Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Hãy mang Hồ Gươm khỏi Hà Nội

Hãy mang Hồ Gươm khỏi Hà Nội 


Tháng Bảy 5, 2013
Khi đọc thông tin Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cho phép Sở Quy hoạch Kiến trúc đặt nhà ga metro C9 (thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo) trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng, chỉ cách bờ hồ một khoảng nhỏ, tôi đã kêu thầm: “Thôi rồi, Hồ Gươm!”… Vậy là sau bao lần thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc, kỳ này Hồ Gươm đã dính chấu.
Ngô Thị Kim Cúc

Tác giả Ngô Thị Kim Cúc tại Hồ Gươm
Tác giả Ngô Thị Kim Cúc tại Hồ Gươm
HỒ GƯƠM- MỘT TÌNH YÊU VÔ ĐIỀU KIỆN
Từ khi nhìn thấy Hồ Gươm lần đầu, tháng 7 năm 1976, tôi đã cho phép mình can dự vào những buồn vui liên quan đến sự tồn tại của hồ, với tư cách một công dân Việt Nam. Hồ Gươm đâu chỉ của Hà Nội mà là của cả nước Việt, của tất cả mọi người Việt yêu lịch sử và văn hóa Việt.
Trong lòng tôi, Hoàn Kiếm là quá khứ thân thương trong bài Việt sử thuộc nằm lòng từ thời tiểu học, chuyện người anh hùng áo vải Lê Lợi với sự phò tá của Nguyễn Trãi, khởi nghĩa đánh tan giặc Minh, và sau đó, đã trả lại gươm báu cho thần Kim Quy, vị thần đã từng giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, sau khi bờ cõi yên bình. Chuyện ấy xảy ra từ thế kỷ 15, cách đây đã 600 năm.
Hồ Gươm của tôi là Hồ Gươm lai láng nhớ thương trong Thương nhớ mười hai  của Vũ Bằng. Năm có mười hai tháng thì cả mười hai tháng nhớ thương từ A đến Z rồi lại từ Z đến A. Thương từ cái chớp mi của người đàn bà gần gụi đắm đuối với mình nhất cho đến chút hơi hướm liêu xiêu của một ngọn gió mơ hồ ngoài đường ngoài phố. Thương từ một miếng ngon trôi từ đầu đũa vào sâu tận trong tim, tan vào trong huyết quản cho đến cái lạnh rứt da rứt thịt, luồn vào tận tủy xương của gió mùa đông bắc…
Hà Nội của tôi là những con đường quanh Hồ Gươm mà tôi có thể đi bộ cả ngày không cần mũ nón, có thể ngồi xuống bất cứ ghế đá, vệ cỏ nào mà không sợ bị dòm ngó, vì bất cứ ai cũng có thể làm thế chẳng chút phân vân.
Những con đường quanh Hồ Gươm, những hàng cây bốn mùa thay lá, thay hoa. Những cái tên, những cành nhánh, màu hoa đã trở nên thân thuộc như không còn có cách nào khác. Hoa vông hoa gạo chói đỏ gay gắt, thu hút mắt nhìn từ khoảng cách rất xa. Vẻ mong manh của những cành liễu rũ sát rìa nước, chạm vào tóc, xòa vào mặt mỗi khi bước ngang. Nhưng mê đắm nhất vẫn là những chuỗi lộc vừng đỏ lửng lơ buông dài như có thể đan thành bức mành thơ mộng giữa thực hư cho người ta luồn vào mà mơ giấc bồng lai ngây ngất giữa ban ngày.
Hồ Gươm là mùi thơm dịu nhẹ của hoa sấu trắng vãi đầy đường như gạo, là những gốc đa gốc sung gốc bàng sần sùi bày tỏ sự già lão thâm trầm, là bằng lăng tím thầm lặng trì níu một cảm xúc nhớ nhung vô cớ, là cây cơm nguội li ti hạt vàng, là hoa ban trắng dịu dàng mềm mại cong cong cánh nhỏ như những ngón tay giai nhân đang múa…
Hồ Gươm cũng là Tháp Rùa nơi Cụ Rùa trăm năm tuổi đang có mặt để nhắc nhở  nét linh thiêng truyền thuyết, là cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, là Tháp Bút, Tháp Hòa Phong, đền Bà Kiệu, là tượng đài Cảm tử quân, tượng đài Lý Thái Tổ… Tất cả những công trình này góp phần tạo nên diện mạo một Hồ Gươm nhỏ bé nhưng chất chứa cả một truyền thống lịch sử- văn hóa Việt Nam nhiều thế kỷ qua…
HỒ GƯƠM- MỘT ĐƯỜNG TRÒN KHÔNG ĐÓNG KÍN
Ở góc đông nam của Hồ Gươm là Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền, niềm tự hào của thủ đô Hà Nội trong thời bao cấp. Lần đầu bước vào đây mua sắm, tôi đã rất ngỡ ngàng khi được mậu dịch viên trả lời rằng hầu hết những thứ tôi muốn mua đều là hàng trưng bày, không bán. Vậymà hễ có dịp ra Hà Nội, tôi lại vào đó, như một cách “quẹt thẻ” ghi nhận sự có mặt của mình.
