Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Võ Phiến - Bình Thơ
Võ Phiến


— Rảnh. Nói chuyện thơ chơi. Nhá.

— Thơ Lý Bạch hả? Được quá chứ lại. Đáng nói lắm... Ủa! Không phải Lý à? Thế thơ Đỗ Phủ, thi sĩ của dân đen chăng?1

— Không. Thơ Tô Thùy Yên.

— Nữa!

— Vâng. Lại Tô Thùy Yên nữa. Quả nhân hữu tật. Tật yêu thơ ông Tô Tử.

— Ông Tô? Thi sĩ của...

— Của loài người.

— Bạn liệu cái mồm của bạn. Họa tòng khẩu xuất. Ba hoa cho lắm vào.

— Vào đề ngay nhá:
“Khuya rồi, nước đã đầy trăng,
Đi về suốt bãi sông Hằng, gặp ai?
Lạnh trời, đâu lửa hơ tay?
Đêm còn, cứ bãi sông này lại đi.
Thấy gì chăng, chẳng thấy gì,
 Nước rào, trăng rạt, ta thì mỏi mê...
Chầy khuya, nước ủ trăng ê,
 Uổng công, bãi ấy đi về một ta...
Mãi rồi trời cũng sáng ra,
 Phần trăng trăng lặn, phần ta ta về.
 Vẫn sông, vẫn bãi bốn bề,
 Sang đêm, ai nữa đi về, gặp ai”

— Bài nào vậy?

— “Đi về”.

— Đi đâu về đâu vậy cà?

— Đã rõ: “đi về suốt bãi sông Hằng, cứ bãi sông này lại đi, đi mỏi mê, đi về uổng công...” 

— Đi đâu về đâu? Không thấy nói đến.

— Như thế vấn đề càng rõ.

— Nhưng con sông Hằng?

— Hầy. Đây không phải một chuyến đi du lịch, không phải Tây du thỉnh kinh. Bởi nếu thế gặp Hằng Hà ở Ấn-độ Phật quốc tất có màn nhảy xuống tắm một cái tức thì; có đâu cứ qua qua lại lại đi đi về về mãi đến mỏi mê rồi kêu uổng công? Vậy đừng nghĩ tới tắm tiếc. Cũng đừng suy ra ý nghĩa xa vời nọ kia, rồi “sụp lạy cúi đầu”: nhọc nhằn đấy, nghe chưa?

Vả lại, mây gì, nước nào, không phải cái chính. Có phải đi mần ăn, đi tị nạn chính trị đâu mà định rõ phương hướng cùng địa điểm?

— À há!... Sông Hằng...

— Không chừng là hằng hữu, là vĩnh hằng v.v... Không chừng thế. Nhưng cái thần của bài thơ, những con mắt của nó mở ra ở những chỗ “thấy gì chăng, chẳng thấy gì, nước rào sông rạt, nước ủ trăng ê, vẫn sông vẫn bãi bốn bề...” 

— À há!

— Ở cái mỏi mê, cô đơn, cái mịt mờ, cái vô vọng, vĩnh viễn bất tuyệt của sự đi về.

— Vấn đề không phải của riêng một tầng lớp nào nhỉ?

— Không của dân đen dân đỏ nào cả. Của loài người. Của mọi loài.

— À. Bạn ba hoa không phải không lý do. Bây giờ chúng ta đi vào cái hay của bài thơ chứ?

— Bây giờ là xong, còn đi vào đi ra gì nữa?

— Kìa. Thơ ấy hay ở chỗ nào? tại sao hay? chúng ta đã mổ xẻ đâu?

— Bạn quá đáng. Một người mai mối đầy hảo tâm mang đến giới thiệu với bạn một kiều nữ. Bà mai tính quay lưng để đôi bên tự do trao đổi, bạn túm lại, la toáng lên, đòi bà ta giải thích cho ra lẽ: cô gái đẹp ở chỗ nào? vì sao cho là đẹp? Giải cách nào cho ra lẽ với bạn? Ai đi giải nghĩa được người xinh?

