Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Phê bình dân chủ

Phê bình dân chủ 


Thứ ba, ngày 16 tháng bảy năm 2013 

Sự thành công của cải cách hay thậm chí cả cách mạng không dựa vào ý chí cá nhân,  của một nhóm người mà phải là ý chí xã hội, ý chí của chí ít là một giai tầng. 

Kể cả nơi thượng tầng kiến trúc chính trị và rộng ra là cả một quốc gia cũng đều như vậy. Đảng Cộng Sản Việt Nam đến giờ mà nói khó lòng đảm đương được sứ mệnh mở đường cho tiến trình dân chủ hóa (mà chính Đảng này đã bịt lại), hay nói cách khác là tiến hành cách mạng từ trên xuống.

Như vậy phần việc còn lại là của công dân. Nhưng dân chủ hóa thế nào đây? Bệ đỡ nào cho tiến trình dân chủ ở Việt Nam?

Thiếu hẳn một bệ đỡ vững chắc
Ngọn cờ cho tiến trình dân chủ hóa giờ không có người nắm bắt. Kể cả với Đảng Cộng Sản Việt Nam, căn nguyên thì có rất nhiều và nằm ngay ở việc trong chính Đảng này không có một lực lượng cấp tiến đủ mạnh. Cơ chế và phương pháp cai trị của Đảng (thực ra là Đảng trị quốc gia) không cho phép hình thành một tầng lớp Đảng viên cấp tiến.

Trong xã hội cũng như vậy thôi. Tiếng nói dân chủ thiếu hẳn một bệ đỡ là giai tầng xã hội ủng hộ nhiệt thành. Công nhân ủng hộ ư? Không! Nông dân ư? Không! Trí thức và tư sản ư? Cũng không nốt. Trái lại những tiếng nói dân chủ (hay người ủng hộ dân chủ) được nhặt nhạnh đó đây chút ít trong chính các giai tầng này.

Nhiều người dân bày tỏ sự bất mãn về chính sách cai trị quốc gia của Đảng Cộng Sản Việt Nam, quá nhiều người thờ ơ: Đảng nói gì kệ Đảng. Nhưng xin các vị nhớ cho rằng bất mãn, thờ ơ là một chuyện, còn hành động thực tế lại là chuyện khác.

Hành động để xây dựng và sở hữu một nền dân chủ lại còn khác nữa.

Lực lượng đấu tranh đòi dân chủ là bao nhiêu? Ta có thể đặt lên bàn cân mà tính đếm đến. Rất tiếc là không có nhiều, vài ba trang mạng - số nhiều là vài chục trang mạng khoảng vài ngàn hay vài chục ngàn fan dân chủ. Vậy là hết!

Hầu hết những bộ não của dân chủ, những người có khả năng và tư duy dân chủ đã bị triệt tiêu vì lý này hay lý khác. Phần còn lại Đảng không phải bận tâm nhiều lắm. Hãy để họ tự sinh, tự dưỡng và tự diệt.

Bởi rất nhiều trong số những nhà dân chủ ở Việt Nam hiện nay tự cho mình quyền độc tài dân chủ. Rất nhiều những sao sáng dân chủ lại tồn tại một cách đặc sệt trong tư duy và hành động về sự gia trưởng dân chủ. Và đương nhiên có nhiều nhóm dân chủ, các nhóm - hay cá nhân này có thể công kích, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau.

Lực lượng như vậy  không bao giờ đủ mạnh để gây sức ép buộc Đảng Cộng Sản Việt Nam phải tự biến (hay lật đổ Đảng Cộng Sản Việt Nam). Đem một lực lượng như vậy đi đấu tranh đòi dân chủ có khác gì "mò trăng đáy nước, cột gió đầu cây". Toàn là những chuyện hư ảo, mờ mịt cả.

Và xét trong hiệu ứng xã hội. Lực lượng như vậy cũng không đủ để xã hội nhận thức rõ ràng về dân chủ và tính bức thiết cần phải có của dân chủ.

Việc sửa Hiến Pháp, vụ Phương Uyên, vụ Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực, đi biểu tình chống China trăm mấy chục người (bất chấp những kêu gọi rầm rĩ trên mạng) vân vân và vân vân. Mỗi một vụ nổ ra, kết cục còn lại là cái gì?

Là số Không to tướng, tròn trịa, hay hài hước (thậm chí là mỉa mai hơn) là việc kéo nhau lại an ủi và rồi vinh danh những chiến thắng tưởng tượng. Không rõ là phải chịu thêm bao nhiêu chua xót nữa để dân chủ có thể trưởng thành hơn ở ngay chính Việt Nam?

Cần tạo năng lượng dân chủ
Ta có thể hỏi tại sao lại như vậy? Tại sao dân chủ và chỉ có dân chủ hóa mới là cứu cánh với Việt Nam vậy mà mười mấy năm rồi vẫn không có được một lực lượng đủ mạnh? Một sức ép đáng kể lên thể chế chính trị hiện thời?

