HÀ Tường Cát - Vì sao Trung Quốc phải sửa đổi chính sách Gia Đình Một Con
at 11/28/2013 01:14:00 PM
HÀ Tường Cát, NGƯỜI VIỆT -
Tuần trước,
Chủ Tịch Tập Cận Bình đã ký ban hành quyết định của Đại Hội Trung Ương
Đảng Cộng Sản Trung Quốc kỳ 3 khóa 18 vừa mới họp từ ngày 9 đến 12 tháng
11, điều chỉnh luật Gia Đình Một Con được áp dụng từ hơn ba thập kỷ
trước.
Hình vẽ
tuyên truyền trên tường một ngôi làng ở tỉnh Quảng Đông, với hàng chữ:
“Duyệt lại chính sách Kế Hoạch Hóa Gia Đình để phát triển”, cổ vũ cho
biện pháp mà Đảng Cộng Sản vừa đề ra sau Đại Hội 3 khóa 18. (Hình: Peter
Parks/AFP/Getty Images)
Theo quy
định sửa đổi, nếu những cặp vợ chồng trong đó bố hoặc mẹ là con một, thì
họ có thể sinh hai con. Trước kia nếu cả hai người, bố và mẹ đều là con
một, thì mới được phép có đứa con thứ nhì.
Tờ
International Business Times số ra hôm Thứ Ba, nói rằng với quy định sửa
đổi này, mỗi năm Trung Quốc sẽ có thêm từ 2 đến 3 triệu trẻ sơ sinh và
tình trạng ấy sẽ phù hợp cho sự chuyển hướng nền kinh tế nhắm tới việc
phát triển thị trường tiêu thụ quốc nội. Tờ báo dẫn tài liệu trong một
thăm dò của Viện Khoa Học Xã Hội Thượng Hải, cho biết để nuôi một đứa
trẻ từ nhỏ cho tới khi vào đại học phí tổn tính một cách khiêm nhượng là
480,000 nhân dân tệ (79,000 US dollars). Như thế nếu Trung Quốc có thêm
10 triệu đứa trẻ trong vòng 5 năm tới, chi phí để nuôi dạy chúng sẽ tốn
ít nhất là $790 tỷ.
Nhiều công
ty Trung Quốc sẽ được thụ hưởng lợi tức này. Trước hết là các công ty
sản xuất tã lót. Sau đó, thêm một đứa trẻ có nghĩa là gia đình cần chiếc
xe lớn hơn và căn nhà rộng hơn, cùng với rất nhiều những nhu cầu tiêu
thụ khác.
Tuy nhiên
bên cạnh một lợi ích về kinh tế ấy, chính sách Gia Đình Một Con, như cũ
hay được điều chỉnh, còn rất nhiều vấn đề phức tạp khác.
Hạn chế gia tăng dân số
Tạp chí
Population and Development Review của hội đồng dân số thành phố New
York, nhận định rằng chính sách Gia Đình Một Con là một sai lầm thứ ba
của đảng Cộng Sản Trung Quốc từ khi chiếm được chính quyền trên toàn lục
địa năm 1949. Sai lầm thứ nhất là Bước Tiến Nhảy Vọt theo chủ trương
của Mao Trạch Đông, với ảo tưởng nhanh chóng biến Trung Quốc thành một
nước kỹ nghệ hóa phát triển, kết quả là tình trạng thiếu lương thực và
nạn đói năm 1959-1961. Sai lầm thứ nhì là cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa
1966-1976 đưa tới đảo lộn trật tự và xáo trộn xã hội suốt một thập niên
cùng với những tranh đấu thanh trừng dẫm máu trong nội bộ Đảng.
Nhưng nếu
hai sai lầm ấy có thể được chấn chỉnh trong một thời gian tương đối ngắn
sau đó, thì hậu quả của chính sách Gia Đình Một Con sẽ gây nên nhiều
khủng hoảng lâu dài qua nhiều thế hệ. Được đề xuất năm 1979 với mục tiêu
hạn chế sự tăng trưởng dân số quá mau chóng, chính sách này tỏ ra có
hiệu quả trong một giai đoạn. Năm 1964, dân số Trung Quốc là 695 triệu,
năm 1982 lên tới 1,008 triệu. Hai mươi năm sau, tới năm 2000 chỉ thêm
260 triệu và 10 năm kế tiếp, tới 2010, thêm 75 triệu. Chính sách được
gọi bằng tên chính thức là Kế Hoạch Hóa Gia Đình đã giúp kiểm soát được
sự gia tăng dân số quá mau gây nên nhiều vấn đề khó khăn. Đây cũng chính
là giai đoạn đổi mới đất nước và nhờ đó Trung Quốc đã tiến lên vị trí
cường quốc kinh tế.
Chính sách
Gia Đình Một Con được thực hiện chặt chẽ với cư dân các thành phố, còn ở
nông thôn do nhu cầu nhân công nông nghiệp, mỗi gia đình được có hai
con nếu đứa đầu tiên là con gái hay tàn phế. Biện pháp này có những sửa
đổi dần dần như cho phép nếu bố mẹ đều là con một thì được có hai đứa
con, và chính sách này cũng không áp dụng đối với các sắc dân thiểu số,
các đặc khu hành chánh như Hong Kong, Macau.