— Ủa, kỳ vậy?

— Thôi được. Cho rằng bà mai nọ cố gồng mình trổ tài: Cậu xem giùm cái nước da của cổ đi: Trứng gà bóc ra là y hệt vậy chứ gì nữa? Cậu coi kỹ cặp nhũ hoa của cổ đi. Tôi mến cậu, tôi tiết lộ cái này, cậu giữ kín cho: Kết quả đo đạc cực kỳ chính xác cho thấy: lấy con số chu vi vành tròn ở sát ngực chia cho con số chiều cao từ chân tới đỉnh nhũ hoa thành ra con số đúng tỉ lệ giữa chu vi và chiều cao Kim tự tháp Cheops! Đúng y chang cậu ạ. Tỉ lệ vàng, cậu ạ. Chính vì thế nó đẹp ngắm không bao giờ chán mắt. Thì Kim tự tháp Ai-cập người đời ngắm mãi mấy nghìn năm, càng ngắm càng thấy đẹp, thấy không? Cậu xem giùm... Cậu xem... Cậu xem...

Bà ta nói đến đâu, bạn gục gặc đến đấy. Nhưng rốt cuộc bạn vẫn ngẩn tò te thôi. Có ai nghe giảng mà nhận ra gái đẹp? có ai chờ giảng mới cảm được gái đẹp? Trong khi ấy, nếu có chàng trai nào — một chàng trai đích thực là trai — nó đi ngang qua, liếc ngang, bắt được cái đẹp của cô gái. Thế là bạn mất toi cơ hội lấy vợ xinh.

— Đáng tiếc nhỉ?

— Tiếc cái gì mà tiếc? Bạn chẳng nhận ra cô ấy đẹp, bạn chẳng phân biệt đẹp xấu thì việc gì mà tiếc? Cô nào cũng như cô nấy thôi. Bạn cưới nàng Lọ Lem có phải đơn giản chuyện đời không?

— Này. Không được nói thế nhé.

— Dắt vợ Lọ Lem dạo quanh ao rau muống mà ngắm cảnh. Hợp lắm.

— Đã bảo không được nói thế. Cấm.

— Đồng ý nói thế là nhảm. Làm thế càng nhảm. Cũng như nghe tán huyên thiên về ý nghĩa, rồi cứ ôm thơ dở mà đọc. Nhảm lắm.

Tôi không nói nhảm nữa. Bạn cũng đừng đòi giải nghĩa gái đẹp, giải nghĩa cảnh đẹp nữa, nhé!

— Hừm. Du ngoạn vẫn phải có hướng dẫn, có thuyết trình...

— Là thuyết trình về lai lịch, về các đặc điểm của cổ tích, của thắng cảnh cơ. Còn bạn bắt các cô hướng dẫn viên giải về cái đẹp của nắng sáng ở Hàng Châu, mây chiều ở Giang Nam v.v..., các cô lần lượt mất “rốp” hết trơn. Bạn thấy đẹp thì bạn ở chơi; bạn không cảm thấy gì, bạn được phép ngáp lên ngáp xuống một hồi, rồi lên xe về khách sạn ngủ.

Các cô hướng dẫn không giải thích, các ông thi sĩ cũng không hề giải thích cho bạn đâu:
“Hoàng Hà viễn thướng bạch vân gian
Nhất phiến cô thành vạn nhận san”         

Vương Chi Hoán bày ra trước mắt bạn bốn món: sông vàng, mây trắng, thành lẻ, núi cao. Thế thôi. Bạn thấy cảnh ấy là đẹp? Tốt! — Bạn chẳng thấy gì? Mặc xác bạn. Không có ông bà thi sĩ nào chịu khó lải nhải nói thêm cho rõ tại sao cô thành hợp hơn liên thành, tại sao ở đây núi phải trùng trùng muôn trượng v.v... Cảnh đẹp, để yên cho nó tự đẹp. Giải thích giải thiếc là trò rối của kẻ lắm mồm. Ích gì? Nếu quả có ích lợi, ở đời đã có nghề dành cho hạng chuyên viên đi dạy cách xem gái đẹp và cảnh đẹp. Cũng là tăng thêm ý vị cho cuộc nhân sinh nhiều chứ, không sao?

