Đôi điều trăn trở của một công dân với những nhà trí thức
Nguyên Thạch (Danlambao)
- Muốn tìm hiểu dân trí ở một quốc gia nào đó thì nhà nghiên cứu cứ đi
thẳng vào sự sinh hoạt của quần chúng, nơi đó có nhiều hình ảnh, nhiều
dư luận và nếp suy nghĩ cũng như lối sống của quần thể, đấy là những
biểu hiện thực tế nói lên thực thể của một xã hội.
Quốc gia nào cũng có riêng những nét đặc thù của nó. Ở Việt Nam, dẫu ít
dẫu nhiều, người Việt cũng vẫn còn dính dáng tới một số tập tục ví như
“Trọng phú khinh bần”, “Tệ tôn sùng bằng cấp và cá nhân”, “Phân biệt
giữa thành thị và quê mùa”... Từ đó nảy sinh không ít những sai lầm là
cố tin vào những nhà trí thức khoa bảng chủ xướng về những quan điểm,
chủ trương hoặc hoạch định những đường lối, phương cách đấu tranh vân
vân…
Tuy không quơ đũa cả nắm nhưng không ít những nhà khoa bảng quá xa rời
thực tế, họ suy nghĩ và hành động trong điều kiện của một giai cấp, tầng
lớp mà họ đang yên vị, cho nên nhiều bài viết và kể cả những tư duy của
họ tựa như người đang đi trên một mặt bằng phẳng tiến hơn là lưu tâm
đến những khúc khuỷu gập ghềnh. Hãy đơn cử một ví dụ để trình bày một
cách cụ thể rõ nét hơn là có thể họ sẽ nói và viết được rất nhiều từ về
đói nhưng họ sẽ có rất ít cái cảm giác về đói nó như thế nào, điều này
cũng không lấy gì làm khó hiểu. Làm sao mà người ta lột tả hết cái đói
khi mà bụng người ta đang no?. Cách diễn đạt về cái đói sao có hồn được
khi tay chân không run rẩy, dạ không cào, mồ hôi không lã?.
Làm sao người ta có được bầu máu nóng và sự căm hận khi người ta vẫn
bình chân như vại? Không hề bị tù đày, không hề bị tra khảo đánh đập, sỉ
nhục thì làm sao có được những ý chí sắc bén và dứt khoát?
Mặc dầu tôi không hề phủ nhận sự đóng góp lớn lao của tầng lớp trí thức
nhưng không thể vì đó mà cho họ là tất cả. Ai cũng dư biết rằng từ lời
nói đến hành động, nó có một khoảng cách rất xa. Không có những trí tuệ
soi đường dẫn lối thì đoàn quân hay rộng hơn nữa là tập thể xã hội sẽ mù
mờ, đi trong mò mẫm, sự mò mẫm này, có khi cũng sẽ đi đến đích, có khi
cũng sẽ chẳng bao giờ đến nhưng nếu không có đoàn quân, không có sự
hưởng ứng của xã hội thì trí tuệ sẽ chỉ là ảo tưởng, sẽ không bao giờ
đạt đến đích được.
Nói xa, không qua nói gần. Dân chúng là lực lượng chủ yếu quyết định vận
mệnh của một quốc gia. Trong chiến tranh, họ là những chiến sĩ xả thân,
trong hòa bình, họ là những bàn tay trực tiếp xây dựng xã hội và cuộc
sống. Nhưng thực tế cuộc đời, lắm lúc lại xảy ra những điều tồi tệ đến
với họ, ấy là những người được mệnh danh cho họ, đại diện cho họ, hưởng
vô số phúc lợi từ công sức của họ lại chóng quên đi những sự hy sinh lớn
lao đó, khiến họ phải buồn nản đau lòng.
Cá nhân lãnh đạo tài ba, tập thể lãnh đạo tài ba là người biết đem trí
tuệ cùng sự dấn thân, sát cánh với toàn khối dân tộc, phải xem trọng
nghĩa vụ của người dân cũng như cho họ được hưởng những quyền lợi mà họ
đáng được thụ hưởng.
Sự thất bại trầm trọng nhất của chủ nghĩa cộng sản, đó là sự phân biệt
giai cấp trong xã hội, ưu tiên cho chỉ mỗi một giai cấp và phong cho
giai cấp ấy là giai cấp lãnh đạo! Sự phân biệt thành phần trong xã hội
này là nguyên nhân chính của mọi nguyên nhân đưa đến mầm mống chia rẽ,
hận thù, đối nghịch lẫn nhau và hệ quả của nó là tụt hậu, độc tài toàn
trị, suy đồi đạo lý cũng như bất ổn xã hội. Đó là lý do tại sao chủ
nghĩa cộng sản không thể trở thành hiện thực và nó sẽ không được tồn
tại.
Nhiệm vụ chính của cá nhân hào kiệt, của tổ chức xuất chúng là phải nắm
vững những tiêu chí nêu trên và lấy đó làm nền tảng, kim chỉ nam cho
những luận cương trong phương thức đấu tranh.
Không có bất cứ một cuộc cách mạng nào đạt đến sự thành công qua đêm
cũng như trong đời sống của con người, không đứa bé nào mới vừa lọt lòng
mà đã biết đi, biết nói. Tất cả đều phải trải qua học tập và rèn luyện,
một cách cụ thể hơn là người dân Việt Nam rất cần trang bị cho mình một
số kiến thức khả dĩ có thể chấp nhận được trên căn bản của sự thật.
Những nhà đấu tranh phải đáp ứng được nhu cầu này trên “cơ sở” tiện ích
của nền tin học hiện đại. Vũ khí tin học sẽ làm vỡ tung bức màn bưng
bít, lừa mị trí trá... Từ đó khơi dậy lòng tự trọng kèm theo sự uất ức
bởi bởi đã bị lừa gạt quá nhiều. Ý thức sẽ chỉ đạo hành động, quần chúng
sẽ đồng nhịp trên con đường hưởng ứng tranh đấu, có như vậy thì cuộc
cách mạng mới đi đến thành công.
Sự thành công đến nhanh hay chậm, nó còn phải tùy thuộc vào cường độ
tăng tốc dân trí và sự quyết tâm của toàn thể xã hội. Người cộng sản, họ
biết coi trọng chính trị, biết đặt đúng tầm của tuyên huấn nhưng sự
tuyên truyền của họ đã mang đầy tính khiên cưỡng, thêu dệt cũng như chứa
đầy tính gian xảo, ví như họ xây một lâu đài chính trị trên bãi cát.
Mỗi một khi sự lừa mị ấy được trưng bày ra ánh sáng của sự thật thì cũng
còn có nghĩa là ngày sụp đổ của họ.
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.de/2013/10/oi-ieu-tran-tro-cua-mot-cong-dan-voi.html#.Ula4rVPKEjI
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001