Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Thanh Tuấn “vua vọng cổ” bên con sông Trà

Thanh Tuấn “vua vọng cổ” bên con sông Trà 

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2013-07-20
ThanhTuan305.jpg
Nghệ sĩ Thanh Tuấn.
Hình của Soạn giả Nguyễn Phương
 Giọng ca vọng cổ trữ tình
Nếu như vua vọng cổ Út Trà Ôn là người miền Nam, xuất thân từ vùng đất trù phú của giòng sông Hậu Giang, thì thế hệ sau ông cũng có một nghệ sĩ được mệnh danh “vua vọng cổ”, xuất thân từ miền Trung, Quảng Ngãi, vùng đất khô cằn, có con sông Trà chảy ngang qua.
Hai thập niên trước đó Út Trà Ôn bỏ quê hương lên Sài Gòn với hành trang mang theo là làn hơi ca vọng cổ trời cho để rồi nên sự nghiệp và tên tuổi lẫy lừng. Thì thế hệ sau Thanh Tuấn rời quê hương Quảng Ngãi, ra đi cũng chỉ mang theo làn hơi ca vọng cổ độc đáo, mà giới sành điệu gọi là làn hơi ngọt ngào, luyến láy đến... “chết người.”
Thật vậy, Thanh Tuấn có giọng ca vọng cổ trữ tình, ca chân phương, truyền cảm rặt miền Nam, anh đã chọn cho mình lối đi riêng rẽ, không theo chân ai. Nói một cách khác giọng ca Thanh Tuấn có đường nét riêng biệt, không giống với lối ca của bất cứ ca sĩ cổ nhạc nào.
Năm 1963 nước con sông Trà dâng lên, quê nhà của Thanh Tuấn bị một trận lũ lụt nặng và chiến tranh diễn ra, nên Thanh Tuấn rời bỏ quê hương, dù lúc ấy chỉ mới 15 tuổi. Và do hoàn cảnh đưa đẩy đã trở thành nghệ sĩ cải lương gắn chặc cuộc đời với nghiệp cầm ca.
Thật ra thì lúc rời bỏ quê hương, Thanh Tuấn chưa biết ca cổ nhạc, mà anh chỉ biết ca tân nhạc lúc còn học ở trường. Lưu lạc vô Sài Gòn xin làm công cho tiệm thuốc Bắc ở đường Thuận Kiều, kế đó học nghề đan ghế mây ở đường Vĩnh Viễn. Một năm sau anh đi coi cải lương, đoàn Trăng Mùa Thu diễn tại rạp Thủ Đô, Chợ Lớn thì bắt đầu say mê cải lương, và quyết định đi học ca cổ nhạc. Ban ngày đi làm, tối đến đi học ca vọng cổ ở lò Út Trọn đường Sư Vạn Hạnh, sau đó học ca thêm với nhạc sĩ Bảy Trạch ở cầu chữ Y.

Chương trình buổi hát của danh ca Út Trà Ôn đăng trên quảng cáo
Chương trình buổi hát của danh ca Út Trà Ôn đăng trên quảng cáo