— Lắm mồm là bạn. Nói cho lắm vào, bạn làm rối vấn đề. Thơ văn, sao có thể ví với cảnh với người? Cảnh nọ người kia, là những cái tự nhiên. Do Trời. Cảnh với người hình dạng thế nào, không do sự xếp đặt tính toán của ai cả. Đã không có bố trí thì không thể đem các nguyên tắc bố trí ra mà cắt nghĩa. Đã tự dưng thành, hình kia dáng nọ không có chủ ý dàn dựng, thì không thể suy tìm một chủ ý, một nguyên tắc, một dụng tâm thẩm mỹ nào trong đó cả.

Còn thơ văn do con người làm ra. Tại sao chọn chữ này mà không chọn chữ kia? tại sao dùng thể này mà không dùng thể khác? tại sao rút ngắn chỗ này, kéo dài chỗ nọ v.v... Phải luận cho ra lẽ chứ? ra phải trái chứ?

— Hầy. Ông Cao Thắng bắt được cây súng tây, tháo từng bộ phận ra xem, hiểu hết máy móc; hiểu rồi, ông làm ra được súng, bắn đoành đoành, Tây mất mạng lăn kềnh. Phân tích thơ, tháo gỡ từng câu từng chữ ra xem xét tường tận, hiểu hết lý do cái hay của thơ, kết quả có được như hiểu súng chăng?

Cụ Nguyễn Du viết xong cuốn Kiều, cụ vất nó ra cho thiên hạ mua vui. Kiều nằm tênh hênh giữa cõi đời tạp nhạp này ngót hai trăm năm; biết bao nhiêu kẻ táy máy đã sục sạo moi móc khắp cùng, tha hồ phanh phui mọi chỗ hiểm hóc không ai che đậy. Kiều dãi dầu đến thế. Kẻ sĩ trong thiên hạ lại không thiếu hạng có tài thuổng của người làm của mình. Vậy mà bạn đã gặp người Cao-Thắng-văn-nghệ nào sản xuất được súng Kiều tân chế chưa? Bạn không có ý định kể tên Đoạn trường vô thanh đấy chứ?

— Thế bạn bảo làm thơ là do phép thần thông, vô phương thấu hiểu, bảo thơ văn không phép không tắc gì cả à?

— Bạn là kẻ giỏi giang, ham mê lý luận, tôi chưa có cái may đọc thơ văn của bạn. Người nhà quê, cô đi cấy cậu đi cày, từng làm ra vô vàn thơ ca hò hát, tình tứ hay ho muốn chết; họ không rành một phép tắc nào cả.

— Thế bạn nhất định thơ văn không phép tắc? Có, hay không? Bạn đừng ỡm ờ. Thơ là công trình của người hay của Trời? Bạn trả lời dứt khoát tôi xem.

— Có Trời mà cũng có ta. Phần của Trời, không xía vào được. Phần của ta, dành để tán dóc cho vui.

Này, trước khi phóng tay làm một bài thơ phải có một cái tứ thơ, phải không? Đó hoặc là một ý tưởng, hoặc một cảm xúc, hoặc một tình cảm v.v... Cái này lấy từ đâu ra? tra cứu cách nào cho ra cái tứ thật cao giá, thật xuất sắc? Không được. Cái tứ thường tự nó “nảy” ra. Thoắt cái, từ đâu đó nó nảy ra bất ngờ vậy thôi. 
Để diễn tả tính cách đột ngột ấy, người ta dùng những chữ cảm hứng, chữ “inspiration”. Vu vơ, bất định.
Thi tứ, nó như ông Từ Hải. Tung tích ở đâu không rõ, bỗng nhiên “khách biên đình” xuất hiện. Và làm chủ bài thơ. Nó không phải chỉ là một cái đầu đề: Đi về, Thu điếu, Đây thôn Vĩ Dạ, Tống biệt hành v.v... Nó xuất hiện và khống chế toàn bài thơ: ý thơ, không khí bài thơ, lời lẽ nhịp điệu thơ v.v... Nó chỉ đạo tất cả. Và nó ở ngoài mọi tính toán của tác giả.

