Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Chất lượng cuộc sống người dân TP.HCM: Giàu, nghèo đều khóc 


Lê Quỳnh (SGTT.VN) - Trong cùng một cái bánh thu nhập thì 20% người giàu được “xơi” tới 60%; người khá giả được “xơi” 16,6%; người nghèo chỉ 4,3%... Tuy vậy, dù giàu hay nghèo thì họ đều đang cùng có một đời sống u ám, phập phồng; trên 90% người dân đồng ý “đạo đức xã hội ngày càng kém đi, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng”. 

Trên đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học Chất lượng cuộc sống người dân TP.HCM trong bối cảnh kinh tế hiện nay, do viện Nghiên cứu phát triển tổ chức hôm qua 20.12. 

Bức tranh chất lượng sống u ám 

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, TP.HCM hiện có hơn 10 triệu người dân, với 20 nhóm ngành nghề. Dù khác nhau về thu nhập và nhu cầu hưởng thụ, nhưng họ đều cùng bị ba yếu tố tác động đến chất lượng cuộc sống, gồm: kinh tế suy giảm; môi trường xã hội, ô nhiễm môi trường sống và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, xét đến cùng, so với nhóm người thu nhập cao và trung bình, thì nhóm người nghèo và nhóm yếu thế bị tác động, tổn thương nhất bởi cả ba yếu tố trên. 

Theo đó, hầu như tất cả tiêu cực xã hội đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của họ, vì họ không có tiền để “bôi trơn” nên gặp rất nhiều phiền hà khi cần giải quyết vấn đề liên quan đến pháp luật, thủ tục hành chính, giấy tờ, chứng nhận. Cũng vì không có các tiện nghi tốt để khắc phục và thích nghi nên nhóm người này cũng phải chịu ô nhiễm môi trường, khói bụi, tiếng ồn, ngập úng ở tất cả các không gian sống, từ đi lại trên đường phố đến nơi làm việc, cư trú và nghỉ ngơi. 

90% người dân đồng ý “đạo đức xã hội ngày càng kém đi, 
ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng”. Ảnh: Trần Việt Đức 

Còn nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Thuỵ Diễm Hương, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho thấy: “đời sống tinh thần và vật chất của người công nhân nhập cư đang ở mức “rất thấp”. 58% công nhân thu nhập từ 2 – 3 triệu đồng; gần 40% thu nhập dưới 2 triệu đồng; trong đó trên 34% chi tiêu ở mức thấp dưới 1 triệu đồng/tháng; trên 40% chi tiêu từ 1-2 triệu đồng/tháng. Trên 70% công nhân sống nhà trọ với điều kiện chật hẹp, thiếu ánh sáng, nước sạch... Môi trường làm việc cũng không đảm bảo, với trên dưới 40% phải làm việc trong điều kiện nóng nụi, tiếng ồn, thậm chí nguy hiểm... Đời sống văn hoá công nhân thì “không phim ảnh, sách báo, giải trí, kết bạn...” 

Tuy nhiên, bức tranh chất lượng sống u ám này còn được các nhà khoa học cho thấy ở tầng lớp người giàu, thu nhập cao. Nghiên cứu của TS Lê Thị Mai, trường đại học Tôn Đức Thắng cho thấy, nhóm doanh nhân trên địa bàn thành phố hiện nay dù thu nhập cao nhưng chất lượng sống đang ở mức xung đột lớn ở thời gian, công việc và hành vi. Họ đều dễ bị căng thẳng, áp lực cao do những xung đột công việc ở môi trường làm việc đa văn hoá, gồm những nhóm xã hội khác nhau hướng đến những giá trị khác nhau. ThS Phạm Thanh Thôi, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết, nghiên cứu ở khu Phú Mỹ Hưng liên tục trong ba tháng cho thấy “người giàu cũng khóc”. Dù đời sống vật chất người dân ở đây cao nhưng đời sống tinh thần của họ lại nhiều vấn đề, khổ sở, từ chất lượng cuộc sống gia đình đến đời sống văn hoá...
 
Ra đường là sợ

Theo bà Nguyễn Thị Dân, sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM, quản lý Nhà nước hiện quá yếu kém, tương tự là vấn đề an sinh xã hội. “Ngày xưa đời sống tinh thần chúng tôi tốt lắm, mọi người yêu thương, đùm bọc nhau, tin tưởng nhau. Nhưng nay ra đường là sợ, an ninh trật tự không đảm bảo, dân e dè với nhau; cơ chế chính sách kinh tế, xã hội đáng ra phải đảm bảo nhưng hiện không thuyết phục và trúng lòng dân”, bà Dân nói.


