Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

ĐẢNG PHẢI CHUYỂN HÓA NHƯ THẾ NÀO TRƯỚC TÌNH HÌNH ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY ? 

Đoàn Vương Thanh. 
Trước, trong vài sau Đại hội VI, Trung ương đảng Cộng sản cổ vũ rất mạnh toàn đảng, toàn dân, toàn quân "đổi mới tư duy" trước hết là "tư duy kinh tế". đến nay sau gần 30 năm thực hiện "đổi mới", những kết quả do "đổi mới" mang lại cũng có ý nghĩa lịch sử, trước hết là Đảng nhận ra những sai lầm của mình, trong đó có những sai lầm nghiêm trọng về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, đã gây hại không biết bao nhiêu mà kể, nhân dân và nhiều đối tượng cán bộ đến nay vẫn nhớ như in. Nó như một vết hằn lịch sử, và buồn thay, chúng ta phải đổi rất nhiều sinh mạng, để có được Nghị quyết Đại hội VI. Tiếc rằng, những "cái đầu bảo thủ" trong Đảng, đã không kịp thời nhận ra những cái "chưa đổi mới", nhất là "chưa đổi mới triệt để" cả về nội trị lẫn ngoại giao, để hậu quả không lường được mà nhân dân, đảng viên, cán bộ ta đang phải gánh chịu.
Vào cuối thập kỷ 80, một thập kỷ đáng nhớ, Đảng ra nghị quyết về "đổi mới", trước hết là đổi mới tư duy. Đúng, chúng ta đã đổi mới tư duy, nhưng lại "sợ" nhiều vấn đề, trong đó có sợ mấy "vị tiền bối" đã già, lớn lên trong thời kỳ đầu cách mạng và kháng chiến, thời gian cho việc "đi học" không nhiều, mà phần lớn "học" được ở những nơi họ đã làm, và họ đã thành công và thất bại, tức là kém tự chủ suy nghĩ mà còn bị "giáo điều rất nặng". Chính vì, có nhiều cái "sợ" nên đường lối chủ trương vẫn cứ phải bám lấy "một chủ thuyết đã lỗi thời", những quyết sách không phù hợp với nước ta, nên đã có những sai lầm nghiêm trọng.
Mang so sánh những công lao, thành tích của Đảng trong suốt 83 năm qua, chúng ta ngày nay rất khó xác định được, đâu là "công" đâu là "tội". Nhìn xuyên suốt thời gian dài ấy thì, theo các "nghệ thuật tuyên truyền" chúng ta thấy nổi lên toàn là "thành tích", "kinh nghiệm", "lý luận và thực tiễn" và một thời gian dài, đi đến đâu, làm việc gì, xây dựng hay chiến đấu, tư tưởng hay tổ chức...tất thảy đều "có công ơn của Đảng!"
Đảng là tuyệt đối đúng. Nghị quyết của Đảng ở bất kỳ cấp nào cũng đều đúng. "Bệnh ban phát công ơn" làm cho đảng mờ mắt, người nước ngoài bảo gì cũng nghe, thấy họ làm thế, ta cũng làm thế ắt sẽ thành công. Cuối cùng thì cái gì không phù hợp với dân tộc và đất nước ta, tự nó bị đào thải. Vậy mà cho đến ngày nay, khi đất nước đã tiến vào thế kỷ XXI, mà những cái đầu bảo thủ nằm trên vai những thân hình sống ngót trăm năm, làm sao có thể nhận thức ra. Cuộc cải cách ruộng đất, muốn nói gì thì nói là kết quả của sự giáo điều tệ hại. Đúng ra, vào những năm 1930, ở ta có một Đảng chính trị là "Quốc Dân Đảng Việt Nam" (Tôi nhấn mạnh Quốc Dân Đảng Việt Nam") chứ không phải "một chi nhánh của Quốc Dân Đảng Trung hoa, do Nguyễn Thái Học và cộng sự của ông tổ chức ra và lãnh đạo, cũng với ý muốn giải phóng dân tộc khỏi gông xiềng nô
lệ, nhất là nô lệ ngoại bang. Nguyễn Thái Học đã nêu một tấm gương về lòng yêu nước, ngày nay lịch sử đã ghi công và thủ đô Hà Nội có một đường phố mang tên Ông. Nhưng tiếc thay, đến khi ta làm CCRĐ lại thấy chỗ nào cũng có "Quốc dân đảng", thêm chữ "phản động" và quy kết hầu hết các chi bộ, các cán bộ đảng ở cơ sở là "quốc dân đảng phản động", xử trí hàng nghìn đảng viên bị tử hình (không có án) và tù tội từ 15 năm đến 20 năm. Giáo điều đã mạng lại những kết quả tệ hại như vậy.