— Á à. Bạn muốn nói đó là phần của Trời? Được rồi. Sau đó đến công việc thực hiện ra bài thơ. Tác giả trổ tài, vận dụng kỹ thuật, ứng dụng các phép tắc... Đây là phần của ta chứ gì?

— Mừng lắm. Phần nọ phần kia, bạn phân tích như thế là đúng. Đúng chút chút. Thật ra khó có phép tắc nào đưa tới những câu: “Gió theo lối gió mây đường mây, Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay... Lạnh trời đâu lửa hơ tay... Nước rào trăng rạt ta thì mỏi mê, Chầy khuya nước ủ trăng ê, Uổng công bãi ấy đi về một ta” v.v... Kẻ thông thạo luật tắc tính toán cách nào cho ra câu cán như thế? Vẫn bắt được của Trời thôi, bạn ạ.
Chủ trì toàn bài là một cái tứ lớn. Mà mỗi câu cũng do một tứ, mỗi chữ cũng một tứ, nho nhỏ. Mỗi thành công cục bộ đều do một cái tứ hay ho.

Chủ trì toàn Truyện Kiều là một cái tứ lớn. Nhưng nếu không có những câu tài tình “Lơ thơ tơ liễu buông mành”, “Vầng trăng ai xẻ làm đôi, Nửa in gối chiếc...” v.v..., nếu không có 3254 câu thơ tuyệt vời thì còn ra cái gì. Mỗi câu như thế đều là một sáng tạo cả. Bộ bạn tưởng cụ Tiên Điền chỉ cần bắt được ý lớn, xong giao việc “thực hiện” cho một thợ thơ, sau khi dặn dò chỉ vẽ phép tắc ngón nghề cho cặn kẽ là được sao? Tứ của Nguyễn Du mà giao cho Nguyễn Diếc “thực hiện” thì cuốn Kiều bị vất vào sọt rác từ khuya. “Thực hiện” chính thị là công việc sáng tạo, là nghệ thuật đấy. Chưa hề có phép tính nghệ thuật. Lại Trời nữa, bạn ơi!

— Tứ lớn bắt được, tứ nhỏ cũng do bắt được. Bạn nói nhảm vừa thôi chứ. Văn thơ rốt cuộc chỉ là trò may rủi hên xui thôi sao?

— Đâu có. Làm gì có cơ hội đồng đều cho mọi người! Lộc Trời không hề rải xuống lung tung. Không phải hôm nay ông này bắt được một tứ thơ lạ, ngày mai cô kia có thể chộp trúng ý hay. Không có chuyện lung tung xòe như thế. Một mình ông Lý Bạch ngày nào cũng vớ được cái xuất sắc; còn các ông Lý Hắc, Lý Hồng, Lý Lục, và cả ông Lý Tía nữa, hễ chới với quơ tay ra toàn tóm phải cái nhảm. Trời không tổ chức xổ số. Phàm ý hay tứ đẹp cảm xúc tinh vi tế nhị thường chỉ đến với những ai có phần có phước. Tức những kẻ nào có xu hướng tâm hồn, có tính tình, có sở kiến sở văn sở học thích hợp, có thân thế, truyền thống thích hợp, có kiến trúc sinh lý, có tạng phủ thích hợp v.v... Người hăm hở lạc quan như ông Reagan khó bắt nhằm tứ thơ nước ủ trăng ê. Người hơi bạo tính như cô nàng Madonna chắc chắn không mấy khi nẩy ra cái ý đêm đêm đi về suốt bãi sông Hằng tới mỏi mê...

— Tốp! Cứ lan man như thế biết bao giờ xong chuyện? Thế tứ lớn tứ con đều do Trời gieo xuống bất thần, vậy đâu là phần ta đóng góp?

