tôi cũng tham dự. Các học sinh ở các ký túc khác cũng đến xe, trong đó có anh Thành. Phim đề tài chiến tranh, khi xem nhiều lần tôi bật khóc, có lẽ vì thế anh Thành để ý đến tôi và đến chỗ tôi ngồi. Chúng tôi trò chuyện và tình yêu đã đến từ cái nhìn đầu tiên. Lúc đó là cuối năm 1968…
- Điểm gì ở anh Thành khiến chị đem lòng yêu anh? Có thể nói được là giữa anh và chị, ai “phải lòng” người kia trước không?

Như đã nói ở trên, tôi tiếp xúc nhiều với các bạn Việt Nam, học được của họ nhiều thứ và biết nhiều thông tin về cuộc chiến, về những đau khổ mà Việt Nam phải chịu trong chiến tranh. Vì thế, tình yêu của tôi với một chàng trai Việt Nam đến rất bình thường, không có gì khó hiểu.

Theo tôi, cả hai chúng tôi đều cảm thấy yêu nhau từ cái nhìn đầu, và sau đó, khi đã có dịp trò chuyện nhiều với nhau, về gia đình, cuộc sống của nhau, về những dự định chung…

- Dạo ấy, anh chị phải phải giấu tình cảm của mình? Anh chị có biết rằng có thể sẽ gặp những khó khăn, cản trở?

Chúng tôi phải hoàn toàn giữ kín tình cảm của mình vì thời ấy, ngay các sinh viên Việt Nam học tập tại Hungary cũng bị cấm yêu đương, nói gì đến chuyện yêu một người Hung? Thời gian trôi đi, chúng tôi càng ngày càng cảm thấy muốn sống trọn đời với nhau.

Chúng tôi biết trong hoàn cảnh chiến tranh điều này là không thể, nhưng lại nghe ai đấy nói rằng ở Liên Xô lúc đó, có một chàng trai Việt Nam yêu một cô gái Xô-viết và khi cô gái có thai, họ đã được phép thành hôn với nhau…
Khi đó, tôi mới bàn với anh Thành rằng chờ đến khi tôi tròn 18 tuổi, chúng tôi sẽ có với nhau một đứa con và Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam sẽ phải cho phép chúng tôi kết hôn. Anh Thành cũng còn hai năm cho đến ngay tốt nghiệp, nhưng chúng tôi sợ mối quan hệ giữa hai người bị bại lộ và anh ấy sẽ phải về nước. Vì thế, chúng tôi quyết định sẽ có con sớm hơn, rồi cả Thành và tôi đều sẽ tốt nghiệp.
Khi tôi có thai, anh Thành rất yêu tôi và đứa con, chúng tôi chờ cho đến khi đã “thấy bụng”, sau đó hai đứa lên Bộ Tư pháp Hungary và ĐSQ Việt Nam để xin được kết hôn.
Tại Bộ Tư pháp, có một phòng có thể cấp phép “miễn trừ” trong những vụ như thế (mà để được cấp phép như vậy, đúng ra cũng cần sự chấp thuận của nước kia). Bộ nói rằng sẽ cấp giấy cho phép anh Thành được cưới tôi làm vợ (đây là điều mà Việt Nam không cho phép anh). Rồi chúng tôi qua ĐSQ Việt Nam, ở đấy mọi người cũng gật gù, bảo sẽ xét và giúp, v.v…
Rất hạnh phúc, anh Thành về ký túc xá còn tôi về với cha mẹ. Bộ còn nói rằng chúng tôi sẽ nhận được giấy phép qua đường bưu điện sau 2-3 ngày. Cha mẹ tôi cũng mừng rỡ vì thời đó, việc có cô con gái có thai khi chưa làm lễ thành hôn là một nỗi hổ thẹn lớn, nhưng rốt cục ông bà cũng hiểu rằng, tôi yêu anh Thành.
Ngày 27-1-1972, lúc 4 giờ chiều, tôi chờ anh Thành mãi mà không thấy (bao giờ anh cũng xuống chiếc xe buýt số 84 – anh đi đến chỗ tôi bằng xe này – vào đúng lúc 16 giờ). Hết chuyến này đến chuyến buýt khác, không thấy anh đâu cả! Bảy giờ tối, tôi điện thoại về ký túc xá nơi anh ở, nhưng người thường trực nói rằng một thanh niên Việt Nam đã bị đưa đi khỏi ký túc để chuyển về nước rồi.
Tối hôm đó, tôi đến ký túc của anh (Quận XI, phố Hengermalom) – người Hungary không được vào ký túc nhưng tôi đẩy ông thường trực và cứ thế chạy lên phòng anh. (Chưa bao giờ tôi vào ký túc, nhưng theo lời Thành kể tôi biết anh ở tầng mấy, phòng số mấy…). Khi vào phòng, tôi thấy mấy người bạn thân của anh, họ biết chuyện và nói rằng, người của ĐSQ đến đưa Thành đi vào ban đêm và anh đã bị về nước rồi…
Khi đó, tôi đang có thai được 7 tháng…
- Được biết là ngay sau đó chị đã nhận được giấy phép mà lẽ ra, với giấy đó, anh Thành đã có thể kết hôn với chị…?

