Giá mà được như thế thì tốt biết mấy?!
Hữu Quả (nhà báo - TTXVN - đã nghỉ hưu)
Như
chúng ta đều biết, lúc sinh thời, Đại Tướng vốn là một con người tinh
tế, nhưng giản dị, rất tình cảm, thích gần gũi nhân dân. Từ trước tới
giờ, dù trong hoàn cảnh chiến tranh, hay hòa bình, bất cứ cuộc tiếp xúc
nào, giữa nhân dân với Ông, đều để lại ấn tượng gần gũi, ấm áp.
Từ quan
sát thực tế này, tôi có suy nghĩ: Giá như ban tổ chức tang lễ mà sớm nắm
bắt và có quyết định đưa thi hài Đại Tướng bằng phương tiện đường bộ,
thay cho đường hàng không, thì quá hay! Ai cũng biết, đi bằng máy bay
tất nhiên nhanh hơn và tiện hơn rồi; nhưng vì ở trên trời cao kia, ai
thấy, ai biết gì đâu? Nghĩa là “vèo” một cái, là tới nơi rồi, như muốn
làm nhanh cho xong việc. Tôi lại nhớ, cách đây vài hôm, xem trên mạng,
có nhiều ý kiến băn khoăn, để hai ngày quốc tang có eo hẹp quá không để
cho nhân dân kịp viếng và tiễn đưa Đại Tướng? Mặc dầu tôi hiểu, đây là
tuân thủ quy định chung. Thế mới biết, chuyện cung bậc tình cảm của con
người, quả thật là không đơn giản chút nào.
Ta
thử hình dung, trên đoạn đường gần năm trăm cây số quốc lộ xuyên Việt
này, sẽ diễn ra một cuộc hành hương nặng nghĩa ân tình, đưa thi hài Đại
Tướng về quê hương an táng, bằng đường bộ là đẹp biết bao! Công việc
cũng không có gì quá khó khăn phức tạp; không cần tổ chức, dàn dựng gì
giả tạo. Chỉ cần có vài xe “đặc chủng”, và một thông báo ngắn gọn qua hệ
thống phát thanh truyền hình, về ngày giờ đưa thi hài Đại Tướng theo
đường bộ về quê hương Quảng Bình, là nhân dân các tỉnh hai bên đường, có
thể tự động ra đường đón, tiễn đưa, vĩnh biệt Người về cõi vĩnh hằng.
Nếu được như vậy, thì nhân dân thỏa nguyện, và vong linh Đại Tướng cũng
sẽ “mát mẻ”; vì giờ phút cuối cùng, Đại Tướng lại được đi giữa lòng nhân
dân. Giá mà được như thế thì tốt biết mấy!
Hãy
nhìn hình ảnh sống động trong mấy ngày vừa qua tại Hà Nội; nào có ai tổ
chức, tuyên truyền, vận động gì, mà nhân dân khắp nơi, hàng vạn người;
từ các đường Điện Biên Phủ, Hùng Vương, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng,… tự
kéo nhau về ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, nơi tư thất của gia đình Đại
Tướng. Họ đi nối đuôi nhau thành hàng dài, trật tự, trong im lặng, từ cụ
già tóc bạc phơ, đến các cháu nhi đồng; có người ngồi trên xe lăn,
nhiều người trên tay cầm hương hoa, có người mang cả di ảnh Đại Tướng.
Họ là những con người, mà hàng ngày lúc nào cũng vội vàng, tất bật, bươn
bả, vì cuộc sống; nay ai cũng tỏ ra điềm tĩnh, chờ đợi đến lượt mình
được vào thắp nén hương cho Đại Tướng, để vĩnh biệt Người.
Viết
đến đây, tôi thấy chạnh lòng nghĩ rằng, chỉ người ở Thủ đô mới có điều
kiện; còn đông đảo bà con mình ở các tỉnh lẻ, khu vực nông thôn, đều yêu
quý, ngưỡng mộ Đại Tướng, nhưng làm sao cho họ thể hiện được tấm lòng
của mình đây? Chính vì vậy, suy nghĩ đưa thi hài Đại Tướng về quê bằng
đường bộ, cứ nung nấu trong tôi, và có lẽ cũng của nhiều người. Tôi
không phải người hay mơ mộng, suy nghĩ viển vông, xa thực tế. Trái lại,
với điều kiện, phương tiện và trình độ tổ chức điều hành của chúng ta
như hiện nay, hoàn toàn có tính khả thi, để thực hiện phương án đưa thi
hài Đại Tướng về quê bằng đường bộ. Tôi không phải người giỏi tính toán,
không thạo đếm tiền, nhưng có thể biết, chi phí di chuyển đường bộ so
với đường hàng không, không có phát sinh tốn kém đáng kể; lại được lòng
dân, thỏa vong linh người đã khuất, quý biết bao?! Giá mà được như thế thì tốt biết mấy?!
Tôi
viết bài này, xuất phát tự đáy lòng, muốn được sẻ chia cùng dư luận;
chứ không dám nói là “một sáng kiến” hay “một đề xuất”, gì. Bởi tôi
biết, ngoài thời gian còn lại eo hẹp, là sự ràng buộc quá nhiều quy
định, và chưa có tiền lệ chăng? Cũng cần phải nói thật, nói thẳng, sự ra
đi của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp lần này đã thu hút sự ngưỡng mộ, kính
yêu quá lớn của nhân dân và bạn bè quốc tế, làm cho một số ai đó băn
khoăn, lo lắng, suy nghĩ vẩn vơ, sợ rằng sẽ có một ngày nào đó họ cũng
phải ra đi, liệu lúc ấy có được nhân dân kính yêu, ngưỡng mộ như vậy
không? Đây chính là một lực cản đáng kể, để thực hiện tổ chức một cuộc
hành hương nặng nghĩa ân tình, đưa thi hài Đại Tướng về nơi an nghỉ cuối
cùng, bằng đường bộ. Tôi hiểu nỗi băn khoăn của họ, không phải là không
có lý. Song, tôi xin được mạo muội muốn khuyên họ rằng, cứ ăn ở cho tốt
đi, hãy gần gũi và thực lòng quý dân hơn, trọng dân hơn, đừng làm những
điều thất đức, ác tâm, dần dần lấy lại niềm tin của nhân dân, thì điều
băn khoăn của họ sẽ được giải tỏa. “Gái có công, chồng không phụ”, mà./.
HỮU QUẢ
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:06
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/10/gia-ma-uoc-nhu-thi-tot-biet-may.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001