Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

ÔNG ĐINH ĐỨC LẬP ĐÃ "BÁN" TRỤ SỞ BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT Ở ĐÀ NẴNG RA SAO? 



Loạt bài: Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết [8] 

Bài 08: Vì sao ông Đinh Đức Lập vội vàng “từ bỏ” quyền sử dụng trụ sở báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng và chuyển giao cho tư nhân? 

Trong quá trình phát triển, báo Đại Đoàn Kết từ lâu đã có nhiều văn phòng thường trú tại các địa phương. Một trong những văn phòng thường trú khá lâu đời của báo là Văn phòng thường trú Trung Trung bộ có trụ sở tại Đà Nẵng. Chính quyền địa phương tại Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ cho các cơ quan báo chí trung ương nhiều điều kiện ưu đãi để có được cơ sở vật chất, hạ tầng làm báo khang trang. Trong đó có báo Đại Đoàn Kết là một tờ báo uy tín và có bề dày lịch sử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà tiền thân là các tờ Cứu Quốc của Tổng bộ Việt Minh, tờ Giải Phóng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. 

Một trong những sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực của chính quyền Đà Nẵng là chuyển giao quyền sử dụng đất và hóa giá căn nhà số 82 Trần Quốc Toản cho báo Đại Đoàn Kết với mục đích làm Văn phòng thường trú khu vực Trung Trung bộ của báo. Ngày 19/7/2004 UBND TP. Đà Nẵng đã ra Quyết định số 5755/QĐ-UB chuyển quyền sử dụng đất tại số nhà 82 Trần Quốc Toản cho báo Đại Đoàn Kết để làm trụ sở văn phòng thường trú. Như vậy, bất động sản tọa lạc tại số 82 Trần Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng từ ngày 19/7/2004 thuộc quyền sử dụng của báo Đại Đoàn Kết vẫn là công sản thuộc sở hữu Nhà nước. Báo Đại Đoàn kết là một cơ quan của MTTQ Việt Nam, được xếp vào loại hình đơn vị hành chính sự nghiệp công lập. 

Việc UBND TP. Đà Nẵng chuyển quyền sử dụng đất và nhà 82 Trần Quốc Toản cho báo Đại Đoàn Kết sử dụng làm Văn phòng thường trú Trung Trung bộ mang ý nghĩa to lớn về sự quan tâm của chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ một đơn vị công lập là cơ quan ngôn luận của một tổ chức chính trị rộng lớn (MTTQVN) có điều kiện hoạt động hiệu quả tại khu vực góp phần vào sự phát triển lớn mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Bất động sản số 82 Trần Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng do đó cũng chỉ chuyển giao từ đơn vị công lập này sang đơn vị công lập khác, tức là vẫn phải đảm bảo tính chất sở hữu Nhà nước của tài sản. Không thể có chuyện một công ty tư nhân nào đó lại có thể nhận được sự ưu ái đặc biệt như vậy. Luật pháp không cho phép các chính quyền địa phương, hay bất kỳ một cơ quan công lập nào dễ dàng bán nhà đất sở hữu Nhà nước cho tư nhân. 

Do vậy, khi UBND TP.Đà Nẵng chuyển quyền sử dụng đất và nhà 82 Trần Quồc Toản, Đà Nẵng cho báo Đại Đoàn Kết đến khi ông Lập bán công sản này cho công ty tư nhân, trước pháp luật tòa nhà này vẫn thuộc quyền sử dụng của báo Đại Đoàn Kết. Có nghĩa là cho tới thời điểm ông Lập bán nhà đất này cho tư nhân thì bất động sản tọa lạc ở số 82 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng vẫn thuộc diện công sản thuộc sở hữu nhà nước. Hoàn toàn không thể viện dẫn bất kỳ lý do gì để một cơ quan thuộc dạng đơn vị hành chính sự nghiệp công lập như báo Đại Đoàn Kết lại có thể bán công sản mà Nhà nước giao cho mình sử dụng trong hoạt động công vụ cho tư nhân một cách đơn giản như vậy được. 