Dịp may đưa đến, gánh hát nhỏ Bạch Liên Hoa đang tìm diễn viên, và nhạc sĩ Bảy Trạch giới thiệu Thanh Tuấn với đoàn hát. Có lẽ nhờ giọng ca thiên phú nên Thanh Tuấn được giao liền vai chánh. Thời gian sau Thanh Tuấn sang đoàn Minh Cảnh, rồi đi đoàn Hương Hoa Lan. Năm Mậu Thân đoàn này đang hát tại rạp Thăng Long, Banmêthuột. Ngay đêm giao thừa một trái đạn pháo rơi chỉ cách anh 3 thước tây làm hai người thiệt mạng. Hoảng quá Thanh Tuấn ra nhà dân ở thì đêm hôm sau một trái đạn pháo nữa cũng rời ở rạp hát. Đoàn nghỉ hát suốt nửa tháng, tiền trong túi hết sạch, anh quá giang xe đò đi Sài Gòn hát cho đoàn Hương Mùa Thu, kế đó sang đoàn Kim Chung 2 hát với Lệ Thủy và nổi tiếng luôn.
Trong đời nghệ sĩ, Thanh Tuấn hai lần làm bầu gánh. Năm 1984 lập đoàn cải lương Cam Ranh. Do chưa có kinh nghiệm làm bầu, lại bị mưa bão tới tấp nên chỉ một mùa mưa là sạt nghiệp, lại phải làm lại từ đầu. Năm 1995 Thanh Tuấn làm bầu đoàn Cao Văn Lầu ở Cà Mau cũng gặp lúc mùa mưa, đoàn gặp khó khăn về nhân sự và tài chánh nên ngưng hoạt động, Thanh Tuấn về thành phố mở quán nghệ sĩ mang tên anh.
Lâu nay, anh chị em trong giới cải lương ở miền Nam vẫn xem Thanh Tuấn như là “vua vọng cổ” nối gót đệ nhứt danh ca bởi từ sau Út Trà Ôn, giọng ca của anh nhiều năm sau đó và có thể luôn cả bây giờ chưa có ai thay thế được.
Trước đây khi có dịp tiếp xúc với ông Ba Bản bầu gánh hát Thủ Đô, tôi có nghe ông kể một câu chuyện về Út Trà Ôn mà gần giống với trường hợp của Thanh Tuấn sau này. Ông nói cái hôm đệ nhứt danh ca rời đoàn nhảy ra thành lập đoàn Thống Nhưt, thì đêm ấy con số vé bán ra sụt giảm hơn phân nửa. Có nghĩa là họ chỉ nhắm vào một Út Trà Ôn để mua vé. Ông tính cho đoàn hát ngưng hoạt động, nhưng thấy khổ cho mấy chục người sẽ thất nghiệp, nên ông cố duy trì, đến khi giọng ca Thanh Hải được nhiều người ái mộ, đoàn Thủ Đô mới lấy lại phong độ.
Và mấy chục năm sau, khán giả cũng chỉ nhắm vào một Thanh Tuấn để mua vé. Năm 1979, Thanh Tuấn hát ở đoàn Bình Minh, đoàn dọn đến hát ở Tiểu Cần huyện Cầu Kè, Trà Vinh. Đoàn quảng cáo nghệ sĩ Thanh Tuấn, Bích Hạnh diễn vở “Lửa Hồng Vạn Kiếp”. Vé đã bán hết buổi trưa hôm đó. Thanh Tuấn đến chiều mới đi xe hơi xuống hát. Thật là không may cho anh, chiếc xe cứ bị hư mấy lần trên đường đi không lăn bánh được. Tại Tiểu Cần, đoàn vắng mặt kép chánh Thanh Tuấn nên không mở màn hát được.
Khán giả chờ đợi mãi đến 11 giờ khuya vẫn không thấy mặt Thanh Tuấn nên họ nổi giận xông vào hậu trường đập phá tan hoang, bảng hiệu bị hạ xuống, băng đơ rôn bị xé nát. Thật là một thảm cảnh đối với đoàn lưu diễn từ xưa đến nay. Đến 12 giờ khuya Thanh Tuấn mới mướn được xe kéo xe anh về đến Tiểu Cần. Hôm sau khán giả biết được tình trạng này nên đã hối tiếc hành động đêm qua. Rồi đoàn lại mướn đồ đạc để tối lại hát. Đêm đó đoàn diễn “xả giàn”, nghĩa là không thu tiền để đền bù lại đêm trước không hát. Rồi liên tiếp một tuần đoàn đều bán hết vé.
Tuy là có trở ngại ngoài ý muốn, nhưng Thanh Tuấn cảm thấy hối hận cho trường hợp xảy ra. Đó cũng vì khán giả yêu thích mình mới ra nông nổi. Điều đó cũng giúp anh thêm kinh nghiệm, hễ càng được khán giả yêu mến thì phải cần thận trọng trong khi hành nghề.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/king-traditional-music-thanh-tuan-nm-07192013173716.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001