Từ Bách hóa Tổng hợp, thả bộ một đoạn ngắn trên đường Tràng Tiền là đến Nhà hát Lớn, một vẻ đẹp mẫu mực vượt thời gian, được khởi công năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris. Khách sạn Hilton Hà Nội Opera, được xây dựng kề bên nhà hát gần cả thế kỷ sau, may mắn đã không làm hỏng quần  thể kiến trúc mà còn tăng thêm vẻ duyên dáng cho nhà hát nhờ sự tương tác hài hòa.
Rời nhà hát, trở lui, rẽ sang phải là con phố Đinh Lễ rất nhỏ nhưng là chợ sách nổi tiếng với đầy đủ ấn phẩm mới nhất từ bắc đến nam mà không con mọt sách nào có thể bỏ qua khi có mặt tại Hà Nội.
Xuất phát từ góc tây nam Hồ Gươm, đi bộ dưới bóng cây xanh mát của đường Tràng Thi, sẽ đến Thư viện Quốc gia gần đó, một địa điểm tuyệt vời nấp dưới bóng râm đã cũ hàng trăm năm, để khám phá hàng ngàn năm văn hóa của nhân loại. Một chính khách nổi tiếng của Sài Gòn, Ngô Đình Nhu,từng là Giám đốc thư viện này từ 1945 đến tháng 11 năm 1946 với sắc lệnh do bộ trưởng bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký.
Quay lại bờ hồ, là Cà phê Hapro sát gần mép nước, nơi mà các màu tóc màu da tự giới thiệu quốc tịch những du khách muôn phương đang “thưởng thức” thủ đô Việt Nam. Họ bộc lộ sự vui thích trước một thành phố xưa cũ, đằm thắm, với cái hồ duyên dáng đầy bóng cây soi nước và một chiều sâu văn hóa ẩn kín dưới mỗi cảnh vật mang đầy dấu ấn thời gian.
Thế nhưng, trong thời buổi nhiễu nhương, cái đẹp lại có thể mang tới tai họa…
HỒ GƯƠM- NHỮNG DỰ ÁN TIỀN TỈ
Nếu Hồ Gươm không nằm ngay giữa trung tâm thủ đô, là cột mốc số 0 để từ đó xác định khoảng cách mọi điểm trong thành phố, đồng nghĩa với giá trị tính bằng tiền của mỗi mét đất, thì nó đã không bị dòm ngó và hứng chịu chịu nhiều đe dọa đến vậy. Quá nhiều những dự án xây dựng chỉ nhăm nhăm cố đạt cho được càng nhiều diện tích, càng nhiều tầng cao càng tốt, để thu được mối lợi lớn nhất cho một thiểu số nào đó, bất chấp có thể ảnh hưởng tồi tệ đến Hồ Gươm của đa số người dân.
Tòa nhà cao tầng đầu tiên xuất hiện cạnh Hồ Gươm chính là Bưu điện Hà Nội (số 75 Đinh Tiên Hoàng) được khởi công năm 1971, cao năm tầng với mặt tiền dài 51 mét, hoàn thành năm 1976. Đó là một dải bê tông dài ngoẵng, nặng nề và cứng đơ làm ảnh hưởng xấu cảnh quan Hồ Gươm. Cùng với tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố (UBNDTP) Hà Nội được xây mới đúng như một thành trì không đường nét, Bưu điện Hà Nội đã góp phần làm hỏng phần nền của Hô Gươm nhìn từ phía bờ tây.
Thế nhưng vẫn xuất hiện ở phía tây bắc một tòa nhà 5 tầng khác có cái tên xấu xí Hàm cá mập mà người dân đã gọi một cách đầy ghét bỏ. Tòa nhà này từng bị thủ tướng “Yêu cầu UBND TP Hà Nội xử lý nghiêm khắc đối với chủ đầu tư… buộc phải sửa kiến trúc về hình khối và chiều cao… Xử lý hành chính hoặc truy tố trước pháp luật nếu thấy cần thiết”. Vậy mà sau đó nó vẫn đứng giữa trung tâm một cách an nhiên, sau khi được sửa sang chút đỉnh cho có vẻ dễ nhìn hơn.
Khách sạn Hà Nội Vàng trị giá 18,5 triệu đô la Mỹ (ở số 8 Lê Thái Tổ) được khởi công năm 1994 với thiết kế 10 tầng, chiều cao 35 mét, nhưng hoàn thành chưa được 3 tầng đã phải dừng lại. Tòa nhà đã vượt 11 mét chiều cao cho phép đối với mọi kiến trúc chung quanh hồ Gươm. Năm 1996, công trình lại được tiếp tục nhưng cuối cùng khách sạn Hà Nội Vàng đã phải dở dang sau khi đối tác Hồng Kông rút lui. Bảo Việt và VP Bank đã mua lại dự án để xây một công trình với mặt trước cao 4 tầng, mặt sau 7 tầng, có chiều cao 25 mét.
