Đỗ Hoàng Điềm - Bắc Kinh câu giờ, Hà Nội im lặng
Đỗ Hoàng Điềm
Kính gửi quí cơ quan truyền thông báo chí,
Tiếp theo Hội Nghị An Ninh Shangri-La 12 tại Singapore vào cuối tháng 5 vừa qua, Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại Giao của khối ASEAN đã khai mạc vào ngày 30/06/2013 tại Brunei. Theo nghị trình chính thức thì có 3 vấn đề sẽ được thảo luận gồm lộ trình thành lập cộng đồng Đông Nam Á, hướng đi tương lai của khối ASEAN, và quan hệ đối ngoại của khối ASEAN. Tuy nhiên, trong thực tế thì 2 vấn đề khác mới thực sự là trọng tâm của cuộc họp. Đó là vấn đề tranh chấp tại Biển Đông và tình trạng căng thẳng do Bắc Hàn gây ra.
Chúng tôi xin gửi đến quí vị bài viết "Bắc Kinh câu giờ, Hà Nội im lặng" của ông Đỗ Hoàng Điềm và mong được quí vị tiếp tay phổ biến.
Trân trọng
Mai Hương
Trưởng Ban Liên Lạc Truyền Thông Đảng Việt Tân
Tiếp theo Hội Nghị An Ninh Shangri-La 12 tại Singapore vào cuối tháng 5 vừa qua, Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại Giao của khối ASEAN đã khai mạc vào ngày 30/06/2013 tại Brunei. Theo nghị trình chính thức thì có 3 vấn đề sẽ được thảo luận gồm lộ trình thành lập cộng đồng Đông Nam Á, hướng đi tương lai của khối ASEAN, và quan hệ đối ngoại của khối ASEAN. Tuy nhiên, trong thực tế thì 2 vấn đề khác mới thực sự là trọng tâm của cuộc họp. Đó là vấn đề tranh chấp tại Biển Đông và tình trạng căng thẳng do Bắc Hàn gây ra.
Sở dĩ 2 vấn đề này mới thực sự là ưu tiên cũng là điều dễ hiểu vì đây là 2 điểm nóng đang gây ra bất ổn cho an ninh của toàn vùng Thái Bình Dương. Đặc biệt vấn đề Biển Đông đã trở nên rất căng thẳng từ đầu năm nay vì thái độ ngang ngược của Trung Quốc như đưa tàu chiến vào đi tuần trong vùng, gây hấn với tàu đánh cá của các nước khác, và công khai lên tiếng đe dọa các nước không chấp nhận đường “lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong số các nước đang tranh chấp với Trung Quốc, hai nước có nhiều thiệt hại nhất chính là Việt Nam và Phi Luật Tân.
Tuy nhiên, chỉ có Phi Luật Tân là có thái độ cứng rắn bằng cách thưa kiện Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, đưa hải quân vào trong vùng và đổ quân lên một vài hòn đảo, tập trận với hải quân Mỹ, và ký kết hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật. Ngay trong ngày đầu của hội nghị, sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc chỉ trích những phản ứng của Phi là hành động gây hấn, ông Albert del Rosario, Ngoại trưởng Phi Luật Tân, đã không nhịn và phản bác bằng những lập luận vững chãi và đanh thép.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, lại chỉ có những phát biểu rất yếu với lời kêu gọi “các bên cần phải tiếp tục tăng cường xây dựng lòng tin; trong đó có việc thiết lập các kênh liên lạc hữu hiệu, hợp tác ngăn ngừa các sự cố, thiết lập một dàn xếp khu vực về tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền bị nạn trên biển, thiết lập “đường dây nóng” giữa ASEAN và Trung Quốc về các vấn đề trên biển.” Ông Minh cũng không quên ca ngợi những cái gọi là tiến triển trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, trong khi sự thật thì tình hình đang xấu đi vì thái độ hung hãn của Trung Quốc khiến vấn đề Biển Đông ngày càng nóng.
Nhưng một điều khá bất ngờ đã xảy ra vào ngày Chủ Nhật 30/06 khi Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc đồng ý sẽ thương thảo với khối ASEAN về việc thiết lập một qui ước hành xử chung để giải quyết mâu thuẫn tại Biển Đông. Và họ đã đề nghị luôn thời điểm bắt đầu thương thảo là vào tháng 9 tới đây. Mới thoạt nghe thì có vẻ như là một bước tiến quan trọng vì từ 2-3 năm qua, Trung Quốc đã không chịu thương thảo với khối ASEAN về qui ước này, mà thay vào đó khăng khăng đòi giải quyết tay đôi với những nước đang tranh chấp. Lý do đơn giản vì nói chuyện tay đôi thì họ mạnh hơn và dễ lấn áp, trong khi thương thảo với cả khối ASEAN thì khó hơn và họ sợ bị ép phải nhượng bộ.
Tuy nhiên, sự thật đây chỉ là đòn câu giờ, một thủ đoạn sở trường của Bắc Kinh. Nhưng tại sao lại phải câu giờ? Thứ nhất là vì Bắc Kinh đang bị áp lực từ sau vụ Phi Luật Tân thưa kiện với Liên Hiệp Quốc; với trò hứa hẹn thương thảo, Trung Quốc làm giảm bớt áp lực tại hội nghị, mua thêm thời gian và mượn tay các nước khác trong ASEAN thuyết phục Phi Luật Tân hãy ngừng vụ kiện. Trong thực tế là họ đã và đang nỗ lực vận động việc ngưng kiện này.
