Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Dự án hiện đại hóa trung tâm Lhassa bị chỉ trích

Dự án hiện đại hóa trung tâm Lhassa bị chỉ trích 

Thứ ba 02 Tháng Bẩy 2013      
Cung điện Potala, trụ sở của chính quyền Tây Tạng tại Lhassa, trước khi Trung Quốc  sát nhập Tây Tạng.
Cung điện Potala, trụ sở của chính quyền Tây Tạng tại Lhassa, trước khi Trung Quốc sát nhập Tây Tạng.
REUTERS

Trọng Thành
Hôm nay, 02/07/2013, truyền thông chính thức của Trung Quốc cho biết đã hoàn tất dự án « cải tổ » khu phố lịch sử và trung tâm tâm linh của Lhassa, thủ phủ của Tây Tạng. Vào tuần trước, hơn 100 chuyên gia về Tây Tạng trên toàn thế giới đã gửi thư đến chủ tịch Trung Quốc và lãnh đạo Unesco để tố cáo những hậu quả mang tính hủy diệt của các xây dựng mới tại trung tâm lịch sử của Tây Tạng, được Unesco xếp hạng di sản nhân loại.


Theo Hoàn cầu thời báo, các công trình xây dựng trong kế hoạch hiện đại hóa khu vực xung quanh đền Jokhang với tổng diện tích 1,3 km², trị giá 1,5 tỷ yuan (tương đương 187 triệu euro) đã hoàn tất hôm chủ nhật 30/06, sau 7 tháng tiến hành. Jokhang, ngôi đền Phật giáo được coi là thiêng liêng nhất của người Tây Tạng, cùng với cung Potala, là hai di tích thu hút nhiều khách du lịch nhất.
Cuối tháng trước, 138 chuyên gia về Tây Tạng trên toàn thế giới đã ký vào bức thư ngỏ phản đối, lưu hành trên mạng, gửi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng giám đốc Unesco Irina Bukova, nhân dịp phiên họp thứ 37 của Hội đồng di sản thế giới của Unesco họp tại Phnom Penh ngày 27/06/2013. Các chuyên gia về Tây Tạng lên án việc chính quyền Trung Quốc xây dựng tại đây một « làng du lịch nhân tạo », « phá hủy và sẽ còn tiếp tục phá hủy những kiến trúc không gì có thể thay thế được, mà trong đó có nhiều kiến trúc đã được dựng lên hàng thế kỷ trước ».
Hoàn cầu thời báo cho biết, người phụ trách truyền thông của chính quyền Trung Quốc ở Lhassa đã bác bỏ các cáo buộc này và cam đoàn rằng dự án kể trên tôn trọng triệt để văn hóa Tây Tạng. Viện khoa học Trung Quốc về quy hoach đô thị, tham gia vào dự án này, khẳng định mục tiêu của dự án là để « bảo tồn sự độc đáo và những tính chất truyền thống của khu vực này ».
Theo Le Monde, trước đó, đầu tháng 5/2013, bà Woeser - nữ văn sĩ ly khai người Tây Tạng, sống tại Bắc Kinh – đã gióng lên tiếng chuông báo động, trên trang blog cá nhân, về cuộc hủy diệt trung tâm Lhassa đang diễn ra. Nữ văn sĩ Tây Tạng khẳng định rằng những thương nhân Tây Tạng có cửa hàng dọc theo Barkhor – « con đường hành hương » xung quanh ngôi đền thiêng Jokhang - buộc phải chuyển chỗ vào trung tâm thương mại mới xây dựng và những cư dân của khu phố cổ bị tái định cư tại một vùng ngoại ô phía tây Lhassa. Barkhor là nơi mỗi người Tây Tạng mơ được một lần đến trong đời.
Từ ít năm gần đây, con đường Barkhor và khu vực quanh ngôi đền Jokhang là nơi xảy ra nhiều cuộc phảng kháng của người Tây Tạng chống lại sự cai trị của Bắc Kinh. Trường hợp tự thiêu của hai thanh niên Tây Tạng tại Lhassa, ngày 27/05/2012, trước đền Jokhang, theo chính quyền Trung Quốc, khẳng định nhu cầu « siết chặt an ninh » hơn nữa tại các khu phố của người Tây Tạng.
nguồn:http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130702-du-an-hien-dai-hoa-trung-tam-lhassa-bi-chi-trich
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001