Theo bà Hồ Tố Anh, học viện Chính trị hành chí khu vực 2, vấn đề hạn chế trong hưởng thụ những giá trị văn hoá, nghệ thuật của người dân hiện nay đang là một thiệt thòi lớn trong việc nâng cao nội lực, nuôi dưỡng đời sống tinh thần, tâm hồn cho cá nhân. “Người công dân đô thị đang thiếu cả tri thức và kỹ năng tiếp cận văn hoá, nghệ thuật. Đặc biệt là sự chênh lệch quá xa giữa các quận trung tâm với quận huyện vùng ven như: Thủ Đức, quận 9, 12, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn...”, bà Anh kết luận. 

36% người dân hài lòng với công việc hiện tại 

Nghiên cứu của GS Bùi Thế Cường chỉ ra một bức tranh rất buồn: “trong cùng một cái bánh thu nhập thì 20% người giàu được “xơi” tới 60% cái bánh; người khá giả được “xơi” 16,6%; người nghèo chỉ 4,3%... trên 90% người dân đồng ý “đạo đức xã hội ngày càng kém đi, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng... “Chỉ 36% người dân hài lòng với công việc hiện tại, dưới 50% hài lòng với cuộc sống gia đình... TP.HCM đang ở mô hình nào theo bình đẳng xã hội?”, là câu hỏi mà ông Cường day dứt đặt ra. 

TS Lê Thanh Tùng, đại học Tôn Đức Thắng cho biết: "chất lượng đời sống đi lên chỉ khi thu nhập khả dụng (gồm yếu tố tiêu dùng và tiết kiệm) phải đi lên. Nhưng nghiên cứu lại cho thấy tiêu dùng ở thành phố đang ở mức 1,9 (trong khi thế giới chỉ ở mức 1), còn tiết kiệm lại đang ở mức âm. Thu nhập 1 đồng, nhưng tiêu dùng quá 1 đồng. Đây là điều rất bất thường. Chưa kể sức mua ở hộ gia đình trên địa bàn thành phố đang cạn kiệt." 

Đồng tình với nhận định chất lượng cuộc sống người dân ngày càng đi xuống, ông Huỳnh Công Hùng, trưởng ban Văn hoá, HĐND thành phố cho rằng: "quản lý quy mô của thành phố đang có vấn đề. Những vấn đề xã hội hiện nay nếu không được nghiên cứu thì khó đảm bảo cho an sinh, an ninh xã hội." 


nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/12/chat-luong-cuoc-song-nguoi-dan-tphcm_23.html#more
======================================================================
Thực tế Việt Nam: lo miếng ăn hơn là mất nước!? 



Canh cánh nỗi lo thất nghiệp, giảm lương 

Nhật Minh - Ngọc Tuyên (VnExpress) - Trong gần 13.500 độc giả tham gia khảo sát của VnExpress, phần lớn cho biết mất việc, giảm thu nhập là vấn đề đáng lo nhất.


Cuộc khảo sát với chủ đề "Nỗi lo lớn nhất của bạn hiện nay là gì" được VnExpress.net tiến hành từ 7/12, thu hút gần 13.500 ý kiến tính đến chiều 21/12. Trong đó, mất việc, giảm lương dẫn đầu trong 5 mối lo của độc giả, với tỷ lệ lựa chọn lên tới 32,2%, vượt qua cả vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm phát hay bệnh tật, ốm đau...

 

Mối lo của độc giả khá trùng khớp với thực tế khó khăn của tình hình kinh tế hiện nay, khi số doanh nghiệp đóng cửa trong năm 2012 dự kiến đạt kỷ lục 55.000. 

Theo khảo sát chính thức về tình hình lao động 9 tháng đầu năm, vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tình trạng thất nghiệp có dấu hiệu bớt bi quan hơn so với năm 2011. Theo đó, trong số 52,6 triệu người đang ở độ tuổi lao động, số thất nghiệp chỉ ở mức 984.000, tức là tương đương khoảng 2%. Cả 2 con số này đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (giai đoạn 2006 - 2011, số thất nghiệp hàng năm thường dao động trong khoảng 1 - 1,2 triệu người). "Kinh tế 2012 rất khó khăn nhưng số liệu thất nghiệp lại không bi quan như nhận định", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - Nguyễn Bích Lâm chia sẻ. 

