Trần Kiêm Đoàn - TRẠI VÔ THẦN
at 10/05/2013 11:30:00 AM
Trần Kiêm Đoàn
Đầu mùa Xuân 2013, được thư liên lạc của ban tổ chức Trại Vô Thần (Camp
Quest) ở Grass Valley, California mời đến sinh hoạt với trại vào mùa Hè,
tôi hơi ngạc nhiên và sau đó gọi hỏi với vị trưởng ban tổ chức là tôi
có tiêu chuẩn hay thành tích gì trong lĩnh vực “vô thần” nầy mà lại được
mời và sẽ đóng vai trò gì trong đó. Người có trách nhiệm trả lời rằng,
vì tôi là người theo đạo Phật, làm việc gần hai chục năm với chương
trình Bảo vệ Thanh thiếu niên (CPS) của chính phủ và dạy học ở trường
đại học Mỹ. Họ muốn mời tôi đến thuyết trình (chia sẻ và trao đổi thì
đúng hơn) với các trại sinh về quan điểm cho rằng: “Phật giáo là một tôn
giáo Vô Thần” - (Atheist Religion.) Cảm thấy đề tài cũng hay hay, là
lạ, tôi nhận lời với ước mong thầm kín là có dịp học hỏi những điều mới
lạ về mặt tư tưởng tôn giáo.
Là một người theo đạo Phật và cũng có lúc tham gia với các đạo tràng hay
tự mình tìm tòi tu học ở mức độ “tùy duyên”, tôi hơi bối rối khi nhận
lời tham dự và nói chuyện với một trại sinh hoạt Vô Thần. Sở dĩ tôi viết
hoa nhóm chữ vô thần vì đây cũng là một hình thái “tôn giáo” có tín
điều ngược lại với một hệ thống tôn giáo cổ truyển và quen thuộc. Nghĩa
là không tin có một Thượng Đế hay một đấng thần thánh nào cả. Tuy chẳng
dính dáng gì với quan điểm phi tôn giáo của Karl Marx "Die Religion ...
ist das Opium des Volkes" (Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng),
nhưng những người vô thần (atheist) chủ trương đứng ngoài tôn giáo và
không tin có một đấng Sáng Tạo toàn năng uyên nguyên của vũ trụ muôn
loài.
Nếu đã có người tin vào sự hiện diện của thần thánh thì ngược lại, phải
có người không tin vào thần thánh là lẽ tự nhiên trong quá trình suy
luận của những “cây sậy có tư tưởng”. Do đó, lịch sử vô thần cũng đồng
thời với lịch sử tôn giáo chứ không cần phải đợi đến thế kỷ 19, khi Marx
lên tiếng “tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sanh bị áp bức” thì
khuynh hướng vô thần mới được… khai thị (!)
Sáng nay khi vừa bước tới cổng “Trại Vô Thần”, phản ứng tâm lý tức thời
của tôi là mang tâm trạng đang đi vào một thế giới khác. Vốn lâu nay đã
quen bước đi giữa một tập thể xã hội mà mọi người chẳng có ai quan tâm
đến nếp nghĩ tinh thần hay niềm tin tôn giáo của người kia, nay đến
“giang sơn” của những người vô thần, tôi bỗng cảm thấy hơi e ngại. Thuở
nhỏ, khi tôi đuợc mẹ cho đi học trường Đạo thì theo các Cha, Ma-Xơ lễ
Chúa; khi quy y đạo Phật theo truyền thống gia đình thì theo các Thầy,
Sư Cô lễ Phật. Lúc nào tôi cũng cảm thấy như có đấng vô hình đâu đó trên
đầu trên cổ để tin kính và làm nơi nương tựa cho tinh thần nhỏ bé và
yếu đuối của mình. Bây giờ vào thế giới riêng của những người Vô Thần,
không Chúa, không Phật, không thần, không thánh đứng ở đâu cả, tôi có
cảm giác tức thời là không gian trên đầu mình bao la và trần truồng chi
lạ. Tôi đâm ra hụt hẫng. Nỗi lo canh cánh bên lòng là mỗi bước đi hay
lời ăn tiếng nói của mình có gì sai phạm với những người anh em riêng
một góc trời “dị giáo” này chăng?!
