Ngô Nhân Dụng - Chỉ huy nhưng không lãnh đạo
at 10/05/2013 11:34:00 AM
Ngô Nhân Dụng
Nghe tin ông Võ Nguyên Giáp qua đời, chỉ mấy giờ sau tôi được nghe những
lời nhận xét đầu tiên về ông là bài phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Minh Cần,
trên đài RFI. Cụ Nguyễn Minh Cần tỏ ý kính trọng tư cách cá nhân và
phương pháp làm việc của ông Võ Nguyên Giáp trong thời gian làm việc với
ông trong chiến dịch “Sửa Sai” cuộc cải cách ruộng đất. Ðại tướng Võ
Nguyên Giáp được đảng Cộng sản đưa ra chỉ huy vụ sửa sai, còn Giáo sư
Nguyễn Minh Cần phụ trách bộ phận sửa sai của thành phố Hà Nội, cho nên
hàng ngày hai người làm việc chung.
Ðại tướng Võ Nguyên Giáp
Tôi tin tưởng ở tinh thần trung thực và trí phán đoán của cụ Nguyễn Minh
Cần. Cụ đã từng đi kháng chiến, vào đảng Cộng sản, sau năm 1954 từng
đứng trong số lãnh đạo thủ đô Hà Nội. Cụ được cho đi Nga học, từ chối
không nghe lệnh Lê Duẩn bắt về nước; rồi sau đó đã dứt khoát từ bỏ đảng
từ gần nửa thế kỷ nay. Nếu về nước cuối thập niên 1950 chắc cụ cũng bị
bắt bỏ tù, như những Hoàng Minh Chính, Ðặng Kim Giang, vân vân, về tội
“xét lại chống đảng.”
Cụ từ chối lệnh triệu hồi, ở lại Nga, cũng như một số đồng chí khác cùng
phản đối chủ trương tiếp tục tôn thờ Stalin của đảng. Có người đã tự tử
vì thấy cuộc cách mạng đã bị phản bội, còn mình thì bất lực, cuộc đời
mất hết ý nghĩa. Một lần, cùng đi trên đại lộ Arbat ở Moscow, cụ Cần chỉ
lên tầng lầu một ngôi nhà cao, ngậm ngùi kể tôi nghe: “Anh Văn Doãn đã
nhẩy từ trên lầu này xuống đường, anh chết ngay.” Nguyễn Minh Cần đã
quyết định sống và tiếp tục cuộc tranh đấu. Mấy chục năm gần đây, cụ là
một tiếng nói có uy tín và hùng hồn nhất, cùng chúng ta kêu gọi xóa bỏ
chế độ cộng sản độc tài, xây dựng nước Việt Nam tự do dân chủ.
Vì vậy, nghe cụ Nguyễn Minh Cần ngỏ những lời kính trọng con người của
ông Võ Nguyên Giáp, tôi tin ông Giáp là một người có tư cách cá nhân
đáng trọng. Theo cụ, ông Giáp làm việc tận tâm, chú ý đến con người,
những người cộng sự cũng như các nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất.
Cụ Nguyễn Minh Cần công nhận việc sửa sai không đi tới đâu hết, Võ
Nguyên Giáp cũng chịu thua, “vì có những cái sai không thể nào sửa
được.” Như những xác chết, những gia đình tan nát. Và cả những ngôi nhà
bị tích thu đem chia, phát cho các cán bộ bần cố nông ở; khi phải rút đi
họ đã tháo lấy hết đồ đạc, gỡ cả căn nhà, từ những hòn ngói trên mái
đến những bậc lên cửa bằng gỗ.
Lịch sử Việt Nam sẽ ghi tên ông Võ Nguyên Giáp như vị tướng chỉ huy quân
đội trong thời dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp. Như vậy cũng đủ cho
ông hãnh diện khi nhắm mắt. Nhưng khi nhìn lại sự nghiệp của ông, một
điều không thể quên được là ông đã đóng vai chỉ huy nhưng không phải là
người lãnh đạo. Võ Nguyên Giáp đã làm đúng bổn phận với đảng Cộng sản,
nhưng không giúp gì được cho việc thay đổi đường lối lãnh đạo của những
Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Lê Duẩn.
Bởi vì trong các đảng cộng sản, tổng bí lãnh đạo, với ý kiến của Bộ
Chính Trị. Coi các tài liệu của đảng vào thời chiến, bao giờ người ta
cũng thấy các tấm hình được đưa lên cao là Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị
đang tham khảo các bản đồ trước các cuộc hành quân, Võ Nguyên Giáp chỉ
là một người đứng bên cạnh. Ðảng Cộng sản không chấp nhận các “anh
hùng,” nhất là anh hùng trong quân đội. Ở Nga, Stalin được ghi công đầu
trong cuộc chiến “vệ quốc” thời Thế Chiến Thứ Hai. Các ông thống chế Nga
đều được cho nghỉ hưu sau chiến tranh; nhiều người còn bị bức tử. Ðược
phong làm đại tướng ngay từ khi kháng chiến bắt đầu, ông Giáp dừng tại
đó, giữ nguyên một cấp bậc, không lên được nữa. Có lẽ bên Nga Stalin đã
đeo quân hàm thống chế rồi cho nên mới phong cho các thống chế khác. Còn
ở Việt Nam thì cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh không ai mặc quân phục,
cho nên họ chỉ phong đến cấp đại tướng, và có nhiều đại tướng để không
ai nổi bật lên.
