Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Vào Đảng để làm gì?

Ks. Lê Văn Phát- D L
"Vì sao anh (chị) xin gia nhập Đảng” hay “anh (chị) vào Đảng để làm gì?”, nói chung, tổ chức đảng đều nhận được câu trả lời gần giống nhau, đại thể: “Tôi vào Đảng để hy sinh chiến đấu cho mục đích cuối cùng của Đảng là đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng CNXH và CNCS trên đất nước ta”.
Trả lời thế nhưng khi đã vào Đảng rồi thì trong công tác và sinh hoạt hằng ngày không phải ai cũng sẵn sàng “chiến đấu hy sinh”, “sẵn sàng đấu tranh”, “sẵn sàng là người chiến sĩ tiên phong” trên cương vị, chức trách được giao phó.
Chỉ tính từ ngày Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới đến nay, bên cạnh những đảng viên lao động sáng tạo, dũng cảm phấn đấu, là người tiên phong trên tất cả các lĩnh vực công tác đúng như lời hứa khi gia nhập Đảng thì số đảng viên vi phạm kỷ luật đảng và luật pháp nhà nước, mắc vào những tội tham ô, lãng phí, vô trách nhiệm “nổi tiếng”, bị công luận phanh phui tỷ lệ là bao nhiêu? Những ai mắc tội, những ai bao che, thiên vị? Và bao nhiêu người đã trù dập đảng viên, quần chúng vì họ dám nói lên sự thật? Những vụ ăn hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy dự án, chạy tội… đã và đang như dòng nước ngầm bẩn thỉu làm vẩn đục đời sống xã hội, làm ô uế thanh danh của Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân thì trong đó có bao nhiêu phần trăm là người đã từng hứa khi vào Đảng?
Không ít người đua nhau “tìm cách chui vào Đảng” đã biến Đảng thành cái cầu thang để bước lên con đường danh vọng mưu vinh thân, phì gia. Khi người có động cơ vào Đảng chỉ vì lợi ích của mình, thì sẽ dẫn họ đến tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, không vì nhân dân, không vì lợi ích của đất nước, dân tộc mà hành động. Nếu tổ chức đảng kết nạp người có động cơ “vì mình” vào Đảng thì chẳng khác gì cấy thêm những tế bào ung thư vào cơ thể Đảng, làm cho Đảng, bản chất vốn vì nhân dân, làm đầy tớ trung thành của nhân dân dần dần thoái hoá, biến chất thành tổ chức để làm quan phát tài. Như thế, tác hại sẽ không lường hết:
- Gây nên tình trạng “kẻ không tốt tìm người không tốt”. Có thể nói đây là tác hại nguy hiểm nhất. Người có động cơ cá nhân khi đã thành đảng viên thì không những không ngăn ngừa được những kẻ cơ hội chui vào Đảng mà còn tạo cơ hội cho những kẻ cùng hội cùng thuyền dễ dàng đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cứ thế, những kẻ cá nhân chủ nghĩa ở trong Đảng sẽ phát triển theo cấp số nhân, những chiến sĩ kiên cường sẽ trở thành thiểu số, nguy cơ Đảng bị biến chất là khó tránh khỏi.
- Làm hư hỏng bộ máy tổ chức:
+ Tạo ra tình trạng tư túng, cánh hẩu: Những kẻ cơ hội chui vào Đảng sẽ tìm mọi cách để chạy chức, chạy quyền. Khi đã có chức quyền thì tất sẽ sinh bè phái, “ai hẩu với mình thì dù có không đúng cũng nghe, không tài cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe.
+ Làm cho pháp luật bị khinh nhờn: Kẻ chỉ vì mình tìm cách vào Đảng để chờ cơ hội nắm lấy chức quyền bằng mọi thủ đoạn. Khi đã có chiếc ghế của uy quyền là nhăm nhăm kiếm lời, bất chấp kỷ cương, phép nước.
