Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Nhìn sang Myanmar! 
Thất Lĩnh (Danlambao) - Chính phủ Myanmar đã lập ủy ban nghiên cứu sửa đổi hiến pháp nhằm tiến hành cải cách hiện tại của đất nước. Các thành viên của ủy ban sẽ là đại diện của nhiều đảng phái và các chuyên gia nước ngoài. Trong khi đó, tại Việt Nam cũng tiến hành lấy ý kiến sửa đổi hiến pháp nhưng ban soạn thảo chỉ toàn là đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam.

Không chỉ vậy, khi người dân đóng góp ý kiến (từ gợi ý của Đảng) thì không lâu sau người đứng đầu, ông Nguyễn Phú Trọng lên tiếng phê bình những ai đòi bỏ điều 4 hiến pháp là suy thoái đạo đức. Đến lúc khí thế của lời kêu gọi của các công dân tự do đòi bỏ điều 4 lên cao, thì ông đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng hiến pháp trước thế nào thì cứ giữ nguyên vậy, không cần quan tâm đến những lời góp ý chân thành vì tương lai của dân tộc.

Chỉ riêng về vấn đề này, nếu có sự so sánh, rõ ràng Việt Nam đã thụt lùi quá xa so với Myanmar trong tiến trình xây dựng dân chủ. Một chế độ độc tài quân sự cai trị đất nước bằng bàn tay sắt như Myanmar đã thay đổi qua sự đấu tranh không ngừng nghỉ của người dân mà đứng đầu là bà Aung Sang Suu Kyi. Cuối cùng thì chính quyền quân sự trước kia đã nhận rõ, xiềng xích và tù ngục không phải là phương pháp cai trị đất nước hữu hiệu. Chính những tướng lãnh chóp bu của Myanmar hiểu rõ rằng: nơi nào mất dân chủ, chắc chắn nơi đó sẽ có đấu tranh. Họ đã thay đổi vì tương lai của đất nước mà cũng vì sự tồn tại của chính họ.

Cộng sản Việt Nam điều hành theo kiểu độc tài chẳng khác nào Myanmar cách đây vài năm. Nói về thủ pháp cai trị thì còn tinh vi hơn. Thực tế, lãnh đạo cộng sản càng tỏ ra thủ đoạn, làn sóng đấu tranh đòi dân chủ của Việt Nam không giảm bớt mà còn đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nếu như trước đây, những người dám dũng cảm lên tiếng đòi tự do là những bậc tiền bối có tuổi, thì giờ này trong đội hình đấu tranh dân chủ đã có nhiều gương mặt tuổi đôi mươi. Ngay trong chuyện góp ý sửa đổi hiến pháp chính quyền cộng sản càng cố nghĩ ra nhiều cách để tự hợp thức hóa hiến pháp bảo vệ tuyệt đối quyền cai trị độc đoán của đảng cộng sản, thì sự phản ứng càng mạnh mẽ.

Thiết nghĩ, một đất nước độc tài như Myanmar mà giờ đây khi sửa đổi hiến pháp đã có những thành viên của nhiều đảng phái đại diện cho nhiều tầng lớp nhân dân. Họ còn mời cả những chuyên gia nước ngoài vừa tư vấn vừa giữ vai trò là một trọng tài, cho thấy Myanmar đã tiến quá xa trên con đường dân chủ so với Việt Nam. Xét về góc độ kinh tế, sự thay đổi tích cực của Myanmar đã thu hút một lượng đầu tư nước ngoài vô cùng lớn đến đất nước này. Theo dự báo, đây sẽ là một “con hổ kinh tế” trong tương lai của khu vực Đông Nam Á.

Vì vậy, lãnh đạo Việt Nam muốn có được lòng dân thì hãy thay đổi chính sách hợp lòng dân. Đó là cách duy nhất để Đảng cộng sản Việt Nam không trở thành một lực lượng phản động ngăn cản sự phát triển của đất nước. Có lẽ để khuyến khích đảng cộng sản thay đổi, thì lực lượng tiến bộ cần phải đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đấu tranh đòi dân chủ dân tộc. Chúng ta chiến đấu vì tương lai đất nước, nhưng qua công cuộc đấu tranh này, chắc chắn lịch sử đất nước sẽ xuất hiện những cái tên được thế hệ sau vinh danh là anh hùng. Bởi vì, cuối cùng chế độ độc tài rồi sẽ bị nghiền nát bằng bánh xe dân chủ, tự do, công bằng và bác ái. 

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/03/nhin-sang-myanmar.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001