Khi Alan Harris, người quản lý toàn trại tuổi chừng 40 niềm nỡ bắt tay,
tôi mới có dịp tươi cười bắt tay chào hỏi ban quản lý trại và đưa mắt
nhìn quanh khung cảnh toàn trại. Nhìn những nhóm trẻ đang hát hò, nói
chuyện hay chơi trò chơi dưới những tàng cây xanh làm tôi nhớ những cuộc
cắm trại hè bãi trường trên đồi Từ Hiếu “mới đó” mà đã hơn 50 năm qua
rồi. Trước hết, tôi cố tìm những nét “vô thần” trong cung cách, tiếng
cười, giọng nói của các trại sinh nhưng chỉ thấy đám tuổi trẻ hồn nhiên
và trẻ trung tươi mát. “Thì ra họ cũng như mình!” Tôi lẩm bẩm một cách
ngây thơ có lẽ tại vì người ta chỉ khác nhau về viễn kiến; còn thành
kiến và định kiến thì tuổi nào cũng đều bị đóng khung trong giới hạn nhỏ
hẹp như nhau.
Trước khi lên hội trường nói chuyện chung với các em trại sinh, huynh
trưởng (counselors-in-training) và phụ huynh có con em đang nhập trại,
tôi sinh hoạt với từng nhóm trại sinh. Thời tuổi trẻ, tôi đã quen sinh
hoạt thanh niên với tổ chức Hướng Đạo, Gia Đình Phật Tử và gần 20 năm
làm việc với tuổi trẻ ở Mỹ nên đã hội nhập vào nếp sinh hoạt chung của
trại một cách tự nhiên và nhanh chóng.
Trại Vô Thần Camp Quest nầy quy tụ thanh thiếu niên tuổi từ 8 đến 17.
Mỗi cá nhân phải đóng 597 đô-la cho trại phí trong một tuần lễ. Câu cổ
động treo ở cổng trại là: “Đừng tin ở Thượng Đế. Hãy tham gia vào Hội.”
(Don’t believe in God. Join the Club.)
Khi họp mặt chung trong phòng hội, như thường lệ, tôi để dành 10 phút
đầu cho phần trao đổi, tìm hiểu “hâm nóng” mối quan hệ giữa trại sinh và
người được mời nói chuyện.
Câu hỏi đầu tiên trại sinh dành cho tôi là:
“Anh theo tôn giáo nào?”
Khi nghe tôi đáp: “Phật giáo.” Liền đó, một trại sinh lớn tuổi nhất trong nhóm, tự xưng tên là Alan Cruz, hỏi:
“Có phải Phật giáo là một tôn giáo vô thần không?”
Tôi hỏi lại:
“Em định nghĩa tôn giáo là gì?”
Người đó đáp ngay:
“ It’s the belief in and worship of a superhuman controlling power, esp.
a personal God or gods.” (Tôn giáo là có đức tin và thờ phụng đấng siêu
việt toàn năng như Thượng Đế hay các vị thánh thần.)
Tôi giải thích:
“Phật giáo là một tôn giáo không theo định nghĩa kiểu phương Tây như
thế. Đạo Phật không tin vào khái niệm có một đấng toàn năng siêu việt
sáng tạo muôn loài như Thượng Đế. Tuy nhiên, phương Đông chúng tôi có
cách định nghĩa khác về tôn giáo, rằng: ‘Tôn giáo là sự tôn trọng một hệ
thống lý thuyết. Lý thuyết này đã được người giác ngộ, như đức Phật
Thích Ca chẳng hạn, thuyết giảng làm cho con người hiểu rõ và tình
nguyện thực hành để được an lành trong cuộc sống và cuối cùng được giác
ngộ như đức Phật.’”
Có nhiều tiếng reo mừng rỡ dễ dãi:
“Bravo, đạo Phật không tin Thượng Đế sáng tạo muôn loài. Đạo Phật không
phải là tôn giáo. Người theo đạo Phật cũng là vô thần như chúng ta đây
nè!”
Tôi trả lời ngay, có lẽ làm cho các em cụt hứng:
“Các em, không đúng! Đạo Phật là một tôn giáo hay phải nói đúng hơn là một ‘siêu tôn giáo.’”