Giá như Cụ Hồ Chí Minh không nhỏ lệ khi được nghe báo cáo của những người dũng cảm và tâm huyết, thì chưa chắc chúng ta đã làm cuộc sửa sai thành công. Sửa sai chỉ sửa được những cái sai bề nổi, còn bao nhiêu "đồng chí" bị giết oan, thì làm sao lấy lại được. Chẳng lẽ, cứ giáo điều như thế?
Ngày nay, những thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba, thế giới có nhiều chuyển biến mau lẹ. Hệ thống xã hội chủ nghĩa (hay còn gọi là phe xã hội chủ nghĩa, do Liên Xô đứng đầu) đã sụp đổ hoàn toàn, những đất nước xã hội chủ nghĩa trước đây, do đảng Cộng sản lãnh đạo tuỵệt đối và toàn diện, đi theo một hướng khác phù hợp với đặc điểm từng nước, nhưng có điểm chung là "không cộng sản" mà vẫn tiến lên. Nước Nga của Ông Pu-tin ngày nay phát triển nhiều mặt mạnh hơn nước Nga khi còn nằm trong Liên bang Xô-viết, do Đảng Cộng sản Liên Xô lãnh đạo.
Các nước Đông Âu cũng vậy. Họ không còn Đảng cộng sản lãnh đạo, nhưng vẫn phát triển, nhất là về kinh tế và chế độ dân chủ. 
Ở châu Mỹ La-tinh, Cu ba là một điển hình của nhận thức mới và cách làm mới, mặc dù "Ra-un" cũng đã ngót nghét 100 tuổi rồi và kế tục rất sáng tạo Phi-đen ! Ở Châu Á, Trung Quốc là nước cộng sản đông dân nhất, trải qua rất nhiều cuộc "cách mạng" khiến hàng trăm triệu người hi sinh, ngày nay vẫn còn Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhưng đường lối chủ trương chính sách không còn giống hệt hoặc sao chép nguyên xi thời Mao Họ nói xây dựng chủ nghĩa xã hội "hài hoà". Cái hài hoà của họ có thể áp dụng thích hợp với đất nước họ, dân tộc họ, nhưng nước khác, người khác không thể bê nguyên xi áp dụng cho đất nước mình. Nếu làm như vậy dứt khoát thất bại. Cách mạng là điều tự thân, học hỏi thiên hạ những kinh nghiệm tốt nhưng khi áp dụng vào mình lại phải phù hợp và là của mình.
Một thời gian, trên các phương tiện thông tin và trong các trường giáo dục lý luận cho cán bộ, chúng ta nhấn rất mạnh Đảng là trí tuệ, là lương tâm thời đại. Nói vống lên thế thôi, chứ thật ra Đảng không phải là Thiên thần, cũng với trình độ học vấn nhất định, cũng với nhận thức là một quá trình, cũng với động cơ có lúc sai lệch và cũng có những quan điểm đường lối chính sách nhiều khi chưa phù hợp, làm hại dân, như lịch sử 83 năm qua đã chứng minh, không một người nào có tuổi là không biết. Họ có thể liệt kê "những sai lầm nghiêm trọng" của đảng, và theo đó là những thiệt hại ghê gớm mà nhân dân, cán bộ, đảng viên phải gánh chịu. Trên đất nước ta, không ít người chịu oan ức mà chưa được minh oan hoàn toàn, nhiều sự kiện lớn chưa được đánh giá đúng mức, hàng vạn thanh niên và nhân dân bị hi sinh trong suốt 10 năm chiến đấu chống xâm lược Trung Quốc biên giới phía Bắc, chống "diệt chủng" biên giới tây nam và quét Phun rô ở Tây Nguyên. Sau khi thống nhất nước nhà, có một số cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng đã dõng dạc tuyên bố "từ nay về sau không một kẻ xâm lược nào dám xâm phạm bờ cõi nước ta !" Sự chủ quan ấy đã mang lại nhiều tai hại và kết quả, những cuộc chiến sau 4-1975 vẫn là chiến tranh và chúng ta vẫn hi sinh nhiều người, nhiều của. Ngày nay, chúng ta có hoà bình nhưng chưa có thanh bình, vẫn cần có lực lượng quân sự đủ mạnh và chiến tranh nhân dân đủ sức chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Trong khi đó, đất nước còn nghèo, làm gì cũng phải đi vay. "ODA" không phải "miếng chín" nuốt vào dễ dàng. Thế hệ này chưa trả nợ "ODA" xong thì để đến thế hệ sau. Con cháu ta bây giờ, đối với những người có học thức và hiểu biết, rất sợ Nhà nước ta "vay nhiều ODA !". Nhưng nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản ngày nay phần lớn đã có tuổi, trong đó có một số đã già, mà già thì theo quy luật, vẫn phải từ giã cõi đời. Chính vì sợ "từ giã cói đời" nên có một số "bố già, mẹ già" tranh thủ mọi thời cơ "tích luỹ" phòng xa" ít nhất cũng làm giầu cho "mát mặt".
