Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

VN xây chùa Khmer ở HN vì tôn trọng tự do tín ngưỡng?

VN xây chùa Khmer ở HN vì tôn trọng tự do tín ngưỡng? 


Quốc Việt, thông tín viên RFA
2013-11-30
img_8748-305.jpg
Ngôi chùa Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Courtesy cinet.gov.vn
 Chính phủ Việt Nam vừa làm lễ khánh thành một ngôi chùa Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, nơi mà chẳng có đồng bào Khmer sinh sống. Người dân và sư sãi Khmer ở miền Nam cho rằng chính phủ Việt Nam đã và đang lợi dụng nền văn hóa thiêng liêng của họ để kiếm thêm thu nhập từ làng văn hóa này.

Che giấu sự thật

Sau gần 4 năm khởi công, Việt Nam có một ngôi chùa Khmer thứ 454 của cả nước, lần đầu tiên xây dựng tại Hà Nội. Ngôi chùa này được xây dựng trong khuôn viên Làng văn hóa tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội, với mô hình là bản sao của chùa Khleang, tỉnh Sóc Trăng, trong một khu đất rộng khoảng 0,8ha.
Quần thể ngôi chùa mới, bao gồm chính điện, tháp góc, sa la, vườn tháp, nhà thiêu, nhà để ghe ngo, nhà thuyền, am thờ, ao sen, cổng tam quan và 02 nhà ở Khmer truyền thống. Hình ảnh, hoa văn, đường nét, màu sắc, chất liệu… được các nghệ nhân, thợ thủ công thực hiện rất giống mẫu truyền thống chùa Khmer.
Đáp ứng nguyện vọng đồng bào ta trong cả nước và bạn bè quốc tế. Làng VHDL các dân tộc VN là ngôi nhà chung của các cộng động dân tộc VN, đáp ứng các nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào cả nước.
-Ô. Lâm Văn Khang
Giới phật tử và sư sãi Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long cho rằng quần thể chùa Khmer nói trên sẽ giúp cho thế giới biết đến bản sắc văn hóa của cộng đồng Khmer Krom ở Việt Nam, đồng thời sẽ giúp cho Nhà nước kiếm thêm thu nhập từ làng văn hóa nói trên.
Nhưng họ nói rằng chính phủ Việt Nam sẽ lấy chùa này làm lá bài để che giấu sự thật khi Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo. Việt Nam có thể lấy chùa này phục vụ cho mục đích chính trị khác mà họ không thể lường trước được và nó có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích của người Khmer ở Việt Nam nói riêng và người Khmer trên toàn thế giới nói chung.
Đại đức Danh Sa, từ tỉnh Kiên Giang phát biểu: “Sợ nhất là xây chùa mà nơi đó không có dân tộc Khmer. Thứ hai, nét văn hóa, truyền thống của dân tộc Khmer được người ta đem đi trưng bài để thu lợi nhuận. Không gì khác họ bán nét văn hóa của người Khmer. Ngoài ra, khách thập phương quốc tế đến Việt Nam đòi hỏi thăm chùa Khmer, nên chính phủ phải trưng bài. Cuối cùng chính phủ là người thu lợi nhuận. Nếu thật sự là chùa, thì phải có các vị sư và người Khmer sống và tu hành ở đó.”
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam gồm các khu làng dân tộc, khu di sản văn hóa thế giới, khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí, khu công viên bến thuyền, khu dịch vụ, du lịch tổng hợp, khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, và khu quản lý điều hành văn phòng được xây trên tổng diện tích 1.544 ha.

Tôn trọng tự do tín ngưỡng?

Ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam phát biểu với RFA rằng công trình vừa thể hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, vừa thể hiện chính sách tôn trọng tự do, tín ngưỡng tôn giáo của Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa của Phật giáo Khmer.

plu_8898-250.jpg
Bên trong Ngôi chùa Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội hôm khánh thành 23/11/2013. Courtesy cinet.gov.vn

Ông Lâm Văn Khang: “Đáp ứng nguyện vọng đồng bào ta trong cả nước và bạn bè quốc tế. Làng VHDL các dân tộc Việt Nam là ngôi nhà chung của các cộng động dân tộc Việt Nam, đáp ứng các nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào cả nước. Cho nên không chỉ đáp ứng nhu cầu du lịch, mà trước hết là đáp ứng đến nhu cầu tôn giáo và tín ngưỡng của đồng bào ta trong và ngoài nước.

Đường lối của Đảng và Nhà nước là tôn trọng tín ngưỡng. Tự do tín ngưỡng tôn giáo là tuân chỉ, và đang  đưa trở thành nguyên tắc.”

