Ác mộng của ông Phạm
Chuyện phiếm của Trần Hoàng Lan (Danlambao)
- Gần tới đại hội 11, đêm nào cũng như đêm nào, cứ trước khi chợp mắt
bao giờ ông Phạm cũng dành ra nửa giờ để nhẩm lại những điểm thu được và
những điểm mất đi trước đó.
Đang là bí thư thành ủy của thành phố thủ đô, là một trong số 15 người
thuộc diện “dưới một vài người trên hàng triệu người”. Cái địa vị của
ông là cái mà tất cả các “quan” ngay cả “quan đầu tỉnh” đều thèm thuồng,
sẵn sàng trả với bất kỳ giá nào để có được. Không còn mong muốn gì hơn,
ông đã xác định yên trí tại vị “thụ lộc” cho hết khóa, khóa sau nếu
không giữ được ghế thậm chí phải chịu cảnh “ngồi chơi xơi nước” ông và
con cháu vẫn có thể “ung dung” tới mấy đời nữa.
Nhưng đâu ngờ. Một tay thày tàu khi xem tướng cho ông đã phán: bước
đường công danh của ông vẫn còn dài lắm. Dài có nghĩa là ông vẫn còn lên
được cao hơn nữa, nghĩa là cái “chỗ số 1” trong số 15 “chỗ”, ông có
quyền mơ tới.
Tự nhiên nhìn lại, ông thấy mình đâu có kém cạnh gì ai. Kẻ dưới thì
không thèm so rồi. Còn trên mình, bỗng dưng giờ thấy toàn là phường:
tham lam, ngu dốt, bất tài, lố lăng, lú lẫn... Kẻ thì phát biểu ở hội
nghị nào cũng có điệp khúc “...nuôi con gì, trồng cây gì...”, có cậu quý
tử bất tài nhưng vẫn cố vực vào “nhà vàng” bằng được để làm chỗ đệm vào
“nhà đỏ” thế chân bố và nghe đâu con gái, con rể còn dính líu tới cả vụ
án tham nhũng đầy tai tiếng PMU18. Người thì từ thời làm phó thủ tướng
được giao phụ trách xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất đến bây giờ làm
thủ tướng vẫn chưa xong, chưa bàn giao được vì còn tới hơn 100 lỗi kỹ
thuật và dư luận đã mỉa mai khi Dung Quất đi vào hoạt động thì có lẽ ở
biển đông Trung Quốc đã hút hết dầu thô rồi. Con gái thì lấy Việt kiều
vốn là con của một “ngụy quân” thủa nào, kinh doanh kiếm tiền giỏi nhờ
thế lực của bố. Xây nhà thờ họ tốn kém toàn tiền “chùa” và hình như còn
dính líu tới cả vụ in tiền polime đầy tai tiếng nữa. Đương kim chủ tịch
nước thì nói năng lung tung như người thần kinh được cư dân mạng bầu
chọn là nhân vật tệ hại nhất trong năm. Vị tiền nhiệm của ông thì bị dân
thủ đô gán cho biệt danh là "lú lẫn".
Càng nghĩ ông càng thấy gần một nhiệm kỳ qua chịu yên vị dưới những kẻ
đó mình quả là “phi thường”. Tuy bực mình, nhưng ông cũng xác định một
quyết tâm cố gắng chịu đựng cho hết nhiệm kỳ này, phấn đấu để nhiệm kỳ
tới mình phải có bằng được “chỗ số 1” chí ít cũng là “số 2” hoặc cùng
lắm là “số 3”. Biết có một người tu nhân tích đức trong một câu chuyện
theo cách: mỗi ngày làm được một việc tốt ông ta bỏ một hạt đậu vào
trong một lọ, lỡ làm một việc xấu bỏ một hòn sạn vào lọ kia. Cứ như vậy
cuối tháng, cuối năm bỏ hai lọ ra đếm để tự khuyên răn, uốn nắn mình.