Trước vẻ mặt hơi ngỡ ngàng của mấy em, tôi cố giải thích cho rõ hơn bằng
cách gắng tìm những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu hợp với trình độ trại sinh
nhưng khó quá. Đem ná bắn chim ra đuổi cọp e không xong. Nhưng đã cỡi
cọp rồi thì cũng phải cố gắng chứ không lẽ lại cười trừ với mấy em đang
nhiệt tình muốn nghe, để biết.
Tôi trình bày rõ hơn ý mình:
“Hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 20 tôn giáo lớn có tín đồ từ 2
tỷ cho đến 1 triệu người và khoảng 350 giáo phái. Nhưng nhìn chung, mục
đích của tôn giáo nào cũng chỉ có ba điều: Thứ nhất là cần được giải
thích để hiểu ai đã tạo ra sự sống và khi chết đi về đâu. Thứ hai là
phải sống như thế nào cho hay cho đẹp khi còn sống. Thứ ba là có một nơi
yên nghỉ an lành sau khi chết. Trong khi tôn giáo nào cũng tôn thờ một
đấng chí tôn theo một cách gọi riêng như Thượng Đế, Phạm Thiên, Vua
Trời, Toàn Năng hay Allah… thì riêng Phật giáo không chấp nhận một hình
tượng tuyệt đối đầu tiên và cuối cùng như thế vì đức Phật thấy được cái
Tánh Thật của tất cả mọi sự là Rỗng Không. Không có bất cứ một sự hay
một vật nào tự nó sinh ra nó và tồn tại riêng biệt cả. Tất cả muôn loài,
muôn vật đều do các điều kiện, hình thái, hoàn cảnh gặp nhau, tụ lại
với nhau mà thành…”
Vốn đã nhiều năm quen quan sát phản ứng nhận thức của đối tượng nghe
mình từ trên bục giảng, tôi thấy rõ dấu hiệu bối rối, không hiểu của các
trại sinh hiện ra trên ánh mắt mù mờ, dò hỏi. Khái niệm “Tánh Không,
Rỗng Lặng” mà dịch ra tiếng Anh là “Voidness, Emptiness hay
Nothingness;” hoặc “Duyên” mà dùng “Condition, circumstance…” thì thật
trừu tượng và khó hiểu đối với thế hệ trẻ. Tôi đổi sang phương pháp
“thính thị” theo lối ẩn dụ, đem hình tướng mô tả để giải thích khái niệm
bằng cách lấy vụ “9/11” ở Mỹ mà ai cũng biết để giải thích cho bản chất
vô thường, vô trụ và quá trình vận hành khách quan, tất yếu, tự nhiên
của Tánh Không và Duyên Khởi:
“Này, bây giờ các em nhắm mắt tưởng tượng cách đây 14 tỷ năm khi vụ nổ
Big Bang xảy ra thì vũ trụ xuất hiện, rồi quả đất chúng ta mới bắt đầu
thành lập khoảng đâu 4, 5 tỷ năm gì đó. Lúc đầu là một cục lửa, sau
nguội dần thành đất đá, sông biển. Lúc đó New York là gì và ở đâu? Hoàn
toàn chẳng có dấu vết gì gọi là New York cả phải không? Rồi đến giống
người đầu tiên xuất hiện khoảng 200 nghìn năm trước ở châu Phi. Dấu vết
con người đầu tiên có mặt ở châu Mỹ từ hơn 10 nghìn năm trước. Năm 1492
Christopher Columbus mới biết đến châu Mỹ mở đầu thời kỳ cho chúng ta
khắp thế giới tới định cư ở châu Mỹ như hôm nay và New York mới ra đời
cách đây chừng 250 năm. Hai nhà lầu Trung Tâm Thương Mãi Thế Giới xây
dựng năm 1970 và bị quân khủng bố al-Qaeda phá hủy năm 2001. Rồi tòa nhà
mới One World Trade Center xây dựng lại trên chỗ đất đổ nát cũ. Và,
tưởng tượng chừng 100 năm, 1000 năm nữa New York sẽ là gì? New York có
còn không và chúng sẽ là gì, sẽ về đâu, đi đâu? Đi một vòng trải qua
chục lần biến đổi của New York để thấy rằng New York, Toà Nhà Thương Mãi
chỉ là một tên gọi rỗng không từ lúc nầy hay lúc khác chứ thật chẳng có
một New York, một Tòa Nhà Thương Mãi tự nó sinh ra và tồn tại mãi mãi.
