Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

WeGreen - TỰ DO là gì?

WeGreen - TỰ DO là gì? 


Admin F | WeGreen



“Tự do” là cái mà chúng ta đang có? Cũng là cái mà để giành được nó, biết bao con người Việt Nam đã ngã xuống trong quá khứ. “Tự do” cũng là thứ được nhắc đến trong câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh – cố Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa:
“Không có gì quí hơn độc lập, tự do.”
Nhưng thế nào là tự do thì chưa hẳn ai cũng đã hiểu. Và rồi, liệu tự do có mang theo nó một khuôn khổ, một sự hạn chế nào đó? Liệu nói tục chửi thề có phải là tự do? Làm bất kể thứ gì mình thích như chụp lén ai đó rồi post ảnh họ lên facebook có phải là tự do?
Tự do đã được nâng tầm thành Chủ nghĩa. Hayek [1], một nhà kinh tế học và khoa học chính trị người Anh từng đạt giải Nobel, ở VN bạn có thể tìm đọc một cuốn sách được dịch có tên là “Chủ nghĩa tự do của Hayek”. Thế thì hẳn chủ nghĩa tự do này phải có một cơ sở nền tảng nào đó. Vậy nền tảng ấy là gì?
Trong “Tuyên ngôn Tự do” của Murray Rothbard [2], một nhà triết học Mỹ đã nêu lên tiên đề cơ bản của Tự do,TIÊN ĐỀ KHÔNG LÀM TỔN THƯƠNG:
“Không một người hoặc nhóm người nào được làm tổn thương hoặc đe dọa làm tổn thương đến bất kỳ cá nhân nào và tài sản của họ.”
Điều đó có nghĩa là, bạn có thể làm bất kể điều gì miễn là không làm tổn thương đến người khác và tài sản của họ.
Ví dụ, bạn không thể cướp lấy món đồ của một người. Thông thường, bạn chỉ có thể trao đổi một món nào đó với người đó với giá trị mà cả hai đều thấy hài lòng. Cũng vì lẽ đó, mà chủ nghĩa tự do ủng hộ thị trường tự do, nơi mà các trao đổi của người bán người mua dựa trên sự tự nguyện. Tương tự, chủ nghĩa tự do ủng hộ một xã hội tôn trọng tư hữu, có một luật tư hữu rõ ràng. Vì khi biết được đâu là tài sản của mình, và tài sản ấy được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, người ta mới có thể đem ra trao đổi mua bán, làm nền tảng cho một xã hội thịnh vượng. Vấn đề này Wegreen xin hẹn sẽ viết kỹ hơn ở một bài viết khác.
Điều đó dẫn tới như John Stuart Mill [3] viết trong Bàn về Tự Do, rằng “TỰ DO CỦA MỘT NGƯỜI BỊ GIỚI HẠN TRONG TỰ DO CỦA NGƯỜI KHÁC.”
Một số thắc mắc nảy sinh từ lời khẳng định trên rằng: “Thế có tự do tuyệt đối không?” Câu trả lời là CÓ, đó là trong trường hợp Robinson Crusoe một mình ở hoang đảo. Trong thế giới hoang đảo, chỉ có một mình Robinson, tất cả cây cỏ trên đảo đều thuộc về Robinson. Robinson muốn chặt cái cây nào thì đều không phải lo lắng xem việc đó có tổn thương một người nào khác hay không.
Như vậy, chúng ta biết tiên đề của Tự do để làm gì? Giống như một tiên đề trong toán học giúp ta chứng minh được nhiều định lý, hệ quả, giải được các bài toán, Tiên đề của Tự do trong cuộc sống sẽ giúp ta phân biệt được đâu là Tự do và Giả tự do trước khi đem Tự do so sánh với các giá trị khác. Ví dụ, đối với một số người, họ có thể chấp nhận những tiếng đệm, chửi tục trong giao tiếp như DCM, DM, tuy nhiên một số người khác lại không thể chấp nhận điều đó. Nếu bạn bắt một người phải chịu đựng những tiếng đệm khiếm nhã này trong khi họ không muốn - Đó là Giả tự do.
Một ví dụ khác, khi một bạn đem hình ảnh đời tư của một người khác phát tán rộng rãi lên các trang mạng xã hội. Rồi bạn đó bao biện rằng đấy là quyền tự do thông tin của mình. Thì chắc chắn lời bao biện ấy là sai vì hành động đó gây tổn thương cho người có hình ảnh bị phát tán, tự do cá nhân và quyền riêng tư của người kia đã bị xâm phạm. Trong trường hợp này, người bạn kia nhất định phải được sự đồng ý của khổ chủ trước khi đưa ra hành động của mình, liên quan đến tự do riêng tư của người khác.
Như vậy, một khi đã hiểu rõ thế nào là tự do, chúng ta mới tiến thêm bước nữa là suy xét tự do với các giá trị khác. Tuy nhiên nội dung này nằm ở một bài viết khác, Wegreen xin được bàn tiếp với bạn đọc về chủ đề này vào một ngày không xa.

Chú thích:

1. Friedrich August von Hayek (8 tháng 5 năm 1899 – 23 tháng 3 năm 1992) là một nhà kinh tế học và nhà khoa học chính trị người Anh gốc Áo nhận giải Nobel Kinh tế trong năm 1974. Nữ thủ tướng Anh Thatcher, từ thời sinh viên đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của Hayek, sau này khi nắm quyền, bà đã dẫn đầu trong chính sách tư nhân hóa nền kinh tế, giảm thiểu lệ hành chính và được học tập bởi nước Mỹ thời Ronald Reagan.
2. Rothbard (2 tháng 3 năm 1926, 7 tháng 1 năm 1995), là một nhà kinh tế học, triết học người Mỹ. Những bài viết của ông góp phần lớn vào hình thành chủ nghĩa tự do hiện đại ở Mỹ.
3. John Stuart Mill (20 tháng 5 năm 1806 – 8 tháng 5 năm 1873) là một nhà triết học và nhà kinh tế chính trị học người Anh. Ông là một triết gia theo đường lối tự do có ảnh hưởng lớn của thế kỉ 19. Ông là người tán thành chủ nghĩa công lợi, tức cho rằng lợi ích của đa số phải đặt lên trên hết. Trong sách “Bàn về Tự Do”, ông cho rằng tự do sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho xã hội chứ không mâu thuẫn với lợi ích của nó.
__________________________
Bài viết: [Admin F]
Hình ảnh: [Admin IRIS]
Bản quyền © Wegreen Vietnam

Admin gửi hôm Thứ Sáu, 19/07/2013 
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130719/wegreen-tu-do-la-gi
=====================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001