Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Trần Việt Dũng - Tự nhiên lại nghĩ về TPP

Trần Việt Dũng - Tự nhiên lại nghĩ về TPP 



Trần Việt Dũng


Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (tiếng Anh: Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - viết tắt TPP) là một hiệp đinh/thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam đang khẩn trương tiến hành đàm phán gia nhập hiệp định này. Nhiều quốc gia tham gia hiệp định trong đó bao gồm các quốc gia có sức mạnh kinh tế lớn nhất hành tinh như Hoa Kỳ, Nhật Bản & Canada. Khi hiệp định này có hiệu lực nghĩa là Việt Nam tham gia vào thị trường chung với hơn 700 triệu dân và chiếm khoảng 1/3 GDN toàn cầu. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức với Việt Nam – một nền kinh tế đã có kinh nghiệm được hưởng lợi từ khi tham gia WTO từ năm 2006.

Những cơ hội

Đã có những học giả nghiên cứu và chứng minh rằng các nước tham gia TPP có khả năng từ 1 – 2% tiềm năng tăng trưởng GDP riêng Việt Nam có thể đạt được tới 5% tăng trưởng GDP sau một quá trình gia nhập (tính đến năm 2020). Tuy nhiên theo kinh nghiệm Việt Nam gia nhập WTO thì có thể nền Kinh tế Việt Nam còn có cơ hội hưởng lợi nhiều hơn thế. Thực chất hiệp định TPP là mối quan hệ có đi có lại khi các quốc gia tham gia hiệp định cam kết giảm thuế quan cho nhau trong khuôn khổ một số điều kiện đi kèm (thuế nhập khẩu có thể xuống đến 0% tuỳ từng mặt hàng & lĩnh vực). 22 lĩnh vực thương mại và kinh tế đã được đưa lên bàn đàm phán nhưng trong đó Việt Nam rõ ràng có lợi thế về xuất khẩu hàng dệt may, da giầy, hàng nông sản (những ngành sử dụng nhiều lao động & đã có vị trí nhất định trên thị trường thế giới)…ngoài ra chúng ta cũng sẽ có lợi thế trong việc cung cấp các hàng hoá dịch vụ bổ sung cho một loạt các ngành công nghiệp khác.
Bên cạnh những cơ hội trực tiếp thì còn mở ra nhiều các cơ hội gián tiếp như thu hút vốn FDI nước ngoài (năm 2008 VN có cam kết 60 tỷ USD vốn FDI, rõ ràng có sự tác động của WTO khi Việt Nam là thành viên thứ 150 vào năm 2006).

