Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Phạm Chí Dũng - Việt Nam: Tương quan lực lượng trong đảng vẫn ở thế giằng co

Phạm Chí Dũng - Việt Nam: Tương quan lực lượng trong đảng vẫn ở thế giằng co 



Thụy My

Đảng Cộng sản luôn khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt trong đời sống chính trị xã hội tại Việt Nam. REUTERS
Như tin chúng tôi đã loan, hôm qua 09/10/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng Việt Nam khóa XI đã bế mạc sau 10 ngày làm việc. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu kết thúc hội nghị, đã nhấn mạnh vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản về mọi mặt. Bài diễn văn cảnh báo « phòng chống nguy cơ chiến tranh, không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, hình thành tổ chức chính trị đối lập ».
Có những điều gì cần quan tâm tại Hội nghị trung ương 8 lần này, thông qua bài phát biểu trên? Mời quý thính giả theo dõi phần phân tích của nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh:
RFI : Thân chào nhà báo Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã nhận lời trao đổi với RFI. Thưa anh, anh nhận xét như thế nào về bài diễn văn bế mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có gì mới hay không?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Theo ý kiến của cá nhân tôi thì bài phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 8 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kỳ này cũng không khác mấy bài diễn văn kết thúc Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm nay. Tức là tình hình vẫn được đề cập một cách chung chung, gần như không có gì mới.
Có một số nội dung chính mà chúng ta có thể điểm lại trong diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 8 là: vấn đề kinh tế xã hội, không kéo lùi thời hạn thông qua Hiến pháp, vấn đề an ninh quốc phòng, vấn đề giáo dục.
Riêng về phần kinh tế xã hội của báo cáo, tuy có đề cập tới vấn đề nợ công còn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng phân tích khá sơ sài. Vẫn chủ yếu nhấn mạnh những thành tích mà kinh tế Việt Nam đã đạt được, như GDP đã tăng được trên 5%, cụ thể là 5,4 đến 5,6%. Tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ xóa đói giảm nghèo được kéo giảm xuống.
Tuy nhiên những phân tích này thiếu chân đứng cụ thể, vì ở Diễn đàn kinh tế mùa xuân vào tháng Tư, và Diễn đàn kinh tế mùa thu vào tháng Mười năm nay đều đề cập đến những vấn đề rất nhạy cảm của kinh tế Việt Nam.
Chẳng hạn vấn đề nợ công. Các chuyên gia phản biện độc lập nêu tỉ lệ nợ công của Việt Nam đã vượt quá giới hạn cho phép, tức vượt 65-70%. Thậm chí có những đánh giá cho rằng tỉ lệ nợ công đã lên tới 95%. Riêng tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia người Việt ở nước ngoài, nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê của Liên Hiệp Quốc đánh giá là tỉ lệ nợ công theo ông tính toán đã lên tới 106%, tức khoảng trên 120 tỉ đô la. Rất cao, khác hẳn với con số công bố về nợ công của Việt Nam!
Thứ hai nữa là phần phân tích gần như không đề cập tới điểm then chốt, cũng là một tử huyệt của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đó là vấn đề nợ xấu, trong đó có nợ xấu bất động sản. Thực tế, nợ xấu và nợ xấu bất động sản chiếm một tỉ trọng khá lớn trong tổng GDP của Việt Nam. Và theo Diễn đàn kinh tế mùa xuân năm nay, các chuyên gia đã tính là con số đó có thể gấp đôi con số công bố của Ngân hàng Nhà nước - tức vào khoảng 540 ngàn tỉ đồng, tương đương trên 20 tỉ đô la.
Mà vấn đề kinh tế lại là then chốt để định dạng những vấn đề xã hội. Diễn văn bế mạc kỳ này tuy có đề cập tới những nội dung về an ninh, « cố gắng không để xảy ra những mầm mống biểu tình, bạo loạn xã hội », nhưng cũng không đề cập tới nguyên nhân khủng hoảng kinh tế. Như Diễn đàn kinh tế mùa xuân vừa rồi phân tích, kinh tế mới là nguyên nhân chính có thể dẫn tới những bạo loạn xã hội.
Chẳng hạn như những hiện tượng « tức nước vỡ bờ » từ năm 2012 đến nay ở Tiên Lãng, Hải Phòng của Đoàn Văn Vươn. Hay hiện tượng nông dân phản ứng về đất đai một cách rất là bức xúc ở Văn Giang (Hưng Yên), Dương Nội (Hà Nội), Trịnh Nguyễn (Bắc Ninh) v.v…đặc biệt là việc xả súng vào cán bộ nhà nước của Đặng Ngọc Viết vừa rồi ở Thái Bình. Đó là những mầm mống hỗn loạn xã hội, nảy sinh từ những vấn đề kinh tế, nhất là vấn đề thu hồi đất.