Thực chất của nó là có mà không như ánh chớp, biến hiện không ngừng. Sự
biến hiện của hình tướng mà ta thấy nhanh hay chậm và như thế nào là do
những điều kiện và hoàn cảnh hợp nhau lại mà thành. Như gặp điều kiện
thuận và hoàn cảnh tốt thì Trung Tâm Thương Mãi được xây dựng nên. Gặp
điều kiện nghịch và hoàn cảnh xấu thì bọn khủng bố al-Qaeda tụ tập nhau
mà phá hủy. Như vậy, Trung Tâm Thương Mãi ở New York chỉ xuất hiện bằng
cái hình tướng giả tạm và biến đổi, mất còn liên tục. Nó xuất hiện và
mất đi có thể chầm chậm như mây trời lang thang hay lóe qua nhanh như
bóng chớp chứ không bao giờ tự nó có thật và đứng vững mãi mãi nên đức
Phật gọi tánh thực của nó là Tánh Không, là Không Tánh. Tánh Không là sự
thật tuyệt đối của vạn sự, muôn loài, muôn vật nên hoàn toàn không có
chỗ đứng cho một Thượng Đế toàn năng tự sinh, tự tạo. Đã không có tự
tánh tuyệt đối thì làm gì có sự hiện hữu của Thượng Đế hay Thần Linh mà
gọi là Hữu Thần hay Vô Thần…”
Các em trại sinh trại Vô Thần có vẻ hiểu hơn nên thích chí vỗ tay. Một em nữ, xưng tên là Kitty Hansen, đưa tay hỏi:
“Vậy thì tại sao người theo đạo Phật cũng có chùa thờ Phật, có lập bàn
thờ cúng vái, có đọc kinh cầu nguyện? Đã cho là không có thần linh thì
cầu nguyện ai nhỉ?”
Thời gian thì giới hạn mà đề tài đưa ra thì không đơn giản, tôi đang lựa
chọn một cách trả lời đơn giản hợp với tinh thần của các em thì bỗng
nhiên cuối phòng có người đưa tay. Được mời nói, trại sinh nầy lên
tiếng:
“Đúng vậy, có: mới mất; không có: lấy gì để mất. Có tiền mới mất tiền.
Có thần linh mới thờ thần linh. Ngày nay, người ta dùng tiền mới thấy có
tiền hay mất tiền. Thời cổ sơ, người ta chưa biết đồng tiền là gì cả
nên chẳng ai có tiền hay mất tiền cả. Nhưng thay vì dùng tiền như ngày
nay, người thượng cổ cũng có cách riêng của họ để trao đổi mua bán chứ,
phải vậy không?”
Rồi một ý kiến khác:
“Phật giáo tin có linh hồn không ạ? Nếu như tất cả đều không. Không có
linh hồn thì khi thể xác nầy chết rồi, lấy gì để tái sinh?”
Toàn những câu hỏi chí lý. Tôi cảm thấy thú vị với bầu không khí sôi
động nhưng vẫn chưa tìm ra cách giải thích với nhóm người trẻ tuổi có
nếp suy nghĩ và suy luận vừa sắc bén, vừa thực dụng trong xã hội Mỹ nầy.
Nếu lấy Duy Thức – Consciousness only – ra mà giải thích thì sẽ phải
nói tới khái niệm “linh hồn” là Chủng Tử nằm trong A Lại Da Thức lại
càng rắc rối thêm nữa! Tôi đành quay lại mượn cách giải thích “thính
thị” theo lối ẩn dụ về trường hợp… 9/11 đã dùng ở trên, bằng cách hỏi
chung tập thể trại sinh:
“Ai có computer ở nhà?”
Tất cả đều giơ tay lên.
Hỏi tiếp:
“Ai có email, website, facebook, blog, twitter… hay trang mạng riêng?”
Hầu hết giơ tay lên.