Ông cũng phấn đấu để giành vị trí cao trong nhiệm kỳ tới theo cách đó:
mỗi ngày làm được một việc nào đó bảo vệ uy tín của đảng, bảo vệ tình
đoàn kết hữu nghị Việt Trung, trừng trị các “thế lực thù địch” chống phá
nhà nước ông lại tự cộng thêm điểm cho mình. Riêng những điểm về bảo vệ
tình hữu nghị Việt Trung là những điểm có giá trị vì “chỗ số 1” mà ông
đang phấn đấu ngoài nỗ lực cá nhân còn phụ thuộc phần lớn quyết định của
“thiên triều” và những điểm này ông đã nhân với hệ số trước khi cộng
vào. Ngược lại nếu trót có những hành động sơ xuất mà dư luận trong,
ngoài nước biết ảnh hưởng đến uy tín cá nhân ông lại tự trừ điểm của
mình.
Và dịp may đã tới. Lời mời viếng thăm hữu nghị một tỉnh của Trung Quốc
dưới danh nghĩa là đại diện cho thành phố là thủ đô của Việt Nam tưởng
như bình thường nhưng lại vô cùng quan trọng với cá nhân ông. Bởi trong
chuyến thăm ông sẽ tranh thủ cầu kiến các lãnh đạo cao cấp của “thiên
triều” để báo những điểm cộng mà mình có được, xin các chỉ thị tiếp theo
cho bước đường phấn đấu của mình. Vì vậy đêm trước khi lên đường, ông
đã phá lệ bằng cách dành hẳn 1 giờ trước khi chợp mắt để nhẩm lại những
điểm đã ghi được và cả những điểm bị trừ.
Những điểm quan trọng được nhân với hệ số được ông nhẩm tới đầu tiên dù
rằng nó đã được ghi từ lâu đó là điểm ông ghi được khi cho bắt giam
những người đã biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc phản đối Trung
Quốc đã chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Tổ chức cho lực lượng an ninh ngăn
chặn không để xảy ra biểu tình phản đối lễ rước đuốc thế vận hội Bắc
Kinh trên đường qua Việt Nam cũng là những điểm quan trọng đã ghi được.
Ông cũng là người tích cực năng nổ nhất trong số 15 người tán thành, vận
động để dự án xây dựng cung hữu nghị Việt Trung sẽ được xây dựng tại
thủ đô. Vụ Thái Hà chính ông đã chỉ thị cho báo Hà Nội mới mở chiến dịch
công kích, bôi nhọ tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, rồi lừa phỉnh, hứa hẹn
để bỗng chớp nhoáng biến khu đất tranh chấp thành công viên chỉ trong
vài ba ngày. Vụ đập phá thánh giá ở Đồng Chiêm tuy có bị dư luận quốc tế
phản đối mạnh mẽ, nhất là các tín đồ thiên chúa giáo nhưng ông thấy
không hề bị mất điểm mà ngược lại còn được gia tăng thêm nhiều điểm
trong chặng cuối của cuộc đua giành “chỗ số 1”. Bởi ông đã làm theo đúng
quan điểm của đảng là “tôn giáo chỉ là thứ thuốc phiện nhằm ru ngủ quần
chúng” và tôn giáo nếu không phục vụ cho lợi ích của đảng thì phải bị
đình chỉ và cần thiết phải tiêu diệt. Cú ghi điểm gần đây khiến ông
thích thú và coi là “ngoạn mục” nhất là việc ông đã đề xuất ngày tổ chức
kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đúng vào ngày quốc khánh của “thiên triều”
1/10. Nhìn vẻ mặt ngạo nghễ, hỷ hả của đại sứ Tôn Quốc Tường khi nghe
trình bày “sáng kiến”, ông biết mình đã được cộng thêm rất nhiều điểm,
đã bỏ rất xa các đối thủ.
