Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Sửa luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp như thế nào?

Thái Bình

Hiện Bộ Tài chính đang trình dự thảo sửa đổi luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Có nhiều nội dung của luật được sửa đổi, nhưng cộng đồng doanh nghiệp và dân doanh quan tâm nhất là phương pháp nộp thuế cũng như thuế suất dự kiến giảm từ 25% hiện nay xuống 23%.Với mức thuế suất như dự thảo sửa đổi đại đa số ý kiến cho rằng vẫn còn cao. Đại diện bên soạn thảo Bộ Tài chính cho rằng mức thuế suất đó là phù hợp với tình hình thực tế trong nước cũng như khu vực các nước quanh ta. Đại diện bên thu muốn thu cao, cộng đồng doanh nghiệp muốn nộp thấp. Nhưng nên thu bao nhiêu cách thu ra sao cho phải đạo, người nộp chấp nhận, người thu không khiên cưỡng, thu để có nghĩa vụ với ngân sách nhưng quan trọng hơn là khuyến khích phát triển sản xuất đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu, đó mới quan trọng và cần phải bàn luận.
Thống kê lộ trình cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ta thấy thuế suất giảm dần qua các con số sau: 32%, 28%, 25%, dự thảo sửa đổi 23%.
Nhìn bảng thống kê thuế suất giảm dần qua các năm ta thấy mức dự thảo rất thấp giảm tới 9% (32-23) tương đương 28% tức giảm gần một phần ba so với mức cao nhất. Nhưng nếu đi sâu phân tích thuế suất 23% rất cao và cao hơn mức 32% tại sao lại có chuyện ngược đời vậy?
Mức thuế suất trước đây 32%, nhưng thời kỳ đó hầu hết là doanh nghiệp Nhà nước, sau nộp thuế TNDN phần còn lại (68%) không phải chi trả cổ tức mà doanh nghiệp chỉ trích Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Phúc lợi khen thưởng. Quỹ đầu tư phát triển để doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất và đổi mới công nghệ, Quỹ phúc lợi khen thưởng chăm lo đời sống người lao động. Như vậy quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động được đảm bảo.
Mức thuế suất thuế TNDN dự thảo giảm còn 23% nhưng vẫn rất cao bởi sau nộp thuế TNDN việc thứ nhất doanh nghiệp phải trả cổ tức cho cổ đông (phần này rất lớn) sau đó mới trích Quỹ Đầu tư phát triển, trích Quỹ dự phòng tài chính, cuối cùng đến Quỹ Phúc lợi khen thưởng. Cách nộp thuế TNDN như trên rất mâu thuẫn bất kể ông chủ (nhà đầu tư) nhận cổ tức cao hay thấp vẫn phải nộp thuế TNDN trước; có rất nhiều doanh nghiệp sau nộp thuế TNDN nhà đầu tư chỉ còn nhận cổ tức được vài phần trăm nhỏ hơn trượt giá, gửi tiết kiệm; cách thu thuế này rất bất công nhà nước chỉ biết thu khi doanh nghiệp làm ăn có lãi còn lỗ, phá sản mất vốn nhà đầu tư phải chịu; người lao động trong các doanh nghiệp hiện nay được hưởng Quỹ Phúc lợi khen thưởng rất thấp, doanh nghiệp sau nộp thuế TNDN và trả cổ tức không còn tiền đầu tư mở rộng sản xuất; trong khi đó doanh nghiệp làm ra 11 đồng doanh thu đã nộp ngân sách 1 đồng (10%) dưới hình thức thuế GTGT cũng như nhiều khoản nộp khác như thuế xuất nhập khẩu, thuế tài nguyên, tiền thuê đất…
Để khắc phục tình trạng bất cập trên, sửa đổi luật Thuế TNDN nên theo một trong hai cách sau:
Thứ nhất coi vốn đầu tư của cổ đông là chi phí sản xuất giống vốn vay ngân hàng. Khi đó các doanh nghiệp tính chi phí sử dụng vốn của cổ đông tương đương chi phí vốn vay ngân hàng. Sửa đổi theo hướng này khắc phục được tình trạng kinh doanh, ông chủ mất vốn (cổ tức thấp hơn trượt giá) nhưng vẫn phải nộp thuế TNDN cho nhà nước, sau đó áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25% là hợp lý bởi quyền lợi lúc này là 4 bên; nhà đầu tư (cổ tức tăng thêm), doanh nghiệp (đầu tư phát triển), người lao động (Quỹ Phúc lợi khen thưởng), Nhà nước (thuế TNDN).
Thứ hai lợi nhuận của doanh nghiệp làm ra đầu tiên phải trả cổ tức cho nhà đầu tư, để tránh các doanh nghiệp trả cổ tức cao không còn lợi nhuận nộp ngân sách ta có thể khống chế mức trả cổ tức tối đa bằng lãi suất ngân hàng hoặc lãi suất trái phiếu; sau khi nhà đầu tư nhận cổ tức lợi nhuận còn lại mới nộp thuế TNDN và trích các quỹ theo tỷ lệ trên. Trường hợp lợi nhuận doanh nghiệp đạt thấp cổ tức thấp hơn lãi suất ngân hàng thì doanh nghiệp không phải nộp thuế TNDN.
Hai cách phân phối TNDN trên mới thể hiện được tính công bằng và khoa học vì lợi nhuận có được công đầu phải là vốn của ông chủ (nhà đầu tư) thì thứ tự phân phối lợi nhuận làm ra trước hết thuộc về ông chủ rồi sau đó mới đến ngân sách và các quỹ khác của doanh nghiệp, luật Thuế TNDN hiện hành là lợi nhuận làm ra trước hết phải nộp ngân sách như vậy không hợp đạo lý và lẽ phải. Mong các nhà làm luật Việt Nam hãy ý thức được điều này. 
Hà Nội, 27/03/2013
T. B.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/45931
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001