RFI : Bên cạnh đó còn có những vấn đề nào khác, thưa anh?
Một trong những nội dung chính diễn văn bế mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là không kéo lùi thời hạn thông qua Hiến pháp sang năm 2014, mà sẽ chấm dứt vào năm nay. Tức là sau diễn văn này, sẽ giao cho các cơ quan, tiểu ban soạn thảo thống nhất lại bản Dự thảo Hiến pháp đã sửa đổi, đưa ra Quốc hội để chính thức thông qua vào cuối năm.
Như vậy, với tinh thần Hiến pháp đã sửa đổi, thì kinh tế quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo, và nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề độc quyền một số mặt hàng, của một số ngành chiến lược vẫn không bị giảm bớt hoặc bỏ đi.
Và một điểm quan trọng nữa – một trong những mầm mống gây hỗn loạn xã hội là vấn đề sở hữu đất đai, cũng đã không được thống nhất chuyển từ sở hữu đất đai toàn dân sang sở hữu đất đai tư nhân. Mà đây chính là vấn đề mà công luận đã đặt ra đặc biệt sôi nổi sau vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng.
Từ đó chúng ta thấy là nếu không có những sửa đổi về sở hữu đất đai, hay nền kinh tế theo hướng thị trường hoàn toàn, thì không có cơ sở để gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngoài ra cũng không thấy đặt vấn đề về việc đưa ra triển khai một số luật theo Hiến pháp là Luật biểu tình, Luật trưng cầu dân ý và Luật lập hội. Nếu như Hiến pháp cuối năm nay được thông qua với tinh thần như thế, thì không có điểm gì mới, so với tất cả những điều mà nhiều người đã phản biện từ đầu năm đến nay.
Hội nghị trung ương 8 kỳ này cũng đặt ra khá nặng về an ninh, trong đó nêu vấn đề làm sao giữ vững được an ninh quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhưng đó chỉ là những câu chung chung mà thôi. Thậm chí tôi thấy về mặt ngôn từ, trong diễn văn bế mạc có những đoạn lủng củng, mâu thuẫn với nhau.
Chẳng hạn như câu trên nói: « An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững » thì đến câu dưới lại ghi thế này: « An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp ». Như vậy thì người dân, người đọc không hiểu ý nào là chính, tình hình an ninh chính trị đang được giữ vững hay đang diễn biến phức tạp? Hay còn hơn cả thế nữa?
Một điểm nữa tôi muốn phân tích thêm là Hội nghị trung ương 8 kỳ này và trong diễn văn bế mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn không đề cập tới việc lấy phiếu tín nhiệm trong đảng, như đã nêu ra vào khoảng tháng Ba, sau khi đưa ra Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đến tháng Năm thì ông Nguyễn Phú Trọng gần như đặc biệt nhấn mạnh về chuyện này. Trong một số cuộc tiếp xúc cử tri ở các địa phương, ông Trọng cũng đã nhấn mạnh tới việc cần phải lấy phiếu tín nhiệm trong đảng, sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt.
Trước đó cũng đã có dư luận cho là trong Hội nghị trung ương 8 hoặc vào cuối năm nay sẽ không có việc bỏ phiếu tín nhiệm trong đảng, vì có thể một ai đó, hoặc một số người nào đó không muốn điều ấy.
Một dấu hiệu nữa, là không có một thông tin công khai nào về kết quả của bảy đoàn kiểm tra chống tham nhũng do đảng thành lập cách đây khoảng ba tháng, dự kiến kết thúc vào 30/9. Dư luận cho là các đoàn kiểm tra này cũng chỉ mang tính chất hình thức.
Điều đó ảnh hưởng tới không khí chính trường, và tương quan các lực lượng chính trị tại Việt Nam có thể vẫn ở thế giằng co.
Ngay trong thời gian diễn ra Hội nghị trung ương 8 thì Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi dự các hội nghị ASEAN và APEC ở nước ngoài. Điều này cho thấy có thể là nội dung hội nghị lần này không quá quan trọng, không sôi động và cũng không kịch tính như Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm. Không có việc bầu cử bổ sung một số ủy viên Bộ Chính trị, và cũng không phải là hội nghị giữa nhiệm kỳ như một số lời đồn đoán.
Như vậy, tại Hội nghị trung ương 8, các vấn đề vẫn chưa được giải quyết một cách căn bản mà còn phải chờ đến những hội nghị sau này. Nhìn tổng quan, diễn văn bế mạc hội nghị hầu như không có một điểm nào mới. Có chăng chỉ là một điểm mà tôi thấy rất kỳ cục, cũng cần nêu ra đây.
