Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Nguyễn Văn Tình - Gia Tài Của Nhã

Nguyễn Văn Thà
Sẽ có một ngày,
trời thu Hà Nội trả lời cho tôi.
Sẽ có một ngày,
từng con đường nhỏ trả lời cho tôi.
Trịnh Công Sơn, Nhớ Mùa Thu Hà Nội.

Đời êm như tiếng hát đầu đời dành cho người tình. Đôi khi trong cuộc đời người ta bỗng thấy cần nâng niu cuộc đời. Những ”đôi khi” như thế ít lắm, có chăng khi yêu, mà tình yêu trong quãng sống phù du thì chẳng mấy khi có được. Cho nên tình nhân hối hả khi niềm vui lớn một ngày từ trời rơi xuống đời nhanh, hối hả mà vẫn cẩn trọng nâng niu đến tận cùng, tận cùng từ hơi thở, tận cùng đến bước chân. Và người ta thở nồng lửa hỏa ngục hào hoa, người ta thở sinh khí anh đào linh loạn dâng người tình đầu giây, đầu phút, đầu giờ, đầu ngày, đầu năm, đầu đời.


Tình nhân, họ rơi xuống nhau,
Độ lượng và ngọt lịm cơn mưa nhiệt đới.


Và đời ơi, tóc có trắng, nhưng tình nào bạc; tình vẫn đỏ au màu mận, sắc đào, cả khi rơi xuống bên đời chật vật; chết, mà lịm như những cánh hoa đào khi sống hãnh diện dâng cho tình nhân sành điệu sắc màu, dáng hình, khi tan rữa vẫn rạng rỡ nắng xuân ấp yêu, gió xuân nuông chiều, mưa xuân trọng vọng! Thảm-chết chẳng khác chiếu song hỉ là mấy.
Thiên thu như không có ở đây.
Ngàn năm bỗng trở nên dư thừa.

***

Những người con gái xứ Việt từ những thiên kỷ nào vẫn mong ước thiên thu cho tình mình, nhưng những thiên thu ấy hiếm hoi, chẳng mấy khi có được, mà có được cũng quá ít, ít như tiền mừng tuổi đầu năm từ ông bà nghèo xơ, cha mẹ chắt bóp. Chắt bóp cách mấy cũng phải chịu thua đời ngoài lạm phát phi mã. Đất nước Việt Nam từ khi Nhàn, rủi thay, sinh ra đời triền miên lạm phát phi chiến mã của những cương thường phách lối, những lý thuyết kinh tế miễu bà, đền ông. Những cơn lốc đồng bóng ấy dai dẳng từ đời cha, lộn lại đời ông, qua đời Nhàn, xuống tận đời Nhã, con gái đầu lòng của Nhàn. Xót xa chưa, cô gái nhỏ ấy chưa chi đã có dáng dấp thướt tha mộng, mộng vàng dưới hoa; đôi chân cô bé là để nhảy nhót trên đường đời không nhung lụa, thì ít ra cũng không phải bùn lầy; đầu là để ngước cao trời rộng, chứ không để cúi gầm góc nhà lá vá lưới.

***

Nhàn là người đàn bà có nhan sắc, lại lấy được ông chồng vừa ý, có một gia đình thoạt đầu không đến nỗi nào; hạnh phúc đơn sơ dễ có, dễ thấy như những gia đình của những ngày an bình năm cũ chiến tranh. Nhưng những an bình mà Nhàn biết được đó càng ngày càng rút nhanh như thủy triều ngày rằm, như giòng máu bị ma cà rồng gấp gáp rút kiệt. Những con ma đồng lầy đang chờ ngoài cửa, chỉ đợi những vốn chấn chắt chiu bị cạn là nhào vô ngay. Những vốn chấn vật chất càng lúc càng mòn, những vốn chấn tình người càng ngày càng bạc.