Và các thách thức

Ô tô, thịt gà, lợn, đường, giấy & thép (riêng thép không cạnh tranh trực tiếp) sẽ là áp lực lớn cho các Doanh nghiệp cùng ngành của Việt Nam. Ngoài ra TPP động chạm đến một số vấn đề nhạy cảm mà WTO không đề cập tới như vai trò của DNNN và mua sắm chính phủ cũng như những yếu tố ảnh hưởng tới vấn đề về bảo vệ môi trường. Phía đối tác Mỹ cũng nhấn mạnh vấn đề chấp nhận TPP với chủ đề về Nhân quyền và sử dụng lao động trong các DN của Việt Nam (Nhớ lại sự kiện cá tra, cá basa của Việt Nam bị Hiệp hội cá da trơn Hoa Kỳ kiện bán phá giá và trong một số lý do họ đưa ra thì việc các DN xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sử dụng lao động dưới tuổi vị thành niên hoặc hợp đồng lao động không rõ ràng là những lý do chính).
Chúng ta không có nhiều thời gian chuẩn bị và “nút thắt cổ chai” nằm trong lĩnh vực sự vận hành hiệu quả của hệ thống ngân hàng hiện đang đối mặt với hàng loạt vấn đề như nợ xấu và sở hữu chéo. Hệ thống ngân hàng không mạnh, không hỗ trợ hệ thống DN được. Mặt khác trong lĩnh vực dệt may chúng ta buộc phải sử dụng mọi nguyên vật liệu trong nội khối và như vậy, với thực trạng ngành dệt may của chúng ta sẽ phải đối mặt với sự cải tổ chuỗi giá trị toàn diện khi mà có tới 98% các yếu tố nguyên nhiên liệu đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu (chủ yếu là từ Trung Quốc). Một yếu tố khác là trình độ của đội ngũ lao động khi mà đã có những đánh giá quan ngại rằng đội ngũ lao động của chúng ta đã tiến tới điểm tới hạn…giá nhân công của Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các Doanh nghiệp.
Điểm nhạy cảm của Hiệp đinh đã được đề cập tới vai trò của hệ thống DNNN, trong thực tế có thể chúng ta sẽ gặp hiện tượng “đối xử ngược” hoặc phân biệt đối xử khi các DNNN vừa mang trọng trách cạnh tranh vừa có vai trò điều tiết nền kinh tế cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội. Chúng ta buộc sẽ phải định nghĩa rõ ràng hơn về DNNN hoặc DNNN công ích. Mặt khác cần làm rõ lĩnh vực kinh doanh nào của DNNN là kinh doanh thuần tuý còn lĩnh vực nào phục vụ nhiệm vụ mục tiêu an sinh – xã hội (có vẻ khái niệm này sẽ còn gây ra tranh cãi mặc dù chúng ta đã chứng minh được thực tế sinh động ở Việt Nam là như vậy). Vấn đề này sẽ liên quan đến cải cách thể chế cũng như vấn đề liên quan đến mua sắm, chi tiêu công. Theo quan điểm của các nước hoạt động mua sắm của Chính phủ phải thực sự minh bạch. Như vậy về cơ bản, đấu thầu luôn là một hình thức chủ đạo trong mọi hoạt động mua sắm công của chính phủ, các hành động chỉ định thầu hay đấu thầu chọn lọc cỏ vẻ không có nhiều cơ hội tồn tại. Chắc chắn nhiều DN Việt Nam đang sống bám vào các hoạt động cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho Chính phủ sẽ phải xem lại mô hình kinh doanh của mình.
Lĩnh vực bảo hộ và sở hữu trí tuệ không có nhiều thay đối nếu không có câu chuyện liên quan đến bản quyền sản xuất thuốc chữa bệnh. Chúng ta cũng biết rằng Hoa Kỳ luôn có thế mạnh trong vấn đề này và vòng đời của bản quyền thuốc thường là rất dài đủ để các doanh nghiệp dược phẩm của họ phát triển các loại thuốc đặc trị và thu hồi vốn đầu tư bỏ ra ban đầu trong khi các doanh nghiệp Dược phẩm của chúng ta chưa quen với khái niệm “vòng đời sản phẩm” và “bản quyền chế tác”. Nhiều loại thuốc chúng ta đã sản xuất có nguy cơ bị “đụng hàng bản quyền” và các doanh nghiệp dược hãy chuẩn bị sẵn cho các vụ kiện như thế này.
Cuối cùng phải nghiên cứu và xem xét đến một khía cạnh khác nữa đó là “những người đi tàu không phải mua vé”. Các biện pháp chống lại các nước không nằm trong TPP mà có thể hưởng lợi từ TPP cũng sẽ là vấn đề mà các nước trong hiệp định xem xét.
Các Doanh nhân Việt rõ ràng có nhiều yếu thế trong bản lĩnh hội nhập khu vực và toàn cầu, tuy nhiên thực tế đã chứng minh các Doanh nhân Việt rất nhanh nhạy trong việc “learning by doing” và nhiều Doanh nhân đã được đào tạo một cách bài bản để chuẩn bị sẵn sàng cho những cuộc chơi toàn cầu kiểu này. “Không nhảy xuống nước sao biết bơi?” là khẩu hiệu hành động của thế hệ Doanh nhân trẻ Việt Nam. TPP sẽ cho họ thêm nhiều bài học quý giá.
Hà Nội ngày "rảnh việc"
Admin gửi hôm Thứ Hai, 07/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131007/tran-viet-dung-tu-nhien-lai-nghi-ve-tpp
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001