Còn những “sơ xuất nhỏ” phải trừ điểm. Đó là những lộn xộn trong xây
dựng, quy hoạch ở Hà Nội nhất là từ khi sát nhập Hà Tây về Hà Nội. Đó là
những khổ nạn mà người dân phải chịu thường ngày như tắc đường, ngập
lụt, bụi bặm, ồn ào do mật độ giao thông quá tải, do quy hoạch không
đồng bộ. Những “sơ xuất nhỏ” này đáng ra cấp dưới phải chịu vì trong các
cuộc họp ông đã ra các nghị quyết rất “kịp thời” yêu cầu phải “làm tốt”
nhưng họ đã không hoàn thành. Mà thực ra bất kỳ ai ở cương vị của ông
“dưới gầm trời này” cũng không thể tránh khỏi những “sơ xuất nhỏ” đó.
Những câu nói đã làm mất khá nhiều điểm là câu ông chê “người dân bây
giờ ỷ lại vào nhà nước nhiều quá” và cao hứng hơn còn tuyên bố ráo hoảnh
“đây là cuộc tổng diễn tập cho tương lai” trong vụ Hà Nội bị ngập lụt.
Tận giờ ông vẫn oán cái lũ chuốc rượu hôm đó làm ông say mèm nên khi
cánh nhà báo hỏi như “hỏi đểu”, may mà còn kìm lại được nói câu đó, chứ
không đã có khối tay “lỗ mũi được ăn trầu” bởi nắm đấm của ông rồi. Còn
câu “đây là cuộc tổng diễn tập cho tương lai” lúc nói cứ tưởng nó hoành
tráng, bay bướm chứ đâu ngờ dân tình họ lại “lắm chuyện” đến thế. Mải
cộng điểm, trừ điểm ông thiếp đi.
Hà Nội mấy ngày này nhộn nhịp chưa từng thấy. Năm cửa ô lúc lúc lại
tắc nghẽn, cả những đại lộ trước đây vốn ít người qua lại vì bị cấm nay
cũng chật ních. Tắc đường, nhưng vẻ mặt người dân đã không còn nỗi âu
lo, sốt ruột như ngày nào. Họ hào hứng, hân hoan, tự tin bởi từ nay họ
đã được tự do, điều mà họ đã mơ ước từ lâu và đã phải trả giá để có.
Liên tục từng dòng người ở các tỉnh trong cả nước kéo về Hà Nội để dự
phiên tòa mà họ chờ đợi bấy lâu nay. Đó là phiên tòa xử những kẻ có tội
trong chính quyền nhà nước cộng sản Việt Nam. Dù chính phủ lâm thời đã
công bố sẽ truyền hình trực tiếp để nhân dân trong, ngoài nước, quốc tế
theo dõi nhưng lượng người về Hà Nội vẫn không hề giảm. Có lẽ bị kìm kẹp
quá lâu nên khi có tự do, người dân đã tự đáp lại bằng một hành động để
thỏa lòng khao khát của mình. Họ về Hà Nội. Vừa để dự phiên tòa, vừa
muốn về thăm lại thủ đô, trái tim của một đất nước từ giờ mình sẽ được
làm chủ thực sự.
Một sân khấu ngoài trời dựng ngay trên quảng trường Ba Đình để tổ
chức phiên tòa, nhưng cũng không thể đáp ứng nổi cho nhu cầu xem trực
tiếp và nhiều người đành phải theo dõi qua các màn hình lớn đặt tại các
ngã tư, các công viên trong nội thành.
Hôm nay đã là ngày thứ ba của phiên tòa. Đến lượt ông Phạm phải ra
trước vành móng ngựa. Vẫn những người mà trước đây đã bị ông đã lệnh cho
công an Hà Nội bắt giam vì tội treo biểu ngữ chống Trung Quốc, kêu gọi
nhà nước thực thi quyền tự do dân chủ giờ đang điều hành phiên tòa.
Nhưng có điều ông thấy lạ là họ không hề tỏ ra hằn học với những kẻ
trước đây đã bỏ tù mình. Khu vực của nhân chứng buổi hôm nay có thêm một
hàng ghế 8 người. Trang phục của họ hệt như của những diễn viên sắm vai
vua: mũ cao, áo long bào, Thỉnh thoảng lại trao đổi điều gì đó với
chánh án, thẩm phán và các công tố viên.