“Ai biết tín hiệu computer ở đâu khi ta chưa mở máy và tín hiệu đó sẽ về
đâu sau khi ta tắt máy? Nguồn gốc của những tín hiệu nầy từ đâu và đầu
tiên do ai hay cái gì sáng tạo ra?”
Không có ai trả lời.
“Thế có ai biết linh hồn là gì và nó như thế nào không?”
Không có ai trả lời.
“Vậy ta có thể ví linh hồn giống như những tín hiệu computer, luôn luôn
có xung quanh ta và khắp nơi trong vũ trụ nhưng vô hình, vô ảnh, biến
hiện tức thời và chuyển đổi hình tướng tùy theo ‘đối tượng hợp duyên’
như emails, twitter, facebook, blog… sẽ xuất hiện trên màn ảnh computer
khi hội đủ các điều kiện cần thiết không?”
Có dăm ba tiếng vọng trả lời ngờ ngợ, không chính thức. Rồi có một giọng rắn rỏi cất lên tiếng đầy quyết đoán:
“Đúng, đúng… nói như Stephen Hawking là không có Nguyên Nhân Đầu Tiên và
cũng chẳng có Ai Tự Mình hiện hữu rồi sáng tạo ra muôn loài cả. Tất cả
đến từ Không. Tất cả đều do tình cờ hay các điều kiện bột phát tự hợp
nhau mà có. Rồi tất cả lại hoàn không. Ha, ha , ha… chúng tôi chọn lối
nghĩ Vô Thần là vì thế.”
Nhìn kỹ, đó là bác sĩ Joe Ramon, tham dự trại Vô Thần với tư cách là phụ
huynh mà tôi đã gặp từ khi mới vào cổng trại. Rồi ông ta quay về phía
tôi chì chiết:
“Hey, ông chưa trả lời những câu hỏi lên quan đến đạo Phật của ông. Làm ơn…”
Tôi khoát tay cười:
“Không
sao, không sao ông bạn… vô thần ơi! Để hiểu một bài toán có khi chỉ cần
một bài giải; nhưng để hiểu chính mình có khi cả đời chưa hiểu hết. Tôn
giáo, nhất là Phật giáo lại càng mênh mông hơn. Nhưng, dẫu sao thì theo
sự hiểu biết còn rất giới hạn của tôi, có bốn điều sơ lược nhất khi cần
hiểu về Phật giáo:
Thứ
nhất, đạo Phật không tin có một vị thần sáng tạo ra muôn loài muôn vật
nên cho rằng đạo Phật “vô thần” cũng sai mà “hữu thần” cũng không đúng.
Thứ hai, đạo Phật là một tôn giáo đúng nghĩa vì có một hệ thống lý
thuyết cao rộng và thâm sâu làm căn bản; có đức Phật Thích Ca Mâu Ni là
giáo chủ khai sáng; có nếp sinh hoạt tâm linh; có những tổ chức tăng
đoàn của giới theo Phật xuất gia và tổ chức đạo tràng của giới tại gia;
có nếp tu trì hành đạo.
Thứ ba, đạo Phật có hình thức lễ nghi, thờ phụng nhưng không mê tín phó
mặc cho bất cứ thế lực nào dắt đi. Chúng tôi gọi đức Phật là Thầy – Bổn
sư – nên theo Ngài như theo một vị Thầy tôn kính và thờ phụng các bậc
tổ sư cùng chư tôn đức theo phương vị những bậc thầy tâm linh trong suốt
chiều dài của lịch sử đạo Phật.
Thứ tư, đạo Phật thờ cúng và đọc kinh cầu nguyện hay ngồi thiền là sử
dụng phương tiện thiện xảo giúp giữ được một lòng hướng về năng lượng
lành của ba ngôi Tam Bảo và nhờ năng lượng đó giúp mình tự soi rọi cho
chính mình trên con đường tìm cầu giác ngộ. Cầu nguyện trong Phật giáo
không đồng nghĩa là phó mặc số phận của mình vào tay thần linh hành xử.”
