Hiến pháp nào vì con người và vì nhân dân?
1. Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1956
Lời mở đầu
Tin tưởng ở tương lai huy hoàng bất diệt của Quốc gia và Dân tộc Việt
Nam mà lịch sử tranh đấu oai hùng của tổ tiên và ý chí quật cường của
toàn dân đảm bảo;
Tin tưởng ở sự trường tồn của nền văn minh Việt Nam, căn cứ trên nền tảng duy linh mà toàn dân đều có nhiệm vụ phát huy;
Tin tưởng ở giá trị siêu việt của con người mà sự phát triển tự do, điều
hòa và đầy đủ trong cương vị cá nhân cũng như trong đời sống tập thể
phải là mục đích của mọi hoạt động Quốc gia;
Chúng tôi, Dân biểu Quốc hội Lập hiến:
Ý thức rằng Hiến pháp phải thực hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà Mâu đến Ải Nam Quan;
Nguyện vọng ấy là:
Củng cố Độc lập chống mọi hình thức xâm lăng thống trị;
Bảo vệ tự do cho mỗi người và cho dân tộc;
Xây dựng dân chủ về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cho toàn dân trong sự tôn trọng nhân vị;
Ý thức rằng quyền hưởng tự do chỉ được bảo toàn khi năng lực phục tùng
lý trí và đạo đức, khi nền an ninh tập thể được bảo vệ và những quyền
chính đáng của con người được tôn trọng;
Ý thức rằng nước ta ở trên con đường giao thông và di dân quốc tế, dân
tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ
mạng trước đấng Tạo hóa và trước nhân loại là xây dựng một nền văn minh
và nhân bản bảo vệ phát triển con người toàn diện.
Sau khi thảo luận, chấp nhận bản Hiến pháp sau đây:
2. Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967
Lời mở đầu
Tin tưởng rằng lòng ái quốc, chí quật cường, truyền thống đấu tranh của dân tộc bảo đảm tương lai huy hoàng của đất nước.
Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân chia, độc
tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp
nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết
lập một chánh thể Cộng Hòa của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đích đoàn
kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, bảo đảm Độc Lập Tự Do Dân Chủ trong
công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.
Chúng tôi một trăm mười bảy (117) Dân Biểu Quốc Hội Lập Hiến đại diện
nhân dân Việt Nam, sau khi thảo luận, chấp thuận Bản Hiến Pháp sau đây:
3. Hiến Pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Sửa đổi) 2013
Lời nói đầu
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng
tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền
thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng
nên nền văn hiến Việt Nam.
Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam do
Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Nhân dân ta tiến
hành cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do
của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Cách mạng tháng Tám thành công,
ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập,
khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam. Bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, được sự giúp
đỡ của bạn bè trên thế giới, Nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại
trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ
Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý
nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa
xã hội.
Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp
năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và
bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh.
Nguồn: Wikisource, WikipediA và báo Người Lao Động
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.fr/2013/11/hien-phap-nao-vi-con-nguoi-va-vi-nhan.html#.UprWVSeAWRA
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001