Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Hiệu quả Chính trị là gì?
 Nguyễn Quang dịch, WiseGeek
Trích từ Một góc của tôi
Hiệu quả chính trị là một thuật ngữ được sử dụng chủ yếu trong lý thuyết và thảo luận chính trị để đề cập đến mức độ lòng tin và tác động đối với chính phủ mà các công dân cảm thấy hoặc tin là họ có. Hiệu quả chính trị thấp cho thấy công dân của một quốc gia có ít lòng tin đối với chính phủ của họ và cảm thấy dường như hành động của họ có ảnh hưởng rất ít hoặc không có ảnh hưởng nào đối với hành động của các nhà lãnh đạo chính trị của họ.  Trái lại, mức độ hiệu quả cao thường cho thấy công dân tin rằng chính phủ của họ đang làm những gì tốt nhất cho họ và những hành động mà họ cùng chung tay thực hiện có thể có một tác động tích cực đối với chính phủ. Loại thông tin này thường được xác định thông qua thăm dò ý kiến và điều tra, và được sử dụng bởi các chính trị gia và các phương tiện truyền thông, báo chí để hiểu được tình hình chính trị của một quốc gia hoặc khu vực.
Khi nghiên cứu khái niệm này, các nhà khoa học chính trị có xu hướng phân chia hiệu quả chính trị thành hai hình thức: nội tại và ngoại tại. Hiệu quả nội tại liên quan tới việc người dân cảm thấy kỹ năng, kiến ​​thức và năng lực của mình có thể có ảnh hưởng như thế nào đến hệ thống chính trị. Loại hiệu quả này thường cho thấy khả năng một người dân đi bỏ phiếu hoặc trở nên tích cực về mặt chính trị, khi họ cảm thấy những gì họ có thể cống hiến thực sự có thể có tác động đối với hệ thống chính trị. Trong khi còn có một số tranh luận về mối quan hệ nhân quả tiềm năng giữa hiệu quả chính trị và số cử tri đi bầu, thì dường như đã có một sự tương quan mạnh mẽ giữa những người có hiệu quả chính trị nội tại cao với khả năng họ tham gia bỏ phiếu.
Hiệu quả ngoại tại liên quan tới việc người dân cảm thấy chính phủ đáp ứng các nhu cầu của họ như thế nào và hệ thống chính trị và chính phủ phản ánh các nhu cầu và mối quan tâm của họ tốt đến mức nào. Loại hiệu quả này có thể có liên quan nhiều đến lòng tin và mức độ người dân cảm thấy chính phủ quan tâm đến họ hay nhu cầu của họ và của những người như họ. Hiệu quả ngoại tại thấp thường có thể cho thấy sự thờ ơ đối với các chính trị hoặc chính phủ, và công dân có cảm giác rằng chính phủ không đại diện cho họ.
Cả hai hình thức này có thể được sử dụng như các chỉ số tiềm năng cử tri đi bầu, cũng như thái độ hiện hành đối với chính phủ và độ phổ biến của các phong trào chống bảo thủ/phản chính thống. Những người có hiệu quả chính trị thấp thường có xu hướng ủng hộ các ứng viên cải cách, mặc dù họ có thể không thực sự bỏ phiếu bởi vì họ cảm thấy rằng hành động của họ không thực sự ảnh hưởng đến tiến trình chính trị. Hiệu quả chính trị cao thường thấy ở những người có khả năng sẽ đi bỏ phiếu vì họ tin rằng họ có ảnh hưởng đến chính phủ, và có thể hỗ trợ người đương nhiệm bởi vì họ cảm thấy chính phủ đã đại diện cho họ một cách có hiệu quả.
nguồn:http://phiatruoc.info/hieu-qua-chinh-tri-la-gi/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001