Ước lượng từ
1980 đến nay, chính quyền các cấp ở Trung Quốc đã thu khoảng 330 tỷ
tiền phạt về những trường hợp vi phạm quy định, gia đình có hơn một
người con. Khoản tiền phạt này khác nhau tùy theo từng địa phương và
đồng thời cũng bị lạm dụng không ít bởi các viên chức tham nhũng các
cấp.
Thiếu nhân công
Nến kinh tế
Trung Quốc đã tăng trưởng vượt bậc trong ba thập kỷ vừa qua với nguyên
nhân chính là đã sử dụng được một lực lượng lao động đông đảo và giá rẻ
hơn tất cả mọi nước trên thế giới. Nhưng với chính sách hạn chế tăng gia
dân số, không bao lâu nữa số lao động hiện nay tới tuổi già và thế hệ
công nhân thay thế không nhiều để bù vào khoảng trống. Tình trạng lao
động khan hiếm dần và đồng thời với sự phát triển kinh tế, cải thiện
sinh hoạt, đòi hỏi về lương bổng cũng gia tăng, nền kinh tế Trung Quốc
sẽ không còn có lợi thế như trong thời gian qua nữa và sức cạnh tranh
của sản phẩm Trung Quốc trên thị trường thế giới sẽ giảm đi.
Tạp chí Time
dẫn trường hợp của Wang Kinshi, giám đốc một hãng giầy ở thành phố
Foshan miền Hoa Nam. Theo ông này, chu trình kinh tế đang gẫy đổ vì
không thể tìm đủ công nhân mặc dầu tiền lương của họ bây giờ cao 35% hơn
5 năm trước. Đó là chưa kể công nhân chỉ làm việc ít tháng rồi bỏ đi
tìm những công việc khác các chủ nhân hứa hẹn trả lương cao hơn.
Quá ít lao động trẻ
Với tình trạng dân số như hiện nay, tới năm 2050 khoảng 450 triệu người nghĩa là 1/3 dân Trung Quốc sẽ ở tuổi trên 60.
Năm ngoái
trên toàn quốc có 13,600 trường tiểu học phải đóng cửa vì không còn đủ
học sinh. Hơn nữa những người xuất thân từ các thành phố luôn luôn có
trình độ và khả năng chuyên môn cao hơn là dân chúng vùng nông thôn,
điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới các ngành công nghệ và kỹ thuật cao khiến
cho Trung Quốc khó giữ được mức cạnh tranh với các quốc gia tiên tiến.
Trung Quốc
vẫn còn có truyền thống văn hóa phụng dưỡng người già và gần đây nhà cầm
quyền Trung Quốc đã ban hành quy định đòi hỏi dân chúng thi hành trách
nhiệm ấy. Nhưng để làm được điều ấy trong điều kiện phải làm việc ở xa,
thu nhập của công nhân Trung Quốc bắt buộc phải được gia tăng và nhu cầu
này sẽ gây khó khăn cho công kỹ nghệ sản xuất cũng như có thể gây ra
nhiều bất ổn trong sinh hoạt xã hội.
Theo một
hiện tượng được gọi là 4-2-1, một người dân lao động còn đang làm việc
phải trách nhiệm lo cho 6 người thân khác gồm bố mẹ và ông bà nội ngoại,
hàng trăm triệu dân Trung Quốc trẻ sẽ rất khó khăn khi phải rời bỏ nông
thôn nơi những người kia sinh sống để kiếm việc làm ở những thành phố
xa xôi.
Phản tự nhiên
Cuối cùng
thì người ta nhận ra rằng chính sách Gia Đình Một Con của đảng Cộng Sản
Trung Quốc là một đường lối phản tự nhiên và tất yếu sẽ đưa tới rất
nhiều vấn đề rắc rối trên tất cả mọi bình diện văn hóa, xã hội, kinh tế
trong sinh hoạt của người dân.
Như nhận
định của giáo sư Mu Guangzong, chuyên gia về dân số ở trường đại học Bắc
Kinh: “Những người hoạch định chính sách chưa bao giờ mường tượng nổi
những vấn đề mà ngày nay chúng ta phải đương đầu. Kiến thức của họ về
ngành nhân khẩu học quá nông cạn. Bây giờ xã hội phải trả giá đắt cho sự
dốt nát của họ”.
Sau một thời
gian thực hiện, khởi đầu bằng những quan niệm quá đơn giản, Đảng Cộng
Sản Trung Quốc đến nay đã dần dần nhận ra những sai lầm với hậu quả nặng
nề cho tương lai. Biện pháp điều chỉnh mới đây thật ra chưa phải là
giải đáp cuối cùng. Tuy vậy giáo sư khoa nhân khẩu Lu Jiehua trường đại
học Bắc Kinh cho rằng “Rất khó để cho những nhà lãnh đạo dám đi ngược
lại với sự thông thái tồn tại từ nhiều thập kỷ, nhất là chính sách này
đã được đưa ra bởi Đặng Tiểu Bình”.
Còn Gua
Baochang, một chuyên gia nhân khẩu học khác ở trường Đại Học Nhân Dân
Bắc Kinh, phê bình thẳng vào biện pháp sửa đổi của Tập Cận Bình: “Chúng
ta không cần sự điều chỉnh trong chính sách Kế Hoạch Hóa Gia Dình. Cái
mà chúng ta cần phải làm là hủy bỏ toàn bộ hệ thống này”. (HC)
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/11/ha-tuong-cat-vi-sao-trung-quoc-phai-sua.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001