Có lẽ cũng cần nói thêm là, công tác quản lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trong một thời gian khá dài sau đổi mới là một trong những lĩnh vực phát sinh rất nhiều tiêu cực và là một điểm nóng của công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Vì lĩnh vực này có liên quan tới nhiều nguồn tài sản có giá trị rất lớn trong khi cơ chế pháp lý để kiểm soát còn nhiều khe hở để các phần tử xấu dễ dàng lách luật hoặc công khai làm trái rồi chạy tội bằng vật chính vật chất thu được từ các hành vi bất chính này. Rất nhiều vụ án, nhiều vụ tiêu cực có liên quan tới yếu tố cơ quan Nhà nước, cơ quan đoàn thể chính trị - xã hội tranh thủ sự bất cập, lỏng lẽo của cơ chế pháp lý, đã lạm dụng công sản, sử dụng lãng phí, tùy tiện, chuyển nhượng, hoặc bán nhà đất sở hữu Nhà nước cho tư nhân núp bóng dưới rất nhiều hình thức nhằm qua mặt cơ quan quản lý Nhà nước. 

Trong bối cảnh nhức nhối đó của thực trạng quản lý công sản, trước nguy cơ nhiều tài sản công mà đặc biệt là nhà và đất thuộc sở hữu Nhà nước bị tư nhân hóa với giá rẻ bèo cùng với sự lạm quyền của những người có chức vụ quyền hạn trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm chấn chỉnh tình hình, kiểm soát và quản lý tốt hơn việc sử dụng lãng phí, thất thoát, bán rẻ nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước. Trong đó có Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. 


Điều 1 quy định đối tượng và phạm vi áp dụng của Quyết định 09 nêu rõ: “Quyết định này quy định việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở nhà, đất) thuộc sở hữu Nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý, sử dụng gồm: a) Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp); ...”. Báo Đại Đoàn Kết như đã nói là cơ quan của MTTQVN, một tổ chức chính trị - xã hội, do đó cũng thuộc diện đơn vị hành chính sự nghiệp công lập. Các tài sản nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước giao cho báo Đại Đoàn Kết sử dụng cho mục đích công vụ phải chịu sự điều chỉnh của Quyết định này, cũng như các cơ sở pháp luật khác của Nhà nước về quản lý tài sản, nhà đất công vụ. Không thể có việc lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết tùy tiện thích ký kết liên doanh, hợp tác như thế nào cũng được hoặc nghiêm trọng hơn là tùy tiện từ bỏ quyền sử dụng, chuyển nhượng cho tư nhân chẳng hạn. 

Cho đến ngày 20/2/2011 Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết vẫn khẳng định quyền sử dụng đất và sở hữu căn nhà 82 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng là của báo tại công văn số 12/CV/ĐĐK.BBT do Phó tổng biên tập Nguyễn Minh Ngọc thay mặt Ban Biên tập ký gởi cho Công ty xây dựng 79, là một công ty tư nhân có thỏa thuận hợp tác khai thác, sử dụng tòa nhà này với Văn phòng thường trú Trung Trung bộ. 

Thế nhưng, ngày 24/4/2011, ông Đinh Đức Lập – tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết đột nhiên đã ký một văn bản chuyển giao toàn bộ nhà và đất nói trên cho một công ty tư nhân để nhận “bồi thường” cho báo Đại Đoàn Kết 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng). Kể từ đó, báo Đại Đoàn Kết mất quyền sử dụng công sản số 82 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng để làm văn phòng thường trú mà phải đi thuê một trụ sở khác. 

Cũng cần nói thêm rằng, tòa nhà số 82 Trần Quốc Toản có vị trí mặt tiền trên đường phố chính, trung tâm thương mại sầm uất của thành phố Đà Nẵng. Theo giới chuyên môn kinh doanh bất động sản, giá trị của công sản này vào thời điểm ông Lập ký văn bản bán cho tư nhân phải lên tới hàng chục tỷ đồng. Việc báo Đại Đoàn Kết chỉ được nhận “bồi thường” 1 tỷ đồng là không xứng đáng với trị giá thật của bất động sản mà theo pháp luật báo Đại Đoàn Kết đang có quyền sử dụng hợp pháp. 