Trong những hồi ký của các cố vấn Trung Cộng, viết sau khi ở Việt Nam
về, họ cố ý đề cao vai trò của họ, và của Mao Trạch Ðông, và không ngại
đưa ra những lời chỉ trích Võ Nguyên Giáp rất nặng nề. Họ kể công đã đưa
ra các quyết định đúng nhất, nhiều khi ngược lại với ý kiến của Võ
Nguyên Giáp, kể cả trong những vấn đề chiến thuật. Ngay trong chiến dịch
biên giới năm 1950, hai cố vấn Trần Canh và Vi Quốc Thanh nói họ đã
chọn mục tiêu tấn công chính, đã trình lên và được Mao Trạch Ðông chấp
thuận, rồi mới đưa cho Hồ Chí Minh coi. Sau một đợt tấn công đầu tiên,
Vi Quốc Thanh kể rằng Võ Nguyên Giáp đề nghị tạm ngưng để bồi dưỡng quân
sĩ; và bị các cố vấn kịch liệt phản đối. Họ chê quân Việt Nam, từ cấp
chỉ huy đến binh sĩ, đều “sợ khổ, sợ khó, sợ chết” cho nên mới đánh xong
một trận đã muốn nghỉ ngơi. Họ nêu ra tấm gương quyết chiến của Hồng
quân Trung Hoa để khuyên bảo, nhưng vẫn không thành công. Sau cùng họ
phải xin ý kiến Mao Trạch Ðông, chính họ Mao quyết định, và Hồ Chí Minh
đã đồng ý phải đánh tiếp. Trận đánh thành công, các cố vấn coi đó là nhờ
chiến thuật “đánh không nghỉ” của họ.
Chúng ta khó tin hết những lời của các cố vấn Trung Cộng; cũng như không
thể tin báo cáo của các quan thái thú, thứ sử các đời Hán, đời Ðường
nói về tình trạng “man di” và “khó trị” của dân Giao Châu. Nhưng dù lời
kể của Vi Quốc Thanh đúng một phần, chúng ta cũng thấy một điều là:
Những người Việt chỉ huy quân Việt thì chắc thương binh sĩ cực khổ nhiều
hơn các cố vấn người Tàu, cho nên họ mới muốn cho quân được nghỉ dưỡng
sức sau mấy ngày chiến đấu không được ăn một bữa cơm. Nếu ý kiến của họ
được thi hành thì chắc kết cục của trận đánh cũng không thay đổi; mà
chắc số tử sĩ người Việt sẽ thấp hơn.
Căn cứ vào nhận xét của Giáo sư Nguyễn Minh Cần thì chúng ta có thể đoán
ông Võ Nguyên Giáp đối xử với thuộc cấp trong quân đội cũng giống như
trong chiến dịch sửa sai. Chắc ông giữ được tính thân thiện, gần gũi,
chú ý đến con người chứ không phải chỉ chú ý đến công việc, và làm gương
về đức tận tụy trong khi làm bổn phận. Ông Giáp không học trường quân
sự nào, nhưng chắc ông cũng như những người Việt Nam cùng thế hệ, đã học
“đạo làm tướng” của Tôn Võ, Ngô Khởi, Nhạc Phi, khi đọc các tiểu thuyết
lịch sử bên Tàu. Một bí quyết của người làm tướng là phải gần gũi, thân
thiết với binh sĩ. Ngô Khởi đã từng tự mình chữa trị thương tích cho
lính, có lúc dùng miệng hút mủ từ vết thương của lính. Ðức tính đó không
phải ai cũng tập được, nhưng chắc ông Võ Nguyên Giáp đã thể hiện trong
công việc chỉ huy của ông. Tôi đã gặp một vị cựu đại tá từng là bí thư
dưới quyền ông Giáp. Mặc dù đã gặp nhiều gian truân, tù tội, mà ông Giáp
không cứu được, vị đại tá này cho đến trước khi qua đời nói đến ông vẫn
tỏ lòng kính trọng.
Nhưng ngoài việc chỉ huy ra, ông Võ Nguyên Giáp không được coi là người
lãnh đạo cuộc chiến tranh, vì các quyết định quan trọng nhất thuộc về Bộ
Chính Trị, và các cố vấn Trung Cộng. Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ
cũng vậy. Lúc đầu, từ năm 1953 đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đánh
xuống miền Trung Du để uy hiếp Hà Nội. Nhưng chính Mao Trạch Ðông đã
quyết định phải mở cuộc chiến rộng khắp ba nước Ðông Dương, khuấy động
cả Cambodia và Lào; để phục vụ cuộc cách mạng vô sản Ðông Dương và toàn
thế giới, chứ không riêng một nước Việt Nam. Sau cùng, ý kiến của Mao đã
được truyền xuống tới Hồ Chí Minh, và trở thành chiến lược chính thức.