Đến lượt tôi hỏi lại các thành viên trại Vô Thần “Các bạn là ai? Các bạn
tự định nghĩa mình như thế nào?” thì Dr. Ramon đã trả lời rằng:
“Chúng tôi là những người vô thần vì không tin có Thượng Đế. Hiện nay có
60 triệu người trong tổng số 310 triệu người Mỹ không theo tôn giáo nào
cả. Họ gồm 3 thành phần có 3 khuynh hướng vừa giống nhau, vừa khác nhau
như sau:
- Vô thần (Atheists): Họ tin rằng, không có một Thượng Đế, cách sống đời
mình là do mình định liệu, không do đấng thần linh tối cao nào ra lệnh
và ban phát cả. Sống là phải sống đời tươi đẹp, hạnh phúc xứng đáng với
quyền làm người, vượt ra ngoài tất cả sự hệ lụy và trói buộc của thần
linh, tín ngưỡng.
- Nhân bản (Humanists): Họ tin rằng cách sống đời sống của mình tốt đẹp
nhất là hành xử theo những nguyên tắc hợp tình hợp lý của trách nhiệm và
hạnh phúc làm người, vượt ra ngoài những lễ nghi và bó buộc của tôn
giáo.
- Khả tri (Agnostics): Còn gọi là bất khả tri. Họ không tin mà cũng
chẳng chối bỏ quan niệm có hay không sự hiện hữu của Thượng Đế hay thánh
thần trong cuộc sống của con người. Không biết thì nói không biết và
tránh ra khỏi những gì mình không biết.”
Tôi hỏi tiếp:
“Thế tôn chỉ và mục đích đời
sống thường ngày và nếp sống tâm linh của người vô thần như các bạn là gì và như thế nào?”
Alan Harris, người quản lý trại Camp Quest, trả lời:
“Tôn chỉ (motto) của chúng tôi là: ‘Sống tốt hơn, giúp nhiều hơn và tỉnh
thức hơn’ (Live better, help often, and wonder more.) Tuy đơn giản
nhưng không dễ dàng theo đúng. Như thế, tôn chỉ của chúng tôi có gì trái
nghịch với đạo Phật của anh không?”
Thẳng thắn, tôi trả lời:
“Có thể khác biệt về phương tiện sử dụng để đạt được mục đích nhưng về
phong cách sống thì khá đồng hành. Nầy nhé, một người theo đạo Phật bình
thường phải giữ 5 giới để tự răn mình và nương theo 8 đường chánh (bát
chánh đạo) để sống tốt hơn, giữ hạnh bố thí Ba la mật để giúp nhiều hơn
và cố rèn luyện tinh thần từ bi - trí tuệ để tỉnh thức hơn.”
Các trại viên bày tỏ sự quan tâm đầy thích thú. Một nữ trại viên lên tiếng:
“Các anh có vẻ ổn định tinh thần hơn chúng tôi vì có thuyết nhà Phật và
tổ chức hành đạo để nương tựa và phát huy còn chúng tôi chỉ mới có tấm
lòng và tri thức. Không chừng… anh lại muốn ‘cải đạo’ chúng tôi phải
không?”
Tôi nói ngay:
“Xin lỗi, tôi có dị ứng với mọi hình thức cải đạo. Khuyến dụ, lôi kéo
những người hiền lương cải đạo là một sự bất nhẫn; nếu không nói là một
tội ác tâm linh không khác gì quân Tây Ban Nha xâm lăng và tiêu diệt hết
cả văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo của các nước Nam Mỹ vào thế kỷ 16 rồi
áp đặt mọi sản phẩm của mình – quyền lực chính trị, vũ khí đàn áp, đời
sống tâm linh tôn giáo – lên thân phận của kẻ bị thua cuộc. Sự mua chuộc
cải đạo là những thương vụ đen tối mà kẻ có lương tri làm người và biết
cảm niệm ân đức của Tự nhiên, Tạo hóa, Trời đất không bao giờ nên làm…”
Cả phòng hội vỗ tay. Không rõ người ta vỗ tay vì biểu đồng tình với tôi
hay tại đói bụng vì trời đã trưa. Tôi chủ động chấm dứt cuộc hội luận và
hẹn gặp nhau vào buổi chiều theo thời khóa đã định.
Grass Valley, tháng bảy – 2013
Trần Kiêm Đoàn
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/10/tran-kiem-oan-trai-vo-than.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001