— Khi cầu cơ, thì thần tiên giáng bút từng bài thơ làm sẵn, hoàn tất. Thỉnh thoảng cũng có trường hợp một vài thi sĩ bảo có lúc nằm mơ chính tai mình nghe nguyên vẹn những câu thơ tuyệt diệu, thức dậy quơ bút chép lại. Đó là chuyện lạ.

Chúng ta nói chuyện thường. Thường thì khi thi sĩ chú tâm vào đề tài gì sẽ có nhiều ý, nhiều chữ, nhiều tiếng, nhiều cách diễn tả khác nhau nảy ra, kéo xô đến trình diện. Nhà thơ điểm mặt, chọn lựa, xếp đặt dạng thức trình bày thích hợp.

— Có phải ý bạn muốn nói ở giai đoạn này nhà thơ giữ vai chủ động, tự do sử dụng các yếu tố được cung cấp...

— Dieu propose, l’auteur dispose. Trời chỉ gợi ý, tác giả toàn quyền quyết định. Khởi sự tại thiên, thành sự tại nhân.

— Bạn phách lối, phạm thượng.

— Tuy nhiên Trời vẫn không xổ số. Lời hay ý lạ kéo nhau đông đảo, chen lấn nhau trình diện ông Nguyễn Du. Trước bàn giấy ông Nguyễn Diếc, khách khứa lơ thơ. Thẩm thức ông ta lại yếu, ông chọn lựa sai lầm, xếp đặt vụng về v.v...

Thành thử cái tự do của ta cũng chút chút thôi. Bất quá để làm nên sự phân biệt khéo vụng thôi. Cái đẹp không được quyết định ở đây.

— Quá trình sáng tác qua các giai đoạn, bạn nói cứ vanh vách như nắm giữ cả thiên cơ! Như thế là thế nào? Ai có thể tin được một lối leo lẻo vô trách nhiệm như vậy?

— Đừng tin cả. Tôi... tôi chẳng qua chỉ suy diễn, ức đoán. Nên tin chút chút. Trái lại, nếu bạn tuyệt đối không chịu tin tí nào, thì tôi nghỉ chơi. Vì bạn thuộc phần tử cực đoan, bạn cực đoan như ông Buchanan. Không tốt.

— Nói chuyện với bạn mất cả thì giờ. Nói mãi một lúc vẫn không biết bài thơ đẹp ở đâu.

— Bất cứ nói chuyện với ai, bao lâu, cũng không biết được cái ấy. Thơ đẹp như gái đẹp. Thấy hay không thấy, tự mình. Không giải được. Tùy tạng người: Kẻ thích gầy người thích béo, kẻ hợp với vẻ sầu muộn người ham tươi tắn...

— Tắt một lời. Bỗng dưng có dịp gặp bài thơ hay, làm thế nào?

— Chỉ đọc, không nên làm gì khác. 

Thơ đẹp như gái đẹp. Hoặc nhất kiến bị cú sét đánh: bắt ngay, mê ngay. Hoặc như lửa gần rơm, chung đụng chầy ngày, cứ dần dần ngộ ra, đâm mê mẩn. Ngoài ra, đừng làm gì cả.  

— Thế... thế ngộ lỡ gần gũi chung đụng mãi mà lửa nó không chịu bén rơm...

— Ơ hay! Sá gì cái thơ cái thẩn mà cứ đeo đẳng mãi, ai chịu thấu? Vất bỏ nó đi, xa lánh hẳn nó đi. Tìm những cái khác: Truyện ông Đác-ta-nhăng, truyện ông Lệnh Hồ Xung, truyện điệp viên 007 v.v... mà đọc. Tìm sách tiếu lâm, sách bí mật phòng the mà nghiên cứu. Ngộ cấp kỳ, lo gì?

3 – 1996
1. Tên một tác phẩm của Phan Ngọc.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/12/vo-phien-binh-tho.html?utm_source=BP_recent
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001