Biên bản ngày 20/4/2011 cho thấy, ông Đinh Đức Lập thừa nhận cơ sở thỏa thuận cũng như nội dung hợp tác giữa báo Đại Đoàn Kết với Công ty 79 “theo các quy định của pháp luật thì nhiều nội dung thỏa thuận, một số văn bản giấy tờ chưa hợp lý, tuy nhiên do tính chất lịch sử và yêu cầu khách quan nên phải chấp nhận”. Đồng thời ông Lập cũng “cam kết không còn khiếu kiện gì liên quan đến quyền sử dụng sở hữu nhà đất tại 82 Trần Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng”. Nếu trong đất nước này ai ai cũng viện dẫn “tính chất lịch sử và yêu cầu khách quan” như ông Lập để làm trái pháp luật (trong trường hợp này là để bán rẻ công sản Nhà nước cho tư nhân) thì chuyện gì sẽ xảy ra? 

Liên quan tới việc bán công sản số 82 Trần Quốc Toản của báo Đại Đoàn Kết, dư luận từng xôn xao về việc xuất hiện một clip trên mạng có ghi tiếng nói được cho là của ông Lập vu khống hai đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị [tham khảo ở đây]. Những người từng biết và làm việc nhiều năm với ông Lập hầu như đều nhận ra giọng nói rất đặc trưng của ông Lập trong clip này. Theo nội dung phát biểu trong clip đó thì hai đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đã có tác động nhằm thúc đẩy ông Lập đi tới quyết định bán đứt bất động sản này cho Công ty 79 ở Đà Nẵng. Nhiều nhà báo đang làm việc tại báo Đại Đoàn Kết cũng đã có đơn tố cáo lên cơ quan chức năng về vụ việc này. Trong đó có gởi đơn tới UBTWMTTQ Việt Nam. Song cho tới nay vẫn chưa thấy có kết luận cụ thể về vụ việc ông Lập được cho là có phát biểu vu khống hai đồng chí ủy viên Bộ Chính trị là như thế nào? Ngay trong kết luận (bản tóm tắt mà những người tố cáo được đọc cho nghe, không cung cấp văn bản theo quy định của pháp luật) của MTTQ Việt Nam về các nội dung tố cáo ông Lập cũng bỏ qua vấn đề này. Thiết tưởng, đây là một sự việc rất nghiêm trọng liên quan tới uy tín của các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng không thể để cho vụ việc “chìm xuồng” khi mà dư luận đã xôn xao và xã hội đã rất quan tâm. 

Điều đáng nói là việc bán công sản Văn phòng thường trú báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng của ông Đinh Đức Lập cũng chưa bao giờ được công bố minh bạch, công khai trước tập thể. Thậm chí nhiều nhà báo, các lãnh đạo ban của báo Đại Đoàn Kết làm việc tại đây nhiều năm qua nhưng cũng chưa bao giờ được bàn bạc, hay được thông báo gì về việc bán nhà đất công sản này của báo. Không ít người chỉ khi nghe xôn xao trong dư luận, qua tìm hiểu thông tin trên mạng thì mới biết được có chuyện bán chác công sản đầy khuất tất của báo Đại Đoàn Kết ở Đà Nẵng. 

Ông Lập thì bào chữa, báo chẳng mất gì lại được 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, không ít người thắc mắc vì sao người đứng đầu của báo lại phải vội vội vàng vàng “từ bỏ” quyền sử dụng công sản của báo Đại Đoàn Kết ở Đà Nẵng, một tài sản có giá trị hơn 1 tỷ đồng rất nhiều lần? Trong khi họ có thể “sửa chữa” các sai lầm “trong lịch sử” liên quan tới tòa nhà này bằng cách nhờ tới các cơ quan pháp luật hay tòa án. Hơn nữa, vì sao ông Lập lại có thể tùy tiện làm sai mục đích sử dụng tòa nhà này một khi chính quyền Đà Nẵng chuyển giao quyền sử dụng cho Đại Đoàn Kết với mục đích rất rõ là để làm nhà công vụ (trụ sở Văn phòng thường trú Trung Trung bộ). Cam kết “từ bỏ” quyền sử dụng công sản tại Đà Nẵng và chuyển giao công sản cho tư nhân chỉ vì “tính chất lịch sử và yêu cầu khách quan nên phải chấp nhận” như ông Lập ghi trong biên bản ngày 20/4/2004 có phải là lời giải thích hợp pháp không? 

Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng có trách nhiệm giám sát, thanh tra việc quản lý, sử dụng nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước theo pháp luật. 
(Còn tiếp) 

Mời quý vị theo dõi đầy đủ loạt bài “Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết”: 

Bài 01: Lời ngỏ

Bài 02: Việc bổ nhiệm và cấp thẻ nhà báo cho tổng biên tập Đinh Đức Lập vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước

Bài 03: Ông Đinh Đức Lập lạm dụng các trang báo Đại Đoàn Kết để thỏa mãn chủ nghĩa cá nhân

Bài 04: Vài dẫn chứng về sự lạm dụng báo Đại Đoàn Kết để thỏa mãn chủ nghĩa cá nhâncủa ông Đinh Đức Lập (2011)

Bài 05: Tổng biên tập Đinh Đức Lập kỷ niệm sinh nhật mình bằng cách cho đăng 4 tấm hình của ông trên cùng một số báo Đại Đoàn Kết đặc biệt

Bài 06: Ông Đinh Đức Lập chỉ đạo thông tin trên báo Đại Đoàn Kết có khuynh hướng coi thường hoạt động của nhiều vị lãnh đạo MTTQ Việt Nam

Bài 07: Ông Đinh Đức Lập lợi dụng báo Đại Đoàn Kết tổ chức xét trao giải thưởng cho doanh nghiệp vi phạm hàng loạt quy định của Thủ tướng Chính phủ

Nguồn: Hữu Nguyên Blog

Được đăng bởi Tễu vào lúc 21:50

nguồn:http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/03/ong-inh-uc-lap-ban-tru-so-bao-ai-oan.html
======================================================================
VỤ ĐINH ĐỨC LẬP: ĐIÊN CUỒNG ĐÌNH CHỈ CÔNG TÁC NGƯỜI TỐ CÁO 

Vụ Đinh Đức Lập:
Điên cuồng đình chỉ công tác người tố cáo 

Chi bộ báo Đại Đoàn Kết kiểm điểm vừa dứt ngày 11.3.2013 với kết quả 6 phiếu đồng ý kỷ luật và 9 phiếu đề nghị không kỷ luật cho thấy phe nhóm trong Đảng của Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập còn khá mạnh. Trong số 9 đảng viên đề nghị không kỷ luật, có những người dù không được ăn lộc của Lập song bản tính kém cỏi, mất tư cách, bản lĩnh của người đảng viên, sợ Lập không bị làm sao, thoát hiểm sẽ quay lại trả thù nên đành làm trái ý muốn. 

Được thể, và không biết có được lãnh đạo Mặt trận nào đó tiếp sức không mà Đinh Đức Lập quyết dấn thêm một bước trả thù người tố cáo. Ngày 14.3.2013, tại cuộc họp giao ban các lãnh đạo buổi sáng, Lập tuyên bố với các lãnh đạo Ban: Tôi sẽ đình chỉ công tác Hữu Nguyên, ai có ý kiến gì không?. Như kịch bản dàn dựng trước, Trưởng ban Khoa giáo Thu Phương lên tiếng đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ. Không ai có ý kiến hay phản ứng gì vì ai cũng biết Lập hỏi để mà hỏi, hỏi để mà ra vẻ tôi đã thông báo và mọi người đã nhất trí. Lập chỉ định Mai Ngọc Tuyền – Trưởng Ban dân chủ pháp luật và bạn đọc phát biểu. Tuyền ấp a ấp úng nói vòng vo một hồi, càng nói giọng càng nhỏ dần chả ai biết là đồng ý hay không. Lập hỏi tiếp qua điện thoại với Trưởng văn phòng đại diện TP. Hồ Chí Minh Chu Ninh. Chu Ninh nói: Tôi không đồng ý vì không có lý do gì cả. Lập nói: Đình chỉ vì Hữu Nguyên viết blog, vì Hữu Nguyên tiết lộ những vấn đề của báo, vì Hữu Nguyên làm mất uy tín của báo… 

Bí thư Quốc Khánh – người đối kháng trực tiếp với Lập và những người cùng phe Lập như: Trưởng ban Chuyên đề Cẩm Thúy, Phó Ban Kinh tế Thanh Tường, Trưởng ban Thư ký tòa soạn Hà Trọng Nghĩa, phụ trách Ban Văn hóa Lê Thị Thu Hương khôn khéo ngậm miệng không ai có ý kiến. 