Mặc dù, chính phủ coi tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam là tuân chỉ, là nguyên tắc cần phải thực hiện nhưng thực tế nền văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ, bản sắc, tôn giáo và tín ngưỡng của các dân tộc ở Việt Nam đang dần bị xói mòn.
Các hoạt động tôn giáo, phong tục tập quán, nếp sống, sắc phục, quan hệ xã hội, lịch sử, giáo dục, quyền tự do phát biểu, quyền tự do thông tin, quyền tự do mở trường để trao truyền giá trị văn hóa, quyền hội họp theo truyền thống văn hóa và những nếp sống riêng biệt của các dân tộc thiểu số đều bị áp đặt theo một nếp sống và văn hóa ngoài ý muốn.
Anh Sơn Vichet, người dân Cà Mau nhận xét: “Cái chùa đặt trong làng văn hóa, thật ra chỉ là mô hình, đại loại là đồ chơi chứ không gì tôn nghiêm là chùa của người Khmer. Thứ hai, chùa đó không mang lợi ích gì cho người Khmer vì ở HN không có người Khmer sinh sống. Trong khi đó, các chùa ở Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, nhiều ngôi chùa mà chính điện bị hư hỏng nặng nề mà không có ai giúp xây dựng.
Tôi thấy chùa ở HN chỉ là hình thức. Chùa là cái vô hồn, xây để làm gì khi không cho phép hoạt động tôn giáo. Ví dụ, người ta đi tu thì phải viết đơn, chính quyền xét thấy được mới cho đi tu, còn không thì không cho phép đi tu. Nó trái với truyền thống lâu nay rồi. Tại sao phải làm cái vô tri vô giác cho nó lớn, còn cái gốc của nền văn hóa không được quan tâm? Trái lại còn cản cấm. Làm như vậy không ý nghĩa…”

Xây chùa ở HN chỉ để cho quốc tế thấy Việt Nam quan tâm đến dân tộc thiểu số, đây không phải là tấm lòng thật.
-Đại đức Thạch Soriya
Trong khi đó, ông Trần Văn Thông, Tham tán phụ trách chính trị, đối ngoại và là người phát ngôn của Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh giải thích: “Việc xây dựng ngôi chùa Khmer Nam Bộ trong khu Làng văn hóa các dân tộc VN nhằm thể hiện chính sách của Nhà nước VN đối với tất cả các dân tộc. VN tôn trọng tất cả quyền văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc trên lãnh thổ VN.

Còn việc trùng tu hay tu sửa các ngôi chùa bị xuống cấp hay bị hư hỏng không chỉ của Khmer Nam Bộ mà của các tôn giáo khác cũng được cho phép căn cứ vào các điều kiện cụ thể sửa chữa hay tu bộ nếu nơi sinh hoạt tôn giáo phù hợp với phong tục tập quán của luật pháp VN.

Vì là công dân VN, các hoạt động tín ngưỡng, kể cả việc đi tu cũng phải thực hiện theo luật pháp VN. Do đó, phải có đăng ký, phải có xin phép theo quản lý của Nhà nước.”
Bất kể chính phủ Việt Nam giải thích thế nào, Đại đức Thạch Soriya, từ tỉnh Trà Vinh khẳng định vốn được coi là biểu tượng của dân tộc và văn hóa Khmer, một ngôi chùa trong đời sống đồng bào Khmer phải là chốn tu hành của các nhà sư, nơi tổ chức các hoạt trao truyền văn hóa đến các thế hệ mai sau.
Sư Soriya nói các hoạt động mà chính phủ Việt Nam đang thực hiện trong tuần văn hóa các dân tộc Việt Nam tại HN chỉ là họat động che giấu phái đoàn Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa của Hội đồng Nhân quyền LHQ đang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 18-29/11.
Đại đức Thạch Soriya: “Xây chùa ở HN chỉ để cho quốc tế thấy Việt Nam quan tâm đến dân tộc thiểu số, đây không phải là tấm lòng thật. Tại Trà Vinh, nơi nào chính quyền quan tâm thì quan tâm, nhưng thấy chỗ nào người Khmer phát triển nhiều thì Nhà nước rất sợ. Họ thấy mình làm phát triển là họ không vui. Chính phủ không thích người Khmer biết giữ truyền thống, văn hóa dân tộc vì nó gắn liền với lịch sử. Khi cho biết lịch sử là chính phủ sai bảo không được.”

Được biết, quần thể chùa Khmer được lễ khánh thành, kiết giới sây ma vào sáng ngày 23/11 vừa qua. Đại đức Trần Văn Lương đã được bổ nhiệm làm trụ trì chùa Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Trong 9 tháng năm 2013, khu các làng dân tộc đã đón tiếp 612 đoàn khách, khoảng 32.500 lượt người. Con số này tăng gần gấp đôi so với năm 2012. Nếu so với một trung tâm văn hóa, du lịch đang trong giai đoạn hoàn thiện thì quả là một địa chỉ thành công phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch và nghiên cứu của nhân dân trong nước và du khách quốc tế.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/built-khmer-temple-in-hn-religious-respecting-qv-11302013112503.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001