Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

GÓP Ý SỬA HIẾN PHÁP: "NẾU NÓI THẬT THÌ TRÁI Ý NHÀ NƯỚC" 

‘Nếu nói thật thì trái ý Nhà nước’
Cập nhật: 12:37 GMT - thứ năm, 11 tháng 4, 2013 
Một vị cựu quan chức trong chính quyền Việt Nam nói các cuộc họp lấy ý kiến cho dự thảo Hiến pháp sửa đổi do Nhà nước tổ chức đều không đáng tin cậy vì ít có ai dám ‘nói thẳng nói thật’.

Các hoạt động góp ý cho dự thảo Hiến pháp trong hơn ba tháng qua đều được truyền thông nhà nước đưa tin là tất cả các ý kiến đều tán thành và thậm chí yêu cầu làm sâu sắc hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp.

Các bài liên quan

Tuy nhiên, trên các trang mạng không chính thống lan truyền rất nhiều ý kiến đòi bỏ vai trò lãnh đạo Đảng, tam quyền phân lập và cho phép người dân được sở hữu đất đai và bác bỏ quy định quân đội trung thành với Đảng.

Những ý kiến này, trong đó có nhiều nhân sỹ chính thức và cả những quan chức đã nghỉ hưu, không hề được truyền thông trong nước nhắc đến.

‘Đều có ý kiến khác’

Ông Lê Hiếu Đằng, cựu phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, nói với BBC rằng ông có tham dự một số cuộc trao đổi góp ý Hiến pháp và các ý kiến ‘nói thẳng nói thật’ đều đi ngược lại ý kiến Nhà nước.

Ông lấy dẫn chứng một buổi họp góp ý Hiến pháp của Câu lạc bộ kháng chiến thành phố Hồ Chí Minh là ‘đều có ý kiến khác cả’.

Tuy nhiên ông cũng nói rõ rằng những cuộc họp có ‘ý kiến khác’ đều do các nhóm dân sự xã hội tổ chức trong khi các cuộc hội thảo góp ý do Nhà nước tổ chức đa phần đều ủng hộ Đảng.

Những cuộc họp của Nhà nước thì người ta chuẩn bị sẵn. Họ chỉ định một số người phát biểu như cò mồi. Như vậy sẽ đưa ra kết quả như họ nói." - Lê Hiếu Đằng, cựu phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TPHCM
“Những cuộc họp của Nhà nước thì người ta chuẩn bị sẵn. Họ chỉ định một số người phát biểu như cò mồi,” ông cho biết, “Như vậy sẽ đưa ra kết quả như họ nói.”

Ông kể rằng có một hội nghị do chính quyền tổ chức mà ông có nhận được thư mời tham dự. Nhưng sau đó có người gọi đến đến cho ông bảo ‘Thôi anh đừng đến’.

“Họ sợ có ý kiến khác,” ông giải thích.

Tuy nhiên, ngay cả các hội nghị do chính quyền đứng sau này, theo ông Đằng, vẫn có người dám nêu lên ý kiến khác biệt.
Ông dẫn chứng trường hợp của ông Dương Quan Hà, cựu chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố, có góp ý trong một cuộc họp chính thức, đề nghị bỏ tên nước Xã hội Chủ nghĩa và quay trở lại tên nước ‘Việt Nam Dân chủ Cộng hòa’ vì ‘Xã hội Chủ nghĩa chỉ là lý tưởng, thậm chí là ảo tưởng’ chứ không phải thực tế.

Nhưng những ý kiến trái chiều đó khi tổng hợp lại báo cáo lên trên ‘sẽ bị bỏ đi’, ông Đằng cho biết.

‘Ép người dân ký’

Còn việc lấy ý kiến người dân, ông nói rằng ‘chỉ là hình thức ép buộc người dân phải đồng ý’.

“Ở nhiều tổ dân phố, Phường đưa cho dân tờ góp ý thì sáng đưa chiều lấy,” ông nói.

“Người dân nghĩ phường đưa thì cứ ký đồng ý đi,” ông nói thêm, “Họ có tâm trạng lo sợ rằng nếu không đồng ý sẽ bị thế này thế kia.”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng những ai đòi bỏ sự lãnh đạo của Đảng là 'suy thoái đạo đức'

“Thành ra muốn cho yên chuyện thì họ cứ ký nhưng trong lòng lại nghĩ khác.”

Ông đề nghị chính quyền nên cần sự công khai tranh luận trên truyền thông giữa luồng ý kiến ủng hộ và chống đối những điều khoản do Đảng áp đặt trong Hiến pháp để ‘xem thử như thế nào’.

“Phải dân chủ, công khai, minh bạch chứ không thể một chiều như vậy,” ông nói.

Ông giải thích lý do mà những người tham dự các buổi góp ý của chính quyền đều không nói thật những suy nghĩ của họ là vì ‘một xã hội mà nói láo đã thành quen’.

Có kinh nghiệm lâu năm trong hệ thống chính trị Việt Nam, ông Đằng cho biết ‘trong những cuộc họp thì không dám nói nhưng ra ngoài thì nói hoàn toàn khác’.

“Bệnh dối trá, bệnh không dám nói thật đã trở thành bệnh rất nguy hiểm cho xã hội. Nó làm cho đạo đức xã hội suy đồi,” ông nói thêm.

Ông Đằng cũng cho rằng đợt sửa đổi Hiến pháp lần này là ‘thời cơ rất lớn’ nếu Đảng thật sự ‘mạnh dạn chớp thời cơ để đổi mới thì sẽ được lòng dân’.

“Tôi nói thật với tư cách là đảng viên thì không có thế lực chính trị nào có thể thay thế Đảng Cộng sản được nếu Đảng đặt lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước lên trên và thay đổi một cách triệt để,” ông nói.

Tại Việt Nam, báo chí nhà nước nói hàng chục triệu ý kiến đã được đóng góp cho đợt lấy ý kiến về sửa đổi dự thảo hiến pháp 1992.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001