Vì vậy mới có trận Ðiện Biên Phủ. Các cố vấn Trung Cộng cũng tô hồng cho
các quyết định sáng suốt của Mao Trạch Ðông trong trận đánh lịch sử đó;
mà theo họ từ Hồ Chí Minh đến Võ Nguyên Giáp chỉ đóng vai thi hành; mặc
dù họ được khen ngợi là đã chấp hành rất giỏi. Các nhà nghiên cứu lịch
sử sau này sẽ tìm hiểu rõ sự thật về các vấn đề đó.
Như Giáo sư Nguyễn Minh Cần phát biểu, trong lúc ông Võ Nguyên Giáp mới
nhắm mắt, chúng ta hãy khoan không cần nói đến những nhược điểm của ông
và vai trò yếu ớt của ông trong mấy chục năm cuối đời. Ông không đóng
một vai trò quyết định nào trong chính sách của đảng Cộng sản. Có giả
thuyết nói rằng Võ Nguyên Giáp chủ trương không đánh miền Nam, và bị
thua phe Lê Duẩn chủ chiến. Nhưng sau khi đảng Cộng sản đã quyết định
đánh, ông lại tuân thủ và tích cực thực hiện. Trong mười năm gần đây,
nhiều người trong nước trông mong ông đứng ra phản đối các chính sách,
đường lối của nhóm cộng sản cầm quyền tham nhũng, thối nát và bất lực
trong việc đưa đất nước tiến lên, nhưng ông hoàn toàn im lặng. Chỉ có
một lần ông lên tiếng phê bình việc khai thác bô xít, nêu cả lời khuyên
của các cố vấn Nga ngày xưa khuyên không nên làm vì hại cho môi trường.
Nhưng sau cùng, đảng Cộng sản bỏ ngoài tai. Ông cũng không dám phản đối
đến cùng, vì không thể nào thay đổi chính sách của đảng Cộng sản. Bây
giờ, đảng Cộng sản Việt Nam kính trọng quyền lợi và ý kiến của các cố
vấn Trung Cộng hơn.
Ông Võ Nguyên Giáp là một “đảng viên cộng sản tốt.” Nghĩa là lúc nào
cũng tôn trọng các chính sách do đảng quyết định. Ðảng bảo làm gì thì
ông làm, không bảo thì ông không cần làm gì cả. Trong đảng, thời chiến
cũng như thời bình, ông lúc nào cũng tuân thủ lệnh đảng. Cá nhân của ông
không quan trọng. Ông theo đảng Cộng sản và suốt đời gánh chịu các hậu
quả của lựa chọn đó. Cho nên việc đánh giá cá nhân ông không quan trọng.
Ông đã được đưa ra chỉ huy quân đội, nhưng ông phải là người lãnh đạo.
Quân đội đó được đảng Cộng sản sử dụng thế nào, dùng vào việc gì, chuyện
đó nằm ngoài lãnh vực ông phụ trách. Gần đây, báo chí của đảng Cộng sản
nêu ra khẩu hiệu “Quân đội trung thành với Ðảng,” chứ không phải với
Quốc gia. Không thấy ông Giáp bày tỏ ý kiến. Lúc nào ông cũng là một
đảng viên trung thành với đảng.
Một độc giả báo Người Việt mới góp ý kiến sau khi nghe tin ông Võ Nguyên
Giáp qua đời. Bạn đọc này viết: “Tôi thấy dường như cho đến ngày nhắm
mắt xuôi tay ông Võ Nguyên Giáp không một lần tỏ ra ân hận về những việc
của ông làm trong thời gian tại chức. Bằng chứng là khi trả lời phỏng
vấn của một phóng viên ngoại quốc hỏi, “Général Giap, regrettez-vous de
quatre millions de Vietnamiens... morts dans la guerre du Vietnam? “Thưa
Ðại Tướng Giáp, ông có hối tiếc gì về việc bốn triệu người Việt đã chết
trong chiến tranh Việt Nam không?) Và Tướng Giáp đã không đắn đo trả
lời ngay, “Non, je ne regrette rien. NON, PAS DU TOUT!” (Không, tôi
không hề hối tiếc. Không một mảy may nào).
Một đảng viên cộng sản gương mẫu bao giờ cũng chỉ tận tụy thi hành công
tác do đảng giao phó, không cần suy nghĩ. Ý kiến cá nhân không đáng kể.
Ông Giáp nói ông không hối tiếc về bốn triệu mạng người Việt đã chết.
Không biết trong đáy lòng ông có cảm thấy thương xót hay không?
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/10/ngo-nhan-dung-huy-nhung-khong-lanh-ao.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001