Ngày 19/04, tức ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, nghi thức dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng đã diễn ra tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng Phú Thọ. Trước đó vào tối 13/04, tức mồng 4 tháng 3 Âm lịch, UBND tỉnh Phú Thọ đã chính thức đón Bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhưng thay vì bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng vô cùng thiêng liêng này đối với người dân Việt Nam, thì các nhà quản lý Đền Hùng lại đưa vào di tích này những thứ hoàn toàn không có một cơ sở lịch sử nào, như "vụ hòn đá lạ" đang gây nhiều tranh cãi trong những ngày qua, mà theo lời tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện khi trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, đó là mà một sự « hỗn loạn về tâm linh », toàn là những sự bịa đặt.
Bên cạnh sự quản lý lỏng lẻo các di tích như Đền Hùng, cách hành xử của một bộ phận người dân Việt Nam đối với những nơi thờ tự thiêng liêng như vậy cũng đã gây bất bình dư luận. Báo chí trong nước mấy ngày qua đã đưa lên nhiều hình ảnh hàng quán, dịch vụ loạn xạ đón khách vào Đền Hùng, bày bán đủ thứ, thượng vàng hạ cám, từ hàng giải khát, cơm cháo, bún phở, bánh kẹo, quần áo, giầy dép, hàng gia dụng, cho đến cây cảnh, măng chua, điếu cày..., thậm chí dọc hai bên đường còn bày bán cả thịt gia súc.
Bên cạnh sự quản lý lỏng lẻo các di tích như Đền Hùng, cách hành xử của một bộ phận người dân Việt Nam đối với những nơi thờ tự thiêng liêng như vậy cũng đã gây bất bình dư luận. Báo chí trong nước mấy ngày qua đã đưa lên nhiều hình ảnh hàng quán, dịch vụ loạn xạ đón khách vào Đền Hùng, bày bán đủ thứ, thượng vàng hạ cám, từ hàng giải khát, cơm cháo, bún phở, bánh kẹo, quần áo, giầy dép, hàng gia dụng, cho đến cây cảnh, măng chua, điếu cày..., thậm chí dọc hai bên đường còn bày bán cả thịt gia súc.
Về "dịch vụ", thì kinh tởm nhất là các khu nhà vệ sinh do người dân dựng lên hai bên đường để tranh thủ kiếm thêm trong những ngày lễ. Những khu nhà này được che chắn tạm bợ, quây bằng bạt, nilông, không có khu xả thải… trông rất mất vệ sinh và phản cảm.
Nhiều người dân còn đua nhau rải tiền ở Đền Hùng, thậm chí ném tiền vào tượng một cách vô ý thức. Theo báo chí trong nước thì việc rải tiền lẻ tại những nơi thờ cúng tín ngưỡng đang trở nên phổ biến một cách đáng báo động về ý thức văn hóa của một bộ phận người dân Việt Nam.
«Thượng bất chính, hạ tắc loạn », khi chính quyền làm không đúng thì người dân cũng làm bậy theo là lẽ đương đương nhiên. Nói như tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, những người quản lý những khu di tích đó phải là những người hiểu biết về lịch sử và văn hóa, mà còn là những người có « một tấm lòng rất thành kính » và một cái « tâm rất thuần khiết » để bảo đảm cho những lễ hội, những cuộc cúng tế diễn ra đúng quy củ, truyền thống, cũng như để có thể cưỡng lại được những cám dỗ vật chất làm dung tục hóa những nghi lễ này.
Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.
RFI : Xin kính chào tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Trước hết xin ông nhắc lại sơ qua về vụ «hòn đá lạ» ở Đền Hùng ?
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện : Trong những ngày qua, báo chí và dư luận, nhất là cư dân mạng đã bàn luận rất sôi sôi nổi về tảng đá « đạo bùa », đã được đặt tại Đền Thượng, tức là di tích kiến trúc quan trọng nhất ở khu vực di tích Đền Hùng, nơi thờ quốc tổ của người Việt Nam.