Tôi muốn nói thêm một điều rất quan trọng là Bộ Tư pháp Hungary đã không nói thực với tôi: chính họ đã thông báo cho ĐSQ Việt Nam rằng chúng tôi muốn gì. Khi Thành đã bị đưa lên tàu về nước, ngày hôm sau, tôi nhận được giấy phép kết hôn qua đường bưu điện…

Tôi hiểu là vì tình hình chính trị thời đó, một gia đình đã bị chia cắt…
Tất cả đều do chính trị!
- Như trong một hồi tưởng đã được đăng tải trên báo chí Việt Nam, trong những năm sau đó, chị đã làm hết khả năng của mình để anh Thành có thể quay trở lại. Chị có thể cho biết chi tiết về những nỗ lực này?

Tháng 6-1973, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm Hungary. Tôi được biết tin nay qua các sinh viên Việt Nam. Ngày hôm đó, tiết trời rất nóng nực, tôi chuẩn bị đồ ăn, uống ở nhà và bế con trai nhỏ ra sân bay Ferihegy (Budapest).


Ngoài phi trường, đã có vài trăm người Việt và Hung kiên nhẫn đứng đón đoàn và chờ máy bay hạ cánh. Trước đám đông là một hàng rào cảnh sát, người chật như nêm cối! Tôi bế Attila đứng xếp hàng đằng sau toán cảnh sát và đợi dịp để có thể lách qua hàng rào cảnh sát chạy đến chỗ thủ tướng khi ông vừa xuống máy bay.

Không sớm mà cũng không muộn, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất hiện ở cửa máy bay, tất cả mọi người chỉ đứng nhìn ông và tôi chờ đợi khoảnh khắc đó. Vẫn ôm Attila trên tay, tôi lách qua hàng rào và chạy đến chỗ Thủ tướng đứng.
Các vị nguyên thủ quốc gia Hungary cũng đều ở đấy, rồi ĐSQ Việt Nam, v.v…, nhưng tôi là người đầu tiên chạm vào người Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi liến thoắng bằng tiếng Việt và kể cho ông nghe về câu chuyện của chúng tôi. Mọi người xung quanh, kể cả các cảnh sát đều sững sờ và không ai nói được câu gì! Chuyện xảy ra là như thế…
Nhưng về sau, còn có các vị khách cấp cao đến từ Việt Nam, tôi nhớ không chính xác lắm, nhưng hình như là Chánh án TAND Tối cao Việt Nam sang Hungary. Khi ấy tôi cũng lọt vào khách sạn, một mình, vào buổi tối, khi mọi người đang chuẩn bị ăn tối.
Tôi trèo qua hàng rào và tìm cách đánh lạc hướng những người lính đi lại trước khách sạn. Ném một hòn đá về bên trái, thế là đám lính ngoảng ra đó nhìn và tôi thì trèo qua hàng rào và chạy tới cửa vào của nhà bếp ở phía sau nhà.
Lúc đó, một chàng trai Việt Nam đã giúp tôi, tiếc là tôi không còn nhớ tên anh – là một người dự bữa tối ấy, anh cho tôi hay phải vào chỗ nào trong khách sạn và để ngỏ cửa ra vào phía sau cho tôi, v.v… Thế là tôi nhào vào, đúng lúc các quan chức thuộc tòa án Hungary và Việt Nam đang dùng bữa tối, và lại kể lể bằng tiếng Việt.
Tôi còn nhớ khi đó, vị quan chức cấp cao nọ đi ra và chúng tôi đã có dịp trò chuyện trong phòng…
- Nhưng rồi tất cả mọi cố gắng của chị đều vô hiệu…
Vâng, đúng vậy. Có thể hai vị quan chức trên đều muốn giúp chúng tôi, để tôi, anh Thành và cháu Attila được đoàn tụ, nhưng rồi ở ĐSQ Việt Nam và trên Bộ Tư pháp Hungary người ta cũng nói mỗi nơi một khác, trong gia đình thì cha mẹ tôi không còn tin vào điều gì nữa…
Thời gian 1972-1974, chúng tôi đã “chiến đấu” rất nhiều vì nhau. Tôi phải chịu đựng nhiều vì cha mẹ tôi cảm thấy hổ thẹn khi con gái mình có con với một người Việt – đối với các cụ, đây là một nỗi đau và sự hổ thẹn lớn… Còn với tôi, cũng không hẳn vì thế, mà tôi khổ nhất vì còn lại một mình.
Đầu năm 1974, tôi đột ngột gặp lại một người bạn cũ cùng lớp, với anh ấy chúng tôi đã từng có một tình yêu trẻ thơ theo đúng nghĩa của từ này. Chúng tôi trò chuyện tâm sự, anh ấy rất thương tôi, thương Attila và tôi thì phải lựa chọn một cái gì đó chắc chắn sau bao nỗi đau và khó khăn. Anh ấy là người rất tốt và tôi thì mừng rỡ vì có người bên cạnh mình – cha mẹ tôi bình tâm và tôi đã yêu anh ấy.
Trên Bộ, người ta nói rằng tôi hãy đi lấy chồng đi vì sẽ không bao giờ tôi gặp lại được anh Thành đâu! Tôi không hề biết ĐSQ Việt Nam cũng đã tổ chức cho chúng tôi đoàn tụ, nhưng khi đó đã muộn vì tháng 9-1974 tôi lấy chồng và chỉ sau đó tôi mới hay rằng Thành lẽ ra cũng đã có thể được nhận hộ chiếu để sang lại Hungary.
Mọi thứ lúc đó đều phức tạp và tôi không thực sự tin rằng Thành sẽ được phép quay lại Hungary. Khi ấy, sự bình an của tôi và con trai đã là quan trọng hơn. Bạn thử nghĩ xem, một cô gái 23 tuổi với đứa con nhỏ, gia đình thì hổ thẹn và từ bỏ… Có thể bảo rằng nếu tôi đã chờ được 2 năm thì sao không cố chờ tiếp, nhưng số phận là như thế, một người bạn cũ đã xuất hiện trong đời tôi và cứu vãn tôi…
Đây không phải những lời đao to búa lớn, chỉ tôi mới biết được tôi phải trải qua những thử thách như thế nào: đêm gói tem và kẹo, ngày trông con cho người khác để có thêm thu nhập bên cạnh khoản trợ cấp ít ỏi, và để có thể cho con tất cả, mặc dù không có chồng, có người bố của con bên cạnh…
- Chuyện đã qua, nhắc lại chỉ để hồi tưởng về một thời. Từ khi nối lại được quan hệ, chị và anh Thành có ý định gặp lại nhau, hay có dự định gì chung trong tương lai?