Ai đã ký quyết đinh, ký nghị quyết duy trì quan điểm "kinh tế Nhà nước là chủ đạo ?" Mới chủ đạo được hai kế hoạch 5 năm mà đã "thua" liểng xiếng. Một đồng ngân sách Nhà nước là tiền thuế của dân, tiền lợi nhuận doanh nghiệp đóng góp chứ không phải trên trời rơi xuống, hoặc "ông cả, ông hai" nào cho không. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, như Nghị quyết Trung ương 4 chỉ rõ, không nên úp úp mở mở. Dân Việt Nam không dễ bị đánh lừa đâu.
Tôi đề nghị chúng ta bớt bớt cái lỗ miệng, thùng rỗng thường hay kêu to. Tất cả phải đi vào thiết thực. Đã mười năm phát động, rồi tổng kết, rồi khen thưởng phong trào học tập, làm theo "tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh !" Đạo đức Hồ Chí Minh là kinh thánh cao xa đâu mà cứ phải phát động mãi; đạo đức của Người là nhận thức và hành động hằng ngày của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Tại sao, càng phát động học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh mà tham nhũng ngày càng tinh vi, ngày càng đông đặc, của cải đất nước ngày càng bị thất thoát.đạo đức xã hội càng ngày càng suy đồi Những kẻ tham nhũng được thì càng ngày càng giầu có, tiêu không bao giờ hết tiền, ăn không bao giờ hết sơn hào hải vị, ở không bao giờ hết nhà lầu, đi không bao giờ hết xe ô tô loại xin nhất thế giới và muốn "đú đởn" cũng không bao giờ hết "chân dài" ! 
Ôi mang tiếng "cộng sản là công bộc của dân" mà có đời sống như vậy thì không một ai không muốn làm công bộc. Nói về vấn đề này bây giờ có thể nói một năm, mười năm cũng không hết, không tạm dừng được. Vậy thì đảng muốn duy trì "Điều 4" trong Hiến pháp thì phải dứt khoát "đổi mới tư duy" đổi mới về tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội, gắn bó thật sự, làm công bộc thật sự, phục vụ nhân dân đến nơi đến chốn, kiên quyết chống mọi biểu hiện của bảo thủ, giáo điều, chủ quan cái gì cũng cho là mình đúng, không chịu nghe lời. Các cụ ngày xưa đã dạy "Bảy mươi học bảy mốt" mà ngày nay, Đảng có là thánh đâu mà đã là đảng rồi thì không chịu học nữa. Các vị Giám mục của Thiên chúa giáo nước ta đã có kiến nghị rất trí tuệ, liệu đảng có chịu nghe không ?
"Kiến nghị 72" của các nhà trí thức tầm cỡ nước ta có lọt tai Đảng không ? Vì sao Bác Hồ của chúng ta dạy "Quân đội ta trung với nước" sao lại xuyên tạc "trung với Đảng" ? Đất nước ta đã có 4000 năm (theo học sử), nhân dân ta đã có hàng nghìn năm, đã oanh liệt chiến đấu bảo vệ non sông gấm vóc, "một tấc không đi, một li không dời !" Nhân dân ta sinh ra Đảng cộng sản, Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ, cũng sinh ra những tổ chức chính trị xã hội khác, chứ không phải đảng cộng sản sinh ra đất nước, Tổ quốc và dân tộc Việt Nam. Đảng có "công lao trời biển" đi chăng nữa cũng là tính từng giai đoạn thôi, ấy là chưa nói đến những sai lầm của Đảng đã làm lu mờ công lao của Đảng rất nhiều, nếu trong hoàn cảnh thuận lợi nào đó, chính những sai lầm của Đảng trở thành cái có thể làm tan vỡ Đảng, chứ không thể làm đất nước ta xụp đổ !
Đ.V.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001