Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Xích Tử - Bi kịch trăm năm

Xích Tử - Bi kịch trăm năm 



Xích Tử
Hồi nhỏ tôi được biết ông qua những trang sách giáo khoa lịch sử ở miền nam Việt Nam Cộng Hòa. Hình ảnh ông ghi vào tâm trí tôi thời trẻ đó như một người hùng “trượng phu sinh bất năng phi can chiết hạm, vị thế phù cương thường”, một trí thức đa tài, sản phẩm của giai đoạn chín muồi giáo dục của giáo dục Pháp thuộc, Âu hóa.
Ông góp phần tạo nên tôi, cùng với những hình ảnh người hùng, nhà cách mạng của Tự lực văn đàn, của những tâm hồn lãng mạn thơ mới, của nhạc thơ tiền chiến, của những người Du kích sông Thao, của Hồng Hà và cuộc kháng chiến chín năn như huyền thoại dân tộc. Nhờ vậy, trong một phần tâm hồn của những đứa học sinh Mỹ Ngụy chúng tôi là thao thiết lòng yêu đất nước, dân tộc, nỗi buồn chia cắt hai miền, mơ ước về ngày thống nhất và nỗi nhớ miền đất gốc của dân tộc ở phía bắc, nơi có “xứ Đoài mây trắng lắm”. Một số anh em chúng tôi bỏ sự nghiệp đèn sách phục vụ cho xứ phồn hoa giả tạo để ra bưng lên rừng cầm súng cũng mang theo hình ảnh của ông.
Rồi sau này, đất nước hòa bình thống nhất, suốt mấy chục năm trăn trở cùng những xoay vần chính trị, tôi thấy đời ông là cả một bi kịch, như bi kịch đã kéo dài qua 2 thế kỷ của đất nước này. Ông sống 103 tuổi, gánh trên vai cá nhân ông những việc ông trực tiếp làm ra và cả những sự kiện, những giai đoạn, những vấn đề lịch sử mà ông đã góp phần tạo nên. Ở đó có cả sự huy hoàng, cả sự nhục nhã, vô số thị phi.
Những năm cuối đời, ông nằm điều trị theo chỉ định của tổ chức suốt 4 năm. 4 năm của một cuộc sống thực vật nhưng vẫn bị bảo vệ nghiêm cẩn vòng trong vòng ngoài. Cơ thể bệnh tật của ông vẫn được dùng cho việc tuyên truyền của đảng, làm bùa chú cho những tiếng nói ngược dòng nhằm chữa bệnh cho đất nước, và cả để bảo vệ quyền lợi cho con cháu của ông.
Tôi cảm động vô cùng vì nghe trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông có kể rằng nhiều đêm ông nghe tiếng kêu khóc của những đồng đội hy sinh, những người đã ngã xuống cánh đồng Điện Biên để thí nghiệm chiến thuật biển người đợt I, với cả những trung đoàn bị xóa sạch chỉ sau vài giờ chiến đấu.
Gần đây, lại thấy trên mạng đăng lại câu trả lời của ông với một nhà báo nước ngoài rằng nếu không có chiến tranh, chắc ông vẫn là một nhà giáo. Cái mệnh đề “nếu… thì” đó nói hết bi kịch trăm năm của dân tộc. “Rồi đây, khi mùa dứt chiến chinh, gió dâng khúc đàn thanh bình…”.
Và rồi hôm nay “chính thức” thấy báo tin ông qua đời. Trang mạng của Bộ chủ quản ngành thông tin vừa đăng tin đó, lại vừa có những bài khác như “Ngán ngẫm những chiêu khoe vòng một của mỹ nhân Việt”, “Biểu tình khỏa thân vì bị cấm mặc váy ngắn”…
Điều đó có thể an ủi cho ông vì ông ra đi, bi kịch vẫn còn, đất nước vẫn tiếp tục “đổi mới” những cái cũ do ông tạo ra, bằng những bài báo như vậy để phủ mờ lên đất nước vào cuộc suy vi không tránh được.
Xin vĩnh biệt ông, Đại tướng.
Xích Tử
Khách gửi hôm Thứ Bảy, 05/10/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131005/xich-tu-bi-kich-tram-nam
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001