Thành phải về nước năm 1972 và đến năm 1993, chúng tôi mới gặp lại nhau lần đầu ở Việt Nam – lúc đó, tôi mới kể cho Attila biết bố của cháu là ai. Khi gặp nhau, những cảm xúc trong chúng tôi lại trỗi dậy, chúng tôi đã bàn tính hay cả hai đều ly dị để đến lại được với nhau, nhưng khi trở về Budapest, nhìn các con sau của tôi, tôi đã nghĩ khác…

Anh Thành nhiều lần ra Hà Nội – lần gần nhất là cách đây 2 tuần – những khi ấy chúng tôi có thể trò chuyện với nhau qua skype. Thành vẫn nói được tiếng Hung, dù không thật hiểu lắm.
Chúng tôi tâm sự về quá khứ, về gia đình đôi bên, và luôn cảm thấy ngạc nhiên vì thế giới hiện tại mà chúng tôi đang sống, khi những mối quan hệ tình cảm Việt – Hung có thể tồn tại hoàn toàn hợp pháp. Thập niên 60-70 thế kỷ trước, điều này còn là một trọng tội, cuộc đời bao người đã tan tành vì thế…
Chúng tôi đã có gia đình, đã sống cuộc sống riêng, đã có những tập quán được hình thành, nên việc Thành trở lại Hungary – dù chỉ để thăm tôi – cũng không hay. Giờ đây, tất cả chỉ còn là một kỷ niệm buồn và trong đời tôi, cháu Attila là quan trọng hơn cả, làm sao để cháu tìm được hạnh phúc và công việc phù hợp. Tôi hy vọng và mong muốn rằng anh Thành cũng nghĩ như thế.
Chúng tôi mừng vì cháu Attila đã tìm lại được cha đẻ từ hai năm nay, khi cháu quyết định về Việt Nam làm việc, học tiếng Việt và làm quen, tìm hiểu nền văn hóa Việt Nam. Thành công và hạnh phúc của đứa con chung sẽ bù đắp tất cả cho chúng tôi!
Theo Thể Thao Văn Hóa và Nhịp Cầu Thế Giới
nguồn:https://caunhattan.wordpress.com/2012/09/15/chuyen-chia-loan-re-thuy-thoi-cong-san/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001