Lập ngay lập tức đã chỉ đạo cho Trịnh Thị Ngọc Thủy soạn văn bản quyết định đình chỉ. Chiều 14.3, lẽ ra Lập đã ký văn bản nhưng phải đến thứ 6 ngày 15.3 Lập mới ký vì còn phải sửa đôi ba chữ sau khi tính toán kỹ nhưng vẫn đề ngày 14.3.2013 ra văn bản. 

Cho dù Hữu Nguyên có vi phạm gì đi chăng nữa thì muốn kỷ luật vẫn phải bắt đương sự viết bản tường trình nhận lỗi, Hội đồng kỷ luật phải xem xét sau đó mới đề xuất hình thức kỷ luật. Thế nhưng, Lập bất chấp tất cả. Dù cuộc họp chỉ có Lập và Thu Phương tung hứng với nhau nhưng trong Quyết định vẫn ghi là: Căn cứ ý kiến thống nhất của Chi ủy, Ban Biên tập, Ban Trị sự và đại diện các đoàn thể của báo họp ngày 14.3.2013. 

Quyết định đình chỉ công tác 1 tháng với Hữu Nguyên từ ngày 15.3.20013 đến 14.4.2013 được gửi đi nhiều nơi, trong đó có gửi bà Bùi Thị Thanh và ông người phụ trách khối báo và tạp chí Mặt trận Lê Bá Trình – hai Phó chủ tịch Mặt trận. 
Tháng hai, Lập cũng đã đình chỉ công tác một cán bộ của báo. Đó là Đinh Quang Sơn – cháu ruột Lập trong vụ giúp chú thụt két tiền vốn huy động xây dựng nhà ở cho cán bộ CNV. Bị lộ, Lập thí cháu. Khi báo Người cao tuổi có bài phản ánh: “Tại báo Đại Đoàn Kết: Một cán bộ bỏ trốn hàng tháng vì dính dáng tiêu cực” thì Lập báo cáo lên lãnh đạo Mặt trận là đã đình chỉ Sơn từ 18.2.2013. Tuy nhiên Lập chỉ báo cáo miệng và không gửi quyết định bằng văn bản lên. 

Quyết định đình chỉ Đinh Quang Sơn để viết tường trình và phục vụ cho công tác điều tra của công an được soạn, ký,đóng dấu và cất đi phòng thủ không công bố của Lập vào ngày 21.2.2013. Thế nhưng, nực cười thay là quyết định số 11 này lại ghi: Sơn phải bàn giao công việc trước ngày 18.2.2013. Tức là chỉ có Lập và cháu Sơn biết với nhau, thực hiện ngầm với nhau mà thôi. Điều này lại gợi nhắc đến Kết luận 25 ngày 18.10.2012, Lập thông báo cắt lương và các chế độ của Nguyễn Mạnh Thắng từ 23/7/2012, tức là trước 3 tháng của Kết luận. Và bây giờ là Quyết định đình chỉ và bàn giao công việc có giá trị trước 3 ngày. (liệu rằng Mặt trận có học tập để ra Quyết định kỷ luật hay điều chuyển công tác của Lập từ 30.12.2012?).

Trong một tháng bị đình chỉ công tác, Hữu Nguyên phải viết bản tường trình vì lý do: “Tuyên truyền những vấn đề nội bộ của báo, đã tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển của báo Đại Đoàn Kết”.

Xem một loạt 8 bài đã đăng trên Blog Hữu Nguyên thì đó là những sai phạm của Đinh Đức Lập. Những sai phạm này của ông Lập đã bị tố cáo và đã được hai tổ thanh tra của Đảng ủy Mặt trận kết luận. Trong cuộc họp chi bộ 11.3.2013, những nội dung tố cáo này đều được Kết luận khẳng định là có cơ sở. Vậy thì tại sao tội của Lập chưa được Đảng ủy Mặt trận xử lý mà y lại tiếp tục dấn sâu thêm trù dập người tố cáo. Trước đây là Nguyễn Mạnh Thắng, Đặng Thị Kim Ngân.

Tại sao Đảng ủy Mặt trận chậm trễ xử lý đơn tố cáo; Chậm xử lý đảng viên, tổng biên tập Đinh Đức Lập vì những sai phạm nghiêm trọng; Không có biện pháp nào bảo vệ người tố cáo, người lao động?
P.V 
Được đăng bởi Tễu vào lúc 21:55
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001