Và không cần phải nói ra, chị cũng như mọi người khác chẳng ai muốn mãi mãi vừa còng lưng vá lưới, mướt mồ hôi làm cỏ, vun khoai, nhổ mạ, cấy lúa, nhìn luống khoai mơn mởn, nhìn thửa ruộng trĩu hạt chưa kịp mừng, đã bị bị bình mức, bị đóng thuế đến độ khoai cũng không có đủ mà ăn độn, lại còn phải nhìn mặt phỗng đỏ đi lên đi xuống đi ra đi vào, rồi còn phải nghe loa. Ăn, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ, làm việc, chẳng chạy đâu cho khỏi nắng, loại nắng độc địa, làm bức rứt, làm điên người đó. Nhưng lưỡi yêu tinh vẫn ngày ngày phà những tiếng đời trơ tráo: tiếng của lúa ngô khoai đầy kho lẫm, tiếng than thép trùng trùng vùng mỏ, tiếng trí tuệ, tiếng anh hùng vang vang thế giới... Nghe những tin tức ấy, người ta cứ ngỡ mình đang bước vào một cõi sống tùng phèo, bây giờ và mai sau con cháu. Nhưng buồn chưa, chị Nhàn chưa thoát khỏi được một bộ lạc mà cọc cột trâu cũng muốn đi, để được như tám mươi phần trăm gia đình khác thôn Bình Bát!
Gia tài người ấy để lại đời sau, gia tài miệng lưỡi.

Và, những năm ấy, ngoại trừ những kẻ còn bị loạn sắc nặng nhìn xanh ra đỏ, ai còn may ở lờ ngoài, chưa đến nỗi bị lừa hoặc bị lùa vào lờ trong, đều muốn thoát, dĩ nhiên, vì chén cơm, con cá, tờ giấy trắng, những món thời trước không có gì đáng bàn tới, nhưng từ ngày những anh hùng cứu nước vào, tuy được hô hào ầm ĩ, nhưng chúng lại biến mất nhanh chóng khỏi mâm cơm, bàn học hàng ngày và thay vào đó những thứ khó nuốt, thứ chi chi đâu.

Rồi cái biển Đông ấy, cái biển cho con cái mình tôm to, cá lớn đầy thuyền, cái biển bao la ấy không còn là Mẹ người nữa, mà là biển lú âm phủ chỉ chực nhận chìm người, tiếng dạt dào của nó là tiếng lải nhải bà chằng nước chỉ chờ chực nhai xác những hình nhân chực tàn phai trên bờ sống ngắn ngủi mà quí giá nhường bao. Khi Mẹ không nhận chìm được, thì Mẹ đẩy lùi xua đuổi con mình về với đế quốc rừng rú có những giống người hình thú đang cười nụ chờ đám người tơi tả về ở với họ cho tròn chính nghĩa.

Những năm ấy bao trẻ đành phải thôi học, lúc khi không xuất hiện hàng hàng lớp lớp những kẻ nói cà lăm: ”Học, học nữa, học mãi.” Họ được đào tạo ở những trường cà lăm chính quy nổi tiếng, (nổi tiếng thế giới chỉ mỗi loại trường này.) Hậu quả là những tờ giấy trắng thay cho những lá bùa đỏ hợm. Vầng trán mặt trời hoen huốc đường đời lếch thếch. Học hành lếch thếch; lếch thếch chăn bò, kéo lưới, chèo thúng.

Gia tài của mẹ để lại cho Nhã có gì?

Không có gì, ngoại trừ một nhan sắc buồn héo, và một đầu óc mệt mỏi.
Gia tài cha Nhã?

Có đấy, anh Mùi, mùi rượu càng ngày càng lợm, nhưng còn tiếng gà nòi gáy hào sảng.

***

Nhàn lúc trước đậu được cái bằng tú tài một, “chữ nghĩa một bụng”; rồi chị còn đậu cái bằng vĩ đại nhất của đời con gái: lấy được tấm chồng xứng đôi vừa lứa, dù anh chỉ là một người thất thế, một sĩ quan ngụy. Nhưng anh Mùi từ khi lấy chị Nhàn về lại đâm thích rượu, chỉ thương vợ vậy vậy, và thích nuôi gà nòi. Độ sau này rượu càng đậm, lại còn chửi bậy quá sức: ”Đ. m., gì thì gì tui cũng là chồng bà, nghe chưa!” Thậm chí: ”Nhà không có tiền, mà còn cứ bày đặt hôm thì son Đại Hàn, hôm thì mát ca ra làm cái c. gì! Để tiền cho thằng ni mua rượu có hơn không?” Khi tỉnh rượu anh lại xin lỗi xin phải, nhưng rồi chứng nào lại tật nấy. Có bữa còn chửi tục tĩu, chửi lâu: “Bút mực sao bằng bút thịt. Có bút mực không có bút thịt thì làm cái đách gì!”