Căn nguyên lớn nhất là những tiếng gọi dân chủ ở Việt Nam chỉ biết miệt mài chạy theo sự kiện. Một vụ Văn Giang nổ ra, một phát súng Đoàn Văn Vươn, hay cô học trò Phương Uyên, rồi Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực đủ làm tất cả điên đảo.

Tất cả say mồi, y như rằng chiến thắng đến nơi rồi.

Nhưng cái cần không phải là sự kiện, hay nói đúng hơn sự kiện là không đủ để làm nên tình yêu và khả năng thực hành dân chủ. Điều đáng tiếc là tư duy của công dân, là tình yêu và óc thực hành dân chủ thì không ai tính đếm đến.

Cái cần hiện giờ là tư duy, là sự khát khao dân chủ trong mỗi công dân Việt Nam. Người ta phải biết nhen nhóm và rồi đối cháy chính nó, tức là phải tạo ra giá trị năng lượng dân chủ chứ không phải là lòng oán hờn, bất mãn tại mỗi sự kiện.

Các vị nhân sỹ trí thức có thể hồ hởi phấn khởi với con số hơn vạn chữ ký ủng hộ Kiến nghị 72, nhưng đến giờ hình như con số hơn vạn đó cũng đang chìm xuồng. Lý là tại sao? Hơn vạn chữ ký ủng hộ (nếu có là thật 100% đi chăng nữa) thì hiệu ứng xã hội ở đâu? Hơn vạn người đó có sẵn lòng ủng hộ hết mình cho dân cho các vị Nhân sỹ không? Không đâu khi chính các vị chỉ chú ý đến mình, thì người khác cũng nhanh chóng bỏ rơi các vị.

Ở đây cái cần nhất là không khí thảo luật Hiến Pháp, làm người dân hiểu rõ quyền phúc quyết Hiến Pháp, tư cách công dân - quyền công dân (con người tôn kính, linh thiêng). Rất tiếc không một nhóm nào làm nổi việc này, Hienphap.net tỏ ra quá đơn độc, khoa học và kinh viện; phần còn lại không có gì đáng kể.

Tức là cái nền cơ bản nhất đã bị bỏ qua một cách đầy tiếc nuối. Và xin nhắc để nhớ cho rằng Chính Quyền (phải viết hoa như thế để thêm phần chú ý) mới chính là người tạo ra sự kiện một cách chủ động hay vô tình. Khi họ đã chủ động tạo ra sự kiện mà mình cứ lao đầu vào thì tất yếu chuốc lấy thất bại.
Trong cơn say mồi theo các sự kiện, người ta quên mất một bài học kinh nghiệm truyền đời rằng sự thành công của cải cách hay thậm chí cả cách mạng không dựa vào ý chí cá nhân,  của một nhóm người mà phải là ý chí xã hội, ý chí của chí ít là một giai tầng.

Đứa trẻ 15 hay là đứa trẻ 30
Không nghiêm khắc nhìn lại chính mình, thấy những lỗ hổng tư duy của chính mình thì 15 năm nữa cũng vẫn chỉ là trẻ con 30 tuổi. Hiển nhiên là rất khó để mong chờ có những đột biến từ đứa trẻ 30 tuổi.

Vâng thế nói nãy tới giờ, thì rốt lại phải làm gì để có dân chủ? Hay nói cách khác là tạo sức ép xã hội cần thiết để có thể xây dựng dân chủ? Nhìn rõ những yếu điểm, nhìn rõ thực lực của chính mình đã là câu trả lời cần thiết.

Dẹp bỏ đi tâm lý mong chờ sự kiện để từ đó bu vào rỉa rói, chú trọng đến bản chất vấn đề và thực lực của mình, định vị lại cho thật chính xác mình là ai, cần phải làm gì và công dân cần phải làm gì để bảo vệ những quyền tôn nghiêm của mình! Đó mới là câu trả lời sơ khởi cho tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam.

Nói thẳng ra là muốn có lực lượng một sức ép xã hội đủ mạnh, trước hết phải bắt đầu từ một tư duy đổi mới, một tư duy dân chủ thực sự trong mỗi công dân.

Cũng có một câu hỏi nữa là dân chủ mãi không có được một nền tảng vững chắc, thì Việt Nam rồi sẽ đi đâu về đâu? Hay thể chế chính trị ở Việt Nam sẽ đi đến điểm nào? Nếu như vậy thật thì nhân dân - công dân chỉ là những con số 0 dài vô tận, tất cả sẽ đọng nơi thượng tầng kiến trúc chính trị Việt Nam. 
nguồn:http://www.hantimes.info/2013/07/phe-binh-dan-chu.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001