Hai ngày trước tuy chưa đến lượt nhưng ông cũng được theo dõi đầy đủ
các bản cáo trạng, bào chữa của luật sư, lời khai của các nhân chứng,
luận tội của hội đồng xét xử với các bị cáo. Đã có một số bản án tử hình
nhưng phần lớn là các bản án của các tội phạm đã mất. Các bản án tử
hình dành cho các tội phạm còn sống là những kẻ đã mắc phải những tội
chỉ đạo các vụ giết người, bắt cóc thủ tiêu bí mật, trực tiếp ký kết các
văn bản, hiệp ước với Trung Quốc gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước.
Phần lớn các tội phạm nếu không có các tội trên đều chỉ phải chịu hình
phạt nhẹ, nhưng bị tịch thu toàn bộ tài sản có được do tham nhũng, làm
giàu bất hợp pháp. Vì vậy trước khi nghe cáo trạng, ông cũng đã đoán
được phần nào bản án dành cho minh và bình thản chờ đợi.
Thật không ngờ. Bản cáo trạng của ông ngoài các tội tham nhũng và
những tội như những người hôm trước (chỉ bị xử nhẹ và tịch biên tài sản)
ông còn có một tội nữa là tội bán nước. Choáng người, không tin vào
những điều nghe thấy, ông vẫn đủ tỉnh táo để yêu cầu luật sư khiếu nại
trước tòa rằng mình bị oan. Mà quả thật trong mấy năm làm bí thư thành
ủy ông đâu có đủ tư cách gì để ký một văn kiện nào liên quan đến tội bán
nước. Luật sư của ông khiếu nại. Những người điều khiển phiên tòa cùng 8
người nhân chứng mới cùng luật sư của ông lại tiếp tục trao đổi, tranh
luận và cuối cùng bản án của ông đã được tuyên: Bị cáo Phạm ngoài các
tội tham nhũng, chỉ đạo trực tiếp nhiều vụ đàn áp tôn giáo, những người
yêu nước, đấu tranh cho tự do dân chủ, những dân oan khiếu kiện còn mắc
thêm tội bán nước nữa. Vì bị cáo và luật sư của bị cáo có thắc mắc về
tội này nên tòa có trách nhiệm phải giải thích rõ trước khi tuyên án.
Tuy không trực tiếp ký kết một văn kiện, hiệp ước nhượng đất nhượng biển
nào như một số bị cáo đã bị xét xử hai ngày trước. Nhưng trong thời
gian làm bí thư thành ủy Hà Nội bị cáo Phạm đã có hành động cấu kết với
nhà cầm quyền xâm lược Trung Quốc cố tình cho chúng xây dựng cung hữu
nghị Việt Trung trên đất Thăng Long, lấy ngày quốc khánh Trung Quốc 1/10
để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Các việc làm này đã xúc phạm tới quốc
thể, xúc phạm lòng tự tôn dân tộc, xúc phạm tới tiền nhân những người đã
có công khai quốc, lập ra kinh thành Thăng Long. Các việc này khiến 8
vị vua nhà Lý vô cùng căm phẫn đã đội mồ sống dậy về dự và làm nhân
chứng để kết tội bị cáo. Qua các việc làm này, bị cáo Phạm mắc phải tội
tương tự như tội bán nước nên tòa kết án tử hình, tịch biên tài sản.
Sa sẩm mặt mày, chân tay bủn rủn, vịn vào vành móng ngựa để khỏi ngã...
Xoảng! Làm ông choàng tỉnh dậy. Thấy mồ hôi đầm đìa, trên giường và
hiểu: vừa thoát khỏi một cơn ác mộng. Cái "vành móng ngựa" mà ông vịn
vào là chai rượu ngoại mà tay giám đốc công ty phát triển đô thị vừa gửi
biếu lúc chiều còn để ở đầu giường ngủ, chưa kịp cất. Cũng may mà nó
đổ, vỡ làm ông tỉnh dậy, nếu không chưa biết điều gì sẽ xảy ra.
10/2013 nhân kỷ niệm 3 năm "Đại lễ ngàn năm Thăng Long".
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.de/2013/10/ac-mong-cua-ong-pham.html#.Ula5YlPKEjI
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001