Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Đôi điều hỏi ông Phan Trung Lý 


Ông Phan Trung Lý là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thái Hữu Tình (Danlambao) - Điều 4 Hiến pháp vẫn quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất được “lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Để khẳng định ý chí không thể lay chuyển ấy, các Tổng Bí thư và các quan chức về Tuyên giáo luôn tuyên bố Đảng Cộng sản Việt Nam không chấp nhận đa nguyên đa đảng. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thì nói rất thực lòng “Bỏ Điều 4 là (đảng) tự sát”! Trong thực tế những người phản đối Điều 4 (mà TS luật Cù Huy Hà Vũ là một tiêu biểu) quả nhiên đều bị trừng phạt nặng nề. Tất cả những điều ấy cho thấy ở nước ta việc phản đối Điều 4 là việc cấm kỵ.

Thế nhưng, thật sung sướng đến lạ tai, tại cuộc họp báo triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chiều 29/12, ông Phan Trung Lý khẳng định: “nhân dân có thể cho ý kiến đối với Điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả”!

Thật là một làn gió mới! Nhưng vì những ấn tượng ngược chiều vốn có như đã nói trên,“làn gió mới” này vẫn còn ngập ngừng, chờ sự giải đáp một vài câu hỏi ở nơi ông Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp:

1. Được có ý kiến và không có gì cấm kỵ có nghĩa là có thể được phép tán thành hoặc không tán thành đối với Điều 4 (cũng như các Điều khác), tán thành hoặc không tán thành sự lãnh đạo duy nhất của ĐCS! Thế nhưng, trường hợp không tán thành sự lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản thì tất nhiên phải có sự lãnh đạo của một đảng khác nào đó thay thế ( để có thể thay nhau từng nhiệm kỳ), và như thế tất nhiên phải có ít nhất một đảng khác, nghĩa là đa đảng? Vậy xin hỏi ông Phan Trung Lý có chấp nhận sự “tất nhiên” theo lô-gích không thể chối cãi ấy không? (Nếu không, tức là có cấm kỵ rồi !).

2. Bên cạnh câu nói hết sức cởi mở, tự do ấy (đến Điều 4 mà không có cấm kỵ gì kia mà), ông Phan Trung Lý có đưa ra hai nhân tố mang tính chất điều kiện của tự do là “những định hướng lớn, nguyên tắc cơ bản vẫn giữ nguyên” và “sẽ quyết định theo đa số”?

Xin được hỏi:

- Nếu ấn định trước là phải giữ nguyên những điều mà ông cho là “định hướng lớn”, là “nguyên tắc cơ bản” thì đó chính là những yếu tố cấm kỵ (như trên đã nói), không thể nói “không có gì cấm kỵ” được.

- Điều ấn định có tính nguyên tắc ấy mâu thuẫn với tiêu chuẩn “đa số” mà ông nêu ra, vì nếu đa số yêu cầu thay đổi một “nguyên tắc cơ bản” đã cũ không còn thích hợp thì sao, sẽ theo đa số hay theo nguyên tắc cũ?

- Đến lượt tiêu chí “đa số” cũng là một yếu tố rất mập mờ. Đa số trong những ý kiến đóng góp, hay đa số trong ban soạn thảo, đa số trong Quốc hội hay đa số trong toàn dân? Mặt khác không phải bao giờ Chân lý cũng thuộc về đa số một cách “cơ giới”, có khi một ý kiến tiên tiến, chí lý lại xuất phát từ thiểu số mà đa số còn chưa nhận ra hoặc chưa có điều kiện tham gia biểu quyết, nhất là trong môi trường mà tự do ngôn luận còn nhiều hạn chế như xứ ta?

Tóm lại, thưa ông Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý, lời tuyên bố “không cấm kỵ gì đối với Điều 4” quả là làn gió mới, nhưng còn chờ vài điều phải được giải đáp (bằng lời nói và bằng thực tiễn) mới có thể thổi bay những nghi ngại vẫn tồn đọng bấy nay. 

30-12-2012

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/12/oi-ieu-hoi-ong-phan-trung-ly.html#more
======================================================================
Xin cụ Lý đừng cho dân chúng tôi ăn 'mơ'! 



Trác Bằng (Danlambao) - "...Ông Lý thay mặt đảng lại hứa hẹn, gieo cho dân một niềm tin hết sức “trung thực”. Chưa đến mùa mơ mà ông lại cho dân ăn “mơ” và tôi tin rằng lại có khối người vẫn thích ăn mơ, tin vào đảng, tin vào nhà nước lại hăng hái góp ý cho việc sửa đổi hiến pháp, để rồi lại bị đảng xỏ mũi như bao lần khác..."


*

Báo VietNamNet đưa tin, tại cuộc họp báo về tình hình triển khai lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi hiến pháp 1992, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định với báo giới: “Ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp" và Theo ông Phan Trung Lý, "nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả”.