Một dự án năm 2007, nhằm cải tạo tòa nhà 69 Đinh Tiên Hoàng của Tập đoàn Điện lực Việt  Nam (EVN) thành Trung tâm Thương mại Tài chính EVN  lại được Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội cấp phép trên diện tích 14.772 mét vuông, chiếm mặt tiền ba con đường lớn là Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn, Lý Thái Tổ. Mặt  hướng Đinh Tiên Hoàng nhìn ra Hồ Gươm là một kiến trúc dài đến 105 mét (!) với mặt ngoài 5 tầng và độ cao 21 mét. Mặt hướng Lý Thái Tổ còn cộng thêm 8 tầng nữa, để đạt chiều cao đến 54 mét (!). Dự án quá tham lam này cuối cùng đã bị hủy bỏ vì vi phạm quá sức thô bạo đối với cảnh quan Hồ Gươm…
Và giờ lại đến nhà ga metro C9, ngay sát mặt hồ, với lý do là, để cho khách du lịch trong/ ngoài nước thăm thú, mua sắm ở khu vực Hồ Gươm không phải đi xa, và để người dân có thể đi tàu đến… xem bắn pháo hoa thuận lợi vào dịp lễ tết…

HÃY MANG HỒ GƯƠM KHỎI HÀ NỘI
Những bức hình chụp Hồ Gươm thời gian gần đây cho thấy cảnh quan đang ngày càng bị phá hỏng. Nhiều tòa nhà cao tầng mới xây lởm chởm nổi lên trên tầng cao, đè bẹp những tàng cây, khiến Hồ Gươm bỗng thụt sâu xuống và nhỏ đi một cách đáng thương, gần gần với một cái ao làng.
Với Hà Nội, dù có cố xây thật nhiều nhà cao tầng, cũng chỉ để tự an ủi rằng mình rồi cũng đã bằng chị bằng em, chứ không hề thay đổi được giá trị vốn có của thành phố. Cái gì làm nên nét riêng của Hà Nội so với những Paris, Roma, Tokyo, Seoul…? Không phải nhà cao tầng mà là một bề dày văn hóa- tâm linh- lịch sử, là giá trị phi vật thể trong những đường nét vốn có của một độc bản không hề trùng lặp. Cuộc đua nhà cao tầng chỉ đem tới mất mát quá nhiều so với cái có được.
Hồ Gươm chẳng là gì về tầm vóc so với nhiều hồ nổi tiếng của thế giới. Nhưng giá trị của Hồ Gươm chính ở chỗ hồn vía của quá khứ dường như vẫn luẩn quẩn đâu  đây cùng năm tháng. Đó là những hàng cây, bóng nước, là Cụ Rùa trăm tuổi gắn liền với truyền thuyết hào hùng, là cảm giác bình yên khi người ta rảo bước dưới những bóng cây, chia sẻ niềm tĩnh lặng tuyệt vời giữa con người nối kết với thiên nhiên…
Đã có những nhà chuyên môn cảnh báo về việc nền đất mềm của Hà Nội khi phải sử dụng công nghệ ép đất để xây các công trình có thể khiến đáy Hồ Gươm bị đội lên và Hồ Gươm sẽ bị nghiêng so với bề mặt. Khi đó, liệu chúng ta có thể làm gì? Ấy là chưa kể đến chiều dài 150 mét của ga ở tầng sâu 15 đến 20 mét không thể không kinh động đến lòng đất linh thiêng dày đặc những “bàn thờ tổ” đã có từ hàng bao thế kỷ của ông cha.
Tôi hình dung với 2 đến 4 cửa lên xuống, và với lượng khách đi tàu chắc chắn không nhỏ, khu vực Hồ Gươm lúc đó sẽ giống với cái gì? Liệu có còn sự trầm mặc quý giá của hồn thiêng sông núi hay chỉ là ùn ùn những ồn ào chen lấn, la hét xô bồ đúng với kiểu bến xe, bến tàu? Khi đó, Hồ Gươm chắc sẽ phải đổi tên cho phù hợp…
Nếu quả thật ga tàu điện ngầm dứt khoát phải được xây đúng chỗ này, không phải chỗ nào khác, ngay cạnh bờ hồ, thì cách duy nhất có thể làm để cứu Hồ Gươm là, HÃY MANG HỒ GƯƠM KHỎI HÀ NỘI.
Hãy mang Hồ Gươm đến bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam, miễn sao ở đó con người có thừa tình yêu và lòng kính trọng đối với quá khứ để không coi tiền bạc là giá trị cao nhất trong mọi giá trị có trên đời.
(Bài này đã được in trên tạp chí Duyên Dáng Việt Nam thuộc Thanh Nien Media Corporation, số tháng 7/2013)
Theo FB Ngô Thị Kim Cúc
nguồn:http://haydanhthoigian.net/2013/07/05/hay-mang-ho-guom-khoi-ha-noi/
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001