Trong một câu có viết là (…) « hình thành tổ chức chính trị đối lập », câu này nằm giữa hai dấu chấm phẩy. Việc nằm giữa hai dấu chấm phẩy như vậy khiến người ta có thể hiểu là đảng chính thức bật đèn xanh. Tất nhiên có thể nói do kỹ thuật, do lỗi đánh máy…nhưng với cách thể hiện như vậy thì diễn văn này vô hình chung lại cho phép hình thành các tổ chức chính trị đối lập, mà như trường hợp ông Lê Hiếu Đằng đề xuất về đảng Dân chủ Xã hội, có thể đứng ra thành lập một đảng mới.
RFI: Trong ngữ cảnh, người đọc chắc cũng có thể cảm thấy là « lỗi cậu đánh máy » thôi…Nhưng đây hình như là lần đầu tiên trong một bài diễn văn bế mạc hội nghị trung ương lại có nhắc đến những tổ chức chính trị đối lập?
Tôi cho đây là lần đầu tiên. Trước đây có những văn bản đơn lẻ, nhưng không nằm trong một nghị quyết của đảng, hoặc không nằm trong diễn văn bế mạc.
Gần đây có một số tình hình mới. Chẳng hạn từ tháng Bảy vừa rồi, sau chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ gặp Tổng thống Obama có diễn ra mấy sự kiện ở trong nước, những phong trào dân chủ. Chẳng hạn như đề nghị thành lập một đảng mới – đảng Dân chủ Xã hội – của ông Lê Hiếu Đằng, rồi khuynh hướng xây dựng xã hội dân sự.
Tôi biết là có một luồng suy nghĩ trong nội bộ, đánh giá là việc thành lập một tổ chức đảng mới, cũng như việc hình thành xã hội dân sự đều không thuận lợi cho sự tồn tại của đảng cầm quyền hiện nay, dù Nhà nước Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Ngay cả việc thành lập một đảng mới ở Việt Nam hiện nay không vi phạm pháp luật - theo phân tích của luật sư Trần Vũ Hải, không hiểu vì lý do gì mà người ta vẫn cố gắng ngăn cản.
Đó là vì sao trong diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 8 đã nhấn mạnh việc (không) – từ « không » trong ngoặc đơn – hình thành các tổ chức chính trị đối lập. Người ta lo sợ về chuyện đó!
Tất nhiên khi đọc kỹ, liền mạch văn thì ai cũng hiểu là không có chuyện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại cho hình thành tổ chức chính trị đối lập. Đây chỉ là lỗi kỹ thuật thôi.
RFI : Có lẽ điều này cũng thấy rõ qua một loạt các bài trên báo chí nhà nước đả kích ông Lê Hiếu Đằng?
Có tới khoảng hơn ba chục bài như vậy, mặc dù vẫn không một ai dẫn ra căn cứ pháp lý nào đủ thuyết phục để không cho lập đảng đối lập ở Việt Nam. Vì trước đây đã có đảng Dân chủ và đảng Xã hội, chỉ có điều là hai đảng này từ hồi năm 1988 đã tự nguyện rút lui – tất nhiên là được gợi ý rút lui. Từ 1988 trở lại đây không có một đảng đối lập nào được hình thành và tồn tại ở Việt Nam.
Nhưng điều đó cho thấy đã có tiền lệ có sự hiện diện của những đảng khác với đảng cầm quyền. Cũng như ở Trung Quốc hiện nay, ngoài đảng Cộng sản còn có 8 đảng. Về tính pháp lý thì hoàn toàn không có gì ngăn cấm các đảng phái khác hình thành, cùng song song tồn tại với đảng Cộng sản Việt Nam.
RFI: Thưa anh, như vậy dù rất muốn tiến gần với phương Tây qua một số hoạt động ngoại giao liên tục gần đây, nhưng việc chấp nhận đa đảng hiện giờ có lẽ vẫn là chuyện không tưởng đối với đảng Cộng sản Việt Nam?
Tôi không nghĩ đó là chuyện không tưởng, vì nhiều người mong muốn như vậy, và người ta đều nhìn thấy cần có một sự đối thoại. Cần phải có tam quyền phân lập, một Nhà nước pháp quyền, và những lực lượng đối trọng kiểm soát lẫn nhau, thì Nhà nước đó, dân tộc đó mới có thể phát triển được.