Thoạt đầu, những người nhẹ dạ cả tin lại hay quên, hẳn phấn chấn lắm với cái thông tin trên. Nghĩ rằng đảng ta thực lòng trọng dân và thực lòng thay đổi thể chế độc tài độc đảng cho dân được nhờ chăng!

Nhưng không! Hẳn mọi người còn nhớ mỗi kỳ đại hội, đảng đều “thực lòng” mong mỏi nhân dân trong và ngoài nước góp ý kiến dự thảo nghị quyết của đảng. Nhưng cuối cùng, bàn dân thiên hạ đều bị tẽn tò trước đảng. Chẳng có một ý kiến nào, chẳng có một điều khoản nào của nhân dân được đảng tiếp thu, chấp nhận đưa vào nghị quyết. Thậm chí một lời cám ơn của đảng với dân cũng không.

Lần này cũng vậy! Ông Lý thay mặt đảng lại hứa hẹn, gieo cho dân một niềm tin hết sức “trung thực”. Chưa đến muà mơ mà ông lại cho dân ăn “mơ” và tôi tin rằng lại có khối người vẫn thích ăn mơ, tin vào đảng, tin vào nhà nước lại hăng hái góp ý cho việc sửa đổi hiến pháp, để rồi lại bị đảng xỏ mũi như bao lần khác.

Có lẽ người mà tôi tâm đắc nhất là cụ Tô Hải, tác giả của cuốn “Nhật ký thằng hèn” nổi tiếng. Cụ năm nay đã ngoài 80 mà vẫn tỉnh táo, cụ đã nhìn thấu tim đen của con sói đội lốt cừu. Cụ thường nhắc nhở mọi người đừng tin vào bất cứ lời hứa hẹn gì của nhà nước. Đó là sự láo khoét, đó chỉ là trò bịp bợm thôi. Nếu nó thực lòng thực dạ, thì nó đã làm như cái anh Miến Điện họ đang làm thì đó mới là thực tâm. Bằng không chỉ là giả dối, lừa mị mà thôi.

Tôi cũng nghĩ vậy và cho rằng nếu họ thực lòng họ phải soan thảo lộ trình sửa đổi hiến pháp và thực hiện từng bước như sau:

1-Thành lập Ủy ban Sửa đổi và soạn thảo hiến pháp độc lập.

- Thành phần của ủy ban này bao gồm mọi thành phần xã hội, mọi công dân VN, các nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần chính trị. Miễn là người đó có năng lực và trình độ soạn thảo hoặc sửa đổi hiến pháp.

-Thành lập các tiểu ban soạn thảo và sửa đổi hiến pháp các địa phương ở cấp tỉnh, nhằm tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân cả nước một cách thiết thực, đảm bảo dân chủ thật sự.

2- Dừng ngay lập tức việc bắt bớ, giam cầm những người bất đồng chính kiến. Nới lỏng quyền tự do, tôn trọng và tạo điều kiện cho họ tham gia việc soạn thảo, sửa đổi hiến pháp.

3- Nới lỏng việc quản lý tự do báo chí, tự do ngôn luận. Bãi bỏ một số thông tư, nghị quyết cấm đoán quyền tự do dân chủ của nhân dân.

4- Sau khi đã có bản dự thảo sửa đổi hiến pháp, tiến hành cần trưng cầu dân ý, với thể thức thiểu số phải phục tùng đa số theo tỉ lệ % được qui định trong hiến pháp. Việc trưng cầu dân ý có sự giám sát của cộng đồng quốc tế.

Có như vậy thì mới chứng minh họ thật lòng. Còn họ có thực lòng hay không thì điều đó đã chứng minh, mới hôm ngày 29/12/2012, đảng ta đã ra lệnh cho công cụ bắt LS Lê Quốc Quân, kẻ đã cả gan viết bài “Hiến pháp hay hợp đồng đường ống nước” đăng trên mạng BBC mới đây. Họ hứa hẹn đủ điều, nhưng đảng vẫn là người cầm trịch soan thảo sửa đổi hiến pháp, thì khó lòng có điều gì thay đổi. 

Viêc sửa đổi lần này cơ bản là để sắp xếp lại bộ máy nhà nước cai trị, sao cho công bằng về quyền lực và lợi ích trong nhóm mà thôi.

Cụ Tô Hải đã nói đúng! Bản chất của nó là “sói vẫn hoàn sói” không bao giờ nó chiụ thay đổi. Trừ khi trái đất đến ngày tận thế, hoặc do chính người dân bằng cách nào đó, lật đổ được họ thì mới mong có sự đổi đời

Hà Nội, ngày 30/12/2012

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/12/xin-cu-ly-ung-cho-dan-chung-toi-mo.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001