Khi câu chuyện được phát giác thì người ta mới biết là hòn đá này được đưa vào Đền Hùng từ năm 2009, thời ông Nguyễn Tiến Khôi, giám đốc khu di tích lịch sử Đền Hùng. Qua trả lời phỏng vấn của ông Khôi với báo chí trong nước, thì vào đầu năm 2009, ( ban quản lý ) Đền Hùng tiến hành tu sửa và trong khi đào đất móng nhà thì thấy có một viên gạch, mà trên đó có những văn tự nói về việc « xóa sổ » Đền Hùng. Ông ấy cho rằng đó là những bùa của giặc Nguyên Mông khi sang xâm lược Việt Nam đã yểm vào đó.
Sự việc đã được báo cáo lên cấp tỉnh, mà ở đây chính là bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Hữu Điền. Ông Điền cũng chính là người đã đi tìm long mạch để xây Đền Âu Cơ. Sự việc sau đó được báo cáo lên Bộ Văn hóa. Bộ Văn hóa đã môi giới để tìm đến một đại tá quân đội, tên là Nguyễn Minh Thông, một người có nghiên cứu về huyền thuật phương Đông. Chính ông Thông là người chủ trì việc đưa ra một cái bùa để trấn trị bùa mà phương Bắc đã yểm vào Đền Hùng.
Lúc chúng tôi có được bức ảnh chụp 2 mặt của viên đá đó, thì chúng tôi chỉ nghĩ đây là một cái bùa lành, tức là bùa để cầu phúc, giải tai họa thôi, chứ chưa nghĩ đây là một bùa trấn yểm. Nhưng tự ông Khôi đã tiết lộ rằng đây là bùa trấn yểm lại bùa của phương Bắc. Câu chuyện ngày càng lớn và không chỉ liên quan đến di tích Đền Hùng, mà còn liên quan đến UBND tỉnh và tỉnh uỷ Phú Thọ, cũng như đến Bộ Thể thao,Văn hóa và Du lịch Việt Nam.
RFI: Thưa ông, xét về thủ tục, thẩm quyền, thì họ có quyền đặt những tảng đá như vậy ở một di tích linh thiêng như Đền Hùng ?
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Tín ngưỡng thờ đá, thờ cây là tín ngưỡng nguyên thủy và đã có ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam. Tại khu vực Đền Hùng, gốc xa xưa của nó cũng là những tín ngưỡng nguyên thủy thờ thần núi và thờ đá. Nhưng trong các huyền tích dày đặt chung quanh tỉnh Phú Thọ và khu vực lân cận, thì chúng ta không thấy một hòn đá nào mang dáng nét như vậy và đây là hiện vật được bịa đặt về sau.
Khi tìm hiểu về tảng đá này thì chúng tôi thấy trên đó có cả dấu ấn « Tổ Vương Tích Phúc », là một cái ấn bịa đặt của tỉnh Phú Thọ, có cả những dòng chữ Phạn, rồi dòng chữ Hán « Bách Giải Tiêu Tai Phù », rồi cả trận đồ theo kiểu Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc. Đó là một cái bùa hỗn loạn về mặt tâm linh, một hiện vật bịa đặt về sau, hoàn toàn mới, không có trong hồ sơ di tích Đền Hùng.
Bất cứ người nào quản lý văn hóa, kể cả quản lý hành chính, như ở UBND tỉnh, đều phải hiểu là đưa vào một di tích thuần Việt như Đền Hùng là một điều dứt khoát không được phép.
RFI: Ông có thể hiểu được động cơ của những người làm như vậy không ? Phải chăng đó là nhằm thỏa mãn nhu cầu mê tín của khá nhiều quan chức hiện nay, hay đây là cách để kiếm tiền ?
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện : Tôi chưa nghĩ việc đặt đá bùa ở đó là nhằm mục đích kiếm lợi, nhưng ở đây có một điều đáng báo động về não trạng của những nhà quản lý văn hóa Việt Nam hiện nay : cái gì cũng muốn thổi phồng lên, cái gì cũng làm cho sai lạc đi, làm cho nó hoành tráng lên, làm cho nó đi xa với truyền thống. Không chỉ Đền Hùng, mà nhiều nơi khác cũng như thế, ví dụ như Đền Trần ở Nam Định, Đền Trần ở Thái Bình và một loạt các nơi khác. Có những nơi họ bịa ra những câu chuyện, những sự tích mới, đặt ra những vật linh, hiện vật không hề có trong sử sách, hoặc là nhằm mục đích thỏa mãn một nhu cầu về tâm linh cho riêng cá nhân, gia đình hoặc dòng họ mình, hoặc có nơi bịa đặt ra những thứ đó để cầu lợi, kiếm tiền.