“Cái anh ni chắc những ngày ở tù, rồi lại biệt giam ăn cháo lỏng lâu làm hỏng bộ óc anh hay sao mà!?” Chị Nhàn chỉ nói vậy.

Thường thì sau mỗi lần chửi đậm xong, anh lại ôm gà nòi đi đâu đó cả tuần mới về. Ruộng nương để mặc, lưới chài kệ thây. Lại còn bạn bè nhậu nhẹt.

Hồng nhan bạc mệnh, ai ai cũng tiếc.

Không làm ruộng nổi, Nhàn xoay qua nghề bán thuốc tây. Lúc đầu sáng nào cũng đạp xe lên chợ tỉnh ngồi bán thuốc tây, hoặc đi kiếm thuốc tây bán lại theo toa bác sĩ. Sau nhờ quen với toa thuốc, Nhàn thành bác sĩ chợ trời. Nhàn còn là người có nhan sắc lại còn biết trang điểm, ăn mặc gọn gàng tươm tất, có lẽ cũng vì thế chị trở thành bà lang mát tay hơn các bà lang rừng khác. Người mua thuốc đủ loại, đủ giai cấp. Nhưng bỗng một ngày thuốc chị bị hốt sạch, hốt ở ngoài chợ, hốt luôn ở nhà, lại phải ở tù, và dám phải ở tù lâu. Nhưng phước đức ba mươi đời, không biết sao chỉ mấy tháng trong trại giam cứu, Nhàn được thả ra.

Trong thời gian ấy, cái chiếc xe đạp láng boong của bà bưu điện láng cóng (nhờ tiền báo hỉ) từ trên bưu điện xã cách thôn Bình Bát sáu cây số, vẫn hầu như ngày nào cũng chạy xuống làng, hoặc để mang tin vui, hoặc để chia vui, và sau đó đèo tin vui về. Nói phải tội, cũng nhờ ông chồng trở thành thương binh, bà mới được cái việc mang tin vui từ một nước đang sản xuất tin vui, từ chính cái đế quốc mà chồng bà đã hi sinh xương (ông bị cụt hai chân), và bà đã hi sinh máu (không dám ăn no, để tiếp tế) suốt tuổi thanh xuân để đánh đuổi cho kỳ được. Giấy báo hàng (Mỹ) rơi đầy mái rạ thôn Bình Bát. Số lượng tin vui nhiều thế cũng đủ biết lòng hiếu thảo của người bên kia như thế nào; còn chị Nhàn, cha mẹ già rút hết ruột gan để chị có được một bụng chữ nghĩa vô ích. Những chuyến xe thư thơm đều đều như thế, rõ tấm tình anh em người Việt xa quê; chị Nhàn có chín anh chị em kẹt lại quê, càng ngày càng khó thương nhau.

***

Sáng sớm mắt nhắm mắt mở, vạch quần đái dưới gốc cây mận hồng đào, nơi đêm qua mới trộng con gà nòi mới đá độ về chiều qua, anh Mùi tá hỏa:
”Nhàn ơi, con gà nòi mất mẹ nó đâu rồi! Đ. m. cái thằng Năm Chai người Chàm chơ ai vô đây! Tay nó có ngãi mà, bắt gà, gà không kêu.? ”

“Không có má ở nhà, má đi chợ hồi năm giờ sáng rồi.” , Nhã, con gái anh nói

“Mi đến nhà cái thằng cha Chàm dọ hỏi giùm ba được không?”

”Chưa bắt được tay, vay được cánh mà cứ nói bậy, lại còn bắt con đi dò, con sợ ông ta yếm hai cha con mình sình bụng... Con không dám đâu!”

”Tau nghe thằng Tư gần nhà mình nói cách đây mấy bữa nó thấy cái thằng Chàm đó trời chạng vạng cứ rà rà quanh nhà mình. Tính đưa con gà vào nhà nhốt lại quên. Má mi tau còn quên nữa là. Mẹ, cũng vì ba cái chén rượu!”

“Ba cứ nói thàm không hà! Trước khi má đi má dặn con bảo ba ăn uống xong phụ với con vá lại mấy tay lưới, rồi ba trét chai lại cái thúng, trời lặng ra đi biển kiếm con cá con mắm, kẻo trời bấc sắp đến nơi rồi, rồi ra coi chừng ruộng sâu rầy đỡ chưa....”