Nhận định của đại diện ngành thống kê không sai nếu nhìn vào những con số. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, việc tỷ lệ thất nghiệp giảm là "khó hiểu". Chính vì vậy, câu chuyện đằng sau những con số mới là điều đáng quan tâm. "Số liệu thống kê lao động và việc làm tại Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại nhiều bất cập, cả về tính chính xác lẫn ý nghĩa đối với nền kinh tế", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định. 

Tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam giai đoạn 2006 - 2011. Nguồn: GSO

Trong khi tại nhiều nước, đặc biệt là các nền kinh tế lớn, việc làm được xem là chỉ báo quan trọng cho thấy sức khỏe của nền kinh tế thì tại Việt Nam, chỉ số này dường như chưa được quan tâm đúng mức: "Chỉ tiêu tạo việc làm mới vẫn đều đặn được báo cáo là hơn một triệu mỗi năm. Nhưng để chỉ ra những việc làm ấy ở đâu thì rất khó. Trong khi đó, các chỉ số thất nghiệp lại rất thiếu thực chất khi thống kê tại Việt Nam", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định. 

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự "không thực chất" của chỉ số thất nghiệp, theo giới phân tích cũng như bản thân cơ quan thống kê là việc kinh tế Việt Nam đang sở hữu một khu vực lao động phi chính thức lớn và ngày một mở rộng. “Người làm nghề tự do cứ ngày một tăng. Năm 2010, con số này là 34,6% thì đến 2011 và 2012, con số này lần lượt tăng lên 35,8% và 36,6%”, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết. 

Sự mở rộng của khu vực tự do này được cơ quan thống kê lý giải là do trình độ phát triển kinh tế còn thấp, đời sống chưa cao, an sinh xã hội chưa phát triển nên khi kinh tế khó khăn, số việc làm chính thức sụt giảm, người lao động thường không chịu cảnh thất nghiệp mà chấp nhận làm một số công việc tự do, với mức thu nhập thấp, bấp bênh để nuôi sống bản thân và gia đình. 

Việc làm này phần nào thể hiện nỗi lo thất nghiệp của người lao động, đồng thời cũng khiến cho các thống kê về việc làm ở khu vực chính thức trở nên kém ý nghĩa. “Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam, do đó chỉ phản ánh một phần sức khỏe của nền kinh tế, chứ không thể hiện rõ nét như đối với các quốc gia khác”, đại diện Tổng cục Thống kê nhận định. 

Nhiều người Việt chấp nhận công việc bấp bênh để có thu nhập. Ảnh: NYTimes

Một hệ quả khác của việc có nhiều lao động tự do là khiến cho các biện pháp khảo sát việc làm đang được áp dụng (chủ yếu là chọn mẫu - suy rộng) trở nên thiếu chính xác. Với cách chọn mẫu như vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, cơ quan thống kê có thể bỏ sót một lượng lớn người làm nông nghiệp, hoặc lao động trình độ thấp ở đô thị - những người được coi là thất nghiệp trá hình, tức là không có đủ thu nhập để duy trì cuộc sống. 

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng việc chưa thể có được con số thống kê chính xác về lao động, việc làm ở thời điểm hiện nay không phải là cái cớ để xem nhẹ chỉ báo này. Theo đó, việc cần làm trước hết là nâng cao chất lượng khảo sát bằng cách áp dụng các thông lệ quốc tế, nhưng phù hợp với thực tế của Việt Nam. “Ở Mỹ và một số nước, họ cũng tiến hành điều tra hàng tháng như Việt Nam. Nhưng họ đặt các trạm quan sát lao động ở từng vùng với số lượng phù hợp, căn cứ trên cung cầu lao động nên kết quả có được rất chính xác. Việt Nam, nếu có đủ nguồn lực, nên học theo mô hình này”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng gợi ý. 

Còn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, với điều kiện hiện nay, cơ quan thông kê chỉ nên áp dụng việc tính tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực chính thức. Còn ở nông nghiệp - nông thôn, chỉ nên áp dụng tỷ lệ thiếu việc làm. Ngoài ra, để đảm bảo tính chính xác và ý nghĩa của chỉ số thất nghiệp, Tiến sĩ Doanh cho rằng nhất thiết phải đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, qua đó tăng tỷ trọng lao động tại khu vực chính thức và biến đây trở thành động lực chủ yếu cho nền kinh tế. 


nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/12/thuc-te-viet-nam-lo-mieng-hon-la-mat.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001