Còn tình hình như thế này, cứ một chiều, thì mọi chuyện sẽ đi theo lối mòn thôi. Có điều là vấn đề đa đảng có lẽ vẫn còn khá xa vời ở Việt Nam, nó đi theo logic diễn biến của vấn đề kinh tế xã hội. Và nếu như mọi chuyện logic với nhau thì phải một số năm nữa, có thể một số người ngay trong đảng Cộng sản sẽ nhận ra là cần thiết phải có một đối trọng nào đó. Để các vấn đề được nhìn đa chiều, đa dạng, có ý nghĩa hơn trong sự phát triển toàn vẹn nói chung, chứ không phải chỉ cho một số nhóm lợi ích nào đó, và đặc biệt là không bị phản ứng đến mức quá phẫn nộ.
RFI : Nhưng ngay cả những hoạt động nhẹ nhàng hơn là phong trào xã hội dân sự cũng có vẻ không được chấp nhận rồi?
Có một điểm mới như thế này. Từ năm 2012 trở về trước thì vấn đề xã hội dân sự gần như rất ít được đặt ra. Thậm chí trên báo Nhân Dân – báo đảng – còn có một bài như thế này: « Xã hội dân sự là một thủ đoạn của diễn biến hòa bình ». Mặc dù trước đó nữa, từ năm 2006-2008, tôi nhớ là cùng với việc Việt Nam được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, với chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Washington gặp Tổng thống George Bush, lúc đó vấn đề đối thoại với chính quyền Việt Nam có hé mở một chút. Đồng thời Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo (CPC).
Lúc đó vấn đề xã hội dân sự vô hình chung được đặt ra như là một khẩu hiệu nào đó ở Việt Nam. Đã diễn ra một số cuộc hội thảo của nhân sĩ trí thức trong đảng và kể cả ngoài đảng, nhưng tất cả chỉ dừng ở mức độ hội thảo mà thôi. Và người ta xoay đi xoay lại vấn đề xã hội dân sự là gì, những phương thức, nội dung chính, kinh nghiệm, bài học của xã hội dân sự trên thế giới, ở các nước Bắc Âu, Mỹ và trong lịch sử như thế nào…
Nhưng khi đi đến phần giải pháp thực hiện, làm gì để có một xã hội dân sự ở Việt Nam phù hợp với đường lối dân chủ, thì gần như là một sự bế tắc. Sau hội thảo, gần như là đóng kín, không có thêm một bước tiến nào nữa. Thậm chí đến năm 2009, 2010, Viện Nghiên cứu Phát triển của giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang A, lúc đó là một trong những nơi đầu tiên nghiên cứu về đề tài xã hội dân sự ở Việt Nam, đã bị đóng cửa.
Cho tới nay, có thể nói vấn đề xã hội dân sự gần như bế tắc ở Việt Nam. Không ai muốn triển khai thêm nữa. Và dưới mắt một số người trong đảng và nhà nước, thì họ chưa hiểu về bản chất của xã hội dân sự, và còn coi như một cái gì đó vẫn nằm trong phương thức « diễn biến hòa bình ».
Chỉ có thời gian gần đây, do trào lưu đối ngoại và mở cửa, độ mở chính trị tăng lên, có sự nhân nhượng, thành thử người ta phải nhìn nhận xã hội dân sự như một mầm mống thực thể đang tồn tại ở Việt Nam, qua một số nhóm dân sự hoạt động độc lập. Chẳng hạn như đầu tháng Mười có vụ một số blogger sau khi đi học một khóa ở Philippines về đã bị công an cửa khẩu câu lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong quá trình đó, các bạn trẻ blogger có kể lại, công an nói là « xã hội dân sự dừng ở mức đó là tốt, nhưng đừng tiến thêm nữa để hình thành những phong trào, lực lượng, tạo thành những đảng phái đối lập lật đổ chế độ là không tốt ».
Có nghĩa là đã có một sự chuyển đổi tế nhị, kín đáo, bộc lộ qua những câu hỏi của nhân viên an ninh - rằng họ đã phần nào chấp nhận xã hội dân sự. Chỉ có điều không biết là họ hiểu như thế nào. Nhưng vấn đề xã hội dân sự hiện nay rõ ràng đang hình thành những tiền đề ở Việt Nam. Và nhà nước cũng đang dần dần bắt buộc phải chấp nhận những tiền đề đó như là một thực thể - tuân theo xu hướng trào lưu đối ngoại chứ không phải là một thực thể sinh ra từ chính nội lực, nhà nước và đảng muốn như vậy.
RFI : Xin chân thành cám ơn nhà báo Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng dành thì giờ trao đổi với RFI Việt ngữ.
Admin gửi hôm Thứ Bảy, 12/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131012/pham-chi-dung-viet-nam-tuong-quan-luc-luong-trong-dang-van-o-the-giang-co
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001