“Thôi, bữa khác, bữa ni rêm mình quá. Cũng ba cái thứ rượu sắn, nghe nói mấy mụ Quảng Trị nớ còn nhỏ thuốc sâu vào cho trong rượu nữa đó Nhã!”

“Biết vậy, ba đừng uống nữa!”

“Tại thèm quá, cầm lòng không đặng. Mà Nhã nầy, kỳ này, sao tau thấy má mi cứ hay đi đâu đâu?“ Rồi anh Mùi bỗng gằn giọng, “Đi đâu, đi đâu, hả Nhã?”

“Ba nói chi lạ vậy! Má đi kiếm mánh thuốc tây mà ba!”

“Sao má mi không kiếm mánh vượt biên, một được hai thua? Mà nhà mình cũng chẳng có gì mà thua, phải không Nhã?”
“Ba nè ba, ba nói nho nhỏ, tai vách mạch rừng. Coi chừng tới tai ông Thuận công an biên phòng. Nghe nói ai sa vào tay anh hô Thanh Hóa đó thì chỉ có nước về uống thuốc bẩm mút chỉ đó ba.” Rồi mắt của Nhã trở nên mơ màng: “Cái xứ Thanh Hoá là cái xứ vua Quang Trung khi ra Bắc đánh Tôn Sĩ Nghị đã dừng lại đó tuyển quân. Đất của tráng binh, nhưng cũng là đất của kiêu binh.”

“Mi nói cái chi? Mi mới có mươi tuổi mà cái chi cũng biết.”

“Thì má kể cho con nghe. Má nói ngày xưa má đọc nhiều sách lắm, nên má biết nhiều chuyện.”

“Chữ nghĩa văn chương không bằng cái xương cá trích!”

“Ba nói chi lạ vậy!? Má nghe được, má buồn. Mà ba hồi trước, con nghe má nói, ba cũng đi học cao vậy! Thôi ba súc miệng ăn đỡ mấy củ khoai đợi má về, con ra biển xem thuyền thúng chú Thân vào chưa, xin chú mấy con về nấu canh chua lá me cho ba ăn.”

***

Chẳng bao lâu chị Nhàn được đứng vào hàng ngũ tám mươi phần trăm có phước của thôn Bình Bát. Chỉ mình chị với con Nhã đi được. Hôm hai mẹ con chị đi, anh Mùi nhậu với bạn say khướt, nhậu ngay tại nhà vợ chồng chị Nhàn.

Chị qua được Mỹ, nghe nói làm ăn giàu có mau hơn người. Con Nhã học hành đâu vô đó.

Trong những năm đó, ở bên này, anh Mùi buồn thiệt buồn. Anh không nói năng gì nhiều. Lại đi uống rượu, lại say nhiều hơn. Tiền bạc bất cần biết, ai xin cũng cho. Cũng không thấy anh đề cập gì chuyện đi đoàn tụ, có lẽ những năm ấy khó khăn hơn những năm sau này. Và anh chỉ đi làm cho có làm. Nhưng rồi bỗng một hôm, trời mưa, anh giòng xe bò chở cái gì đó không biết, mưa lớn sấm sét, con bò đực kéo xe trở chứng, phá xe. Anh Mùi tháo bò, cột vào cọc rào, vừa đập con bò đực túi bụi bằng roi cước, vừa chửi: ”Đụ mạ mi, đụ mạ cái thằng già khốn nạn!” trước trụ sở thôn có hình bác Hồ to chần dần, râu tóc bạc phơ đang tươi cười nhìn mưa và nhân thể nhìn cái thằng khùng đánh công cụ sản xuất của nước CHXHCNVN. May, hôm đó, trời mưa không có ai trực, hay mấy bố đang lai rai đâu đó hay sao đó, mà trụ sở thôn vắng hoe. Chú Thân hôm ấy hên ở nhà, nghe tin dữ, chạy ra đưa anh mình về. Ông Trời Mưa bỏ qua, song những cái tai chuột của những công dân quanh đó, dù mưa to, sét lớn, họ vẫn nghe anh Mùi chửi, và họ không quên, không chịu quên. Đèn ai nấy rạng, nhưng miệng ai nấy thưa. Và không cần phải một ngày đẹp trời, họ chu toàn nghĩa vụ công dân thưa ngay với quan trương tuần Thanh Hóa nói trên.

