Uyên Nguyên, thông tín viên RFA tại Việt Nam
2013-04-26
Với ngư dân Lý Sơn, dường như biển chưa bao giờ bình yên, và biển đã lấy đi của họ quá nhiều mặc dù biển đã bao dung, cưu mang họ cho đến ngày hôm nay.
Nhưng, hình như nói về biển, nhắc đến trùng dương, trong tâm hồn họ đã nghe dậy sóng, đã nghe một biển động miên mang về những thân phận, cuộc đời đã hiến dâng cho biển, cho đất quê hương.
Nhất là trong những ngày này, huyện đảo Lý Sơn đang ráo riết chuẩn bị lễ hội Khao Lề Tế Lính, một lễ hội mà ở đó, người dân trong bờ, trên đảo hướng tâm linh ra trùng khơi để nguyện cầu cho những chiến binh Hoàng Sa một thuở được siêu thoát về nơi an lạc vĩnh hằng.
Kinh phí lễ hội quá lớn
Theo thông tin nhận được từ nhà chức trách tỉnh Quảng Ngãi, kinh phí tổ chức lễ hội Khao Lề Tế lính lên đến 7 tỉ đồng, tương đương với 35.000 Mỹ kim.Các hạn mục chương trình gồm tái hiện lễ hội ngày xưa, đắp mộ gió, sân khấu hóa lễ hội và an táng hình nhân vào mộ gió…
Nhìn chung, khoảng cách giữa lễ hội thật thời xưa qua tư liệu, thư tịch và lễ hội sân khấu hóa bây giờ không khác xa mấy. Nhưng khoản kinh phí thì khác nhau rất lớn.
Cũng theo nhà chức trách, lễ hội Khao Lề Tế Lính mang ý nghĩa nhắc nhớ những bậc tiền nhân đã hy sinh phần thân xác cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo Việt Nam, sự hy sinh của họ mang ý nghĩa lịch sử, chính trị và là tấm gương lớn cho con cháu noi theo.
Chính sự hy sinh của bậc tiền nhân đã làm gương cho ngư dân Lý Sơn bây giờ quyết bám biển, giữ phần biển đảo tổ quốc trước mọi thế lực ngoại xâm, những cái tên như Mai Phụng Lưu, Lê Tân và nhiều như dân khác là những biểu tượng cao quí cho tinh thần này.
Nhắc đến thuyền trưởng Mai Phụng Lưu và Lê Tân, chúng tôi lại nghĩ đến đời sống khó khăn, tai ương rình rập và nợ nần chồng chất của họ nhiều hơn là nghĩ đến họ như là một biểu tượng hay người hùng.
Vì nếu như biểu tượng hay người hùng bám biển, biệt danh con sói biển vận vào họ như một kỳ tích thì những nỗi khổ, sự tuyệt vọng của họ trên biển Đông mỗi khi bị Trung Quốc bắt bớ, đánh đập và cướp sạch tài sản lại là một thứ định mệnh lịch sử.
Nó gợi nhắc về nỗi buồn của một dân tộc nhỏ bé, cư dân ít ỏi và luôn bị kẻ thù phương Bắc dòm ngó suốt mấy ngàn năm nay.
Với khoản cách địa lý gần với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa từ 160 đến 200 hải lý, cách đất liền 17 hải lý, thuộc tỉnh Quảng Ngãi bây giờ và trực thuộc Dinh Trấn Thanh Chiêm của chúa Nguyễn Phúc Chu thời nhà Nguyễn, thế kỷ 17, Lý Sơn trở thành tiền tuyến, bàn đạp để các binh đội Trường Sa, Hoàng Sa tập trung và xuất quân.
Kể từ thế kỉ 16, 17 đến nay, có không biết bao nhiêu hải đội một đi không trở lại, thân xác của tiền nhân đã gửi vào biển cả, linh hồn họ ngày đêm thao thức cùng biển Đông dậy sóng, giữ yên bờ cõi quê nhà.