Thứ hai là Trung Quốc sẽ một mặt thì hứa thương thảo, nhưng một mặt sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động quân sự trong vùng và lấn thêm càng nhiều càng tốt để đặt các nước khác trước sự đã rồi. Ngay trước mắt họ đã thành công tại hội nghị sau khi ép được khối ASEAN phải chấp nhận thành lập một ủy ban chuyên gia để giúp điều hướng cuộc thương thảo. Đây lại thêm một đòn câu giờ vì nội việc ai sẽ ngồi trong ủy ban này cũng đủ để gây tranh cãi và tốn rất nhiều thời giờ, chưa biết tới tháng 9 sẽ có được cái ủy ban này hay không nữa.
Ngoài ra, qui ước ứng xử sẽ được thảo luận không đụng tới vấn đề chủ quyền trên Biển Đông mà chỉ nhắm vào việc định ra một số nguyên tắc để tránh xung đột trên mặt biển. Và đến cuối hội nghị thì thủ đoạn câu giờ của Trung Quốc càng lộ rõ khi được khẳng định là cuộc họp vào tháng 9 sẽ diễn ra trên đất Trung Quốc, chỉ là một cuộc gặp gỡ để tham khảo chứ không thương thảo, và chỉ có sự tham dự của những viên chức cấp thấp mà thôi.
Hầu hết đại diện các nước tham dự hội nghị đều bày tỏ sự hoài nghi và không cho đây là một tiến triển gì đáng kể. Điều không chấp nhận được là sự im lặng một cách vô trách nhiệm và yếu kém của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Là nước có nhiều nhất để mất vì đường “lưỡi bò” của Trung Quốc, thường xuyên bị Trung Quốc gây thiệt hại cho ngư dân, và nhất là đã hy sinh nhiều người con ưu tú của đất nước trong hai trận chiến Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988, sự im lặng của những người đại diện nhà cầm quyền Việt Nam trước những đòn phép của Trung Quốc là một thái độ ngoảnh mặt lại với đất nước và phải bị lên án mạnh mẽ.
Đáng lý ra, Hà Nội đã phải làm 4 việc sau đây trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc:
1. Tiếp tay với Phi Luật Tân và cùng thưa kiện Trung Quốc với Liên Hiệp Quốc thay vì giữ thái độ im lặng như hiện nay, không dám kiện và cũng không dám lên tiếng hỗ trợ nước Phi Luật Tân.
2. Gia tăng sự hiện diện của quân đội trong vùng để bảo vệ hải phận Việt Nam, và phải tỏ thái độ bằng hành động sẵn sàng bảo vệ ngư dân, tài nguyên và chủ quyền của đất nước khi bị đe dọa.
3. Giữ thái độ cởi mở đối với việc hợp tác quân sự với một vài quốc gia khác để chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc, bảo vệ an ninh trong vùng và tuyến đường hàng hải qua Biển Đông.
4. Xây dựng lòng yêu nước và tinh thần cương quyết chống ngoại xâm của toàn dân thay vì trù dập hay bỏ tù những người yêu nước, những người dám đứng ra tranh đấu chống Trung Quốc.
Đây là những phản ứng mà đáng lẽ nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải làm từ lâu rồi. Tuy nhiên, trong 4 việc nêu trên, tình trạng bắt bớ những người yêu nước là điều tồi tệ nhất mà chế độ Cộng sản đang làm. Việc họ xử án và bỏ tù những người yêu nước, kêu gọi chống Trung Quốc như ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, cô Nguyễn Phương Uyên, anh Đinh Nguyên Kha và nhiều người nữa thật sự là một hành động phản bội dân tộc. Việc họ ngăn cản và đánh đập người biểu tình chống Trung Quốc cho thấy rõ là chế độ Cộng sản tại Việt Nam sợ đàn anh Trung Quốc và đặt quyền lợi của chế độ lên trên quyền lợi đất nước.
Bất cứ một chính quyền nào, nếu làm đúng bổn phận thì phải bảo vệ và phát huy những hoạt động nhằm thể hiện lòng yêu nước và nghĩa vụ đối với đất nước và dân tộc. Đáng lẽ phải khuyến khích và hỗ trợ người dân tích cực góp sức tranh đấu chống ngoại xâm, thì đằng này chế độ Cộng sản lại bắt bớ, trù dập những ai chống lại Trung Quốc. Đối với một chế độ như vậy, đối với những người lãnh đạo bất xứng như vậy, chúng ta chỉ có một sự chọn lựa duy nhất là phải thay thế họ mà thôi.
Nếu chúng ta không muốn đất nước mất dần vào tay Trung Quốc, nếu chúng ta muốn có những người lãnh đạo làm đúng bổn phận đối với dân tộc, chúng ta phải xây dựng một thể chế dân chủ trong đó người dân thật sự có tiếng nói trong việc điều hành đất nước, và nhất là có quyền chọn lựa người lãnh đạo chính quyền. Nhưng điều này chỉ có được nếu tất cả chúng ta cùng làm 3 việc sau đây: (1) tích cực lên tiếng đòi hỏi những quyền căn bản của người dân như tự do ngôn luận, tự do tụ họp, tự do lập hội; (2) tích cực tham gia những hoạt động thể hiện lòng yêu nước và chống lại sự xâm lăng của Trung Quốc; và (3) kêu gọi bà con, bạn bè, những người thân chung quanh chúng ta cùng tiếp tay, làm đúng bổn phận của mình đối với đất nước. Được như vậy thì chắc chắn một ngày không xa nữa chúng ta sẽ có tự do và dân chủ, và từ đó là sức mạnh và sự đoàn kết của cả dân tộc để chống lại ngoại xâm./.
Đỗ Hoàng Điềm
3/07/2013
Admin gửi hôm Thứ Năm, 04/07/2013
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130704/do-hoang-diem-bac-kinh-cau-gio-ha-noi-im-lang
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001