Anh Mùi lại chửi, nhưng ở những nơi khác: ”Đụ mạ, cũng vì mi mà tau mất gà nòi.” ”Đụ mạ mi, trước tê mô có trộm cắp như ri!” ”Hà chính tắc loạn, sách Nho chùm đã dạy như rứa.” ”Bần cùng sinh đạo tặc, nghe chưa mậy!” Rõ ràng anh ta nói có chốt có ngạch. Phần nhiều cái đám dân đen thôn Bình Bát vốn nổi tiếng về chuyện tâu trình từ thời Pháp thuộc, nay lại có sự hỗ trợ của những anh công an nhân dân hết lòng yêu nước thương dân trong thời chống Mỹ, làm gì mà họ không báo, và thêm vào đó, mấy cái anh công an ấy vốn nổi tiếng thâm độc sinh và lớn lên từ những vùng đất tự xưa có tiếng thâm hiểm, thời đại anh hùng này cái nết đó càng được bồi dưỡng thêm, làm sao mà mấy ông đầy tớ nhân dân ấy không biết tỏng anh Mùi chửi ai. Càng ngày anh ta lại càng uống rượu như hủ chìm, và con bò đực lại bị roi tợn hơn, có lần anh vừa đập bò, vừa khóc to như rống trước trụ sở thôn: ”Tổ cha mi, vì mi mà tau mất vợ.” ”Cũng vì mi mà tau mất con. Không có mi, gia đình tau vẫn còn y nguyên.” Người trong thôn, chính quyền, công an thôn, khẳng định là thế nào cái anh Mùi này cũng sẽ vượt biên, vì có vợ con đi, và vợ lại gởi tiền về đều đều! Vì thế, mỗi lần có vượt biên dù lọt hay không lọt người ta lại kêu anh ta lên tra vấn. Nhưng sự thực là anh ta vô tội. Anh không dám đi đâu cả, vì anh sợ chuyện tù tội, tra tấn, biệt giam kinh khiếp mà anh đã từng, bạn nhậu của anh thuật lại như thế. Ngoài ra, anh cũng không mèo mỡ, nói chi đến chuyện cưới vợ mới, mặc dù chẳng thiếu gì đàn bà, kể cả con gái hơ hớ, nhất là mấy cô Bắc bộ nghèo khó mà má vẫn đỏ au au lại còn bộ vó câng câng ưng anh. Anh vẫn cứ xe bò đủng đỉnh. Rồi lại khi không đánh bò, chửi bò lai rai như trước.

Thế rồi sự gì đến thời phải đến. Anh được mời lên thôn làm việc với lý do ai đó khai anh đang tổ chức vượt biên. Và tối đó, trời mưa dữ dội, anh Mùi bị thiếu úy công an biên phòng Thuận hô đưa lên đồn công an biên phòng huyện để thẩm vấn tiếp. Nhưng sáng ra, người ta nghe tin anh Mùi bị bắn chết rấp trong bụi tre gai. Vì tên Mùi tháo chạy, không nghe hiệu lệnh đứng lại, thiếu úy dân kiêu binh Thanh Hóa nói như vậy. Chấm hết.

Còn mấy anh canh me cùng làng đi lọt một chuyến với chị Nhàn tới đảo Bidon, viết thư về kể là chính chị Nhàn là người tổ chức bắt mánh, móc ghe, chôn dầu, còn mua luôn bãi. Người ta không biết vì sao chị ta giỏi như vậy. Và có lẽ chị trước đó cũng đã cặp với anh chủ ghe, vì mấy đứa cùng làng đó nghe mấy anh thông dịch mách lại là khi làm bản tự khai lúc vừa lên đảo, chị cãi lộn với anh chủ ghe, bởi chị không chịu khai làm vợ anh ta như đã hứa ở Việt Nam. Cái anh chủ ghe lồng lộn: “Bộ tui xách cả cái ghe ba lốc đi, rồi chỉ đéo với tui một lần là phủi nợ hay răng?” Chị Nhàn im lặng không nói gì, và được chuyển về khu phụ nữ độc thân. Chẳng mấy khi thấy chị xuất hiện nơi hàng xá, văn phòng các loại. Thực hư thế nào không biết, nhưng chị Nhàn đi Mỹ dễ chừng đã mười năm, Việt kiều về nườm mượp, mà vẫn không thấy chị về quê; chỉ có Nhã, con chị Nhàn anh Mùi, trong một dịp tết về thăm. Cô Nhã mặc chiếc áo dài lụa vàng giống như trong tấm hình màu của chị Nhàn, một thời được chưng ở tiệm hình Hồng Ánh, lại còn đeo tòng teng vàng tây lung linh nắng. Ai cũng khen con nhỏ đẹp, có dáng đi mềm mại tha thướt, Việt kiều mà không có vẻ chi là Việt kiều cả. Rồi Nhã khi không đòi đi kiếm gà nòi để mua. Ai trong nhà chú Thân cũng cười; bà nội:
”Mi bộ học nết thằng cha mi hay răng? Tội nghiệp cho thằng cha mi, trước kia củ mỉ củ mì, má mi đi, sinh ra điên khùng chửi bậy, gây thù, gây oán, rồi chết thiệt thân... Mà mi biết gà nòi ra sao mà đòi đi kiếm?”