+ Hủ hoá đảng viên, cán bộ, công chức: Hủ là xấu, hoá là biến đổi, biến thành; hủ hoá có nghĩa là biến cái tốt đẹp thành ra xấu xa. Động cơ vào Đảng chỉ vì mưu lợi ích cho riêng mình thì dần dần sẽ hủ hoá, càng ngày càng xa xỉ… thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông uỷ viên đi xe hơi, rồi bà uỷ viên, cho đến các cô, các cậu uỷ viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai chịu. Ngày nay không ít đảng viên đã cố tình quên đi lời hứa khi vào Đảng, lâm vào cảnh hủ hoá ngày càng trầm trọng.
+ Chia rẽ nội bộ: Do động cơ vụ lợi ích kỷ nên khi đã có chức quyền trong tay (nhất là khi Đảng và Nhà nước trao nhiều quyền hành cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị) nếu không sớm được phát hiện và ngăn chặn họ dễ kéo bè, kéo cánh, bênh vực người xấu, chống lại những người thẳng thắn, trung thực dám đấu tranh với những sai trái của họ. Tình trạng chạy chức, chạy quyền bao giờ cũng dẫn tới chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết, tạo điều kiện cho kẻ cơ hội “đục nước béo cò”.
Tại đại hội chi bộ xóm và đại hội đảng bộ bộ phận thôn nhiệm kỳ này, đảng viên trẻ Trần Văn H đã tự ứng cử và đều trúng cử vào chi ủy chi bộ xóm, đảng ủy đảng bộ bộ phận thôn. H được đảng ủy phân công phụ trách công tác thanh niên ở thôn. Mọi việc ban đầu diễn ra suôn sẻ, tưởng sẽ là bước tạo đà cho sự phát triển của đảng viên này. Ai dè…
Khi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của xã đại hội nhiệm kỳ, H không được cơ cấu vào ban chấp hành đoàn xã. Việc này không như hy vọng ban đầu của H. Thế nên tư tưởng, trách nhiệm của H thay đổi hẳn. Những nhiệm vụ do H đảm nhiệm bị chững lại. Thôn H cư trú vừa mới thành lập, nên chưa có trưởng công an thôn, H hy vọng: Nếu được trên bố trí làm công an thôn thì sẽ tốt, tiện lợi cho gia đình nhiều bề, vì nhà H bán cà phê, cho thuê nhạc sống… Tuy vậy, xét về khả năng và nghị lực, cấp trên lại giao nhiệm vụ trưởng công an thôn cho người khác chứ không phải là H. Từ đó, H sinh ra nản chí, làm đơn xin rút khỏi chi ủy chi bộ xóm và đảng uỷ bộ phận thôn.
Động cơ vào Đảng của H là vì lợi ích riêng, để được “làm quan” dù đó là “quan xóm”, “quan thôn” hay “quan xã”. Và khi không đạt được ý nguyện cá nhân của mình, H đã lập tức rời bỏ vị trí chiến đấu, rời bỏ Đảng.( Trích lược theo: Vào Đảng để làm gì và Động cơ khi vào Đảng của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam).
Để xảy ra tình trạng như trên thì Đảng không thể trách những người vào Đảng mà phải tự trách mình. Bởi vì Đảng đã vô tình ép họ vào chứ không phải họ tự nguyện. Giáo viên muốn lên hiệu phó, hiệu trưởng phải có Đảng, nhân viên muốn lên trưởng, phó phòng phải có Đảng, nói chung muốn thăng quan tiến chức,len lỏi vào bộ máy chính quyền thì trước hết phải vào Đảng. Nếu không vào Đảng mà thăng tiến nhanh hơn thì liệu những người đó có vào không?
Mặc khác trong kinh phật có nói bản chất của con người là tham, sân, si,nó còn tàn độc hơn cả loài rắn độc nên khi bước vào cửa phật phải dũ bỏ hết điều này. Do đó, những người vào Đảng, muốn phấn đấu theo lý tưởng của Đảng thì trước hết phải trút bỏ tham, sân, si như khi vào cửa phật, nếu không đa số những người vào Đảng là theo đuôỉ mục đích riêng của mình và cuối cùng là Đảng sẽ phục vụ lợi ích của ai?
Hoà phát, ngày 01 tháng 03 năm 2013
Ks. Lê Văn Phát

nguồn:http://quechoa.vn/2013/03/03/vao-dang-de-lam-gi/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001