Chúng tôi cũng phát hiện là ở Đền Hùng, trên các tờ phiếu ghi công đức do bản quản lý phát, có ghi một cái ấn và trên ấn đó có hàng chữ Tổ Vương Tứ Phúc. Những chữ này viết không đúng, đã thế họ lại phiên âm ra là Vua Hùng ban phúc, mà ghi bên dưới đây là dấu ấn thời Hồng Đức truy phong cho vua Hùng ! Một việc làm bậy bạ hết sức, một sự bịa đặt nhạo báng tổ tiên, nhạo báng vua Hùng, lường gạt nhân dân, lợi dụng tín ngưỡng vua Hùng kiếm chác. Tôi cho rằng đó là một việc làm phi đạo đức và rất là đáng trách, nhất là lại được thực hiện bởi một cơ quan văn hóa. Ban quản lý khu di tích Đền Hùng được xem như là một ông thủ từ của một ngôi Đền quốc tổ mà lại làm một cái việc bậy bạ như thế, rất đáng lên án. Nếu được quyền, người dân địa phương sẽ truất quyền thủ từ Đền Hùng của ban quản lý đó.
RFI : Theo ông, để tránh những trường hợp như vậy, việc quản lý những di tích lịch sử có tính chất thờ tự như Đền Hùng nên được giao cho cơ quan nào?
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện : Từ ngàn xưa, những ngôi đền có tính chất thờ phượng những nhân vậtanh hùng dân tộc được gọi là những ngôi đền quốc tế. Quốc tế đây có nghĩa là những nơi tế lễ cấp Nhà nước, tức là nơi mà đại diện của Nhà nước phải đến đó để tế lễ hàng năm. Dân ở đó bao giờ cũng là những người giữa các việc thờ cúng đó và theo truyền thống, được Nhà nước đặt riêng ra, gọi là dân tạo lệ, tức là dân ở xã đó hay vùng đó được miễn hoàn toàn việc phu phen tạp dịch hoặc miễn mọt số thuế khóa để tập trung vào việc chăm lo ruộng đất ở đó để lấy hoa lợi chi dùng vào việc tế lễ hàng năm. Tế lễ bằng vật phẩm gì, nghi thức như thế nào đều được quy định một cách rất chặt chẽ.
Còn hiện giờ, những di tích như thế giao cho địa phương là hợp lý và đúng với truyền thống nhất, tức là mô hình như hiện nay là đúng rồi. Nhưng ban quản lý các di tích đó trước hết phải là những người hiểu biết về lịch sử văn hóa và phải là những người có tấm lòng rất thành kính và một cái tâm thuần khiết thì mới có thể duy trì các lễ hội hoặc là các cuộc cúng tế hàng năm được đúng quy củ. Phải có một tấm lòng như thế nào thì mới có đủ bản lĩnh để từ chối những cám dỗ về vật chất do sự nổi tiếng của những ngôi đền mà họ quản lý đưa.
Ví dụ như tỉnh Nam Định, phường Lộc Vượng không có cái tâm như thế, cho nên không thể từ chối những món lợi béo bở từ việc phát ấn Đền Trần. Dẫu họ biết làm thế là sai, là lừa gạt nhân dân, nhưng họ vẫn cứ làm. Thế thì, đòi hỏi những người quản lý có được cái tâm, có tấm lòng, có sự hiểu biết về các di tích như thế là một việc tương đối khó, nhưng không phải là không có những người như thế, nhất là đối với những di tích quan trọng cấp quốc gia, được nhiều người đến thăm viếng như Đền Hùng.
RFI : Xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.
Nguồn: RFI Việt ngữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001