Ngư dân chịu thiệt thòi
Ngư dân Lý Sơn phần đông là con cháu của những người lính thời xưa. Họ bám biển và nuôi giữ truyền thống chống ngoại xâm, bảo vệ biển đảo quốc gia. Trong những năm gần đây, tàu Trung Quốc ngày càng hoành hành trên vùng biển Trường Sa, chúng thả sức bắt bớ, hành hạ, đánh đập và cướp bóc của ngư dân Việt Nam.Ngư dân Lý Sơn là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất, dường như mỗi ngư dân, ai chưa bị Trung Quốc bắt bớ thì chưa phải là dân biển Lý Sơn.
Đặc biệt, theo lời những thuyền trưởng từng bị bắt trên biên Đông, hễ thuyền nào treo cờ đỏ sao vàng của Việt Nam thì bị truy sát đến cùng, những thuyền biết rút kinh nghiệm, ra khơi thì hạ cờ, tàu Trung Quốc đến hỏi, vẫn biết là tàu Việt Nam, nhưng không treo cờ Việt Nam, sẽ được bỏ qua, trở về nguyên vẹn.
Theo lời kể của một thuyền trưởng từng bị Trung Quốc bắt ba lần trên biển, mất trắng tài sản, cuối cùng về làm thuê cho một thuyền khác, khi bị Trung Quốc bắt, họ sẽ cho phiên dịch hỏi rằng tàu này tự sắm hay là vay tiền nhà nước.
Trước đây, nhiều người nghĩ rằng kể thật mình vay tiền nhà nước sẽ được xót thương mà thả về, nhưng trên thực tế, nếu nói đó là tàu của nhà nước hoặc vay tiền nhà nước sắm tàu, trong tích tắc, bị lai dắt về Hải Nam, bị tịch thu tài sản, bị đánh đập, còn nếu nói rằng đó là tàu của gia đình, tự bỏ tiền ra để sắm, họ có thể bỏ qua, cho về, cao lắm thì tịch thu hải sản.
Người thuyền trưởng này nói rằng cách làm như vậy thể hiện sự đe nẹt, phủ đầu và khinh bỉ của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với nhà cầm quyền Việt Nam.
Nhưng, cũng theo những thuyền trưởng này cho biết, bây giờ người Trung Quốc không còn thả những tàu của dân nữa, họ bắt tất tần tật, không bỏ qua một ai. Nhiều ngư dân muốn bỏ nghề, về quê làm vườn, trồng hành, tỏi hoặc đi làm thuê phương xa.
Nghiệt nỗi, máu bám biển vẫn thôi thúc họ quay trở lại trùng dương trong tức khắc nếu có ai đó rủ rê họ ra khơi. Hơn nữa, nếu trồng hành tỏi, họ cũng không có đủ đất để mà làm vì những gia đình ngư dân không có đất canh tác, nhiều nhà chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 200m2 để làm nhà, nếu không đi làm biển, họ chỉ biết làm thuê, không có nghề nghiệp ổn định, nợ ngân hàng mỗi lúc một tăng cao vì nhiều lần bị cướp bóc, tịch thu, mất trắng trên biển.
Cuối cùng, cuộc đời họ rơi vào lẩn quẩn, không lối thoát.
Nhìn những hình ảnh tập dượt của lễ hội Khao Lề Tế Lính sắp tới, tự dưng, chúng tôi nghĩ về những ngôi mộ gió dành cho ngư dân trong tương lai, lúc đó họ không hẳn bị mất xác trên biển Đông, nhưng, rất có thể họ không còn đất để chôn thân vì với đà xâm lăng của Trung Quốc và với thái độ nhược tiểu của nhà cầm quyền Việt Nam như hiện nay, chẳng bao lâu nữa, dân tộc Việt lại rơi vào tình trạng bị ngoại xâm và Tàu hóa thêm lần nữa, mà lần này thì e khó mà gở ra cho được!
(Uyên Nguyên, tường trình cho RFA từ Lý Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam.)
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ly-son-festival-uyen-nguyen-04262013091017.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001