“Má cháu bên nớ, cũng nuôi con gà nòi, trộng ngay trong phòng khách để nghe nó gáy."

“Ủa, có chuyện ngộ vậy sao? Mà con kiếm gà nòi tính đưa qua Mỹ hả?”

“Dạ không, để cúng ba con.”

Cuối cùng Nhã cũng kiếm được con gà nòi da đỏ tía, lông đen xanh, dáng oai phong, chân cao, cựa dài, vảy bóng xà cừ, tiếng gáy rổn rảng oai nghi (như má Nhàn tả.) Để cúng ba Mùi. Cúng, nhưng chỉ đợi gà gáy một hồi trước bàn thờ ba Mùi xong, trả gà về chủ cũ. Con cái Việt kiều tụi nó có lắm trò lạ, có kẻ nói. Không thấy Nhã khóc lóc chi. Mấy đứa nhỏ lớn lên bên nớ, thiếu tình cảm, lạnh như nước đá cục, không như con cái bên mình, có người xầm xì.

Cúng ở nhà nội xong, Nhã trở về nhà xưa của ba má mình, nay là kho lúa của HTX, Nhã đứng ngẩn ngơ dưới gốc cây mận hồng đào giờ đã tơi tả, nơi ngày xưa ba Mùi hay nhốt con gà nòi chiến của ba. Nhã còn tìm nhà ông Năm Chai người Chàm để tặng quà, người mà trước khi đi mấy người thân thuộc đã can: “Cái thằng cha Chàm bắt ghê, cháu gặp mà làm chi!”. Gặp được ông, Nhã cúi đầu thưa nhỏ:
“Má cháu nhờ cháu xin lỗi ông thay cho má.”

“Xin lỗi cái dzầy?”

“Cháu không biết, má cháu chỉ bảo cháu thay mặt má xin lỗi ông.”

“Mấy cái người Dziệc kiều này, thiệc là lạ! Mà má cháu là ai?”

“Má cháu là bà Nhàn, hồi có rẫy dưa cạnh nhà bác Năm đó!”

“A, tui nhớ ròi. Cở dzài tuần trước bữa má mài đi dzược biêng, (mà mài cũng đi theo má mài phải không?) tui thấy bả đưa con gà nòi ra cắc cổ bên giếng. Thịt dai wuá hay sao đó, cắc woài khong đức, thịt gà nòi đá độ mà! nên bả phải kêu tui cắc dùm mới đức. Bả còn cả cắc cả khóc... À, tui còn nhớ tui thấy trong chòi có thằng chả nào đó là lạ woắc lạ woe; sau khi bả đi tui mới biếc đó là dân mánh mung dzược biêng.”

“Sao bác tốt quá vậy, không như mấy người Kinh!”

“Thì cắc giùm con cổ con gà thì có gì mà tốt dzới lại không tốt! Chà, cái ông ba mày, hết bữa xỉn sao mà nhằm hôm dzược biêng mà xỉn. Bi giờ phải nằm xa má mài dưới ba tấc đất ở đay.”

Nhã ôm mặt khóc, khóc lớn lần đầu tiên trong cuộc đời gấm hoa dành cho Nhã, chỉ riêng cho Nhã.

Oslo, 5 XI 04.
Tặng bà mẹ của các con tôi.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/03/nguyen-van-tinh-gia-tai-cua-nha.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001